NHỮNG YẾU TỐ NGUY CƠ ĐỘT QUỴ CÓ THỂ KIỂM SOÁT, ĐIỀU TRỊ VÀ CẢI THIỆN

I.CÁC YẾU TỐ, NGUY CƠ CỦA ĐỘT QUỴ

Huyết áp cao, tiểu đường, cholesterol cao, béo phì, bệnh tim mạch và thói quen sinh hoạt không lành mạnh là những yếu tố nguy cơ của đột quỵ. Nhiều người có thể có nhiều hơn hai yếu tố nguy cơ. Việc kiểm soát, điều trị và cải thiện các yếu tố này có thể giảm nguy cơ đột quỵ.

 
Ngăn ngừa đột quỵ bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ

II. NHỮNG YẾU TỐ NGUY CƠ GÂY RA ĐỘT QUỴ CÓ THỂ KIỂM SOÁT, ĐIỀU TRỊ VÀ CẢI THIỆN

1. Huyết áp cao

Ở tình trạng huyết áp cao, áp lực dòng chảy của máu lên thành động mạch tăng cao trong thời gian dài có thể gây tổn thương tim, làm hỏng thành mạch máu và nhiều biến chứng nguy hiểm. Nó còn tạo điều kiện hình thành cục máu đông trong mạch máu não, là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ.

Theo JNC 8, ở người trên 60 tuổi không có bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận, khuyến nghị giảm huyết áp xuống dưới 150/90 mmHg. Ở người từ 18 – 59 tuổi không có bệnh đi kèm và người trên 60 tuổi mắc bệnh tiểu đường, bệnh thận mạn tính, khuyến nghị giảm huyết áp xuống dưới 140/90mmHg.

Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng có thể điều chỉnh được để phòng ngừa đột quỵ. Các biện pháp để kiểm soát chỉ số huyết áp bao gồm:

- Kiểm tra chỉ số huyết áp thường xuyên

- Duy trì cân nặng hợp lý, chỉ số BMI từ 18,5 – 22,9 kg/m2 đối với người châu Á

- Tập thể dục thường xuyên

- Có một chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ

- Giảm hoặc không sử dụng muối ăn

- Hạn chế uống rượu 

- Không hút thuốc lá

- Dùng thuốc hạ huyết áp để kiểm soát huyết áp cao theo liều lượng khuyến nghị của bác sĩ

2. Bệnh tiểu đường (đái tháo đường)

Sự hiện diện của bệnh tiểu đường có thể làm nguy cơ đột quỵ tăng lên 2-4 lần so với người khỏe mạnh. Người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ huyết áp cao, cholesterol cao và béo phì – cũng là những yếu tố nguy cơ của đột quỵ. 

Bệnh tim mạch phát triển sớm hơn khi có bệnh tiểu đường và để giảm nguy cơ này, ngoài kiểm soát tốt đường huyết, còn cần xác định và điều trị tích cực các yếu tố nguy cơ tim mạch, lipid máu và huyết áp.

Việc kiểm soát đường huyết rất quan trọng những người mắc bệnh tiểu đường, là cách hiệu quả để giảm nguy cơ đột quỵ. Các biện pháp để giảm tác động của bệnh tiểu đường đến sức khỏe là:

- Khám sức khỏe định kỳ

- Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên

- Duy trì cân nặng hợp lý, chỉ số BMI từ 18,5 – 22,9 kg/m2 đối với người châu Á

- Tập thể dục thường xuyên

- Có chế độ ăn ít chất béo, nhiều chất xơ

- Hạn chế thêm đường khi nấu ăn và không sử dụng các sản phẩm có đường bổ sung

- Không hút thuốc lá và sử dụng rượu bia

- Sử dụng thuốc kiểm soát đường huyết đúng theo hướng dẫn của bác sĩ

Đối với bệnh tiểu đường loại 2, lời khuyên đầu tiên là thay đổi chế độ ăn uống thích hợp, giảm cân và tăng cường hoạt động thể chất. Đối với bệnh tiểu đường loại 1, ngoài chế độ ăn uống và lối sống, cần kiểm soát đường huyết bằng liệu pháp insulin. Nếu các biện pháp này không đủ để giảm lượng đường trong máu, cần phải bổ sung thêm thuốc hạ đường huyết đường uống hoặc insulin vào phác đồ điều trị.

