SUY GIÁP: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, BIẾN CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Suy giáp là tình trạng giảm chức năng tuyến giáp làm giảm sản xuất hormone tuyến giáp, dẫn đến một loạt các chức năng và cơ quan trong cơ thể bị ảnh hưởng. Phần lớn các trường hợp suy giáp là tiên phát, gặp ở nữ nhiều hơn nam. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về bệnh suy giáp.

Suy giáp là tình trạng suy giảm chức năng tuyến giáp

1. Suy giáp là gì?

Suy giáp hay suy chức năng tuyến giáp là tình trạng tuyến giáp không sản xuất đủ hormone để đáp ứng nhu cầu trao đổi, hoạt động của cơ thể.

Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ, gồm 2 thùy nối với nhau bởi eo tuyến giáp, di động khi nuốt. Các hormone tuyến giáp tham gia vào nhiều quá trình trong cơ thể và ảnh hưởng đến gần như mọi cơ quan, vì vậy nếu không đủ hormone tuyến giáp sẽ gây nên tổn thương ở các mô, cơ quan và các rối loạn chuyển hóa.

2. Suy giáp có phổ biến không?

Suy giáp là một tình trạng khá phổ biến, có thể xuất hiện sau khi sinh, trong thời kỳ trưởng thành và ở tuổi trưởng thành. Bệnh gặp ở 1-3% dân số, nữ giới nhiều hơn nam giới, tần suất tăng theo độ tuổi. Suy giáp dưới lâm sàng – hiện tượng suy giáp sớm với biểu hiện nhẹ, gặp ở 7,5% phụ nữ và 3% nam giới.

Ở trẻ em, tỷ lệ bị suy giáp bẩm sinh là 1/5000 trẻ sơ sinh.

3. Nguyên nhân gây ra suy giáp

Có nhiều hội chứng suy chức năng tuyến giáp có liên quan đến nguyên nhân suy giáp. Suy giáp tiên phát bắt nguồn từ tuyến giáp, chiếm 90-95% các trường hợp. Trong khi suy giáp thứ phát chỉ chiếm 5-10%.

Suy giáp tiên phát có thể xuất hiện do một số nguyên nhân sau:

-Sau khi bị bệnh Hashimoto – một tình trạng viêm tuyến giáp tự miễn.

- Viêm tuyến giáp bán cấp tái phát nhiều lần.

- Tuyến giáp teo ở phụ nữ mãn kinh.

- Khiếm khuyết bẩm sinh trong quá trình tổng hợp và bài tiết hormone giáp trạng.

- Rối loạn chuyển hóa Iod.

- Không có tuyến giáp, tuyến giáp lạc chỗ.

- Suy giáp sau phẫu thuật cắt tuyến giáp.

- Sau khi điều trị tuyến giáp bằng iod phóng xạ.

- Sau khi điều trị tuyến giáp bằng thuốc kháng giáp trạng tổng hợp quá liều.

Suy giáp thứ phát có thể xảy ra do một số nguyên nhân như:

- Khối u tuyến yên.

- Sau tổn thương hoặc phẫu thuật tuyến yên.

- Hội chứng Sheehan.

- Chiếu tia xạ điều trị tuyến yên.

- Rối loạn chức năng vùng dưới đồi.

 
Hầu hết các trường hợp suy giáp do nguyên nhân tại tuyến giáp

4. Ai có nguy cơ bị suy giáp

Một số đối tượng có nhiều nguy cơ bị suy giáp hơn là:

- Phụ nữ.

- Người trên 60 tuổi.

- Tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp.

- Đã từng bị bệnh tuyến giáp, ví dụ như bướu cổ.

- Đã phẫu thuật hoặc điều trị iod phóng xạ để điều trị bệnh tuyến giáp.

- Điều trị bức xạ tuyến giáp, cổ hoặc ngực.

- Mang thai hoặc sinh con trong 6 tháng qua.

