Bệnh hen suyễn ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gây triệu chứng khó chịu cản trở hoạt động vui chơi, học tập, vận động và giấc ngủ của trẻ. Hen suyễn không được kiểm soát có thể gây cơn hen cấp nặng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ phải nghỉ học và nhập viện. Bài viết này cung cấp cho bạn các thông tin về bệnh hen suyễn ở trẻ em.
Bệnh hen suyễn phổ biến ở trẻ em
1. Bệnh hen suyễn ở trẻ em
Hen suyễn (hen phế quản) là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp ở người lớn và trẻ em. Trong đó, trẻ em bị hen suyễn nhiều hơn với tỷ lệ mắc bệnh trung bình là 10% dân số, thường khởi phát trước 5 tuổi. Tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng.
Hen suyễn là tình trạng viêm mạn tính đường thở làm tăng phản ứng với các tác nhân gây ra tình trạng đường thở co thắt, phù nề, tăng tiết đờm. Đường thở tắc nghẽn, hạn chế luồng khí dẫn đến các triệu chứng hen: khó thở, thở khò khè, nặng tức ngực, ho tái diễn.
Hen suyễn ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi khó chẩn đoán vì triệu chứng hen không điển hình, đôi khi trẻ chỉ bị nặng ngực. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ thường hay mắc các bệnh đường hô hấp có thể gây ra triệu chứng khò khè, việc chẩn đoán phân biệt với các nguyên nhân khác rất phức tạp. Quá trình thăm khám và điều trị ở trẻ nhỏ cũng khó khăn hơn vì trẻ chưa biết hợp tác, cần sự hỗ trợ của cha mẹ.
Hen suyễn ở trẻ em có thể nhẹ, không xuất hiện triệu chứng trong một thời gian dài khi trẻ lớn hơn, nhưng cũng có thể nặng và xuất hiện thường xuyên khiến trẻ phải nghỉ học, nhập viện. Với phương pháp điều trị phù hợp, bệnh hen suyễn ở trẻ có thể được kiểm soát và giúp phổi phát triển bình thường nhất có thể.
Bệnh hen suyễn gây ra triệu chứng dễ nhầm lẫn với bệnh khác
2. Nguyên nhân trẻ em bị hen suyễn
Nguyên nhân chính xác của bệnh hen suyễn vẫn chưa được biết đến. Hen suyễn phát triển ở trẻ em có thể là kết quả tương tác giữa yếu tố di truyền và môi trường. Yếu tố di truyền ảnh hưởng đến tình trạng viêm đường thở và phản ứng quá mức của đường thở. Trong khi yếu tố môi trường như dị nguyên, nhiễm khuẩn hô hấp, khói thuốc lá và ô nhiễm môi trường làm tăng tình trạng viêm đường thở.
Khi đường thở phản ứng quá mức với các tác nhân sẽ gây khởi phát cơn hen. Cơn hen có thể xảy ra khi trẻ tiếp xúc với:
- Dị nguyên (một số loại thuốc, hóa chất gia dụng; mạt nhà, bụi, nấm mốc, thú cưng, phấn hoa; chất thải của gián, chuột...)
- Nhiễm khuẩn hô hấp (cảm lạnh, cúm, RSV)
- Hít khói thuốc lá thụ động
- Ô nhiễm không khí trong nhà/ngoài trời
- Hít phải không khí lạnh
- Tập thể dục, vận động gắng sức
- Yếu tố tâm lý (cười, khóc, sợ hãi...)
Nhiễm trùng đường hô hấp gây khởi phát cơn hen
3. Triệu chứng bệnh hen suyễn ở trẻ em
Khò khè là triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ em bị hen suyễn. Ngoài ra trẻ có thể bị ho, khó thở, nặng ngực. Các triệu chứng này:
- Thường xuyên tái phát
- Nặng hơn về đêm và sáng sớm
- Xảy ra khi gắng sức, cười, khóc
- Xảy ra khi tiếp xúc với khói thuốc lá, không khí lạnh, thú nuôi...
Ở một số trẻ, trẻ có thể than mệt, không muốn tham gia các hoạt động, dễ cáu kỉnh, thở hổn hển dù vận động ít. Trẻ sơ sinh có thể khó ăn hoặc khó bú.
4. Phân loại hen suyễn ở trẻ em
Bệnh hen suyễn ở trẻ em được phân loại kiểu hình theo triệu chứng:
- Hen suyễn khởi phát do virus: Trẻ bị khò khè từng đợt kèm với bệnh viêm đường hô hấp trên do virus, không có triệu chứng giữa các đợt này.
- Hen suyễn khởi phát do vận động: Trẻ bị khò khè sau vận động gắng sức, ngoài lúc này trẻ không có triệu chứng.
- Hen suyễn khởi phát do nhiều yếu tố: Trẻ bị khò khè do nhiều yếu tố như thời tiết, vận động, virus, dị nguyên; giữa các đợt khò khè này có triệu chứng.
Bệnh hen suyễn ở trẻ em được phân loại kiểu hình theo thời gian:
- Hen suyễn thoáng qua: Trẻ có triệu chứng hen suyễn và kết thúc trước 3 tuổi, thường gặp ở trẻ sinh non, nhẹ cân, gia đình có người hút thuốc lá, tái nhiễm virus nhiều lần, thường gặp ở trẻ không có cơ địa dị ứng.