3. Rối loạn lipid máu

Cholesterol là một thành phần quan trọng của màng tế bào, có mặt ở tất cả các mô trong cơ thể, đóng vai trò trong nhiều quá trình sinh hóa. Tuy nhiên, một lượng lớn cholesterol trong máu có thể tích tụ và gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, có thể dẫn đến đột quỵ. 

Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa mức cholesterol toàn phần và lipoprotein LDL (cholesterol xấu) với nguy cơ đột quỵ. Nồng độ cholesterol HDL (cholesterol tốt) tăng cũng có liên quan với việc giảm nguy cơ đột quỵ ở cả nam giới và nữ giới, ở người cao tuổi và các nhóm dân tộc khác nhau. Bên cạnh đó, nồng độ triglyceride tăng cao là một trong những thành phần quan trọng của hội chứng chuyển hóa, một yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được của đột quỵ.

Những bệnh nhân có bệnh mạch vành và tăng huyết áp có nguy cơ cao, nên bắt đầu điều trị bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng thuốc hạ lipid máu. Các loại thuốc hạ lipid máu được dung nạp tốt về cơ bản có thể ngăn chặn sự tiến triển của xơ vữa động mạch, giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ.

Các biện pháp để giảm mức cholesterol trong máu bao gồm:

- Kiểm tra mức cholesterol bằng cách xét nghiệm máu định kỳ

- Có chế độ ăn giàu chất xơ 

- Kiêng các thực phẩm giàu chất béo bão hòa, đặc biệt là da và mỡ động vật

- Duy trì cân nặng hợp lý, chỉ số BMI từ 18,5 – 22,9 kg/m2 đối với người châu Á

- Tập thể dục thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần

- Hạn chế uống rượu

- Không hút thuốc lá

- Sử dụng thuốc hạ lipid máu theo thuốc kê đơn từ bác sĩ

4. Béo phì và hội chứng chuyển hóa

 
Chế độ ăn nhiều calo có thể gây béo phì

Thừa cân béo phì là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ và có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, tiểu đường và bệnh tim. Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra sự liên quan giữa tỷ lệ eo-hông, béo bụng và nguy cơ đột quỵ. 

Béo phì là một phần quan trọng của hội chứng chuyển hóa - một yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được của đột quỵ. Hội chứng chuyển hóa được định nghĩa là sự hiện diện của nhiều hơn ba trong các yếu tố sau:

- (1) Béo bụng được xác định bằng chu vi vòng eo lớn hơn 102 cm đối với nam giới và lớn hơn 88 cm đối với phụ nữ; 

- (2) Nồng độ chất béo trung tính (triglyceride) từ 150 mg/dL trở lên; 

- (3) Nồng độ cholesterol HDL dưới 40 mg/dL đối với nam giới và dưới 50 mg/dL đối với nữ giới; 

- (4) Chỉ số huyết áp từ 130/85 mmHg trở lên;

- (5) Chỉ số đường huyết lúc đói từ 110 mg/dL trở lên. 

Các thành phần riêng lẻ của hội chứng chuyển hóa đều có liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ, do đó cần được điều trị bằng cách thay đổi lối sống, có chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường vận động và sử dụng thuốc theo khuyến cáo của bác sĩ.

Giảm cân có lợi trong việc giảm các yếu tố nguy cơ, giảm huyết áp và nguy cơ bị hội chứng chuyển hóa, do đó có thể giảm nguy cơ đột quỵ. Trong một phân tích tổng hợp của 25 thử nghiệm lâm sàng, trung bình khi trọng lượng cơ thể giảm đi 5,1kg, huyết áp đã giảm từ 3,6 đến 4,4 mmHg.

