CÓ NHỮNG LOẠI SUY TIM NÀO VÀ NGUY CƠ GÂY SUY TIM


Suy tim là một hội chứng bệnh lý rất thường gặp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Suy tim có thể xảy ra do tổn thương ở tim hoặc do một số bệnh lý, việc điều trị sớm giúp hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.

1. Suy tim là gì?

Suy tim là hậu quả của những tổn thương thực thể hoặc rối loạn chức năng tim, dẫn đến cung lượng tim không đủ để đáp ứng nhu cầu ôxy của cơ thể trong mọi tình huống sinh hoạt. Suy tim thường xảy ra sau một cơn nhồi máu cơ tim hoặc xuất phát từ bệnh động mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim, tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim... 

Suy tim có thể xảy ra cấp tính hoặc mạn tính, ảnh hưởng đến tim phải hay tim trái, hoặc suy tim toàn bộ. Phần lớn các trường hợp suy tim là mạn tính.

Suy tim gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới. Tuy nhiên, phụ nữ có khả năng tử vong do suy tim cao hơn. 


Suy tim là một tình trạng nguy hiểm tính mạng

2. Có những loại suy tim nào?

Phân suất tống máu (EF) là một phép đo quan trọng về mức độ bơm máu của tim và được sử dụng để phân loại suy tim và hướng dẫn điều trị. Khi trái tim khỏe mạnh, phân suất tống máu là 50% hoặc cao hơn - có nghĩa là hơn một nửa lượng máu đổ vào tâm thất được bơm ra sau mỗi nhịp đập. Nhưng suy tim có thể xảy ra ngay cả khi phân suất tống máu bình thường. 

Hiện nay, phân loại các thể suy tim của Hội Tim mạch châu Âu năm 2016 được áp dụng phổ biến nhất, phân suy tim thành:

- Suy tim với phân suất tống máu thất trái giảm (HFrEF): Thể suy tim có phân suất tống máu thất trái ≤ 40%

- Suy tim với phân suất tống máu thất trái giảm vừa (HFmrEF): Thể suy tim có phân suất tống máu thất trái từ 40-49%. Còn gọi là suy tim có phân suất tống máu trung gian.

- Suy tim với phân suất tống máu thất trái bảo tồn (HFpEF): Thể suy tim có phân suất tống máu thất trái ≥ 50%.

Trước đây, suy tim được phân loại thành suy tim trái và suy tim phải. Nhưng vì tim hoạt động như một hệ thống bơm đồng nhất, và sự thay đổi tại một buồng tim có thể gây ảnh hưởng lên toàn bộ tim, nên hiện nay thuật ngữ này chỉ dùng để mô tả vị trí chính của bệnh lý dẫn đến suy tim và có thể hữu ích cho việc đánh giá ban đầu và điều trị. 

3. Phân loại mức độ suy tim

 
Tùy vào mức độ suy tim có thể gây ra các triệu chứng từ nhẹ đến nặng

Theo Hội Tim mạch New York (NYHA), phân độ suy tim theo chức năng như sau:

Mức I: Hoạt động thể lực gần như bình thường

Mức II: Hoạt động gắng sức gây mệt mỏi, khó thở, đánh trống ngực hoặc đau ngực. Bị giảm nhẹ các hoạt động về thể lực

Mức III: Thoải mái khi nghỉ ngơi; hoạt động thể lực gắng sức rất ít cũng gây mệt mỏi, khó thở, đánh trống ngực hoặc đau ngực.

Mức IV: Các triệu chứng của suy tim xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi; bất kỳ hoạt động thể lực nào cũng làm tăng cảm giác khó chịu.

4. Các triệu chứng của suy tim là gì?

Các triệu chứng của suy tim có thể bao gồm:

- Khó thở xảy ra khi hoạt động hoặc nghỉ ngơi; nặng hơn khi gắng sức hoặc khi nằm xuống

- Mệt mỏi quá mức 

- Sưng phù ở chân, mắt cá chân, bàn chân hoặc bụng (cổ trướng)

- Ho dai dẳng, có thể kèm theo đờm có máu hoặc bọt hồng

- Tăng cân rất nhanh do giữ nước

- Nhịp tim nhanh, mạch đập không đều

- Giảm khả năng tập thể dục

- Chán ăn

- Đầy hơi, buồn nôn

- Chóng mặt

- Đau ngực (thường gặp ở suy tim là do nhồi máu cơ tim)

- Một số người có thể bị giảm sự tập trung, khó tỉnh táo, trầm cảm và lo âu, hoặc mất ngủ.

