LOÉT DẠ DÀY, TÁ TRÀNG: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ CÁCH CHẨN ĐOÁN

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thầy thuốc ưu tú Bác sĩ chuyên khoa II Trần Nhựt Thị Ánh Phượng - Bác sĩ Nội Tiêu Hoá - Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1

Loét dạ dày tá tràng là tình trạng những vết loét phát triển trên niêm mạc của dạ dày và đoạn đầu của ruột non, thường xảy ra do vi khuẩn HP và thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Đau thượng vị là triệu chứng phổ biến nhất của loét dạ dày tá tràng.

 

1. Sinh bệnh học của loét dạ dày tá tràng là gì?

Dạ dày được bao phủ bởi một lớp chất nhầy để bảo vệ khỏi dịch tiêu hóa thức ăn (axit dạ dày). Khi trong dạ dày có nhiều axit hơn và không đủ chất nhầy, axit sẽ làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây ra vết loét. Kích thước vết loét khác nhau tùy vào tình trạng của mỗi người, có vết loét rất nhỏ cho đến vết loét dài hơn 2.5cm.

Loét dạ dày có thể ảnh hưởng đến cả dạ dày và ruột non. Viêm loét dạ dày có thể dễ dàng chữa khỏi, tuy nhiên nó sẽ trở nên trầm trọng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Loét dạ dày tá tràng bao gồm:

- Loét dạ dày xảy ra ở bên trong dạ dày;

- Loét tá tràng xảy ra ở bên trong đoạn đầu của ruột non.

Loét dạ dày có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nguy cơ tăng lên theo tuổi tác.

2.  Nguyên nhân gây ra loét dạ dày tá tràng?

 


Loét dạ dày xảy ra khi dạ dày có nhiều axit hơn hoặc không đủ chất nhầy

- Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP). Chúng chủ yếu sống trong lớp nhầy của dạ dày. Phần lớn những người nhiễm HP không bị loét dạ dày. Nhưng ở một số người, H.pylori có thể làm tăng lượng axit dạ dày, phá vỡ lớp chất nhầy này và gây kích ứng đường tiêu hóa. Vi khuẩn HP có thể được truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần gũi, ví dụ như hôn môi hoặc qua đường ăn uống.

- Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau. Một số loại thuốc giảm đau được gọi là thuốc chống viêm không steroid (NSAID), aspirin, ibuprofen (Advil, Motrin IB, những loại khác) hoặc naproxen sodium (Aleve, Anaprox DS), có thể làm viêm niêm mạc dạ dày và ruột non, gây loét.

- Hội chứng Zollinger-Ellison cũng có thể gây ra loét dạ dày do làm tăng sản xuất axit, tuy nhiên rất hiếm gặp. Hội chứng này được cho là nguyên nhân gây ra ít hơn 1% tổng số ca bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ của loét dạ dày là:

- Hút thuốc lá. Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng ở những người bị nhiễm vi khuẩn HP.

- Uống rượu. Rượu có thể gây kích ứng và ăn mòn niêm mạc dạ dày, đồng thời làm tăng lượng axit trong dạ dày.

- Căng thẳng thường xuyên.

- Ăn nhiều thức ăn cay.

Những yếu tố nguy cơ trên có thể không trực tiếp gây loét dạ dày, nhưng chúng có thể làm cho vết loét nặng và khó lành hơn.

3. Các biến chứng của loét dạ dày tá tràng

Nếu không được điều trị, loét dạ dày tá tràng có thể dẫn đến:

- Xuất huyết tiêu hóa. Chảy máu có thể rỉ rả, dẫn đến thiếu máu hoặc mất máu nghiêm trọng đến mức cần nhập viện truyền máu. Mất máu nặng có biểu hiện nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen hoặc đi ngoài phân có máu.

- Thủng dạ dày. Loét dạ dày có thể ăn mòn thành mạch máu, tạo lỗ thủng xuyên qua thành niêm mạc của dạ dày hoặc ruột non, gây nhiễm trùng nghiêm trọng khoang bụng (viêm phúc mạc). 

- Hẹp môn vị gây cản trở thức ăn qua lỗ môn vị, khiến người bệnh luôn cảm thấy no, nôn mửa và giảm cân.