- Mắc bệnh tự miễn: đái tháo đường tuýp 1, viêm khớp dạng thấp, lupus, celiac, hội chứng Sjogren, Turner…

5. Triệu chứng suy giáp

Suy giáp có thể không được phát hiện trong nhiều tháng hoặc nhiều năm bởi các triệu chứng ít gây chú ý. Rất nhiều trường hợp khi đi khám thì các biểu hiện lâm sàng đã rõ rệt, thậm chí là đã bị biến chứng nặng, đặc biệt ở người có tuổi.

Tùy vào độ tuổi và mức độ giảm tiết hormone tuyến giáp mà suy giáp sẽ có các biểu hiện khác nhau. Biểu hiện suy giáp ở người lớn và trẻ em đôi khi rất khác nhau.
Suy giáp ở người lớn thường xảy ra ở phụ nữ lớn tuổi hoặc đã mãn kinh với các triệu chứng:

- Sưng mặt (mặt tròn vo).

- Suy nhược cơ thể, dễ mệt mỏi khi gắng sức.

- Khó tập trung, thờ ơ, lãnh cảm, mất ham muốn tình dục.

- Sợ lạnh, thân nhiệt hạ, tay chân lạnh.

- Tim đập chậm, huyết áp thấp.

- Thở nông, chậm.

- Táo bón dai dẳng.

- Da xanh nhợt, khô, bong vảy.

- Tóc khô, dễ rụng, dễ gãy, thưa.

- Móng tay, móng chân giòn, dễ gãy.

- Lưỡi bị to ra, giọng khàn, ngủ ngáy.

- Các nếp nhăn ở trán, mặt hoặc nếp gấp khuỷu tay mờ đi hoặc mất hẳn.

- Ngón tay, ngón chân to lên.

- Cảm giác yếu cơ, chuột rút.

- Khối cơ căng, cứng và đau.

-  Đôi khi có thể có bướu cổ
 
Người bị suy giáp sợ lạnh, thân nhiệt hạ
Trẻ em bị suy giáp bẩm sinh có biểu hiện:

- Chiều cao thấp hơn so với cân nặng.

- Da lạnh, vàng, hoàng đảm kéo dài.

- Rối loạn hô hấp.

- Lưỡi to, ít cử động.

- Khó bú sữa, khó nuốt, khóc giọng khàn.

- Chán ăn, táo bón, bụng trướng nhão.

- Thoát vị rốn.

- Vô cảm, không biết cười.

- Tốc độ phát triển chậm thấy rõ: 3 tháng tuổi vẫn không giữ vững được đầu, 6 tháng chưa biết ngồi, gáy mềm, gù lưng.

- Giảm trương cơ lực toàn bộ.

Trẻ em bị suy giáp muộn có biểu hiện:

- Béo phì sớm.

- Học hành chậm tiếp thu.

- Suy nghĩ kém.

- Chậm chạp.

- Hay buồn ngủ.

-Da lạnh, khô, vàng.

- Tim đập chậm.

- Táo bón.

- Chậm phát triển, thấp bé.

- Chậm dậy thì.

- Một số trường hợp có thể có bướu giáp.

- Hội chứng Pendred (mất thính lực kết hợp bướu cổ).

6. Các biến chứng của suy giáp là gì?

Bệnh suy giáp có thể tiến triển ngày một nặng nếu bệnh nhân không được điều trị hoặc điều trị dang dở.

Suy giáp thường gây ra các biến chứng tim mạch như các rối loạn nhịp, nhịp tim chậm, tốc độ tuần hoàn chậm, nặng hơn gây ra các cơn đau thắt ngực khi gắng sức, tràn dịch màng tim, suy tim. Cuối cùng có thể gây ra nhồi máu cơ tim, thậm chí là tử vong đột ngột.

 
Suy giáp có thể dẫn đến suy tim

Suy giáp làm tăng cholesterol, gây ra tình trạng rối loạn lipid máu. Đó là lý do nếu kết quả xét nghiệm cholesterol cao, bác sĩ thường chỉ định làm thêm xét nghiệm hormone tuyến giáp.

