CHỈ SỐ ABI LÀ GÌ?

Chi-so-ABI-la-gi

1. Chỉ số ABI là gì? 

Chỉ số ABI (Ankle Brachinal Index) là tỷ số của huyết áp động mạch cổ chân và huyết áp động mạch cánh tay, được tính theo công thức:

ABI = (Chỉ số huyết áp tâm thu cao hơn ở cổ chân)/(Chỉ số huyết áp tâm thu cao hơn ở cánh tay)

ABI được sử dụng chủ yếu để đánh giá bệnh động mạch ngoại biên (PAD). Đây là tình trạng động mạch bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp làm giảm lưu lượng máu đến các chi. PAD thường gây đau cơ bắp chân khi đi bộ, nặng hơn gây tê, yếu hay liệt chân. 

PAD làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, đặc biệt là ở bệnh nhân có các yếu tố đi kèm như trên 70 tuổi, đái tháo đường, rối loạn chức năng thận hoặc hút thuốc lá.

ABI-chan-doan-benh-dong-mach-ngoai-bien
ABI chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên

2. Chỉ số ABI có ý nghĩa gì?

Bệnh nhân dễ chủ quan với PAD, vì phần lớn các trường hợp PAD không có triệu chứng hoặc nếu có thì là các triệu chứng nhẹ không điển hình, ví dụ như cảm giác chuột rút, tê ở chi, đau không điển hình và giảm dần khi nghỉ ngơi.

Cho đến nay, kiểm tra ABI là phương pháp sàng lọc ban đầu hiệu quả cho bệnh động mạch ngoại biên. So với các phương pháp khác, ABI có ưu điểm là cách thực hiện đơn giản, không xâm lấn, có thể đưa vào kiểm tra thường quy ở tất cả bệnh nhân không có triệu chứng. Bên cạnh vai trò sàng lọc, chẩn đoán, hướng dẫn điều trị, ABI còn có vai trò tiên lượng giúp xác định nguy cơ biến cố tim mạch.

Chẩn đoán và đánh giá nguy cơ dựa trên chỉ số ABI như sau:

- ABI > 1,3: Thành mạch cứng (thường do xơ vữa động mạch), cần khám chuyên khoa.

- ABI 1,0 – 1,3: Bình thường.

- ABI 0,9 – 1,0: Có thể chấp nhận được, cần theo dõi.

- ABI 0,8 – 0,9: Bệnh động mạch ngoại biên thể nhẹ, cần điều trị các yếu tố nguy cơ.

- ABI 0,5 – 0,8: Bệnh động mạch ngoại biên thể trung bình, cần khám chuyên khoa.

- ABI <0,5: Bệnh động mạch ngoại biên thể nặng, cần khám chuyên khoa.

Chỉ số ABI nhỏ hơn 0,9 được xem là bất thường, có nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đột quỵ và tử vong cao hơn, có thể cần làm xét nghiệm bổ sung như siêu âm mạch máu, chụp CT, chụp MRI để kiểm tra.

3. Ai cần đo ABI?

+ ABI được thực hiện ở những đối tượng có triệu chứng của bệnh động mạch ngoại biên là đau bắp chân khi đi lại, hoặc để tầm soát ở các đối tượng không có triệu chứng nhưng có nguy cơ mắc PAD:

- Trên 55 tuổi, đặc biệt là sau 70 tuổi

- Hút thuốc lá

- Đái tháo đườn

- Tăng huyết áp

- Cholesterol cao 

- Béo phì, ít vận động

- Xơ vữa động mạch

- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh động mạch ngoại biên

+ ABI chống chỉ định với các trường hợp:

- Đau vùng cẳng chân, bàn chân dữ dội: Đo ABI gây áp lực lên chân, có thể làm tăng đáng kể cơn đau.

- Huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep vein thrombosis - DVT): Đo ABI ở chi DVT có thể gây vỡ và thuyên tắc huyết khối.

- Mạch vôi hóa, cứng, không thể ép được: Kết quả ABI có thể bị thay đổi.

4. Cách đo ABI như thế nào?

Do-huyet-ap-tay-chan-de-tinh-chi-so-ABI

Đo huyết áp tay chân để tính chỉ số ABI

ABI được đo khi nghỉ ngơi, bệnh nhân nằm ngửa, cổ chân ngang với tim. Đôi khi, ABI cũng có thể được đo sau khi tập thể dục. Cách đo ABI chính là đo huyết áp và siêu âm Doppler. 

Một số lưu ý trước khi đo ABI:

- Không hút thuốc lá.

- Không tập thể dục.

- Không sử dụng thực phẩm có caffein.

- Không uống đồ uống có cồn.

- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.

5. Cần làm gì khi chỉ số ABI bất thường

Tùy vào kết quả khám, triệu chứng và bệnh lý hiện có mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp, bao gồm thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, can thiệp và phẫu thuật nếu cần. 

Phương pháp điều trị cơ bản để hạn chế các nguy cơ là: luyện tập các bài tập phù hợp (đi bộ, bài tập chân và các bài tập khác), bỏ thuốc lá, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì, có chế độ ăn nhiều chất xơ, ít cholesterol và chất béo bão hòa.

Điều trị bằng thuốc bao gồm:

- Thuốc kiểm soát các chỉ số: đường huyết, huyết áp và cholesterol.

- Thuốc cải thiện các triệu chứng.

- Thuốc chống ngưng tập kết tiểu cầu để phòng ngừa huyết khối gây tắc nghẽn.

Điều trị can thiệp hoặc phẫu thuật như: nong, đặt stent động mạch, cắt bỏ khối tắc nghẽn, bắc cầu động mạch ngoại biên.

Đo tỷ số huyết áp động mạch cổ chân – cánh tay là cách nhanh chóng và dễ dàng để tầm soát và chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên. Nếu bạn có có nguy cơ mắc bệnh động mạch ngoại biên, bạn nên đo ABI định kỳ kể cả khi không có triệu chứng. Bằng cách này, bạn có thể được chẩn đoán và được điều trị bệnh từ giai đoạn sớm.