Cơn thiếu máu não thoáng qua gây ra các triệu chứng tương tự như đột quỵ Tình trạng này thường xuất hiện đột ngột, chỉ kéo dài vài phút, thường được xem là một dấu hiệu cảnh báo của một cơn đột quỵ trong tương lai.
Cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ
1. Cơn thiếu máu não thoáng qua là gì?
Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) là tình trạng mạch máu đến não bị tắc nghẽn tạm thời gây ra triệu chứng khá giống với đột quỵ nhưng không gây ra nhồi máu cấp tính hoặc tổn thương vĩnh viễn. Các triệu chứng này chỉ kéo dài từ vài phút, vài giờ và không bao giờ quá 24 giờ. Vì vậy TIA còn được gọi là một cơn đột quỵ nhỏ (ministroke), nó thường là dấu hiệu cảnh báo một cơn đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai.
Nguyên nhân cơ bản gây ra TIA thường là do tình trạng xơ vữa trong động mạch hoặc một nhánh cung cấp máu cho não, dẫn đến giảm lưu lượng máu qua động mạch hoặc tạo điều kiện hình thành cục máu đông. Cục máu đông hình thành từ một vị trí khác trong cơ thể (ví dụ như tim) rồi di chuyển đến mạch máu cung cấp máu cho não cũng có thể gây ra TIA.
2. Tại sao cần cẩn thận với cơn thiếu máu não thoáng qua?
Cơn thiếu máu não thoáng qua với các triệu chứng xuất hiện và biến mất nhanh chóng có thể khiến người bệnh chủ quan, không đi khám. Nhưng có đến 1/3 số người đã thực sự bị đột quỵ trong vòng một năm sau khi bị TIA. Đây được xem là một yếu tố cảnh báo đột quỵ cần lưu ý với 3-4% nguy cơ hàng năm, 11% nguy cơ trong 7 ngày sau TIA và 24-29% nguy cơ trong 5 năm tiếp theo.
Trong số những bệnh nhân được cấp cứu đột quỵ thiếu máu cục bộ, có 7-40% trường hợp báo cáo đã bị TIA trước đó.
Nhiều cơn đột quỵ có thể được ngăn chặn bằng cách lưu ý các dấu hiệu của TIA và điều trị các yếu tố nguy cơ tiềm ẩn.
Nếu trước đây bạn đã từng bị đột quỵ, hãy chú ý cẩn thận đến các dấu hiệu của TIA, vì chúng có thể báo hiệu một cơn đột quỵ thứ hai có thể xảy ra trong tương lai.
3. Triệu chứng nhận biết cơn thiếu máu não thoáng qua
Các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra đột ngột và hầu hết biến mất trong vòng một giờ, hiếm khi các triệu chứng kéo dài đến 24 giờ. Các triệu chứng giống với các dấu hiệu sớm trong một cơn đột quỵ:
- Yếu, tê hoặc liệt ở một bên cơ thể.
- Lú lẫn, khó nói hoặc khó hiểu người khác đang nói gì.
- Nhìn mờ hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai mắt.
- Chóng mặt.
- Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.
- Mất thăng bằng hoặc mất sự phối hợp cơ thể
- Một người có thể bị cơn thiếu máu não thoáng qua nhiều lần với các triệu chứng giống hoặc khác nhau.
Các triệu chứng của TIA tương tự như cơn đột quỵ thiếu máu cục bộ
4.Cần làm gì khi bị cơn thiếu máu não thoáng qua?
Mặc dù các triệu chứng của TIA có thể biến mất sau đó, nhưng khó có thể phân biệt được các triệu chứng trên là TIA hay đột quỵ. Do đó, điều quan trọng là bạn không nên chờ đợi, mà cần đến bệnh viện ngay khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng đột quỵ nào.
Nếu bạn vừa bị cơn thiếu máu não thoáng qua hoặc đã bị cơn thiếu máu não thoáng qua trước đó nhưng chưa được đánh giá y tế thì bạn cũng nên đến gặp bác sĩ để thăm khám.
Điều quan trọng là cần xác định được nguyên nhân gây ra TIA, để từ đó có biện pháp ngăn ngừa các biến cố sức khỏe trong tương lai.
5. Chẩn đoán và điều trị cơn thiếu máu não thoáng qua
Cơn thiếu máu não thoáng qua cần được chẩn đoán phân biệt với các tình trạng: đột quỵ, bóc tách động mạch cảnh, viêm màng não, viêm màng não mô cầu, đa xơ cứng, xuất huyết dưới nhện, ngất.
Bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm chẩn đoán khác nhau như: xét nghiệm máu, điện tâm đồ, siêu âm mạch máu, chụp CT mạch máu, chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định nguyên nhân gây ra TIA.
Tùy vào nguyên nhân gây ra TIA mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị. Bao gồm điều trị nội khoa, chẳng hạn như sử dụng thuốc chống tập kết tiểu cầu có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ; can thiệp xâm lấn hoặc phẫu thuật, chẳng hạn như cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh hay đặt stent động mạch.
Đối với các vấn đề sức khỏe là yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh động mạch cảnh, bệnh tim… cần tuân thủ điều trị và kiểm soát tốt.
Ngoài ra, việc thay đổi lối sống có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ, bao gồm không hút thuốc, hạn chế rượu bia, có chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.
Sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán TIA
6. Ai có nguy cơ gặp cơn thiếu máu não thoáng qua?
Yếu tố nguy cơ của TIA và đột quỵ là giống nhau, bao gồm các yếu tố có thể thay đổi được và không thể thay đổi được.
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được:
- Tiền sử gia đình
- Tuổi tác
- Giới tính
Các yếu tố nguy cơ do bệnh lý có thể thay đổi:
- Tăng huyết áp
- Rối loạn lipid máu
- Đái tháo đường
- Béo phì và hội chứng chuyển hóa
- Rung nhĩ
- Ngưng thở khi ngủ
- Các bệnh tim khác: nhồi máu cơ tim, cơ tim giãn nở, bệnh van tim, dị tật tim bẩm sinh…
- Hẹp động mạch cảnh
- Bệnh động mạch ngoại vi
- Bệnh hồng cầu hình liềm
Các yếu tố nguy cơ do lối sống có thể thay đổi:
- Hút thuốc lá
- Ít vận động
- Chế độ ăn không lành mạnh
- Lạm dụng rượu bia
- Lạm dụng các chất ma túy
Một chế độ ăn uống lành mạnh giúp phòng ngừa đột quỵ
7. Cách phòng ngừa nguy cơ cơn thiếu máu não thoáng qua
Kiểm soát, điều chỉnh và ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ là cách tốt nhất để ngăn ngừa TIA cũng như đột quỵ. Bao gồm:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà, thuốc lá điện tử…
- Hạn chế: thực phẩm nhiều cholesterol, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường, muối.
- Tăng cường: rau xanh, củ quả, trái cây.
- Uống rượu bia điều độ.
- Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý nền bằng cách tuân thủ điều trị, tái khám đúng lịch và thay đổi lối sống.
Cơn thiếu máu não thoáng qua là dấu hiệu cảnh báo và cũng là dấu hiệu để thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa đột quỵ. Một khi đã được chẩn đoán TIA, người bệnh cần được chuyển đến chuyên khoa phù hợp. Đồng thời, người bệnh cần hiểu được tầm quan trọng của việc kiểm soát các bệnh đồng mắc, đặc biệt tăng huyết áp, ngừng hút thuốc và có lối sống lành mạnh đối với sức khỏe.