Ngay cả khi kiểm soát cân nặng là một thách thức suốt đời, hãy bắt đầu bằng cách thực hiện các bước nhỏ ngay hôm nay để kiểm soát cân nặng và giảm thiểu rủi ro.

5. Rung tâm nhĩ

Rung tâm nhĩ (Afib), một dạng rối loạn nhịp tim, là một yếu tố nguy cơ quan trọng được ghi nhận đầy đủ của đột quỵ. Ngoài ra, nó có thể gây ra chứng ngưng thở khi ngủ - một tình trạng làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Rung tâm nhĩ có thể thể làm nguy cơ đột quỵ tăng lên 3-4 lần. Ở những người bị rung tâm nhĩ chưa từng đột quỵ, kể cả cơn thiếu máu thoáng qua (TIA) trước đó, nguy cơ bị đột quỵ là 2% - 4%. Tỷ lệ đột quỵ do rung tâm nhĩ tăng lên theo độ tuổi. Khoảng 1/4 số ca đột quỵ ở người cao tuổi trên 80 là do rung tâm nhĩ.

Đây là một yếu tố nguy cơ quan trọng của đột quỵ và nó có thể được điều trị thành công. Các liệu pháp chống đông máu và chống huyết khối làm giảm nguy cơ đột quỵ ở những người có nguy cơ cao và không có chống chỉ định điều trị này. 

6. Ngưng thở khi ngủ

 
Ngáy là một biểu hiện của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Rối loạn nhịp thở liên quan đến giấc ngủ hiện diện ở 3-7% những bệnh nhân tăng huyết áp, béo phì và mắc bệnh tim mạch. 

Trong đó, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) ngày càng được công nhận là một yếu tố nguy cơ quan trọng của đột quỵ. Nó là yếu tố ít được ghi nhận hơn và có thể điều trị được. 

OSA đặc trưng bởi sự gián đoạn lặp đi lặp lại của hơi thở trong khi ngủ. Những yếu tố rủi ro của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn bao gồm: tuổi tác, giới tính nam, béo phì, tiền sử gia đình, mãn kinh, các bất thường về sọ mặt và các thói quen sinh hoạt như hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia.

Ngáy có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ và làm tăng nguy cơ đột quỵ do làm trầm trọng thêm tình trạng tăng huyết áp và bệnh tim; giảm lưu lượng máu não và tự điều tiết; suy giảm chức năng nội mô; đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, tăng đông máu và viêm nhiễm.

Điều trị OSA bằng cách thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, các biện pháp thông khí và can thiệp phẫu thuật có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ.

Những người bị béo bụng, tăng huyết áp, ngủ ngáy và buồn ngủ quá mức vào ban ngày có nhiều khả năng bị OSA và nên đến chuyên khoa Hô hấp để được chẩn đoán bằng phương pháp Đo đa ký giấc ngủ.

7. Các bệnh tim mạch khác

Những người bị bệnh mạch vành hoặc suy tim có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn những người khỏe mạnh. Các loại tình trạng tim khác có thể góp phần vào nguy cơ đột quỵ bao gồm:

- Nhồi máu cơ tim

- Cơ tim giãn nở

- Bệnh van tim (ví dụ: sa van hai lá, viêm nội tâm mạc)

- Dị tật tim bẩm sinh (ví dụ: hở van tim, tâm nhĩ khiếm khuyết vách ngăn, chứng phình động mạch)

- Giảm phân suất tống máu EF (chỉ số dùng để đánh giá chức năng tâm thu thất trái)

Việc kiểm soát các bệnh lý về tim như quản lý nhồi máu cơ tim cấp, đau thắt ngực không ổn định và ổn định, bệnh van tim… có thể giúp kiểm soát nguy cơ đột quỵ.

8. Hẹp động mạch cảnh

Hẹp động mạch cảnh là yếu tố nguy cơ cao dẫn đến đột quỵ, vì động mạch cảnh nằm ở cổ, chịu trách nhiệm cung cấp máu lên não. Khi chất béo tích tụ tạo nên các mảng xơ vữa gây hẹp động mạch cảnh, nó có thể làm giảm lưu lượng máu lên não và dễ hình thành cục máu đông ngăn chặn dòng máu lên não, gây ra đột quỵ.