- Ung thư dạ dày. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn.

4. Các triệu chứng của loét dạ dày tá tràng

 
Đau thượng vị là triệu chứng phổ biến nhất của loét dạ dày tá tràng

Triệu chứng của loét dạ dày tá tràng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết loét. Có nhiều trường hợp loét dạ dày không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng.

Triệu chứng phổ biến nhất của loét dạ dày tá tràng là cảm giác nóng rát hoặc đau ở vùng bụng giữa ngực và rốn. Thông thường, cơn đau sẽ nặng hơn khi bụng đói, đặc biệt là ban đêm, nó có thể kéo dài vài phút đến vài giờ. Một số triệu chứng thường gặp khác là:

- Đau âm ỉ trong dạ dày;

- Sút cân mà không rõ lý do;

- Mất cảm giác thèm ăn;

- Buồn nôn hoặc nôn mửa;

- Đầy hơi;

- Cảm giác khó thở;

- Cảm thấy dễ no dù chỉ ăn ít;

- Ợ hơi hoặc trào ngược axit;

- Ợ chua kèm theo cảm giác nóng ở ngực;

- Cơn đau có thể bớt sau khi ăn, uống hoặc dùng thuốc kháng axit;

- Một số triệu chứng của thiếu máu bao gồm mệt mỏi, khó thở hoặc màu da nhợt nhạt;

- Đi ngoài phân đen hoặc phân có lẫn tia máu;

- Nôn ra máu, máu có màu đỏ hoặc màu đen.

Hãy đến bệnh viện để kiểm tra nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào ở trên. Lưu ý rằng, mặc dù cảm giác khó chịu và đau có thể nhẹ đi, nhưng vết loét sẽ nặng hơn nếu không được điều trị thích hợp.

5. Làm thế nào để chẩn đoán loét dạ dày tá tràng?

 
Nội soi là cách hiệu quả nhất để chẩn đoán loét dạ dày

Có nhiều phương pháp được áp dụng để chẩn đoán loét dạ dày tá tràng do Helicobacter pylori, bao gồm xét nghiệm máu, hơi thở, xét nghiệm phân và chẩn đoán hình ảnh.

Xét nghiệm máu. Phương pháp này có thể giúp phát hiện sự tồn tại của vi khuẩn HP bằng cách tìm kháng thể kháng HP có trong máu. Tuy nhiên, xét nghiệm máu có nhiều khả năng cho ra kết quả dương tính giả, vì HP có thể tồn tại ở nhiều vị trí khác trong cơ thể như khoang miệng, đường ruột… mà không gây bệnh. Vì vậy xét nghiệm máu cần được kết hợp với các phương pháp khác.

Test hơi thở C13. Phương pháp này cho kết quả rất chính xác, giúp xác định có dương tính với vi khuẩn HP hay không. Test hơi thở C13 thường được chỉ định cho những đối tượng từng bị nhiễm HP và muốn kiểm tra hiệu quả điều trị.

Nội soi dạ dày (EGD). Xét nghiệm máu, phân và hơi thở sẽ không đánh giá được toàn diện tình trạng dạ dày, vì vậy nội soi là cách hiệu quả nhất để tìm vết loét, chảy máu hoặc bất kỳ mô nào có dấu hiệu bất thường trong hệ tiêu hóa. Nội soi không chỉ cung cấp hình ảnh chính xác mà còn giúp bác sĩ đánh giá được tình trạng viêm loét, từ đó đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất.

Sinh thiết nội soi. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy một mảnh mô tại vị trí dạ dày bị tổn thương  để kiểm tra giải phẫu bệnh. Sinh thiết thường được áp dụng khi bác sĩ nghi ngờ có sự tồn tại của tế bào ung thư.

