PHƯƠNG PHÁP THĂM DÒ CHỨC NĂNG NGHE: ĐO NHĨ LƯỢNG LÀ GÌ?

Đo nhĩ lượng là phương pháp sử dụng máy đo trở kháng để đánh giá chức năng vòi nhĩ, màng nhĩ và xương con, giúp chẩn đoán một số bệnh lý tai giữa. Đo nhĩ lượng là xét nghiệm rất an toàn, nhanh chóng, hiệu quả và có tính ứng dụng cao tại khoa Tai Mũi Họng.

 
Đo nhĩ lượng là phương pháp thăm dò chức năng nghe khách quan

1. Đo nhĩ lượng là gì?

Đo nhĩ lượng là một xét nghiệm đáng tin cậy để kiểm tra chuyển động của màng nhĩ, từ đó giúp kết luận tình trạng của màng nhĩ, xương con, vòi nhĩ và một số bệnh lý tai giữa.

Khi âm thanh truyền đến tai, một phần sẽ truyền qua tai giữa vào tai trong, một phần sẽ bị màng nhĩ – xương con phản xạ trở lại. Đo nhĩ lượng sử dụng công cụ phát sóng âm thay đổi áp suất không khí bên trong tai, phản ứng của màng nhĩ với sự thay đổi áp suất này được thể hiện bằng một biểu đồ trên màn hình. 

2. Đo nhĩ lượng để làm gì?

Đo nhĩ lượng được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán các vấn đề về tai giữa có thể dẫn đến mất thính lực. Đây là xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán viêm tai giữa ứ dịch. 

Thông qua xét nghiệm, bác sĩ có thể kiểm tra các tình trạng:

- Dịch trong hòm tai.

- Hoạt động của màng nhĩ – xương con.

- Mức độ nghẹt, tắc vòi nhĩ (còn gọi là vòi tai, vòi Eustachian).

Đo nhĩ lượng có thể được đưa vào bài kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ để kiểm tra thính lực, giúp kịp thời phát hiện bất kỳ vấn đề nào với tai giữa.

Lưu ý: Đo nhĩ lượng thăm dò chức năng nghe, không phải là xét nghiệm để đánh giá khả năng nghe.

3. Làm cách nào để đo nhĩ lượng?

Trước khi đo nhĩ lượng, bác sĩ Tai mũi họng sẽ khám tai hoặc sử dụng ống soi để quan sát tình trạng tai. Đồng thời, kiểm tra xem có ráy tai hoặc vật lạ cản trở ống tai hay không. Sau đó sẽ tiến hành đo nhĩ lượng:

- Đưa đầu dò vào tai.

- Truyền sóng âm tạo ra áp suất không khí trong ống tai, áp suất thay đổi từ dương sang âm (từ +200 đến -400 daPa) làm màng nhĩ chuyển động. (Ghi chú: daPa là đơn vị đo áp suất không khí)

- Ghi lại sự chuyển động của màng nhĩ. 

Đây là xét nghiệm đơn giản, nhanh chóng và không đau. Máy đo gây áp lực trong tai, do đó bạn có thể cảm thấy khó chịu nhẹ, nhưng điều này không cần lo lắng.

Quá trình đo nhĩ lượng chỉ diễn ra trong vài phút. Điều duy nhất bạn cần làm là không cử động, nuốt hay nói trong quá trình đo nhĩ lượng để đảm bảo kết quả chính xác. Đối với trẻ em, cần có người nhà đi cùng, giải thích và trấn an trẻ để trẻ phối hợp với bác sĩ trong khi đo.

4. Kết quả đo nhĩ lượng có ý nghĩa gì?

 
Phân loại nhĩ lượng đồ

Đo nhĩ lượng có thể cung cấp các thông tin sau:

- ECV (Ear Canal Volume): Thể tích ống tai ngoài.

- MEP (Middle Ear Presure): Chỉ số áp lực tai giữa, giúp đánh giá bệnh lý tai giữa và chức năng vòi nhĩ.

- SC (Static Compliance): Độ thông thuận tại thời điểm MRP, giúp đánh giá độ di động của màng nhĩ và chuỗi xương con.

- TW (Tympanogram Width): Độ rộng của nhĩ đồ. 

- Grad (Gradient): Độ dốc của nhĩ đồ.

Từ sự thay đổi, tăng hoặc giảm của một hoặc một vài giá trị trên nhĩ lượng đồ sẽ gợi ý một số vấn đề, được phân loại theo Jerger là:

- Type A: Kết quả đo nhĩ lượng bình thường.

- Type B: Kết quả bất thường liên quan đến tai giữa ứ dịch hoặc lỗ thủng màng nhĩ.

- Type C: Kết quả bất thường liên quan đến bệnh lý tai giữa hoặc rối loạn chức năng vòi nhĩ.

- Type As: Kết quả bất thường liên quan đến xơ nhĩ hoặc xốp xơ tai.

- Lype Ad: Kết quả bất thường liên quan đến trật khớp xương tai giữa (lỏng hoặc gián đoạn chuỗi xương con).

Kết quả đo nhĩ lượng bình thường có thể kết luận màng nhĩ và các xương con chuyển động bình thường, không có dịch trong tai giữa.

Lưu ý: Đo nhĩ lượng là xét nghiệm kiểm tra các vấn đề về màng nhĩ, tai giữa và vòi nhĩ. Bên cạnh đo nhĩ lượng, có một số xét nghiệm khác để chẩn đoán các tình trạng về tai. Do đó, tùy trường hợp bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm bổ sung.