THÔNG TIN VỀ BỆNH RUNG NHĨ MÀ BẠN CẦN BIẾT

Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim thường gặp, làm tăng gấp đôi nguy cơ tử vong và làm tăng nguy cơ đột quỵ gấp 5 lần. Việc phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm rung nhĩ có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe.


Rung nhĩ là một loại rối loạn nhịp tim thường gặp

1. Rung nhĩ là gì?

Rung nhĩ còn gọi là rung tâm nhĩ, tiếng Anh là Atrial Fibrillation, viết tắt AFib hay AF, là một loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất hiện nay. 

Thông thường, tim sẽ co bóp và giãn ra theo một nhịp ổn định, đều đặn. Khi một người bị rung nhĩ, tâm nhĩ (buồng trên của tim) co bóp thất thường, dẫn đến bất đồng bộ giữa tâm nhĩ và tâm thất (buồng dưới của tim) ảnh hưởng đến tuần hoàn máu. Rung nhĩ có thể xảy ra theo đợt hoặc kéo dài liên tục.

Rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc tắc mạch ngoại vi do hình thành huyết khối trong buồng nhĩ, và nguy cơ này có xu hướng tăng dần theo độ tuổi. Theo ước tính, rung nhĩ gây ra 15-20% các ca đột quỵ thiếu máu cục bộ (nhồi máu não).

Ngoài ra, rung nhĩ còn làm tăng gấp 3 lần nguy cơ suy tim và các biến chứng liên quan đến tim khác.

2. Các loại rung nhĩ

Các loại rung nhĩ được phân loại và định nghĩa như sau: 

- Rung nhĩ cơn: Cơn rung nhĩ kéo dài vài phát, vài giờ hoặc hàng ngày nhưng không kéo dài hơn 7 ngày kể từ khi xuất hiện. Sau đó, các cơn rung nhĩ có thể xuất hiện trở lại với tần suất khác nhau.

- Rung nhĩ bền bỉ: Các đợt rung nhĩ kéo dài liên tục hơn 7 ngày.

- Rung nhĩ dai dẳng: Rung nhĩ kéo dài trong hơn một năm.

- Rung nhĩ mạn tính: Là khi rung nhĩ không thể điều trị chuyển nhịp và/hoặc duy trì nhịp xoang. Việc xếp rung nhĩ vào loại rung nhĩ mạn tính sẽ làm thay đổi biện pháp điều trị.

- Rung nhĩ không do bệnh van tim: Là loại rung nhĩ xảy ra mà không có bệnh van tim.

Một số yếu tố có thể kích hoạt một cơn rung nhĩ ở người bị rung nhĩ là:

- Mệt mỏi

- Rượu bia

- Căng thẳng

- Lo lắng

- Caffeine

- Hút thuốc lá

- Bị bệnh

- Một số loại thuốc

- Tập thể dục

 
Rung nhĩ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây đột quỵ nhồi máu não

3. Các triệu chứng của rung nhĩ?

Một số người bị rung nhĩ có thể không biết mình bị bệnh, không được chẩn đoán vì không có bất kỳ triệu chứng nào, hoặc các triệu chứng kết thúc nhanh chóng. Những đối tượng này thường được phát hiện rung nhĩ trong bài kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khám sức khỏe vì một nguyên nhân khác.

Rung nhĩ làm nhịp tim tăng nhanh đáng kể (hơn 100 nhịp mỗi phút), đánh trống ngực, nhịp đập không đều và đây là triệu chứng rõ ràng nhất của rung nhĩ, thường có thể tự kiểm tra nhịp tim bằng cách kiểm tra mạch ở cổ hoặc cổ tay.

Các triệu chứng thường gặp khác của rung nhĩ là:

- Mệt mỏi

- Giảm khả năng gắng sức

- Cảm giác lâng lâng, choáng váng

- Tức ngực

- Khó thở

Cuồng nghĩ là một tình trạng ít phổ biến hơn rung nhĩ nhưng có các triệu chứng, nguyên nhân và biến chứng giống với rung nhĩ. Một số người có thể vừa bị rung nhĩ vừa bị cuồng nhĩ.

Nhịp tim bình thường của người từ 60-100 nhịp/phút. Nếu nhịp tim nhanh hơn, chậm hơn hoặc không đều thì bạn nên đến gặp bác sĩ.