- Hen suyễn kéo dài: Trẻ có triệu chứng hen suyễn trước 3 tuổi và tiếp tục sau đó.
- Hen suyễn khởi phát muộn: Trẻ có triệu chứng hen suyễn sau 3 tuổi.
Bệnh hen suyễn có thể kéo dài khi trẻ lớn lên
5. Cách chẩn đoán bệnh hen suyễn ở trẻ em
Bệnh hen suyễn ở trẻ em khó chẩn đoán, nhất là trẻ còn nhỏ. Các triệu chứng hen có thể tương tự như các tình trạng khác.
Không có xét nghiệm nào đủ để khẳng định chẩn đoán hen ở trẻ dưới 5 tuổi. Bác sĩ đưa ra chẩn đoán dựa vào nhiều yếu tố: tiền sử bệnh lý (tiền sử viêm mũi dị ứng, chàm da; tiền sử cha mẹ, anh chị em ruột bị hen, dị ứng), đặc điểm triệu chứng bệnh, khám lâm sàng cùng cận lâm sàng.
Các cận lâm sàng dưới đây có thể được chỉ định trong chẩn đoán hen hoặc chẩn đoán phân biệt khi triệu chứng gợi ý bệnh lý khác:
- Chụp X-quang ngực
- Xét nghiệm lẩy da hoặc định lượng IgE đặc hiệu
- Đo hô hấp ký
- Đo lưu lượng đỉnh
- Đo dao động xung ký
- Đo FeNO
Trong trường hợp trẻ không thể làm các xét nghiệm, bác sĩ có thể cho trẻ dùng thử thuốc điều trị hen để xem trẻ có đáp ứng với thuốc không, các triệu chứng hen có thuyên giảm hay không.
Các bệnh lý ở trẻ em có thể gây ra triệu chứng tương tự hen suyễn là:
- Viêm tiểu phế quản
- Viêm mũi xoang
- Dị vật đường thở
- Dị tật bẩm sinh, bất thường chức năng
- U nang chèn ép phế quản
- Thâm nhiễm phổi tăng bạch cầu ái toan
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Hội chứng hít
- Dò khí thực quản
- Suy giảm miễn dịch bẩm sinh
Điều trị hen suyễn ở trẻ em
6. Cách điều trị bệnh hen suyễn ở trẻ em
Trẻ em bị hen suyễn cần được điều trị và theo dõi để đảm bảo chức năng phổi phát triển bình thường, giảm nguy cơ xuất hiện cơn hen cấp và duy trì cuộc sống năng động.
Tùy vào độ tuổi, triệu chứng, mức độ hen, tác nhân gây hen suyễn, tác dụng phụ của thuốc mà bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp điều trị phù hợp nhất. Thuốc điều trị có thể bao gồm thuốc kiểm soát hen và thuốc cắt cơn hen. Trong trường hợp bệnh hen suyễn đáp ứng tốt, trẻ hết triệu chứng và không có yếu tố nguy cơ, sau đợt điều trị ban đầu trẻ có thể ngưng thuốc rồi theo dõi. Nếu triệu chứng xuất hiện lại cần tiếp tục điều trị.
Nhìn chung, việc điều trị sẽ được điều chỉnh phù hợp tùy từng đối tượng cụ thể và mức độ đáp ứng với phương pháp điều trị trước đó cho đến khi các triệu chứng hen suyễn được kiểm soát.
Trẻ hoặc cha mẹ của trẻ sẽ được hướng dẫn kiến thức và kỹ năng về bệnh hen: cách sử dụng thuốc, kế hoạch xử trí cơn hen cấp, tuân thủ điều trị, kiểm soát môi trường sống (khói thuốc lá, dị nguyên, ô nhiễm không khí...).
Không để trẻ hít khói thuốc lá thụ động
7. Khi nào cần đưa trẻ hen suyễn đi khám
Sau khi trẻ được chẩn đoán hen, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ, thường là 1-3 tháng/lần khi bắt đầu điều trị và 3-6 tháng/lần sau đó.
Khi trẻ bị lên cơn hen, cần điều trị tại nhà theo hướng dẫn xử trí hen, sau đó đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt trong vòng 1 tuần. Nhưng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu có triệu chứng cảnh báo sau:
- Khó thở nghiêm trọng
- Triệu chứng không giảm sau khi đã xử trí tại nhà
- Người thân không biết cách xử trí cơn hen cấp tại nhà
8. Các biện pháp phòng ngừa hen suyễn ở trẻ em
Dưới đây là các biện pháp phòng ngừa hen suyễn ở trẻ em:
- Không hút thuốc lá khi có mặt phụ nữ mang thai hoặc trẻ em, nhất là trẻ mới sinh.
- Phụ nữ nên ưu tiên đẻ thường thay vì đẻ mổ.
- Cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ.
- Thận trọng khi sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ em.
- Giữ không khí trong nhà luôn trong lành.
- Tránh để trẻ tiếp xúc với: khói thuốc lá, khói bếp, khói đốt củi, than, bụi nhà, mạt nhà, nấm mốc, phấn hoa, hóa chất, lông thú cưng...
- Giảm cân cho trẻ bị thừa cân/béo phì.
- Khuyến khích trẻ vận động.