TẤT CẢ THÔNG TIN BẠN CẦN BIẾT VỀ CHU KỲ KINH NGUYỆT

Chu kỳ kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý hoàn toàn bình thường ở phụ nữ, bắt đầu từ khi có kinh nguyệt và rất cần thiết cho sự sinh sản. Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt phản ánh nhiều vấn đề bao gồm tâm lý, thói quen lối sống và các bệnh lý có liên quan.

 
Mọi phụ nữ khỏe mạnh đều trải qua chu kỳ kinh nguyệt 

1. Chu kỳ kinh nguyệt là gì?

Chu kỳ kinh nguyệt là một loạt các thay đổi sinh lý diễn ra có chu kỳ trong hệ thống sinh sản nữ để chuẩn bị cho cơ thể phụ nữ mang thai.
Chu kỳ kinh nguyệt được điều chỉnh bởi nhiều loại hormone sinh sản khác nhau. Các hormone này được kiểm soát bởi vùng dưới đồi và tuyến yên. Bao gồm:

- Hormone giải phóng Gonadotropin (GnRH): Được giải phóng bởi vùng dưới đồi.

- Hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH): Do hormone GnRH kích thích tuyến yên sản xuất ra.

- Hormone estrogen, progesterone và nội tiết tố nam testosterone: Do buồng trứng tiết ra dưới sự kích thích của hormone FSH và LH.

2. Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt 

Chu kỳ kinh nguyệt điển hình diễn ra trong 28 ngày, qua 3 giai đoạn:

a. Giai đoạn nang trứng

Giai đoạn nang trứng bắt đầu từ ngày đầu tiên có kinh và kết thúc khi rụng trứng.

Bắt đầu giai đoạn này là lúc nồng độ estrogen và progesterone thấp nhất khiến niêm mạc tử cung vỡ và bong ra, tạo ra hiện tưởng chảy máu kinh nguyệt, thường kéo dài từ ngày 1 đến ngày 6. Đây là giai đoạn hành kinh. 

Đồng thời, vùng dưới đồi sản xuất hormone GnRh kích thích sản xuất FSH và LH. Hormone FSH tăng lên báo hiệu buồng trứng bắt đầu tạo ra nang trứng. Mỗi nang chứa một quả trứng. 

Nồng độ FSH tăng kích thích nang trứng phát triển và thường chỉ có một nang trứng phát triển đến trưởng thành (một số trường hợp có hơn một nang trứng trưởng thành). 

Từ ngày 7 đến ngày 13, nội mạc tử cung dày lên để chuẩn bị cho quá trình làm tổ của trứng.

 
Giai đoạn hành kinh là lúc bắt đầu một chu kỳ kinh nguyệt

b. Giai đoạn rụng trứng (phóng noãn)

Giai đoạn rụng trứng đánh dấu điểm giữa của chu kỳ kinh nguyệt, thường vào ngày 14.

Nồng độ hormone LH tăng cao, sự rụng trứng sẽ xảy ra trong khoảng 12-36 giờ sau đó. Nang trứng trưởng thành vỡ ra và giải phóng trứng vào ống dẫn trứng. 

Tinh trùng có thể sống trong tử cung đến 5 ngày. Do đó phụ nữ có nhiều khả năng mang thai nhất nếu quan hệ tình dục trong 3-5 ngày trước khi rụng trứng hoặc trong ngày rụng trứng. Trứng sau khi giải phóng có thể sống tới 24 giờ. 

c. Giai đoạn hoàng thể

Giai đoạn hoàng thể diễn ra từ ngày 15 đến ngày 28.

Nang trứng bị vỡ phát triển thành hoàng thể, sản xuất estrogen và progesterone. Hai hormone này kích thích niêm mạc tử cung dày lên, chuẩn bị cho quá trình thụ tinh và làm tổ của trứng. 

Nếu trứng được thụ tinh bởi tinh trùng, nó sẽ làm tổ trong tử cung và quá trình mang thai bắt đầu. 

Nếu quá trình thụ tinh không xảy ra, trứng sẽ vỡ ra, hoàng thể thoái hóa, nồng độ estrogen và progesterone giảm xuống. 

Cuối cùng, niêm mạc tử cung bong ra và rụng cùng với trứng không được thụ tinh gây chảy máu kinh nguyệt, một chu kỳ kinh nguyệt mới lại bắt đầu.

 
Một chu kỳ kinh nguyệt diễn ra trong 28 ngày

3. Đặc điểm của chu kỳ kinh nguyệt

Lần đầu có kinh nguyệt: Thường xảy ra ở độ tuổi 12-13, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến việc có kinh sớm hơn hoặc trễ hơn là thừa cân béo phì, môi trường, dinh dưỡng, di truyền.

