Đột quỵ nhồi máu não là nguyên nhân gây ra hơn 80% các trường hợp đột quỵ. Theo thống kê của WHO, mỗi năm trên thế giới có 15 triệu người bị đột quỵ, trong đó có 5 triệu người tử vong và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đột quỵ nhồi máu não và cách nhận biết đột quỵ để cấp cứu kịp thời.
Đột quỵ nhồi máu não là tình trạng thiếu máu não cục bộ
1.Đột quỵ nhồi máu não là gì?
Đột quỵ (tai biến mạch máu não) có hai thể là đột quỵ nhồi máu não và đột quỵ xuất huyết não. Trong đó đột quỵ nhồi máu não hay còn gọi là đột quỵ thiếu máu não cục bộ phổ biến hơn, chiếm hơn 80% các trường hợp đột quỵ.
Đột quỵ nhồi máu não xảy ra khi một cục máu đông (huyết khối) gây tắc nghẽn động mạch cung cấp máu cho não, làm dòng máu đột ngột giảm hoặc ngưng lưu thông đến một khu vực của não, tế bào não thiếu oxy và chết đi dẫn đến mất chức năng thần kinh tương ứng.
Đột quỵ nhồi máu não có 03 thể chính là:
- Nhồi máu não động mạch lớn
- Nhồi máu não động mạch nhỏ (nhồi máu ổ khuyết)
- Nhồi máu não do cục tắc (emboli) di chuyển từ tim
2. Nguyên nhân gây đột quỵ nhồi máu não
Sự hình thành hoặc di chuyển của cục máu đông gây giảm hoặc tắc nghẽn động mạch não là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ nhồi máu não.
a. Nguyên nhân gây nhồi máu não động mạch lớn
Trong nhồi máu não do tắc động mạch lớn, nguyên nhân chính là do tình trạng xơ vữa các động mạch cảnh, động mạch sống nền hoặc động mạch não. Khi các mảng xơ vữa tại một trong các động mạch này vỡ ra sẽ tạo điều kiện hình thành cục máu đông che lấp lòng mạch, làm giảm hoặc chặn hoàn toàn dòng máu lưu thông đến não.
Tuy nhiên, tắc động mạch lớn cũng có thể do huyết khối từ tim (do hẹp van hai lá, rung nhĩ…). Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây tái phát đột quỵ nhồi máu não.
Xơ vữa động mạch cảnh gây đột quỵ nhồi máu não
b. Nguyên nhân gây nhồi máu não động mạch nhỏ
Nhồi máu ổ khuyết xảy ra do tắc động mạch nhỏ, thường là những động mạch xuyên nằm sâu trong não. Nguyên nhân gây tắc thường do bệnh lý mạch máu và liên quan chặt chẽ với tình trạng tăng huyết áp. Các nguyên nhân thường gặp là:
- Mảnh vữa xơ nhỏ
- Nhiễm lipohyalin
- Hoại tử dạng fibrin thứ phát sau tăng huyết áp hoặc viêm mạch
- Vữa xơ động mạch hyaline
- Bệnh mạch máu amyloid
- Bệnh lý mạch máu khác…
c. Nguyên nhân gây nhồi máu não do cục tắc từ tim
Trong trường hợp nhồi máu não do cục tắc từ tim, nguyên nhân thường do các bệnh lý tim mạch gây ra huyết khối. Huyết khối hoặc mảnh vỡ huyết khối từ tim di chuyển theo mạch máu lên não cho đến khi tới một mạch máu quá nhỏ để đi qua, dòng máu bị tắc nghẽn và gây đột quỵ nhồi máu não. Cục tắc từ tim hay gặp trong các bệnh lý:
- Bệnh van tim: Hẹp van hai lá, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, van tim nhân tạo
- Nhồi máu cơ tim
- Rung nhĩ
- Bệnh cơ tim giãn
- Suy tim sung huyết nặng
- U nhày nhĩ trái
Ngoài ra, có một số trường hợp nhồi máu não không xác định được nguyên nhân.
Bệnh lý tim mạch làm tăng nguy cơ đột quỵ nhồi máu não
3. Ai có nguy cơ bị đột quỵ nhồi máu não?
Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ không thể thay đổi:
- Tuổi: Nguy cơ tăng theo tuổi, nhất là người trên 65 tuổi.
- Chủng tộc: Người Nam Á và da màu châu Phi có nguy cơ cao hơn.
- Giới tính: Đàn ông có nguy cơ cao hơn phụ nữ, nhưng phụ nữ có tỷ lệ tử vong cao hơn.
- Di truyền: Gia đình có người bị đột quỵ hoặc thiếu máu não thoáng qua
- Tiền sử đau nửa đầu kiểu migrain
- Loạn sản xơ cơ
Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ có thể thay đổi:
- Tăng huyết áp
- Đái tháo đường (tiểu đường)
- Bệnh tim: rung nhĩ, bệnh van tim, suy tim, hẹp van hai lá, bệnh tim bẩm sinh, giãn tâm nhĩ, giãn tâm thất.
- Rối loạn lipid máu (mỡ máu)
- Tiền sử bị cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA)
- Hẹp động mạch cảnh
- Tăng homocystine máu
- Uống rượu quá mức
- Hút thuốc lá
- Sử dụng ma túy
- Ít vận động
- Béo phì
- Dùng thuốc tránh thai hoặc dùng hormone sau mãn kinh
- Bệnh hồng cầu hình liềm
Nguy cơ đột quỵ nhồi máu não tăng theo tuổi tác
4. Dấu hiệu nhận biết đột quỵ nhồi máu não
Các triệu chứng của nhồi máu não thường xuất hiện một cách đột ngột. Người bị đột quỵ nhồi máu não có thể xuất hiện một triệu chứng hoặc nhiều triệu chứng dưới đây:
- Liệt nửa người hoặc liệt 1 phần cơ thể.
