1. Xét nghiệm LDH là gì?
LDH là một loại enzyme có mặt ở nhiều vị trí trong cơ thể, được giải phóng vào máu khi có tổn thương xảy ra. Xét nghiệm LDH thường được chỉ định khi nghi ngờ có tổn thương mô do bệnh lý hoặc đánh giá sau chấn thương.
Lactate dehydrogenase (LDH) hay còn được gọi là axit lactic dehydrogenase là một loại enzyme đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa năng lượng. Enzyme này hiện diện ở nhiều mô và cơ quan khác nhau như tế bào máu, cơ xương, tuyến tụy, gan, thận, tim, não...
Thông thường, mức LDH trong máu không cao. Khi mô trong cơ thể bị tổn thương do bệnh tật hoặc chấn thương, LDH được giải phóng vào máu làm nồng độ LHD trong máu tăng cao.
LDH cũng có thể được giải phóng vào các dịch cơ thể khác như dịch tủy não, dịch tủy sống… Mức LDH ở dịch tủy não cao hơn thường là có tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, hoặc một bệnh lý ảnh hưởng đến não hoặc tủy sống (ví dụ: viêm màng não do vi khuẩn).
Xét nghiệm LDH thường định lượng LDH trong máu. Nồng độ LDH trong máu cao cho thấy có tổn thương tế bào cấp tính hoặc mãn tính đang xảy ra, cần thực hiện thêm các xét nghiệm chẩn đoán khác để xác định nguyên nhân.
Xét nghiệm LDH xác định tình trạng viêm trong cơ thể
2. Nguyên nhân nào gây ra mức LDH cao?
LHD tồn tại ở nhiều vị trí trong cơ thể nên mức LHD cao có thể chỉ ra một số tình trạng như:
- Thiếu máu
- Bệnh thalassemia (tan máu bẩm sinh)
- Bệnh thận
- Bệnh gan (ví dụ: viêm gan)
- Chấn thương cơ
- Bệnh loạn dưỡng cơ
- Đau tim
- Tai biến mạch máu não (đột quỵ)
- Viêm tụy
- Tình trạng nhiễm trùng (ví dụ: viêm màng não, viêm não, tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn…)
- Nhiễm khuẩn huyết và số nhiễm khuẩn
- Một số loại ung thư
3. Xét nghiệm LDH dùng để làm gì?
Xét nghiệm LDH là xét nghiệm xác định vị trí và mức độ nghiêm trọng của các rối loạn gây tổn thương mô trong cơ thể. Bao gồm các tình trạng thiếu máu, bệnh gan, bệnh phổi và một số loại nhiễm trùng…
Xét nghiệm LDH cũng được thực hiện định kỳ để để theo dõi tiến triển của một số bệnh lý như: bệnh thận, bệnh gan, ung thư, viêm tụy, nhiễm trùng nặng, tình trạng thiếu máu tán huyết. Qua đó để xác định hiệu quả của phương pháp điều trị. Mức LDH không giảm cho thấy việc điều trị không có hiệu quả.
4. Ý nghĩa của kết quả xét nghiệm LDH
Xét nghiệm LDH phân tích mẫu máu trong phòng thí nghiệm
Mức bình thường của LDH trong máu có thể thay đổi tùy vào phương pháp xét nghiệm của cơ sở y tế, nhưng thường dao động trong khoảng từ 140U/L đến 280U/L (đơn vị mỗi lít) đối với người lớn. Ở thanh thiếu niên và trẻ em, mức độ LDH có xu hướng cao hơn.
Tổng LDH cao hơn bình thường có nghĩa là có thể đang xảy ra tình trạng tổn thương mô, nhưng nó không chỉ ra cơ quan nào bị tổn thương. Vì vậy cần kết hợp thêm một số xét nghiệm khác để chẩn đoán.
Một trong số đó là xét nghiệm isoenzyme LDH, phân biệt là LDH-1 đến LDH-5. Mỗi loại sẽ được tìm thấy trong các mô cơ quan khác nhau. Ví dụ như LDH-1 thường tập trung cao nhất ở tim và tế bào hồng cầu, LDH-5 được tìm thấy hầu hết ở gan.
Bên cạnh đó, xét nghiệm LDH thường kết hợp với một số xét nghiệm khác như xét nghiệm ALT, AST hoặc ALP để chẩn đoán hoặc xác định cơ quan tổn thương.
Nồng độ LDH thấp hiếm gặp hơn và thường không được xem là một yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên nó vẫn cần được đánh giá và tư vấn bởi bác sĩ chuyên môn.
Một số yếu tố không phải do bệnh lý có thể ảnh hưởng đến mức LDH như:
- Tập thể dục gắng sức
- Dùng quá nhiều vitamin C
- Sử dụng thuốc mê, aspirin hoặc một số thuốc khác
- Sử dụng rượu và ma túy cũng có thể ảnh hưởng đến mức LDH
5. Cách thực hiện xét nghiệm LDH
Xét nghiệm LDH được thực hiện như các xét nghiệm máu thông thường khác. Mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch trên cánh tay hoặc bàn tay (trong trường hợp không lấy máu được ở cánh tay) và chứa trong ống nghiệm.
Xét nghiệm máu thường có rất ít rủi ro. Một số rủi ro có thể gặp như nhói, đau, chảy máu, nhiễm trùng, bầm tím hoặc cảm thấy lâng lâng, chóng mặt.