Hầu hết những người bị hẹp động mạch cảnh không có triệu chứng cho đến khi họ bị một cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ. Trong số những người trên 65 tuổi, có 5-10% bị hẹp động mạch cảnh 50%, 1% bị hẹp động mạch cảnh 80%.

Hẹp động mạch cảnh có thể được kiểm soát bằng thuốc và phẫu thuật thông tắc mạch. Tạo hình động mạch cảnh bằng cách đặt stent đã đưa vào áp dụng hơn 10 năm, chứng minh được hiệu quả trong việc ngăn chặn nguy cơ đột quỵ.

9. Khói thuốc lá

 
Khói thuốc lá là yếu tố nguy cơ của đột quỵ

Hút thuốc lá được công nhận là một yếu tố có thể điều chỉnh được của đột quỵ. Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy nguy cơ đột quỵ ở những người hút thuốc hiện tại cao hơn 2,5 lần so với những người không bao giờ hút thuốc. Cụ thể, nguy cơ tăng gấp 2,3 lần đối với những người hút từ 1 đến 19 điếu thuốc mỗi ngày và tăng 2,8 lần đối với những người hút trên 20 điếu.

Ngay cả những người không hút thuốc, nhưng thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cũng có nguy cơ đột quỵ gần bằng những người hút thuốc.

Một số hóa chất trong khói thuốc lá (như nicotine và carbon monoxide) đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, nó làm cho các động mạch co lại, khiến máu khó di chuyển hơn. Thuốc lá cũng làm tăng khả năng hình thành cục máu đông hơn vì hút thuốc làm đặc máu và làm cho các yếu tố đông máu, chẳng hạn như tiểu cầu, “dính” hơn nhiều.

Ngừng hút thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử và giảm thiểu tiếp xúc với khói thuốc lá từ môi trường xung quanh là biện pháp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả nhất. Khi ngừng hút thuốc sau 2 đến 5 năm, nguy cơ đột quỵ có thể giảm nhanh xuống gần bằng nguy cơ của người không bao giờ hút thuốc.

Việc cai nghiện thuốc lá cần thời gian và sự kiên trì. Một số cách để bỏ thuốc lá bao gồm:

- Liên hệ cơ sở y tế hoặc trung tâm cai nghiện để được giúp đỡ

- Sử dụng thuốc cai thuốc lá 

- Chuyển sự chú ý sang hoạt động khác

- Yêu cầu gia đình và bạn bè hỗ trợ

10. Chế độ ăn uống và dinh dưỡng

Chế độ ăn uống có thể làm tăng hoặc giảm nguy cơ đột quỵ. Trong đó, chế độ ăn giàu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol có thể làm tăng cholesterol trong máu. Thực phẩm nhiều muối (natri) và ít kali có thể làm tăng huyết áp. Hấp thu quá nhiều calo có thể dẫn đến béo phì. Ngược lại, một chế độ ăn uống giàu rau củ và trái cây có thể làm giảm huyết áp, giảm cholesterol, ngăn ngừa nguy cơ béo phì, từ đó làm giảm nguy cơ đột quỵ.

Tóm lại, một chế độ ăn nhiều trái cây, rau củ và các sản phẩm từ sữa ít chất béo, tăng kali, giảm natri và chất béo bão hòa có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ. Cụ thể:

- Hạn chế hoặc ăn vừa phải lượng muối

- Chọn thực phẩm tươi sạch thay vì thực phẩm đã qua chế biến

- Tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc, các loại hạt và đậu

- Hạn chế hoặc loại bỏ đường ra khỏi chế độ ăn, bao gồm các loại bánh ngọt, nước ngọt, kẹo và đồ ăn vặt

Hãy liên hệ chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp nhất với tình trạng của bạn.

11. Không hoặc ít vận động

Ít vận động làm tăng nguy cơ bệnh tim, thừa cân béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao, tiểu đường và đột quỵ. 

