Khi nào cần tham khảo ý kiến của bác sĩ tâm lý

Trong cuộc sống bạn sẽ gặp phải rất nhiều thử thách. Đó có thể là cú sốc tâm lý, là những cảm xúc lo lắng, căng thẳng hay phiền muộn, sợ hãi. Một số người sẽ dễ dàng vượt qua, trong khi số khác thì rất nhiều khó khăn trong việc kiềm chế cảm xúc và giữ vững lý trí. Nếu bạn cần giúp đỡ hãy tìm đến bác sĩ tâm lý – đó là những người sẽ giúp bạn hiểu rõ tâm lý của bản thân và đưa ra cho bạn những phương hướng thay đổi hiệu quả. 

Dưới đây là những trường hợp mà bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ tâm lý:

1. Bị cú sốc tâm lý

Bác sĩ tâm lý có thể giúp bạn vượt qua cú sốc tâm lý

 

Biến cố là điều khó tránh khỏi trong cuộc sống của mỗi người. Những biến cố có thể xảy ra và làm thay đổi hoàn toàn cảm xúc của bạn như:

- Cái chết của người thân yêu

- Mắc một căn bệnh nghiêm trọn

- Bị chấn thương hoặc gặp một tình huống đe dọa tính mạng

- Ly hôn hoặc tranh chấp quyền nuôi con

- Thất nghiệp hoặc gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính

- Đối mặt với những vấn đề pháp lý

Mỗi người sẽ có một cách khác nhau để đối mặt với các tình huống này. Đa phần mọi người sẽ vượt qua được những mất mát và ổn định cảm xúc trong thời gian ngắn. Nhưng đôi khi, bạn sẽ khó vượt qua và dễ chìm vào những cảm xúc tiêu cực, buồn bã, tuyệt vọng không lối thoát. Nếu tình trạng này kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống mà còn khiến cho tinh thần và thể chất dần suy kiệt.

Đây là lúc bạn cần tìm đến bác sĩ tâm lý để chẩn đoán và đưa ra những lời khuyên giúp bạn vượt qua giai đoạn này.

2. Căng thẳng và lo lắng

Một số vấn đề của cuộc sống như tranh chấp trong các mối quan hệ, áp lực tiền bạc và công việc… có thể khiến bạn bị căng thẳng (stress) và lo lắng. Đôi khi những cảm xúc này có thể tự nhiên xuất hiện mà không rõ nguyên nhân.

Căng thẳng và lo lắng trong một thời gian dài có thể dẫn đến sợ hãi giao tiếp, tự cô lập bản thân khỏi xã hội, trầm cảm và một loạt các vấn đề khác về sức khỏe thể chất và tâm thần.
Bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát căng thẳng và lo lắng bằng cách tìm ra nguồn gốc hoặc nguyên nhân của các vấn đề của bạn.

3. Phiền muộn

Cảm giác buồn bã, bất lực hoặc tuyệt vọng là những dấu hiệu phổ biến của bệnh trầm cảm. Một số người tin rằng có thể tự thoát khỏi trầm cảm, nhưng hiếm có trường hợp nào làm được.

Trầm cảm là một rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến, khi đó người ta mất hứng thú với mọi thứ, cảm thấy mệt mỏi và thường gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc của mình.

Các bác sĩ tâm lý có thể giúp bạn tìm ra nguồn gốc của chứng trầm cảm và hỗ trợ bạn trong quá trình loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực.

4. Bị ám ảnh

Một số ám ảnh có thể gây trở ngại cho cuộc sống của bạn

Một số người sẽ có nỗi ám ảnh sợ độ cao, sấm sét hoặc một loài động vật nào đó... Nhưng có một số nỗi sợ hãi bất thường có thể gây cản trở đáng kể cho cuộc sống của bạn. Ví dụ, chứng sợ không gian hẹp như thang máy, xe hơi, tàu điện; chứng sợ tiêm hoặc vật kim loại sắc nhọn; chứng sợ bị thương, sợ qua đường, sợ ngồi. Đôi khi những nỗi ám ảnh này làm bạn bị ngất do phản xạ thần kinh phế vị gây ra tình trạng nhịp tim chậm và hạ huyết áp thế đứng.

Khi nỗi sợ hãi kéo dài sẽ làm bạn gặp trở ngại tâm lý, rối loạn cảm xúc, có thể dẫn đến trầm cảm và trường hợp xấu nhất là tự tử.

