KHI NÀO BẠN CẦN KHÁM CHUYÊN KHOA HÔ HẤP

1. Khám chuyên khoa hô hấp là gì? 

Chuyên khoa hô hấp chẩn đoán, điều trị và ngăn ngừa các tình trạng bệnh ảnh hưởng đến chức năng hô hấp. Bao gồm các bệnh đường hô hấp thường gặp như hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ngáy và ngưng thở khi ngủ, bệnh hô hấp do môi trường làm việc…

 
Khoa hô hấp khám và điều trị các bệnh lý ảnh hưởng đến chức năng hô hấp

2. Khi nào cần khám chuyên khoa hô hấp

Khí hậu Việt Nam cùng với tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất nông công nghiệp, phương tiện giao thông… dẫn đến số người mắc bệnh về đường hô hấp gia tăng và ngày càng phức tạp. 

Đặc biệt là bệnh hen và viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh, là gánh nặng về y tế toàn cầu. Theo WHO, trong năm 2019, COPD gây ra 3,23 triệu ca tử vong, là nguyên nhân gây tử vong thứ ba trên toàn thế giới do bệnh tật (sau đau tim và đột quỵ).

Các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp dưới nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm tại phổi như áp xe phổi, suy hô hấp, thậm chí là tử vong. 

Bạn cần đi khám chuyên khoa hô hấp khi có các triệu chứng như:

- Ho: Ho kéo dài hơn 3 tuần, ho ra máu, ho tắc tiếng, khàn tiếng, ho gà…

- Khạc đờm: Nhiều đờm, đờm có màu hoặc mùi hôi, đờm có lẫn máu…

- Khó thở: Khó thở vào hoặc ra, khó thở từng cơn, khó thở khi gắng sức, khó thở về đêm…

- Thở khò khè, thở kèm theo tiếng rít.

- Đau ngực: đau thắt, đau râm ran, đau âm ỉ hoặc đau dữ dội.

- Bệnh hen suyễn khó kiểm soát.

- Viêm phế quản hoặc cảm lạnh tái phát.

- Ngáy to, buồn ngủ quá mức vào ban ngày.

Những người có nguy cơ cao như hút thuốc lá, làm việc trong môi trường tiếp xúc với bụi, khí, khói và hóa chất độc hại nên khám hô hấp định kỳ để tầm soát.

3. Khám hô hấp chẩn đoán bệnh gì?

 
Đi khám hô hấp khi có triệu chứng hô hấp

Bác sĩ chuyên khoa hô hấp khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh đường hô hấp hoặc các bệnh khác gây ảnh hưởng đến hô hấp. Một số bệnh hô hấp thường gặp như:

- Viêm phổi do virus, vi khuẩn hoặc tác nhân nhiễm khuẩn khác;

- Viêm phế quản cấp tính, mạn tính;

- Hen suyễn do dị ứng, hen không dị ứng, hen hỗn hợp, cơn hen ác tính;

- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD);

- Ngáy & ngưng thở khi ngủ

- Tràn dịch màng phổi;

- Bệnh lao phổi;

- Ung thư phổi;

- Viêm tiểu phế quản cấp;

- Giãn phế nang, giãn phế quản;

- Suy hô hấp cấp tính, mạn tính;

- Bệnh bụi phổi;

- Bệnh hô hấp do hít hóa chất, khí, khói và chất bay hơi;

- Phù phổi;

- Bệnh phổi mô kẽ;

- Bệnh màng phổi;

- Rối loạn mạch máu phổi;

- Rối loạn giấc ngủ liên quan đến đường thở

- …

4. Những xét nghiệm của chuyên khoa hô hấp?

Tùy vào tiền sử bệnh lý và triệu chứng thực thể của mỗi người qua khám lâm sàng mà bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định cận lâm sàng khác nhau. Một số xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng có thể được thực hiện khi khám hô hấp như:

- Xét nghiệm máu

- Chọc hút dịch màng phổi

- Nội soi khí phế quản

- Chụp X-quang phổi

- Chụp cắt lớp vi tính (CT) 

- Đo oxy xung

- Hô hấp ký

- Đo đa ký giấc ngủ (polysomnography)

- Đo gắng sức tim mạch – hô hấp

5. Lưu ý khi khám hô hấp tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1

Để nâng cao hiệu quả khám bệnh, người bệnh khi đi khám hô hấp cần lưu ý:

- Cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác, bao gồm các triệu chứng, tình trạng bệnh đang mắc phải và thuốc đang sử dụng.

- Đem theo kết quả, phim chụp hoặc đơn thuốc đang dùng của lần khám hô hấp trước (nếu có).

- Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, thức uống chứa cafein, thuốc lá trước khi đi khám.

- Mặc trang phục thoải mái thuận tiện cho việc thăm khám.

Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 với trang thiết bị y tế hiện đại hỗ trợ chẩn đoán chính xác cùng đội ngũ chuyên gia là các Bác sĩ Hô hấp đầu ngành, có chuyên môn cao sẽ giúp bệnh nhân yên tâm hơn khi khám và điều trị bệnh hô hấp.