Độ dài của chu kỳ kinh nguyệt: Một chu kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài 28 ngày, nhưng có thể lâu hơn hoặc sớm hơn. Phụ nữ có chu kỳ từ 21 đến 35 ngày được xem là bình thường. Trong những năm đầu có kinh và thời kỳ tiền mãn kinh thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ không đều.

Thời gian chảy máu kinh nguyệt: Hầu hết phụ nữ sẽ chảy máu kinh nguyệt từ 3-5 ngày, nhưng có thể là 2-7 ngày.

Triệu chứng trong khi hành kinh: Ít có phụ nữ nào không có triệu chứng gì khi hành kinh. Nhưng các triệu chứng này ở mỗi phụ nữ không giống nhau và mức độ cũng khác nhau. Nhìn chung, sự khó chịu khi hành kinh là không nặng nề và có thể chịu đựng được. Bao gồm:

- Căng tức ngực

- Đau lưng dưới

- Đau bụng

- Cảm thấy mệt mỏi

- Rối loạn tiêu hóa

- Thay đổi tâm trạng: dễ cáu gắt hoặc trở nên nhạy cảm hơn

- Mọc mụn trứng cá

Những giai đoạn phụ nữ không có kinh là bình thường: Trước tuổi dậy thì, đang mang thai & cho con bú, mãn kinh.

 
Phụ nữ bị đau bụng khi có kinh nguyệt

4. Rối loạn kinh nguyệt là gì?

Rối loạn kinh nguyệt là những vấn đề về thể chất hoặc tâm trạng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt bình thường của phụ nữ. Bao gồm triệu chứng kinh nguyệt nghiêm trọng, gây đau nhiều, chảy máu nhiều hoặc ít bất thường, không có kinh, chu kỳ kinh nguyệt ngắn, trễ hoặc không đều. 

Rối loạn kinh nguyệt là một trong những vấn đề phụ khoa phổ biến ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Rối loạn kinh nguyệt chỉ ra các vấn đề về nội tiết hoặc các bệnh lý phụ khoa khác.

5. Các rối loạn kinh nguyệt thường gặp và nguyên nhân

Kinh nguyệt bất thường bao gồm nhưng không giới hạn: vô kinh, chảy máu tử cung bất thường (rong kinh, rong huyết, thiểu kinh), đau bụng kinh nghiêm trọng.

a. Thống kinh

Đau bụng kinh là hiện tượng xảy ra khi tử cong co thắt để ép các mạch máu làm bong lớp niêm mạc tử cung. Rất nhiều phụ nữ bị đau bụng kinh nhưng cơn đau nhẹ và có thể chịu đựng được.

Thống kinh là đau bụng kinh nghiêm trọng trong khi hành kinh. Cơn đau lan ra cột sống, xuống hai đùi và toàn bộ bụng. Ngoài ra còn kèm theo đau đầu, căng vú, buồn nôn và thần kinh bất ổn định.

Thống kinh có thể xảy ra mà không có tổn thương thực sự nào. Nhưng nó cũng có thể cảnh báo các tình trạng: 

- Lạc nội mạc tử cung ở lớp cơ tử cung hoặc ở ngoài tử cung.

- U xơ tử cung.

- Tử cung đổ sau.

- Viêm dính tử cung.

- Sẹo chít hẹp lỗ cổ tử cung do thủ thuật trước đó.

- Polyp cổ tử cung.

 
Thống kinh gây ra các cơn đau bụng kinh nghiêm trọng

b. Rong kinh rong huyết

Rong kinh, rong huyết là tình trạng chảy máu bất thường từ niêm mạc tử cung. Trong đó, rong kinh là hiện tượng ra máu có chu kỳ, kéo dài trên 7 ngày. Còn rong huyết là hiện tượng ra máu không có chu kỳ, kéo dài trên 7 ngày.

Rong kinh, rong huyết được chia thành:

- Rong kinh, rong huyết tuổi trẻ, cơ bản là do rối loạn hoạt động của vùng dưới đồi.

- Rong kinh, rong huyết tiền mãn kinh do quá sản, niêm mạc tử cung teo hoặc niêm mạc tử cung không hoạt động.

- Cường kinh: Khi hành kinh ra máu nhiều hơn bình thường, kèm theo rong kinh. Phần lớn do tổn thương ở tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung, lạc nội mạc tử cung, tử cung kém phát triển.

- Rong kinh do chảy máu trước kinh: Thường do viêm niêm mạc tử cung, polyp tử cung hoặc do hoàng thể teo sớm dẫn đến estrogen và progesteron giảm nhanh.

- Rong kinh do chảy máu sau kinh: Do niêm mạc tử cung bong chậm hoặc tái tạo chậm, ít gặp hơn là do viêm niêm mạc tử cung, u xơ tử cung, polyp tử cung, u ác tính trong tử cung.