Những lợi ích của vận động từ nhẹ đến trung bình, chẳng hạn như đi bộ, đối với đột quỵ là rất rõ ràng. Ngay cả ở những người bị huyết áp cao, cholesterol cao hay tiểu đường, việc tập thể dục có thể giúp quản lý các yếu tố này.

Một số lưu ý khi tập thể dục:

- Cố gắng vận động ít nhất 5 ngày mỗi tuần, mỗi lần tập 30 – 40 phút

- Hãy chọn hoạt động mà bản thân yêu thích

- Bắt đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng, sau đó từ từ tăng cường độ lên

- Phải khởi động trước khi tập

- Đối với những bài tập yêu cầu kỹ thuật, cần liên hệ với huấn luyện viên thể dục để được hướng dẫn tập luyện đúng cách

- Tập thể dục với bạn bè hoặc tham gia một nhóm tập để có động lực hơn

- Hãy đi kiểm tra sức khỏe nếu đã không tập thể dục trong một thời gian dài

- Đo gắng sức tim mạch - hô hấp bằng nghiệm pháp CPET để xác định ngưỡng hoạt động thể chất của bản thân

12. Lạm dụng rượu và ma túy

 
Uống nhiều rượu có thể gây tăng huyết áp, tăng đông máu và bệnh tim mạch

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, uống rượu nhẹ vừa phải (phụ nữ uống tối đa 12g rượu mỗi ngày và nam giới uống tối đa 24g rượu mỗi ngày) có liên quan đến giảm nguy cơ đột quỵ vì nó đem lại lợi ích cho tim mạch như làm tăng cholesterol HDL, giảm kết tập tiểu cầu và giảm nồng độ fibrinogen trong huyết tương. Nhưng không thể xem rượu là một tác nhân giúp phòng ngừa đột quỵ được, bởi vì nó đem đến rất nhiều tác hại cho sức khỏe.

Uống nhiều rượu có thể dẫn đến tăng huyết áp, tăng đông máu, giảm lưu lượng máu não và tăng nguy cơ bị rung tâm nhĩ. Những người uống nhiều rượu có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn những người không uống rượu, bất kể ở độ tuổi nào. Cụ thể, uống nhiều hơn ba ly rượu mỗi ngày có nguy cơ đột quỵ thiếu máu não cao hơn 2 lần và nguy cơ đột quỵ xuất huyết não cao hơn 2 – 4 lần so với người không uống rượu.

Nghiện rượu là một vấn đề sức khỏe cộng đồng vì uống nhiều rượu có thể gây ra sự phụ thuộc, khiến một người không thể không uống rượu. Mức tiêu thụ rượu được đề xuất ở những người uống rượu là mỗi ngày không quá một ly ở nữ giới và không quá hai ly ở nam giới. Trong một tuần có ít nhất hai ngày không uống rượu.

Lạm dụng ma túy, chẳng hạn như heroin, cocaine và amphetamine, làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ và xuất huyết. Những chất này có thể gây ra thay đổi về chuyển hóa và huyết học, bao gồm tăng kết tập tiểu cầu và thay đổi huyết áp, có thể dẫn đến bệnh mạch máu hoặc tắc mạch não. 

Việc quản lý ma túy và cai nghiện ma túy là một thách thức lớn. Khi xác định một người nghiện ma túy, cần được chuyển đến trung tâm hỗ trợ cai nghiện để điều trị dài hạn dựa trên thuốc, hỗ trợ tâm lý và các chương trình tiếp cận cộng đồng.

Trải qua nhiều thập kỷ, tỷ lệ tử vong do đột quỵ đã giảm đi nhưng những hậu quả mà nó gây ra vẫn rất nặng nề, đặc biệt là các biến chứng về thần kinh và vận động. Vì vậy người ta chú trọng hơn vào nghiên cứu những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ. Kiểm soát các yếu tố trên cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát đột quỵ. Các biện pháp tập trung vào chế độ ăn uống, rèn luyện, kiểm soát các tình trạng sức khỏe và tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ.

BS CKI LÂM THUỲ NGA