BỆNH TIỂU ĐƯỜNG CÓ THỂ GÂY RA ĐỘT QUỴ KHÔNG?

Tiểu đường là một tình trạng mạn tính gây ra rất nhiều vấn đề cho sức khỏe con người. Bên cạnh cholesterol cao và huyết áp cao, tiểu đường được xem là một trong những yếu tố nguy cơ chính gây ra đột quỵ. Nhưng thật may vì tiểu đường là yếu tố có thể kiểm soát được. 

 
Người bị tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ

1. Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường và đột quỵ là gì?

Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là một rối loạn chuyển hóa đặc trưng bởi lượng đường trong máu cao. Ước tính trên toàn thế giới có khoảng 285 triệu người mắc bệnh tiểu đường trong năm 2010 và con số này dự kiến sẽ tăng lên 439 triệu người vào năm 2030. Sự gia tăng đáng kể này có thể là do số người bị béo phì trên toàn thế giới cũng đang gia tăng tương ứng. Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác nếu không được điều trị đúng cách, bao gồm bệnh võng mạc, bệnh thận mạn tính, cắt cụt chi, và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý về tim mạch và đột quỵ.

Mặc dù y học đã đạt được nhiều thành tựu trong tầm soát và điều trị đột quỵ, nhưng sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường lại làm tăng thêm gánh nặng. 

Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến các mạch máu tại nhiều vị trí khác nhau và có thể dẫn đến đột quỵ nếu nó ảnh hưởng trực tiếp đến mạch máu não. Lượng đường dư thừa trong máu thúc đẩy quá trình tích tụ chất béo trong động mạch, hình thành các mảng xơ vữa, dẫn đến hình thành cục máu đông hoặc tắc nghẽn động mạch, gây ra đột quỵ.

Bên cạnh đó, những người mắc bệnh tiểu đường có nhiều khả năng bị huyết áp cao và cholesterol cao (mỡ máu) – những yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch và đột quỵ.
Nhìn chung, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn 2 – 4 lần so với những người bình thường. Nguy cơ đột quỵ cao hơn ở những người trẻ mắc bệnh tiểu đường. Ngoài ra, những bệnh nhân đột quỵ có mức đường huyết không kiểm soát được cũng có tỷ lệ tử vong cao và biến chứng sau đột quỵ nặng hơn. 

2. Các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ là gì?

Đột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não, là tình trạng thiếu máu và oxy cung cấp cấp đến các tế bào não. Nó xảy ra khi một mạch máu não bị vỡ và chảy máu ra xung quanh hoặc do động mạch cung cấp máu lên não bị tắc nghẽn. Từ đó, người ta phân đột quỵ thành 02 loại chính là xuất huyết não và nhồi máu não (thiếu máu cục bộ).
Bên cạnh bệnh tiểu đường, đột quỵ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác như:

- Huyết áp cao

- Rung tâm nhĩ (AF)

- Cholesterol cao

- Vấn đề về đông máu

- Bệnh hồng cầu hình liềm (SCD)

- Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)

- Hẹp động mạch cảnh

- Bệnh tim, mạch vành, bệnh van tim và dị tật bẩm sinh

- Tiền sử bị một cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA)

- Béo phì

- Ngưng thở khi ngủ

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ về lối sống có thể dẫn đến đột quỵ bao gồm:

- Chế độ ăn uống ít dinh dưỡng

- Ít vận động

- Sử dụng thuốc lá

- Uống nhiều rượu

Nguy cơ đột quỵ tăng lên theo tuổi tác, đặc biệt là sau 55 tuổi. Nam giới có tỷ lệ bị đột quỵ cao hơn nữ giới, nhưng nữ giới lại có tỷ lệ tử vong do đột quỵ cao hơn. 

3. Có thể giảm nguy cơ đột quỵ bằng cách nào?

 
Người bị tiểu đường cần kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên

Một số yếu tố như bệnh di truyền, tuổi tác và tiền sử gia đình là những vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát. Nhưng bệnh tiểu đường, cholesterol cao, huyết áp cao và béo phì là những yếu tố gây đột quỵ có thể kiểm soát được bằng cách thay đổi lối sống và theo dõi thường xuyên.

Thay đổi lối sống bao gồm kiểm soát cân nặng, giảm lượng chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, giảm thực phẩm nhiều đường và muối, bổ sung nhiều chất xơ, và tăng cường hoạt động thể chất, có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, cũng như kiểm soát đột quỵ ở những người bị bệnh tiểu đường.

Kiểm soát huyết áp có hiệu quả trong việc ngăn ngừa đột quỵ ở cả những người mắc bệnh tiểu đường và những người không mắc bệnh tiểu đường. Kiểm soát cholesterol trong máu ở những người bị bệnh tiểu đường có thể phòng ngừa đột quỵ, kể cả ở những người đã bị một cơn thiếu máu não thoáng qua trước đó.

Tiểu đường, cholesterol và huyết áp cần được theo dõi và kiểm soát bằng cách kiểm tra các chỉ số thường xuyên và sử dụng thuốc. Chúng bao gồm thuốc huyết áp, thuốc tiểu đường, thuốc cholesterol (statin) và thuốc ngăn ngừa cục máu đông... Loại thuốc và liều lượng sẽ phụ thuộc vào tình trạng của mỗi người. Hãy chắc chắn rằng những loại thuốc này được uống theo đúng liều lượng và thời gian mà bác sĩ cung cấp.

Ngoài ra, chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt cũng đóng một vai trò không nhỏ giúp ổn định các chỉ số này:

- Giảm lượng muối và chất béo tiêu thụ.

- Ăn nhiều cá thay cho thịt đỏ.
- Sử dụng thực phẩm có lượng đường bổ sung thấp hơn.

- Ăn nhiều rau xanh, trái cây, đậu và các loại hạt.

- Sử dụng ngũ cốc nguyên hạt thay vì các loại đã qua tinh chế.

- Tập các bài tập vận động cơ thể ít nhất 5 ngày mỗi tuần, 30 phút mỗi lần, ví dụ như đi bộ nhanh, chạy bộ và bơi.

- Không hút thuốc lá.

- Không uống quá hai ly rượu mỗi ngày đối với nam giới, không quá một ly mỗi ngày đối với nữ giới.

Mặc dù các yếu tố nguy cơ không thể bị loại bỏ hoàn toàn, nhưng việc kiểm soát chúng cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát nguy cơ đột quỵ, tăng cơ hội sống lâu, khỏe mạnh và không bị đột quỵ.