6. Cách điều trị loét dạ dày

Loét dạ dày cần được phát hiện và điều trị sớm. Phần lớn vết loét có thể điều trị bằng thuốc, số ít còn lại cần phải phẫu thuật.

a. Điều trị phi phẫu thuật

Hiện nay, trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, thuốc chẹn thụ thể H2 hoặc thuốc ức chế bơm proton (PPI) thường được sử dụng để kháng tiết axit dạ dày. 
Ngoài ra, cần dùng các loại kháng sinh như Metronidazol, Tinidazol, Amoxicilline hoặc Clarithrromyci để tiêu diệt vi khuẩn H.pylori. Thông thường phải kết hợp hai loại kháng sinh trở lên để tăng hiệu quả điều trị.

Một số tác dụng phụ của thuốc điều trị loét dạ dày là: buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, tiêu chảy, đau bụng. Những tác dụng phụ này thường là tạm thời. Nếu chúng kéo dài và gây khó chịu, hãy liên hệ bác sĩ để được tư vấn và thay đổi loại thuốc khác nếu cần.

Các triệu chứng của loét dạ dày tá tràng có thể thuyên giảm nhanh chóng khi điều trị. Nhưng vẫn phải theo sát hướng dẫn điều trị của bác sĩ. Cần nội soi kiểm tra để chắc chắn vết loét đã khỏi và nhất là kiểm tra xem vi khuẩn HP đã bị tiêu diệt hết chưa.

b. Điều trị phẫu thuật

Trong một số trường hợp, loét dạ dày tá tràng cần phải phẫu thuật như: vết loét tái phát, chảy máu, thủng dạ dày hoặc hẹp môn vị.
Phẫu thuật có thể bao gồm:

- Cắt đoạn dạ dày có vết loét và khâu nối vị tràng;

- Cắt phần môn vị bị hẹp và một phần dạ dày trong trường hợp loét hành tá tràng;

- Khâu lỗ thủng dạ dày và làm sạch khoang bụng;

- Phẫu thuật thắt động mạch chảy máu;

- Cắt dây thần kinh số 10 (X) để giảm tiết axit dạ dày.

c. Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh

 
Người bị loét dạ dày cần tránh thực phẩm chua và cay

Trước đây, người ta cho rằng chế độ ăn uống có thể gây ra loét dạ dày. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thực phẩm sẽ không gây ra hoặc chữa khỏi bệnh loét dạ dày. Nhưng chế độ ăn có thể khiến vết loét nghiêm trọng hơn. Vì vậy một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ có lợi cho hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng thể. Đó là chế độ ăn uống có nhiều trái cây, rau xanh và chất xơ.

Một số thực phẩm giúp tăng cường vi khuẩn lành mạnh cho đường ruột bao gồm:

- Bông cải xanh, súp lơ trắng, ớt chuông, bắp cải và củ cải;

- Rau xanh, chẳng hạn như cải bó xôi và cải xoăn;

- Thực phẩm giàu probiotic, chẳng hạn như dưa cải bắp, miso, sữa chua;

- Quả mọng như việt quất, mâm xôi và dâu tây;

- Dầu ô liu.

Ngoài ra, những người bị loét dạ dày tá tràng có thể kèm theo bệnh trào ngược axit, vì vậy cần tránh xa thực phẩm chua và cay trong khi vết loét đang lành. 

7. Cách phòng tránh loét dạ dày tá tràng

Để ngăn ngừa sự lây lan của vi khuẩn H.pylori có thể gây loét dạ dày, hãy rửa tay bằng xà phòng và nước thường xuyên. Ngoài ra, đảm bảo làm sạch thực phẩm đúng cách và nấu chín kỹ nếu cần.

H. pylori có thể lây truyền qua đường phân – miệng, miệng – miệng, dạ dày – miệng. Không sử dụng chung dụng cụ ăn uống như ly tách, chén đũa, chén nước chấm…
Để ngăn ngừa loét do nhóm thuốc NSAID gây ra, nếu có thể hãy ngừng sử dụng các loại thuốc này hoặc hạn chế sử dụng chúng. Nếu cần dùng NSAID, hãy đảm bảo tuân thủ theo liều lượng khuyến cáo và tránh uống rượu bia khi sử dụng các loại thuốc này. Tuyệt đối không nuốt thuốc mà không kèm nước lọc để uống. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về thuốc kháng axit dạ dày, thuốc ức chế bơm proton, thuốc chẹn axit hoặc chất bảo vệ tế bào có thể dùng chung với NSAID.