 
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra rong kinh

c. Vô kinh

Vô kinh là tình trạng không có kinh nguyệt liên tục tạm thời hoặc vĩnh viễn. 

Chu kỳ kinh nguyệt có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, nên đôi khi mất kinh nguyệt trong một chu kỳ thường không quá nghiêm trọng. Nhưng vô kinh kéo dài có thể là một dấu hiệu sớm của rối loạn nào đó trong cơ thể.

Vô kinh được chia thành:

- Vô kinh nguyên phát: Đến 15 tuổi vẫn chưa có kinh nguyệt.

- Vô kinh thứ phát: Những phụ nữ từng có kinh nguyệt, không có kinh nguyệt trong 3 chu kỳ hoặc từ 6 tháng trở lên.

Vô kinh nguyên phát xảy ra do rối loạn nội tiết của vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng hoặc cấu tạo giải phẫu bộ phân sinh dục bất thường.

Vô kinh thứ phát có thể do các nguyên nhân ảnh hưởng đến nồng độ hormone. Bao gồm:

- Rối loạn ăn uống

- Tập quá dục quá mức

- Căng thẳng quá mức

- Tăng hoặc giảm cân nhanh

- Sử dụng một số loại thuốc gây vô kinh

- Do rối loạn chức năng vùng dưới đồi

- U tuyến yên hay suy tuyến yên

- Suy buồng trứng sớm

- Khối u ở buồng trứng tiết androgen 

- Buồng trứng đa nang

- Dính buồng tử cung sau thủ thuật

- Các bệnh nội tiết khác: Hội chứng thượng thận – sinh dục, hội chứng Cushing, bệnh Addison, bệnh Basedow, bệnh đái tháo đường nặng.

 
Thay đổi cân nặng nhanh có thể gây vô kinh

d. Thiểu kinh, kinh nguyệt ít

Thiểu kinh đề cập đến tình trạng trong kỳ hành kinh, lượng máu kinh ra rất ít, kéo dài dưới 2 ngày. Các nguyên nhân có thể do:

- Sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết tố

- Thay đổi cân nặng đột ngột

- Dính lòng tử cung (hội chứng Asherman)

- Căng thẳng

- Suy buồng trứng sớm.

- Tiền mãn kinh

6. Các biến chứng của rối loạn kinh nguyệt

Tùy vào nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt mà nó có thể dẫn đến các biến chứng khác nhau, có thể nghiêm trọng hoặc không đáng kể.

- Rong kinh, rong huyết gây ra biến chứng chủ yếu là thiếu máu thiếu sắt, suy nhược cơ thể. Tình trạng thiếu máu nghiêm trọng nếu không điều trị có thể dẫn đến các vấn đề về tim.

- Vô kinh do các nguyên nhân làm giảm nồng độ estrogen sẽ dẫn đến mất mật độ xương. Theo thời gian gây ra loãng xương và làm tăng nguy cơ gãy xương do té ngã.

-Các tình trạng ảnh hưởng đến buồng trứng, u xơ tử cung hay lạc nội mạc tử cung làm tăng nguy cơ vô sinh. 

- Vô kinh cũng có thể gây vô sinh. Kinh nguyệt không đều do bất kỳ nguyên nhân gì cũng khiến phụ nữ khó thụ thai hơn.

- Đau bụng kinh nghiêm trọng và chảy máu kinh nhiều có thể gây suy giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến công việc, học tập và các hoạt động xã hội.

 
Đi khám phụ khoa khi bị rối loạn kinh nguyệt 

7. Điều trị rối loạn kinh nguyệt như thế nào?

Các tình trạng rối loạn kinh nguyệt có nguyên nhân cụ thể thì có thể giải quyết được triệt để nếu phát hiện và điều trị được nguyên nhân. 

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào loại rối loạn kinh nguyệt, nguyên nhân gây ra nó, tuổi tác, mong muốn có con và nguy cơ biến chứng. Mục tiêu của điều trị là điều trị nguyên nhân, tái lập chu kỳ kinh nguyệt bình thường ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hay chỉ là ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.

Điều trị nội khoa bao gồm sử dụng thuốc giảm đau, thuốc tránh thai và liệu pháp hormone. Điều trị phẫu thuật như nạo niêm mạc buồng tử cung, phẫu thuật tái tạo cơ quan sinh sản hoặc cân nhắc cắt bỏ tử cung. 

Nhìn chung, nếu phụ nữ gặp bất kỳ tình trạng rối loạn kinh nguyệt nào cũng nên đi khám để tìm hiểu nguyên nhân. Ngoài ra, sức khỏe sinh sản rất quan trọng, vì vậy chị em phụ nữ cũng nên khám sức khỏe phụ khoa định kỳ để tầm soát các bệnh lý phụ khoa khác.