4. Nguyên nhân nào gây ra rung nhĩ?

Nguyên nhân gây rung nhĩ chưa được hiểu đầy đủ. Song một số yếu tố nguy cơ đã được xác định là có thể thúc đẩy phát triển rung nhĩ, bao gồm:

- Tuổi tác: Nguy cơ mắc rung nhĩ tăng lên theo tuổi tác, phổ biến ở người trên 65 tuổi, đặc biệt là trên 80 tuổi. Rung nhĩ ít khi xảy ra ở người dưới 60 tuổi (chỉ khoảng 1%).

- Di truyền: Nguy cơ rung nhĩ tăng lên khi trong gia đình có người mắc bệnh này.

- Tăng huyết áp.

- Béo phì.

- Đái tháo đường.

- Suy tim..

- Bệnh mạch vành.

- Bệnh van tim.

- Bệnh cơ tim.

- Bệnh tim bẩm sinh.

- Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).

- Nhiễm trùng phổi.

- Hội chứng ngưng thở khi ngủ..

- Lạm dụng rượu bia/thuốc lá.

 
Người bị ngưng thở khi ngủ có nguy cơ bị rung nhĩ

Tuy nhiên, rung nhĩ vẫn có thể xảy ra ở những người dưới 60 tuổi, không có bệnh lý nào khác.

5. Cách chẩn đoán rung nhĩ

Cơn rung nhĩ có thể xuất hiện và biến mất theo từng đợt. Điều này có thể làm cho rung nhĩ khó được phát hiện. Tuy nhiên, rung nhĩ có thể được phát hiện nhờ phương pháp đơn giản là điện tâm đồ. Hoặc đôi khi là điện tâm đồ kéo dài (holter 24/48h) để phát hiện các cơn rung nhĩ không có triệu chứng.

Nếu một người có các triệu chứng nghi ngờ do rung nhĩ gây ra, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm sau:

- Điện tâm đồ để chẩn đoán xác định rung nhĩ.

- Siêu âm tim để đánh giá cấu trúc tim, chức năng tim, đo kích thước tâm nhĩ.

- Chụp X-quang ngực để đánh giá các trường hợp nghi ngờ bệnh phổi hoặc suy tim, nghi có giãn buồng tim.

- Xét nghiệm máu: CBC (công thức máu toàn bộ), điện giải đồ (ion đồ), đánh giá chức năng tuyến giáp (TSH, T3, T4), chức năng gan, chức năng thận…

- Đo đa ký giấc ngủ trong trường hợp bệnh nhân bị hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Một số xét nghiệm thăm dò chức năng và chẩn đoán hình ảnh khác có thể được thực hiện tùy vào từng trường hợp cụ thể.

6. Rung nhĩ được điều trị như thế nào?

Việc điều trị rung nhĩ sẽ được cá thể hóa trên từng bệnh nhân. Việc điều trị có thể bao gồm:

- Sử dụng thuốc kiểm soát nhịp tim, chống loạn nhịp.

- Sử dụng thuốc chống đông máu.

- Sốc điện chuyển nhịp.

- Phẫu thuật sửa van, bít hoặc cắt tiểu nhĩ trái (tiễu nhĩ trái là nguồn gốc chủ yếu hình thành huyết khối), triệt đốt rung nhĩ.

- Sử dụng van tim nhân tạo.

- Cấy máy tạo nhịp tim.

 
Người bị rung nhĩ cần sử dụng thuốc chống đông máu để phòng ngừa đột quỵ

7. Rung nhĩ có nguy hiểm không?

Bản thân cơn rung nhĩ không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng biến chứng do rung nhĩ là suy tim và đột quỵ có thể gây tử vong. Khi cục máu đông hình thành trong buồng nhĩ di chuyển đến động mạch cung cấp máu cho não, có thể dẫn đến đột quỵ.

Nguy cơ đột quỵ ở người mắc bệnh rung nhĩ chưa từng bị đột quỵ trước đó (kể cả cơn thiếu máu não thoáng qua – TIA) là 2-4%. Tỷ lệ này tăng dần theo yếu tố nguy cơ và độ tuổi. 

Tuy nhiên, với việc tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ ở những người bị rung nhĩ. Thay đổi lối sống bao gồm:

- Có chế độ ăn uống lành mạnh cho tim mạch.

- Tăng cường hoạt động thể chất.

- Giảm cân nếu thừa cân béo phì.

- Không hút thuốc lá.

- Uống rượu điều độ.

- Hạn chế caffeine.

- Kiểm soát căng thẳng.

- Kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết, lipid máu.

Việc phát hiện và điều trị rung nhĩ là rất quan trọng, nhằm ngăn ngừa các biến chứng của rung nhĩ và giúp người bệnh quay lại cuộc sống sinh hoạt bình thường.