HỘI CHỨNG NGÓN TAY CÒ SÚNG (NGÓN TAY BẬT) LÀ GÌ?

Bạn có bao giờ thức dậy vào buổi sáng với ngón tay bị cứng lại hoặc gặp khó khăn trong việc duỗi hoặc gập ngón tay hay không? Điều đó có thể là do bạn đang bị hội chứng ngón tay bật hay còn gọi là ngón tay cò súng, một tình trạng phổ biến gây suy giảm chức năng.

 
Hội chứng ngón tay bật hay còn gọi là ngón tay cò súng

1. Hội chứng ngón tay bật là gì?

Ngón tay bật hay còn gọi là viêm bao gân gấp (stenosing tenosynovitis), là tình trạng đau nhức hoặc sưng tấy ở vùng gốc ngón tay. Một hoặc nhiều ngón tay bất kỳ có thể mắc hội chứng này. 

Siết chặt những ngón tay bị tật rồi duỗi ra, ngón tay của bạn có thể bị giật, có tiếng "bật" hoặc tiếng "tách" - giống như đang bóp cò súng. Đây là ví do vì sao hội chứng này còn được gọi là ngón tay cò súng (trigger finger).

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng ngón tay bật là gì?

Ngón tay có thể duỗi thẳng hoặc cong lại được là nhờ hệ thống dây kéo gồm gân gấp và gân duỗi. Khi cong ngón tay, gân gấp sẽ trượt vào bao gân cũng như một loạt các ròng rọc giúp gân gập sát xương. 

Khi xảy ra hội chứng ngón tay bật, vì một lý do nào đó mà bao gân gấp bị viêm, thu hẹp, co thắt làm hạn chế chuyển động của gân. Đôi khi gân bị kẹt trước ròng rọc A1 khiến ngón tay bị co lại không duỗi thẳng ra được. Nếu cố gắng duỗi ra, chỗ bao gân hẹp sẽ phát ra tiếng bật và gây đau. Khi tình trạng viêm kéo dài không điều trị, vị trí này có thể bị xơ hóa và hình thành nốt, không đau nữa mà chỉ gây kẹt khi vận động.

Nhìn chung, nguyên nhân gây ra hội chứng ngón tay bật chưa được kết luận cụ thể. Nó được cho là có liên quan đến chấn thương lặp đi lặp lại hoặc sử dụng ngón tay quá mức hoặc do tình trạng viêm (như viêm khớp dạng thấp) gây ra.

Hội chứng ngón tay cò súng thường xảy ra ở bàn tay thuận, ở người từ 40 đến 60 tuổi, phụ nữ nhiều hơn nam giới. Những người bị viêm khớp dạng thấp và tiểu đường có nguy cơ cao bị ngón tay cò súng. Ngoài ra, thói quen hoặc tính chất công việc liên quan đến việc sử dụng ngón tay nhiều có thể làm tăng nguy cơ bị ngón tay cò súng.

Trẻ nhỏ cũng có thể bị hội chứng ngón tay bật, thường xảy ra trước 8 tuổi, nhưng ít hơn nhiều so với người lớn. Phần lớn các trường hợp là vô căn, một số được cho là liên quan đến chuyển hóa bẩm sinh và tình trạng viêm (vd: viêm khớp dạng thấp ở trẻ em).

3. Triệu chứng của hội chứng ngón tay bật là gì?

Hội chứng ngón tay bật có thể xuất hiện ở bất kỳ ngón tay trên bàn tay nào, và có thể ảnh hưởng đến nhiều ngón tay một lúc. Các triệu chứng nhận biết hội chứng ngón tay bật là:

- Cứng khớp ngón tay, đặc biệt là vào buổi sáng.

- Cảm giác bật hoặc tách đau đớn khi bạn uốn gập hoặc duỗi thẳng một ngón tay.

- Đau nhức hoặc sưng tấy ở trong lòng bàn tay, tại gốc ngón tay bị tật.

- Ngón tay bị tật bị cứ giữ nguyên tư thế bị uốn gập, sau đó đột ngột bật thẳng ra.

- Ngón tay bị tật bị khóa ở tư thế bị uốn gập và bạn không thể duỗi thẳng ra được.


Đau nhức tại gốc ngón tay là triệu chứng của hội chứng ngón tay bật

4. Làm thế nào để điều trị hội chứng ngón tay bật?

Các phương pháp điều trị ngón tay bật sẽ tùy theo mức độ nghiêm trọng và thời gian mắc bệnh, bao gồm các phương pháp điều trị không phẫu thuật và phẫu thuật. Điều trị ngón tay cò súng thường không cần phẫu thuật, nhất là khi bệnh chưa biến chứng và chỉ mới xuất hiện triệu chứng trong thời gian ngắn.

a. Phương pháp điều trị không phẫu thuật, không xâm lấn

- Dùng thuốc

- Điều trị nội khoa

- Tập vật lý trị liệu

Các phương pháp trên không xâm lấn, dễ thực hiện nhưng ít hiệu quả cho những trường hợp bị các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài.

b. Phương pháp điều trị không phẫu thuật, có xâm lấn

Tiêm vào gân bị viêm bằng thuốc kháng viêm (steroid) là phương pháp rất hiệu quả để điều trị ngón tay cò súng. Phương pháp này ít tốn kém, dễ thực hiện và ít xâm lấn. Tuy nhiên, nó ít hiệu quả hơn ở bệnh nhân có triệu chứng kéo dài hoặc bệnh nhân bị tiểu đường, viêm khớp dạng thấp. Và trong một số trường hợp, các triệu chứng có thể bị tái phát.

Tiêm steroid có một số rủi ro rất nhỏ là có thể đổi màu da, giảm sắc tố hoặc nhiễm trùng. Do đó, người bệnh nên điều trị ở những cơ sở y tế uy tín.

c. Phương pháp can thiệp phẫu thuật tối thiểu

Cắt ròng rọc A1 được xem là tiêu chuẩn vàng để điều trị phẫu thuật ngón tay cò súng. Cắt ròng rọc A1 thường được chỉ định cho các trường hợp:

- Bệnh kéo dài hoặc nghiêm trọng.

- Các phương pháp điều trị không phẫu thuật không cải thiện được triệu chứng.

- Ngón tay cò súng bị khóa bất thường.

- Ngón tay cò súng trong thời kỳ sơ sinh.

Phẫu thuật điều trị ngón tay cò súng là một thủ thuật có thể thực hiện trong ngày, chỉ diễn ra trong khoảng 20-30 phút và bạn không cần phải nằm viện. 

5. Khi bị hội chứng ngón tay bật, tôi nên tới gặp bác sĩ chuyên khoa nào?

Khoa Ngoại – Phòng khám BV ĐH Y Dược 1, với các Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật, sẽ giải quyết triệt để bệnh lý và tình trạng tái phát của hội chứng ngón tay bật. Các bác sĩ phẫu thuật được trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ năng để xử lý mọi cấp độ của hội chứng ngón tay bật.