Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp tiến triển gây khó thở, ho mạn tính và mệt mỏi. Đây là bệnh mạn tính chưa có biện pháp điều trị khỏi. Biết các nguyên nhân và yếu tố gây bệnh sẽ giúp bạn có biện pháp phòng ngừa và bảo vệ bản thân khỏi bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tốt hơn.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Dưới đây là các nguyên nhân của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:
1. Thuốc lá
Theo tổ chức WHO, thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở các nước có thu nhập cao. Ở các nước thu nhập thấp – trung bình, thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh phổ biến thứ hai sau ô nhiễm không khí trong nhà.
Khoảng 75% trường hợp COPD xảy ra ở người đang hút thuốc hoặc có tiền sử hút thuốc lá trong thời gian dài. Khói thuốc chứa hơn 7000 hóa chất có hại cho sức khỏe. Các hóa chất này làm suy yếu khả năng chống lại nhiễm trùng của phổi, gây hẹp đường dẫn khí, viêm phế quản và phá hủy các túi khí (khí phế thũng).
Ngoài thuốc lá thì thuốc lào, thuốc lá điện tử, xì gà cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh COPD. Thời gian sử dụng thuốc lá, thuốc lào càng dài thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Hút thuốc là nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
2. Ô nhiễm không khí ngoài trời và trong nhà
Tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí, đặc biệt là hạt PM 2.5 và NO2 (nitơ dioxide) làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
PM 2.5 là vật chất dạng hạt mịn có kích thước rất nhỏ (1/30 kích thước sợi tóc) có thể đi vào phổi khi hít phải. PM 2.5 chủ yếu được hình thành từ phương tiện giao thông chạy bằng diesel, nhà máy nhiệt điện than, gia công gỗ, khí hàn, đốt củi và cháy rừng.
NO2 là loại khí độc gây ô nhiễm không khí phổ biến, chủ yếu tạo ra trong quá trình đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. NO2 góp phần hình thành bụi và tiền thân cho nhiều chất ô nhiễm có hại cho sức khỏe, gây bệnh hô hấp mạn tính.
Điều kiện sinh hoạt kém dẫn đến ô nhiễm không khí trong nhà. Đây là nguy cơ chính gây COPD ở các nước thu nhập thấp – trung bình (LMIC). Các chất ô nhiễm trong nhà sinh ra từ quá trình nấu ăn, sưởi ấm, đốt nến, các sản phẩm và hóa chất tẩy rửa, bụi, nấm mốc...
Thường xuyên tiếp xúc với chất lượng không khí kém sẽ làm triệu chứng bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nghiêm trọng hơn, đẩy nhanh quá trình suy giảm chức năng hô hấp.
Người hút thuốc lá tiếp xúc với ô nhiễm không khí càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh COPD và nhiều bệnh lý khác.
Ô nhiễm không khí trong nhà làm tăng nguy cơ mắc bệnh COPD
3. Phơi nhiễm nghề nghiệp
Nghề nghiệp tiếp xúc với bụi và hóa chất độc hại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh hô hấp như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bụi phổi, viêm phế quản mạn tính, hen suyễn,... Các tác nhân thường gặp là bụi than, silic, amiăng, cadmium, bụi bông, bụi gỗ, khói hàn, hóa chất...
Nguy cơ cao hơn khi các mỏ khai thác, xưởng, công trường, nhà máy có dây chuyền sản xuất không đảm bảo an toàn, người lao động không đeo khẩu trang hoặc đồ bảo hộ lao động kém chất lượng khiến các chất này phát tán rộng, người lao động hít phải và mắc bệnh.
4. Thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin
Alpha-1 antitrypsin (AATD) là một loại protein do gan sản xuất có vai trò bảo vệ phổi. Thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin khiến phổi dễ bị tổn thương bởi các tác nhân gây bệnh. Đây là nguyên nhân gây ra khoảng 1% các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin là tình trạng di truyền chưa có biện pháp phòng ngừa. Những người được chẩn đoán mắc tình trạng di truyền này nên tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ khác của COPD.
Thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin có thể chẩn đoán bằng cách xét nghiệm máu.
Thiếu hụt Alpha-1 antitrypsin gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
5. Bệnh đường hô hấp mạn tính khác
Những người mắc bệnh hen suyễn và viêm phế quản co thắt có nguy cơ cũng bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nhất là khi các đối tượng này tiếp xúc với khói thuốc lá và ô nhiễm môi trường.
6. Phổi phát triển bất thường
Trẻ em có tiền sử tăng trưởng kém từ trong bào thai, sinh non; thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp, nhất là nhiễm trùng nặng trong thời thơ ấu có nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao hơn.
Không phải ai có các yếu tố trên cũng mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các yếu tố trên làm tăng nguy cơ mắc bệnh và làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở người đang bị COPD.
Dưới đây là những gì bạn có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính:
- Không tiếp xúc với khói thuốc lá (không hút thuốc và tránh khói thuốc lá thụ động).
- Có biện pháp bảo hộ lao động an toàn khi làm việc trong môi trường tiếp xúc với bụi, khói và hóa chất. Cải thiện quy trình, dây chuyền khai thác, sản xuất để giảm phát tán bụi, khói và các hóa chất có hại.
- Người làm việc trong môi trường ô nhiễm nên thường xuyên kiểm tra các bệnh về phổi.
- Đảm bảo vệ sinh nơi ở; tránh các hoạt động sản sinh bụi, khói trong nhà; sử dụng các sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm, hóa chất thân thiện.
- Tránh đến các khu vực ô nhiễm không khí ngoài trời, đeo khẩu trang khi đến các khu vực này; hạn chế ra khỏi nhà, nhất là tập thể dục vào những ngày chất lượng không khí kém.
- Điều trị, quản lý, theo dõi các bệnh hô hấp mạn tính; điều trị triệt để các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
- Có chế độ ăn uống, sinh hoạt, vận động lành mạnh để nâng cao sức khỏe và giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Tiêm vaccine phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
- Khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm một lần.