1. Triệu chứng của Covid-19 và cảm cúm khác nhau như thế nào
Mùa lạnh là thời điểm các loại virus gây bệnh cúm, cảm lạnh phát triển mạnh. Trước đây thì đau họng, sốt, ho và hắt hơi là những biểu hiện của bệnh cảm cúm. Nhưng hiện nay, khi có các triệu chứng này, bạn cần tự hỏi liệu mình có bị Covid-19 hay không. Dưới đây là một vài thông tin để phân biệt cảm cúm và Covid-19, cũng như một số điều bạn cần lưu ý để phòng tránh bệnh.
Cách phân biệt triệu chứng của Covid-19 và cảm cúm
2. Nguyên nhân gây ra Covid-19 và cảm cúm
Cảm cúm do một số virus cúm gây ra, thường gặp là các nhóm cúm A và cúm B. Đây là bệnh thường gặp, nếu không tiêm vắc xin thì trung bình một người có thể bị cúm 2-4 lần mỗi năm.
Covid-19 là bệnh gây ra bởi virus SARS-CoV-2, một chủng mới của virus corona, được xác định cuối năm 2019 và nhanh chóng trở thành dịch bệnh trên toàn cầu.
Cả hai đều là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nên có đối tượng nguy cơ tương đối giống nhau. Một số đối tượng dễ bị bệnh nghiêm trọng là:
- Người lớn trên 65 tuổi;
- Người bị suy giảm hệ miễn dịch do cấy ghép tạng, nhiễm HIV, bị suy giảm miễn dịch nguyên phát, trải qua hóa trị và xạ trị ung thư;
- Người hút nhiều thuốc lá;
- Người bị bệnh lý mạn tính như: hen suyễn, bệnh phổi mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận, bệnh gan;
- Người bị béo phì
- Người bị rối loạn thần kinh như bệnh đa xơ cứng, Parkinson hoặc rối loạn thần kinh vận động…
Trẻ em dưới 6 tuổi và phụ nữ đang mang thai cũng là đối tượng dễ mắc bệnh cúm. Trong khi Covid-19 ít xảy ra ở trẻ em hơn.
3. Triệu chứng nhận biết Covid-19 và cảm cúm
Covid-19 và cảm cúm có triệu chứng khá giống nhau
Các triệu chứng sốt, đau họng, ho, mệt mỏi có thể gặp ở cả cảm cúm và Covid-19. Nhưng người bị cảm thường có thêm các triệu chứng hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi; nhức hốc mắt, đau nhức cơ thể. Còn người nhiễm Covid-19 thì thường ho, ho khan; sốt; mất khứu giác, mất vị giác.
Ngoài ra, khó thở là biểu hiện phổ biến của Covid-19. Cảm cúm không gây ra khó thở, nhưng nó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh cúm đã gây ra viêm phổi.
Người bị cúm sẽ có thời gian ủ bệnh ngắn hơn, thường khởi phát từ 1-4 ngày sau khi nhiễm virus cúm. Trong khi các triệu chứng của Covid-19 có thể xuất hiện muộn hơn từ 2-14 ngày sau khi bị nhiễm virus corona.
Một số người bị Covid-19 chỉ có các triệu chứng nhẹ hoặc không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhất là khi tỷ lệ tiêm vaccine tăng lên thì biểu hiện bệnh ở người nhiễm Covid-19 cũng nhẹ và khó nhận biết hơn. Do đó, để xác định một người bị cảm cúm hay Covid-19 cần phải dựa vào yếu tố dịch tễ và xét nghiệm khi cần.
Nếu bạn có có yếu tố dịch tễ hoặc có những triệu chứng nghi ngờ nhiễm Covid-19 thì nên thực hiện test nhanh Covid-19 hoặc xét nghiệm PCR. Trong thời gian này nên hạn chế ra khỏi tại nhà, đeo khẩu trang nếu phải ra ngoài và hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người khác để tránh lây nhiễm.
4.Vì sao covid-19 nguy hiểm hơn cảm cúm
a. Thiếu khả năng miễn dịch
Trước khi Covid-19 được xác định vào cuối năm 2019 và bùng phát trong năm 2020, cả virus SARS-CoV-2 và căn bệnh do nó gây ra đều chưa được biết đến. Nó hoàn toàn mới với hệ thống miễn dịch.
b. Mức độ nghiêm trọng và tử vong
Theo dữ liệu thống kê đến nay cho thấy Covid-19 nguy hiểm hơn so với bệnh cúm. Mặc dù Covid-19 có thể tự khỏi, nhưng vẫn có nhiều người cần nhập viện do nó dễ gây biến chứng nguy hiểm tính mạng như suy hô hấp, viêm phổi, sốc nhiễm trùng và tử vong.
Cúm có thể gây ra nhiều ca bệnh, ho và mệt mỏi có thể kéo dài hơn 2 tuần nhưng rất ít trường hợp phải nhập viện. Những trường hợp nhập viện là do cảm cúm liên quan đến nhiễm trùng thứ phát hoặc nhiễm khuẩn như viêm phế quản, viêm phổi, viêm xoang hoặc tai.
Tỷ lệ tử vong do Covid-19 cũng cao hơn cúm, mặc dù một phần nguyên nhân là do chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về loại virus mới này và một số nơi thiếu điều kiện chăm sóc y tế.
c. Tốc độ lây nhiễm nhanh
Virus SARS-CoV-2 rất dễ lây nhiễm với mức độ lây nhiễm nhanh. Bên cạnh đó, chúng còn xuất hiện nhiều biến thể mới có thể làm giảm hiệu quả vắc xin.
Virus cúm cũng có khả năng lây nhiễm nhưng tốc độ chậm hơn vì khả năng tồn tại của nó trong môi trường kém hơn. Thời tiết lạnh và độ ẩm thấp là thời điểm virus cúm phát triển mạnh nhất.
5. Điều trị, phòng chống Covid-19 và cảm cúm
Đeo khẩu trang khi ra ngoài để phòng chống Covid-19
Cảm cúm và Covid-19 đều không có thuốc đặc trị, việc điều trị chủ yếu để làm giảm các triệu chứng của bệnh.
Đối với bệnh cúm, tiêm ngừa vắc xin là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa cúm. Vắc xin cúm được khuyến nghị tiêm cho tất cả những người trên 6 tháng tuổi, mỗi năm 1 lần.
Đối với Covid-19, tiêm vắc xin cũng là cách hiệu quả nhất hiện nay để phòng ngừa và giảm nguy cơ bệnh nặng.
Cả cúm và Covid-19 đều lây truyền qua các giọt đường hô hấp khi người nhiễm virus ho, thở ra, nói chuyện hoặc hắt hơi. Các giọt này cũng có thể rơi xuống đồ vật hoặc các bề mặt. Khi tay tiếp xúc với vật hoặc bề mặt này rồi chạm và mắt, mũi hoặc miệng có thể dẫn đến nhiễm virus. Có thể phòng ngừa cúm và Covid-19 bằng các cách sau:
- Đeo khẩu trang che mũi và miệng;
- Hạn chế bắt tay, ôm nhau để chào hỏi;
- Rửa tay bằng xà phòng hoặc nước rửa tay trước và sau khi ăn, sau khi đi ra ngoài trở về hoặc tiếp xúc với các đồ vật và bề mặt nơi công cộng;
- Không đưa tay sờ lên mắt, mũi và miệng;
- Hạn chế tụ tập đông người;
- Xúc miệng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn sau khi đánh răng;
- Giữ ấm cho cơ thể, nhất là khi trời lạnh;
- Tập thể dục và có chế độ ăn lành mạnh để tăng sức đề kháng.