Thiếu máu cơ tim là tình trạng cơ tim không nhận được đủ máu và oxy cần thiết do động mạch vành bị thu hẹp. Nguyên nhân chủ yếu gây thiếu máu cơ tim là xơ vữa động mạch. Thiếu máu cơ tim nếu không điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, kể cả nhồi máu cơ tim.
Thiếu máu cơ tim là tình trạng cơ tim thiếu máu và oxy
1. Thiếu máu cơ tim là gì?
Thiếu máu cơ tim là tình trạng cơ tim không được cung cấp đầy đủ oxy để hoạt động do giảm lưu lượng máu đến cơ tim.
Thiếu máu cơ tim khiến tim phải làm việc gắng sức hơn để đưa máu đến phần còn lại của cơ thể. Điều này làm tăng nguy cơ đông máu, bệnh van tim, suy tim, rối loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim.
Thông thường, lưu lượng máu giảm là kết quả của bệnh động mạch vành, là tình trạng xảy ra khi động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim bị hẹp. Khi dòng máu đến cơ tim bị ngăn chặn hoàn toàn khiến các tế bào cơ tim bị hoại tử sẽ gây ra nhồi máu cơ tim.
2. Nguyên nhân thiếu máu cơ tim?
Nguyên nhân phổ biến gây thiếu máu cơ tim là sự tích tụ của các mảng vữa và xơ cứng, được gọi là xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch làm hẹp, cản trở sự lưu thông của máu qua động mạch.
Ngoài ra, lưu lượng máu mạch vành có thể giảm do cục máu đông từ vị trí khác di chuyển đến gây tắc mạch, hoặc do tình trạng co thắt động mạch vành.
Yếu tố nguy cơ thúc đẩy thiếu máu cơ tim bao gồm:
- Hút thuốc lá
- Béo phì
- Tăng huyết áp
- Rối loạn mỡ máu
- Đái tháo đường
- Ít vận động
Nguyên nhân chính gây thiếu máu cơ tim là xơ vữa động mạch
3. Triệu chứng thiếu máu cơ tim
Hầu hết những người bị thiếu máu cơ tim (hẹp dưới 50%) không gặp các triệu chứng hoặc hạn chế lưu lượng máu. Nhưng nếu xơ vữa động mạch tiến triển, không được điều trị thì các triệu chứng có thể xảy ra.
Cảm giác đau khó chịu ở ngực khi cơ tim không được cung cấp đủ oxy được gọi là cơn đau thắt ngực. Đây là một hội chứng lâm sàng đặc trưng bởi cảm giác khó chịu ở ngực, hàm, vai, lưng hoặc cánh tay. Cơn đau nặng hơn khi tập thể dục, gắng sức hoặc căng thẳng. Khi bệnh nặng có thể đau ngay cả lúc nghỉ ngơi.
Tần suất cơn đau thắt ngực có thể xảy ra vài tháng, vài tuần hoặc nặng hơn là vài ngày một lần. Thời gian đau diễn ra vài giây đến vài phút, có thể thuyên giảm khi nghỉ ngơi hoặc sử dụng thuốc nitroglycerin. Nhưng nếu cơn đau không thuyên giảm sau khi dùng thuốc hoặc kéo dài 15-20 phút thì cần đi cấp cứu, vì đó có thể là một cơn nhồi máu cơ tim.
Lưu ý là đau thắt ngực có thể xảy ra ở những người mắc bệnh van tim, bệnh cơ tim phì đại và tăng huyết áp không kiểm soát được.
Thiếu máu cơ tim còn kèm theo các triệu chứng:
- Hồi hộp
- Tim đập nhanh
- Vã mồ hôi
- Buồn nôn, nôn
- Choáng váng hoặc ngất xỉu
- Hụt hơi, khó thở
- Sưng ở bàn chân hoặc mắt cá chân
Đau thắt ngực là triệu chứng của thiếu máu cơ tim
Giống như các bệnh động mạch vành khác, thiếu máu cơ tim có thể không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi xảy ra một cơn nhồi máu cơ tim. Trường hợp này được gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng.