Một bác sĩ tâm lý có kinh nghiệm có thể giúp bạn bắt đầu vượt qua nỗi sợ hãi và dần dần khỏi hẳn.

5. Gặp vấn đề trong các mối quan hệ 

Các mối quan hệ như gia đình, bạn bè hay công việc không phải lúc nào cũng hòa thuận, đôi khi sẽ có những tranh chấp, cãi vã. Khi các mối quan hệ ngày càng trở nên khó giao tiếp và bạn không biết phải hàn gắn như thế nào, chúng có thể gây ra căng thẳng và lo lắng cho bạn.

Nói chuyện với bác sĩ tâm lý về tình trạng mà bạn gặp phải có thể giúp bạn tìm ra cách xóa bỏ những khoảng cách và khó khăn trong các mối quan hệ.

6. Nghiện thuốc lá, rượu bia hoặc các chất gây nghiện khác

Một số thói quen không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu và sử dụng ma túy bị lạm dụng để vượt qua một số nỗi đau hay cảm xúc chán nản trong cuộc sống. Nếu chúng gây rắc rối cho bạn trong các mối quan hệ, mất kiểm soát trong hành động hay suy nghĩ, thậm chí là được sử dụng như một liều thuốc để có cảm giác bình thường thì bạn cần phải gặp bác sĩ tâm lý ngay.
Các bác sĩ tâm lý có thể sử dụng một số phương pháp để giúp bạn điều trị bệnh lý nghiện và một số hệ quả kèm theo:

- Rối loạn ăn uống

- Kiểm soát căng thẳng

- Khó ngủ

7. Cần chuẩn bị tâm lý

Trước khi làm bất kỳ việc gì chúng ta đều cần chuẩn bị tâm lý. Bạn cần chuẩn bị tâm lý cho một bài phát biểu, cho một cuộc thi hay một buổi phỏng vấn xin việc. Nếu bạn quá lo lắng, căng thẳng và không thể bình tĩnh được thì một chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn. 

Chuyên gia tâm lý là những người lắng nghe tuyệt vời nhất. Một cuộc nói chuyện cởi mở, một vài liệu pháp đơn giản có thể giúp bạn cải thiện tinh thần rõ ràng hơn, tập trung và trở nên kiên định hơn. 

8. Gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần

Bạn cần gặp bác sĩ tâm lý khi bị các vấn đề về sức khỏe tâm thần

Khi bạn buồn bã, lo lắng hay tuyệt vọng trong một thời gian dài, đó không chỉ đơn thuần là những phản ứng của cảm xúc với các vấn đề trong cuộc sống mà có thể là triệu chứng của bệnh lý rối loạn tâm thần nào đó.

Nhiều người chỉ xem đó là những cảm xúc bình thường và chỉ có thể được phát hiện khi có sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý.

Một số loại rối loạn tâm thần như:

- Rối loạn lo âu, bao gồm cả rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh cưỡng chế 

- Trầm cảm, rối loạn lưỡng cực và các rối loạn tâm trạng khác

- Rối loạn nhân cách

- Rối loạn căng thẳng sau chấn thương

- Rối loạn tâm thần, bao gồm cả tâm thần phân liệt

Các triệu chứng sau đây có thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe tâm thần tiềm ẩn:

- Thường xuyên cảm thấy buồn bã, tức giận, sợ hãi, căng thẳng hoặc lo lắng

- Thường xuyên bộc phát cảm xúc hoặc thay đổi tâm trạng

- Nhầm lẫn hoặc mất trí nhớ không giải thích được

- Xuất hiện ảo giác hoặc ảo tưởng, hoang tưởng

- Sợ hãi hoặc lo lắng dữ dội về một thay đổi nào đó trong cơ thể: tăng cân, đau bụng, rụng tóc…

- Có sự thay đổi đáng kể trong chế độ ăn uống hoặc giấc ngủ

- Khó tập trung và khó đưa ra quyết định

- Không có khả năng ứng phó với các hoạt động hàng ngày

- Xa lánh các hoạt động xã hội hoặc các mối quan hệ

- Có ý nghĩ làm tổn thương bản thân hoặc người khác

- Suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử.

Bằng cách giúp bạn giữ đầu óc tỉnh táo và kiểm soát mọi căng thẳng, lo lắng, ám ảnh, bác sĩ tâm lý có thể định hướng để bạn giải quyết được các vấn đề của cuộc sống, tránh khỏi nguy cơ bị trầm cảm hay các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.