BAO LÂU BẠN CẦN NỘI SOI ĐẠI TRÀNG?

1. Nội soi đại tràng là gì? 

Nội soi đại tràng là phương pháp chính để kiểm tra và chẩn đoán bằng cách sử dụng một ống hẹp có gắn camera để tìm kiếm những bất thường trong đại trực tràng. Vậy khi nào bạn nên bắt đầu nội soi đại tràng và tần suất nội soi là bao lâu? 

2. Khi nào bạn nên đi nội soi đại tràng lần đầu tiên?

Những người trên 50 tuổi nên bắt đầu nội soi đại tràng kể cả khi không có tiền sử bệnh liên quan đến đại trực tràng. Khi lớn tuổi, nguy cơ phát triển polyp và ung thư đại trực tràng tăng lên. Nội soi đại tràng định kỳ có thể phát hiện sớm những tổn thương có thể phát triển thành ung thư để nhanh chóng điều trị. 

Còn nếu bạn có một trong những yếu tố nguy cơ ung thư đại trực tràng dưới đây, bạn nên đi nội soi đại tràng sớm và thường xuyên hơn:

- Tiền sử gia đình (đặc biệt là bố mẹ, anh chị em) có người bị polyp hoặc ung thư đại trực tràng.

- Bạn từng được chẩn đoán bị các bệnh như: Crohn, hội chứng ruột kích thích (IBS), polyp đại trực tràng, viêm loét đại tràng, viêm loét trực tràng….

- Gia đình mang gen làm tăng nguy cơ ung thư như bệnh đa u tuyến hoặc hội chứng Lynch.

- Tiếp xúc với bức xạ xung quanh vùng bụng hoặc vùng chậu.

- Đã từng phẫu thuật cắt bỏ một phần đại tràng.

Nếu gia đình bạn có tiền sử ung thư hệ tiêu hóa thì bạn nên đi nội soi định kỳ từ 40 tuổi, hoặc tầm soát sớm hơn ở độ tuổi 35 nếu trước đó cha hoặc mẹ được chẩn đoán bị ung thư đại trực tràng.

3. Bạn nên nội soi bao lâu một lần?


Bao lâu bạn nên nội soi đại tràng?

Kết quả trong lần nội soi đầu tiên sẽ quyết định bao lâu sau đó bạn cần nội soi lại. Đối với một số bệnh lý đại trực tràng, bác sĩ có thể đề nghị bạn nội soi lại sau quá trình điều trị để kiểm tra xem việc điều trị có hiệu quả hay không và bệnh tình đã được kiểm soát hay chưa. Nếu bác sĩ nghi ngờ tổn thương có thể phát triển thành ung thư, bạn cần khám và nội soi đại trực tràng định kỳ để phát hiện kịp thời ung thư ở giai đoạn sớm.

a. Sau tuổi 50

Hầu hết những người khỏe mạnh và không có yếu tố nguy cơ, nên nội soi ít nhất 10 năm một lần. Sang tuổi 60, bạn nên nội soi 5 năm một lần.

Tuy nhiên, với người trên 75 tuổi, việc nội soi sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe do những biến chứng có thể xảy ra khi bạn già đi.

b. Sau khi cắt polyp

Polyp là sự tăng sinh bất thường ở niêm mạc hoặc cấu trúc dưới niêm mạc. Hầu hết polyp là lành tính và có thể được cắt bỏ bằng phương pháp nội soi. Một số khác được gọi là u tuyến có nhiều khả năng phát triển thành ung thư và cần phải cắt bỏ sớm.

Sau khi cắt polyp, bạn nên đi nội soi ít nhất 5 năm một lần sau khi cắt. Nếu nó là polyp tuyến thì bạn nên nội soi sau đó 1 – 2 năm hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

c. Bị bệnh túi thừa

Túi thừa có cấu trúc dạng túi nhỏ, phồng, phát triển ở bất cứ nơi nào trong thành của hệ tiêu hóa từ thực quản, dạ dày, tá tràng, ruột non, ruột già. 

Trên thực tế có nhiều người bị túi thừa nhưng không có triệu chứng, không cần điều trị. Nhưng một số khác bị viêm túi thừa cần phải điều trị bằng kháng sinh. Nếu tình trạng nặng hơn như viêm nhiễm phúc mạc, áp xe, rò, chảy máu, thủng đại tràng hoặc điều trị nội khoa không hiệu quả thì cần thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi thừa.

Nếu bạn bị túi thừa, bạn cần nội soi từ 5 – 8 năm một lần. Tuy nhiên, bạn có thể cần nội soi sớm hơn nếu bệnh túi thừa có mức độ nghiêm trọng hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

d. Bị viêm ruột (Crohn, viêm loét đại trực tràng)

Nếu bạn bị viêm ruột, nguy cơ ung thư cao hơn sau 8 – 10 năm, vì vậy bạn nên nội soi từ 2 – 5 năm một lần hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.

4. Cần chuẩn bị gì để nội soi đại tràng


 
Tránh thực phẩm nhiều chất xơ trước khi nội soi đại tràng

- Trước khi nội soi 4-5 ngày, bạn nên ăn thức ăn nhẹ như: bánh mì, rau củ trái cây, cơm, thịt nạc, trứng; tránh thức ăn có nhiều chất xơ, dầu mỡ, ngũ cốc và trái cây có nhiều hạt như: dưa hấu, thanh long, ổi…; không hút thuốc lá, uống rượu bia.

- Trước khi nội soi 1 ngày, bạn nên uống nhiều nước nhưng cần tránh sử dụng các loại nước có màu.

- Thông báo với bác sĩ về bệnh lý nội khoa đang điều trị và toa thuốc đang dùng.

- Nhịn ăn trước khi nội soi ít nhất 8 tiếng, chỉ nên uống nước lọc.

- Trước khi nội soi 2 giờ, nên ngừng uống nước.

- Nếu nội soi gây mê, cần có người nhà đi cùng.

- Nếu bạn có tiền sử phản ứng với thuốc gây mê, nên thông báo với bác sĩ và chọn phương pháp nội soi không gây mê.

Bạn sẽ gặp một số vấn đề sau khi uống thuốc làm sạch đại tràng như: đi cầu phân lỏng nhiều lần, có thể chóng mặt hoặc ói khi uống thuốc. Hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn có nhiều phản ứng khó chịu.

5. Nội soi đại tràng ở đâu?

Hiện nay, Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 là đơn vị cung cấp dịch vụ nội soi đại tràng với đội ngũ y bác sĩ chuyên môn sâu và giàu kinh nghiệm. Đặc biệt, Phòng khám được trang bị dàn máy nội soi tiêu hóa hiện đại Olympus – CV190 với phương pháp nội soi NBI (nội soi với dải tần ánh sáng hẹp), cho ra hình ảnh có độ phân giải cao giúp bác sĩ đọc và chẩn đoán chính xác kết quả từ những tổn thương trong đại trực tràng.