Có nhiều người có thể bị thiếu máu cơ tim thầm lặng, hoặc thiếu máu cơ tim không đau, hoặc thậm chí là nhồi máu cơ tim không có triệu chứng báo trước. Những người từng bị nhồi máu cơ tim, người lớn tuổi hoặc người mắc bệnh đái tháo đường có nhiều nguy cơ bị thiếu máu cơ tim thầm lặng hơn.
4. Chẩn đoán thiếu máu cơ tim
Thiếu máu cơ tim nếu không điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm tử vong do nhồi máu cơ tim. Do đó, người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm.
Một số xét nghiệm có thể được sử đụng dể chẩn đoán thiếu máu cơ tim là:
- Xét nghiệm máu men sinh học tim và các xét nghiệm máu sinh hóa khác.
- Chụp động mạch vành
- Điện tâm đồ
- Điện tâm đồ gắng sức
- Holter tim
- Siêu âm tim
- Nghiệm pháp gắng sức
- Chụp CT mạch vành
Thiếu máu cơ tim cần được chẩn đoán và điều trị sớm
5. Điều trị thiếu máu cơ tim
Điều trị thiếu máu cơ tim thường tập trung vào việc phục hồi lưu lượng máu và giảm nguy cơ biến chứng. Cần xác định và điều trị các bệnh liên quan thúc đẩy hoặc làm trầm trọng thêm cơn đau thắt ngực và thiếu máu cơ tim cục bộ. Xác định và can thiệp các yếu tố nguy cơ tim mạch. Trong trường hợp cần thiết, cần tái thông mạch máu bằng phẫu thuật.
Tùy vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe cụ thể của người bệnh mà bác sĩ sẽ quyết định điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật hoặc cả hai.
Thay đổi lối sống để điều trị thiếu máu cơ tim:
- Có chế độ ăn lành mạnh cho tim
- Ngủ đủ giấc
- Tăng cường vận động
- Giảm cân nếu bị thừa cân béo phì
- Giảm căng thẳng
- Bỏ thuốc lá
- Giảm uống rượu
Sử dụng thuốc để kiểm soát bệnh và giảm nguy cơ biến chứng:
- Thuốc điều trị rối loạn mỡ máu, huyết áp, đái tháo đường (nếu có)
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin
- Thuốc chống ngưng kết tiểu cầu, giảm nguy cơ đông máu
- Thuốc chẹn beta
- Thuốc chẹn kênh canxi
Các loại thuốc sử dụng để điều trị thiếu máu cơ tim sẽ được cá nhân hóa trên từng bệnh nhân cụ thể. Có thể loại thuốc này phù hợp với bệnh nhân này nhưng lại không hiệu quả với bệnh nhân khác. Bên cạnh đó, mỗi loại thuốc cũng có chống chỉ định riêng. Do đó người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, tái khám thường xuyên và đặc biệt là không tự ý sử dụng đơn thuốc của người khác.
Điều trị can thiệp được áp dụng trong trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả hoặc tình trạng thiếu máu cơ tim nặng cần phẫu thuật để hạn chế biến chứng.
- Can thiệp mạch vành qua da (PCI): Nong mạch vành và đặt stent
- Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG)
Chế độ ăn lành mạnh giúp phòng ngừa thiếu máu cơ tim
6. Phòng ngừa thiếu máu cơ tim
Một thói quen lối sống lành mạnh sẽ giúp bảo vệ sức khỏe và hạn chế nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bạn có thể phòng ngừa thiếu máu cơ tim bằng cách:
- Không hút thuốc lá, thuốc lào và kể cả thuốc lá điện tử.
- Tránh xa khói thuốc lá.
- Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu bị thừa cân béo phì.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Có chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng; tăng cường rau xanh, hoa quả, cá; hạn chế muối, đường bổ sung, mỡ và nội tạng động vật.
- Giảm căng thẳng.
- Khám sức khỏe tổng quát định kỳ để kiểm tra các chỉ số huyết áp, đường huyết, mỡ máu, acid uric…
- Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.
Tham khảo: advocatehealth.com, www.ncbi.nlm.nih.gov