Suy giáp cũng gây ra các biến chứng thần kinh mặc dù ít gặp hơn, với các triệu chứng chậm chạp, đờ đẫn, giảm trí nhớ, trầm uất.

Ngoài ra, suy giáp còn có thể gây ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết khác, dẫn đến đái tháo đường, hạ đường huyết, suy vỏ thượng thận, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh hoặc các bệnh tự miễn dịch.

Một số trường hợp hiếm gặp hơn, suy giáp gây hôn mê. Đây là tình trạng hôn mê yên tĩnh, từ từ, kết hợp với nhịp tim chậm, huyết áp giảm, tràn dịch màng tim, tăng CO2 máu, giảm O2, hạ Natri, tăng Clo, thở chậm cho đến ngừng thở… đe dọa đến tính mạng, cần được cấp cứu điều trị.

Suy giáp trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và em bé. Ở người mẹ, suy giáp có thể gây tăng huyết áp, thiếu máu, tiền sản giật, sinh non, sẩy thai. Đối với thai nhi, hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong phát triển não của bào thai và trẻ trong vài năm đầu sau sinh. Vì vậy mà suy giáp bấm sinh làm chậm sự phát triển tâm thần và vận động của trẻ. Nếu điều trị muộn có thể không hồi phục được. 

7.  Chẩn đoán suy giáp như thế nào?

Chẩn đoán suy giáp dựa trên tiền sử bệnh, hỏi triệu chứng, khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.

Một số xét nghiệm cơ bản để đánh giá tình trạng suy giáp và ảnh hưởng của bệnh:

- Xét nghiệm công thức máu.

- Xét nghiệm hormone tuyến giáp: TSH, T3, FT3, T4, FT4.

- Xét nghiệm sinh hóa: Cholesterol, Triglycerid, Glucose, Natri, Creatine Kinase (CK)…

- Phản xạ đồ gân gót

- Siêu âm tuyến giáp

- Siêu âm tim

- Chụp X-quang tim phổi

- Điện tâm đồ

- …

Xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân gây suy giáp:

- Xét nghiệm tìm kháng thể tuyến giáp.

- Định lượng hormone tuyến thượng thận, tuyến sinh dục.

- Chụp MRI sọ não.

- …

Suy giáp sẽ được chẩn đoán xác định dựa vào các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm hormone tuyến giáp TSH, FT3, FT4. Các xét nghiệm này đồng thời còn giúp phân biệt suy giáp tại tuyến, suy giáp ngoài tuyến và suy giáp cận lâm sàng.

 
Suy giáp trong thời kỳ mang thai gây nguy hiểm cho cải mẹ và con

8. Cách điều trị suy giáp

Phương pháp điều trị suy giáp là dùng thuốc để bổ sung lượng hormone mà tuyến giáp không sản xuất đủ. Thuốc thường dùng là L-T4, một loại thuốc an toàn khi sử dụng cho phụ nữ có thai. Sau một thời gian sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ cho kiểm tra máu để kiểm tra, từ đó điều chỉnh liều lượng phù hợp. 

Hầu hết các trường hợp điều trị đúng theo phác đồ đều kiểm soát được tình trạng suy giáp. Quan trọng là người bệnh không thể tự ý giảm liều lượng hoặc ngừng hẳn việc sử dụng thuốc mà không hỏi ý kiến của bác sĩ, vì điều này có thể khiến suy giáp nghiêm trọng hơn và gây ra biến chứng.

Ngoài ra, những bệnh nhân mà suy giáp đã gây ra biến chứng thì cần điều trị tùy vào biến chứng cụ thể mà bệnh nhân gặp phải.

Nhìn chung, tất cả mọi trường hợp suy giáp đều cần điều trị. Việc sử dụng hormone thay thế có thể phải kéo dài suốt đời. Phụ nữ mang thai bị suy giáp cần điều trị tích cực để tránh thai nhi bị bướu giáp. Mục tiêu cuối cùng là đưa tuyến giáp về tình trạng bình giáp nhằm duy trì hoạt động bình thường của cơ thể và ngăn ngừa biến chứng.