- Mất hoặc giảm cảm giác một bên cơ thể.
- Mất thị lực một hoặc hai mắt.
- Mất hoặc giảm thị trường (khoảng không gian mắt quan sát được).
- Nhìn đôi (song thị).
- Giảm hoặc không vận động được khớp xương.
- Liệt mặt.
- Mất khả năng giữ thăng bằng hoặc phối hợp cơ thể (thất điều).
- Chóng mặt.
- Mất khả năng nói hoặc hiểu lời nói.
- Rối loạn ý thức đột ngột.
Theo hướng dẫn của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ (ASA), sử dụng thuật ngữ “B.E.F.A.ST” đẻ nhận ra dấu hiệu đột quỵ. Cụ thể là:
- Balance – Cân bằng: Đột nhiên gặp khó khăn trong việc giữ thăng bằng hoặc phối hợp cơ thể.
- Eye – Mắt: Mờ hoặc mất thị lực ở một bên hoặc cả hai bên mắt.
- Face – Khuôn mặt: Khuôn mặt méo xệ một bên, hoặc miệng méo sụp xuống. Hãy yêu cầu người đó cười, nếu họ không thể cười, đó là một dấu hiệu đột quỵ.
- Arm – Cánh tay: Tê hoặc yếu cánh tay là một dấu hiệu cảnh báo đột quỵ. Hãy yêu cầu người đó thử giơ một hoặc cả hai cánh tay lên. Nếu họ không giơ tay lên được, một bên yếu hơn bên còn lại hoặc cánh tay bị rơi xuống, đó là dấu hiệu cảnh báo.
- Speech - Ngôn ngữ: Yêu cầu người đó lặp lại một cụm từ. Nếu họ nói không lưu loát, bị ngọng so với bình thường, có thể chỉ ra rằng người đó đang bị đột quỵ.
- Time – Thời gian: Nếu ai đó đang có các dấu hiệu trên, hãy đưa họ đến cơ y tế có khả năng điều trị đột quỵ nhanh nhất có thể.
Khuôn mặt méo xệ một bên là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
Một tình trạng khác cũng gây ra các triệu chứng tương tự là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) mà nguyên nhân là do thiếu máu một vùng não, tủy sống hoặc hệ thống lưới, gây ra suy giảm chức năng thần kinh tạm thời, thường tự hồi phục trong 60 phút.
5. Cần làm gì khi bị đột quỵ nhồi máu não?
Khi xảy ra các triệu chứng đột quỵ, rất khó để biết đó là đột quỵ nhồi máu não hay TIA, vì vậy không nên trì hoãn mà nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu đột quỵ (trang bị máy chụp CT sọ não và có khả năng điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết).
Với những biến chứng xảy ra nhanh chóng sau khi bị đột quỵ, việc cấp cứu bệnh nhân đột quỵ cần được thực càng nhanh càng tốt. Mục tiêu là để người bệnh có thể được điều trị trong vòng 4,5 tiếng đồng hồ kể từ khi bắt đầu có triệu chứng.
Nên lưu ý thời gian người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng đột quỵ để báo cho nhân viên y tế.
6. Cách chẩn đoán và điều trị đột quỵ nhồi máu não
Đột quỵ nhồi máu não cần được chẩn đoán phân biệt với các tình trạng khác, đặc biệt là đột quỵ xuất huyết não để có phương pháp điều trị phù hợp.
Trong đó, chụp cắt lớp vi tính sọ não (CT sọ não) là công cụ quan trọng nhất trong thăm khám ban đầu ở bệnh nhân đột quỵ để phân biệt nhồi máu não và xuất huyết não, đồng thời xác định được mức độ tổn thương và vị trí tắc mạch.
Quan trọng nhất trong điều trị đột quỵ thiếu máu cục bộ là nhanh chóng tái tưới máu bằng thuốc tiêu sợi huyết và/hoặc bằng dụng cụ trong lòng mạch. Theo Hiệp hội Tim mạch – Đột quỵ Hoa Kỳ thì trong 3 - 4,5 giờ đầu là thời gian tốt nhất để tái thông mạch máu. Bên cạnh đó, cần kiểm soát đường huyết, huyết áp, chống đông máu và dự phòng huyết khối, chống phù não…
Tùy vào thời gian bị đột quỵ và từng bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ áp dụng cách điều trị phù hợp.
Đột quỵ nhồi máu não cần cấp cứu càng nhanh càng tốt
7. Dự phòng đột quỵ nhồi máu não
Có thể dự phòng đột quỵ nhồi máu não bằng các biện pháp:
- Dùng thuốc kháng kết tập tiểu cầu (trong trường hợp có bệnh lý làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông).
- Điều trị rối loạn lipid máu bằng statin.
- Thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp, đường huyết.
- Bỏ thuốc lá.
- Giảm uống rượu.
- Tập thể dục
- Chế độ ăn lành mạnh: Tăng rau củ quả, trái cây, cá, thịt gia cầm, đậu và các loại hạt; hạn chế ăn thịt đỏ, thức ăn nhanh, chất béo bão hòa.
- Kiểm tra các bệnh lý tim mạch, hội chứng ngưng thở khi ngủ nếu có.
- Tái khám thường xuyên.