CÁC BÀI TẬP THỞ TỐT CHO NGƯỜI BỆNH COVID-19

1. Tại sao các bài tập thở lại có ích

Khi đối mặt với bệnh Covid-19 một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, các bài tập thở hữu ích hơn bao giờ hết trong việc hỗ trợ giảm tác động của Covid-19 trong và sau khi mắc bệnh. Việc hít thở sâu được đánh giá là bài tập tốt cho cả tinh thần và thể chất cho người bệnh. Ngoài ra các bài tập hít thở sâu giúp giảm căng thẳng, thư giãn đầu óc, thúc đẩy lưu thông máu và giúp bạn ngủ ngon hơn. 

Và tất nhiên, hít thở sâu rất tốt cho phổi. Một lá phổi khỏe mạnh giúp việc hít thở diễn ra tự nhiên và dễ dàng. Nhưng khi lá phổi bị ảnh hưởng bởi bệnh tật, việc hít thở trở nên khó khăn hơn. Các bài tập thở sẽ giúp loại bỏ không khí tích tụ trong phổi, tăng lượng oxy trong máu và giúp cơ hoành hoạt động tốt hơn. Đó là lý do bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hay hen suyễn thường được hướng dẫn các bài tập thở để hỗ trợ chức năng phổi.

Nhìn chung, các bài tập thở giúp:

- Đưa oxy vào sâu trong phổi

- Củng cố cơ hoành.

- Tăng dung tích phổi.

- Làm chậm nhịp tim và nhịp thở.

- Cải thiện khả năng chịu đựng của cơ thể khi tập thể dục.

- Giúp thư giãn, giảm căng thẳng và lo lắng liên tục do Covid-19.

Thở sâu tốt cho người bị bệnh Covid-19

2. Các bài tập thở tốt cho người bệnh Covid-19

Hai bài thở phổ biến nhất để giảm căng thẳng và tăng lượng vận động cơ hô hấp -  không chỉ có lợi đối với bệnh Covid-19 mà với cả những người khỏe mạnh là thở mím môi và thở bằng bụng.

a. Thở mím môi

Bạn có thể thực hiện thở mím môi cả khi làm việc

Các bước thực hành phương pháp thở mím môi.

- Tìm một nơi có không khí trong lành

- Ngồi khoanh chân dưới đất hoặc ngồi trên ghế. 

- Ngồi thẳng lưng, thả lỏng cơ mặt, cổ, hàm và vai.

- Hít sâu bằng mũi để mở rộng lồng ngực, đếm chậm hai nhịp. Chú ý hít thở nhẹ nhàng, không cần gắng sức.

- Thở ra bằng miệng. Mím môi lại như thể chuẩn bị thổi nến, thở ra từ từ, đếm chậm bốn nhịp. Chú ý thời gian thở ra phải lâu hơn so với thời gian hít vào.

- Lặp lại bài tập trong 10-15 phút.

Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn nên thực hành bài tập này ít nhất 3 lần mỗi ngày, nhất là khi cảm thấy khó thở hoặc khi vận động.

b. Thở bụng

 
Thở bụng rất tốt để giảm căng thẳng

Thở bụng là một phương pháp thở rất hiệu quả, được sử dụng khá phổ biến. Các bước thực hiện như sâu:

- Ngồi khoanh chân dưới đất hoặc ngồi trên ghế. Khi mới bắt đầu tập, có thể nằm xuống để dễ thực hiện hơn.

- Ngồi thẳng lưng, thả lỏng cơ thể.

- Nhắm mắt lại và hít thở bình thường trong vài phút.

- Sau đó đặt một tay lên ngực, một tay trên bụng.

- Hít thở sâu bằng mũi, cảm nhận hơi đi xuống bụng, đếm chậm 2 nhịp. Trong quá trình này, lồng ngực và xương sườn nở ra, bụng phình ra.

- Chụm môi lại, từ từ thở hết không khí ra ngoài bằng miệng, cảm nhận bụng xẹp xuống, đếm chậm 4 nhịp. Chú ý thời gian thở ra phải lâu hơn so với thời gian hít vào.
- Hít thở chậm và sâu theo cách này trong 10-15 phút. 

Lúc ban đầu, bạn có thể thấy khó thực hiện thở bụng, nhưng tập dần dần sẽ quen. Lưu ý hít thở nhẹ nhàng, không nên gắng sức. Tương tự, bạn nên thực hành bài tập này ít nhất 3 lần mỗi ngày, nhất là khi cảm thấy khó thở hoặc khi vận động.

c. Thở thổi bóng

Thở thổi bóng là bài tập giúp loại bỏ khí cặn trong phổi. Bạn có thể tập với một quả bóng bay hoặc không cần. Các bước thực hiện như sau:

- Ngồi hoặc đứng thẳng, thả lỏng cơ thể.

- Hít sâu theo phương pháp thở bụng.

- Đưa bóng lên miệng, thổi một hơi thật mạnh, thổi ra hết sức trong một lần.

- Lặp lại động tác khoảng 8-10 lần.

Về cơ bản thì các bài tập thể chất khác như bơi lội, chạy bộ, đạp xe đạp, aerobic cũng đều hỗ trợ tuần hoàn và hô hấp. Bạn có thể kết hợp các bài tập thở với tập thể dục tùy theo tình hình sức khỏe của bản thân.

Các bài tập thở không giúp ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19 nhưng giúp phổi hoạt động hiệu quả hơn, giảm các triệu chứng khó thở, căng thẳng lo âu, cải thiện tâm trạng và chất lượng cuộc sống. Bạn nên tập các bài tập thở mỗi ngày để tăng hiệu quả, nhất là mỗi khi cảm thấy khó thở, hồi hộp, tim đập nhanh.