5. Nguyên nhân nào gây ra suy tim

Suy tim tâm thu thường liên quan đến tổn thương cơ tim nguyên phát, còn suy tâm trương thường có liên quan tới tổn thương cơ tim thứ phát do những bệnh lý ngoài tim. 

Bệnh động mạch vành (CAD), một rối loạn gây thu hẹp các động mạch cung cấp máu và oxy cho tim, là nguyên nhân phổ biến nhất của suy tim. Ngoài ra, bất kỳ tình trạng nào sau đây đều có thể gây tổn thương hoặc suy yếu tim, dẫn đến suy tim:

- Nhồi máu cơ tim.

- Bệnh van tim gây hở hoặc hẹp van tim.

- Bệnh cơ tim do lạm dụng rượu. 

- Viêm cơ tim, nhất là viêm cơ tim do siêu vi trùng.

- Bệnh tim bẩm sinh.

- Một số loại rối loạn nhịp tim nhanh kéo dài, mạn tính.

- Tăng huyết áp mạn tính

- Bệnh tiểu đường

- Ngưng thở khi ngủ

- Bệnh lý tuyến giáp

- Bệnh huyết sắc tố

- Bệnh amyloidosis 

-
Một số trường hợp không tìm được nguyên nhân cụ thể nào gây ra suy tim.

6. Các biến chứng của suy tim là gì?

Các biến chứng của suy tim có thể phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, sức khỏe tổng thể và các yếu tố khác như tuổi tác. Một số biến chứng của suy tim là:

- Thận suy giảm chức năng hoặc bị suy. Suy tim làm giảm lưu lượng máu đến thận và gây suy thận nếu không được điều trị kịp thời.

- Các vấn đề về van tim. Các van của tim giữ cho máu chảy đúng hướng qua tim, chúng có thể hoạt động bất thường nếu tim giãn nở hoặc áp lực trong tim rất cao do suy tim.

- Rối loạn nhịp tim. Suy tim có thể gây ra các vấn đề về nhịp tim.

- Tổn thương gan. Suy tim có thể dẫn đến ứ máu trong gan, tạo áp lực dẫn đến sẹo, khiến gan khó có thể hoạt động bình thường.

Các triệu chứng và chức năng tim có thể cải thiện nếu được điều trị thích hợp. Nhưng nếu không được điều trị sớm nó có thể đe dọa tính mạng. Những người bị suy tim có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng, một số có thể phải cấy ghép tim hoặc cần hỗ trợ bằng thiết bị hỗ trợ tâm thất.

7. Cách phòng ngừa suy tim

 
Phòng ngừa suy tim để có một cuộc sống khỏe mạnh

Suy tim là một tình trạng cần được điều trị lâu dài để ngăn ngừa các biến chứng. Thuốc và phẫu thuật có thể giảm bớt các triệu chứng, nhưng đôi khi suy tim nặng có thể nguy hiểm đến mức đe dọa tính mạng. Điều trị sớm là cách tốt nhất để kiểm soát và loại bỏ các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến suy tim.

Việc phòng ngừa suy tim và bảo vệ sức khỏe rất quan trọng để có một cuộc sống khỏe mạnh:

- Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì

- Tập thể dục thường xuyên

- Tránh thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa

- Sử dụng thực phẩm lành mạnh, phù hợp với các tình trạng sức khỏe của bản thân

- Bỏ hút thuốc lá

- Hạn chế uống rượu

- Ngủ đủ giấc

- Hạn chế căng thẳng

- Kiểm soát một số tình trạng như huyết áp cao, tiểu đường, cholesterol cao… bằng cách thường xuyên kiểm tra các chỉ số và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ

- Liên hệ bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào ở tim

Suy tim có thể gây ra một cơn đau tim. Cần liên hệ cấp cứu nếu gặp các triệu chứng sau: đau ngực, cảm giác ngực căng tức hoặc bị ép chặt, phần trên cơ thể tê hoặc lạnh, mệt mỏi quá mức, chóng mặt, đổ mồ hôi lạnh, nhịp tim nhanh, buồn nôn và nôn mửa.