NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ RỐI LOẠN STRESS SAU SANG CHẤN (PTSD)

 1. Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là gì?

Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) hay còn gọi là rối loạn căng thẳng sau chấn thương, là một tình trạng sức khỏe tâm thần xảy ra sau khi chứng kiến hoặc trải qua một sự kiện đáng sợ. Trước kia, PTSD thường dùng để chẩn đoán cho cựu chiến binh sau chiến tranh. Hiện nay nhiều người được phát hiện bị PTSD sau khi trải qua một số sự kiện tấn công hoặc lạm dụng thể chất, bị cưỡng hiếp, tai nạn, thiên tai, bạo lực gia đình hoặc gián tiếp chứng kiến.

Khi trải qua những sự kiện này, cơ thể phản ứng bằng cách giải phóng hormone adrenaline và cortisol, đưa cơ thể vào trạng thái chiến đấu. Hầu hết mọi người có thể trở lại trạng thái bình thường qua thời gian. Nhưng một số người lại luôn ở trong tình trạng căng thẳng hoặc sợ hãi, ngay cả khi họ đang hoàn toàn an toàn. 

PTSD có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nó xảy ra như một phản ứng trì hoãn hay kéo dài với các sự kiện đe dọa hoặc thảm họa đặc biệt. PTSD có thể xảy ra ngay sau sự kiện đe dọa, nhưng đôi khi vài tháng sau, thậm chí là vài năm sau nó mới xuất hiện. 


Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)

2. Triệu chứng của rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)

Cảm thấy sốc, đau khổ, bất lực hay ghê sợ là điều bình thường sau khi chúng ta phải trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện chấn thương quá mạnh. Tuy nhiên, khi những ký ức về sự kiện tái hiện liên tục cùng những cơn ác mộng kéo dài trên một tháng gây cản trở đáng kể đến cuộc sống, có thể bạn đang bị rối loạn stress sau sang chấn.

Một người được chẩn đoán bị rối loạn stress sau sang chấn khi có một vài triệu chứng dưới đây, kéo dài ít nhất một tháng, gây trở ngại đáng kể cho công việc, hoạt động hàng ngày và các mối quan hệ.

Các triệu chứng PTSD thường được phân thành bốn loại gối đầu lên nhau:

a. Ký ức xâm nhập

- Những ký ức về sự kiện trong quá khứ tái diễn liên tục, không mong muốn, có thể hồi tưởng trong vài phút, thậm chí là cả ngày, kèm theo là các phản ứng thể chất như tim đập nhanh, đổ mồ hôi.

- Liên tục mơ hoặc gặp ác mộng về sự kiện sang chấn.

- Cảm thấy hoặc hành động như thể sự kiện diễn ra lần nữa, mất nhận thức về hoàn cảnh hiện tại. Ví dụ những cựu chiến binh có phản xạ nằm xuống ẩn núp khi nghe tiếng pháo hoa.

- Cảm thấy căng thẳng tâm lý hoặc căng thẳng cơ thể khi gợi nhớ về sự kiện (tình huống hoặc đồ vật, âm thanh, ngày tháng, hành động hoặc câu nói nào đó…).

b. Tránh né

 
Tránh né là một trong những biểu hiện của PTSD 

- Mất hứng thú và né tránh các hoạt động, địa điểm, đồ vật hoặc những người gợi nhớ đến sự kiện sang chấn. Ví dụ, một người bị tai nạn xe hơi có thể né tránh không đi xe nữa.

- Cố gắng tránh suy nghĩ, nói, có cảm xúc hoặc ký ức liên quan đến sự kiện.

c. Thay đổi tiêu cực trong suy nghĩ và cảm xúc

- Các vấn đề về trí nhớ, bao gồm cả việc không thể nhớ các yếu tố quan trọng của sự kiện sang chấn.

- Suy nghĩ lệch lạc về nguyên nhân và hậu quả của sang chấn, dẫn đến hành động đổ lỗi cho bản thân hoặc người khác.

- Suy nghĩ tiêu cực về bản thân, người khác hoặc thế giới.

- Cảm thấy tương lai vô vọng.

- Những cảm xúc lo sợ, giận dữ, ghê sợ, tội lỗi, xấu hổ xuất hiện dai dẳng.

- Thiếu quan tâm đến các hoạt động từng yêu thích.

- Cảm thấy xa cách và khó duy trì mối quan hệ thân thiết với gia đình, bạn bè và những người khác.

- Khó trải qua cảm xúc tích cực.

d. Thay đổi phản ứng của cơ thể

- Dễ cáu gắt, tức giận, thể hiện hành vi hung hăng.

- Dễ khóc.

- Dễ bị giật mình hay sợ hãi.

- Tăng tính cảnh giác.

- Thường bị tỉnh giấc hoặc mất ngủ.

- Khó tập trung.

- Hành vi tự làm hại bản thân như lạm dụng rượu bia, chất kích thích hoặc làm ra các hành động liều lĩnh.

Khi PTSD nghiêm trọng có thể dẫn đến suy nghĩ làm hại tính mạng của bản thân hoặc người khác.

3. Nguyên nhân của rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)

 
Người chứng kiến sự việc cũng có thể bị PTSD 

Rối loạn stress sau sang chấn có thể là kết quả của sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền (tính cách, vấn đề tâm thần), sinh học (cấu trúc não và thành phần hóa học của các chất thần kinh), môi trường (môi trường sinh sống và làm việc) và sự cố gặp phải như:

- Tham gia chiến tranh.

- Bị tai nạn nghiêm trọng.

- Suýt chết đuối.

- Bị tấn công thể chất hoặc bạo lực gia đình kéo dài.

- Bị cưỡng hiếp hoặc lạm dụng tình dục kéo dài.

- Tuổi thơ bị lạm dụng hoặc bỏ rơi.

- Bị tra tấn, bắt cóc, đe dọa.

- Bị nhốt trong không gian khép kín kéo dài.

- Trải qua thảm họa như dịch bệnh, hỏa hoạn, bão, lũ lụt, sóng thần, động đất, lốc xoáy.

- Trải qua quá trình sinh đẻ đau đớn.

- Trải qua một cuộc phẫu thuật.

- Mất người thân một cách đột ngột.

- …
Phụ nữ có nguy cơ bị PTSD cao hơn nam giới vì họ có thể trải qua nhiều loại bạo lực giữa các cá nhân hơn. Ví dụ như tình trạng bạo lực tình dục xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn nam giới.

Không phải những ai trải qua sự kiện đe họa hoặc thảm họa đều bị PTSD. Một số yếu tố có thể làm tăng khả năng phát triển PTSD sau một sự kiện sang chấn là:

- Mức độ sự việc rất nghiêm trọng.

- Từng trải qua chấn thương hoặc sự kiện sang chấn trước đó.

- Sự kiện xảy ra trong một thời gian dài.

- Tình trạng sức khỏe tinh thần hiện tại không ổn định.

- Tiền sử bản thân hoặc trong gia đình có người bị trầm cảm, stress, rối loạn lo âu hoặc PTSD.

- Thiếu sự hỗ trợ và giúp đỡ từ gia đình và bạn bè.

- Có tuổi thơ không hạnh phúc.

- Lạm dụng rượu và chất gây nghiện khác như heroin, ma túy.

Bạn có thể bị PTSD kể cả khi bạn không phải là nạn nhân và không trực tiếp trải qua sự kiện, mà chỉ là người quan sát. Đa phần những sự kiện đau thương liên quan đến cái chết hoặc đe dọa tính mạng, vi phạm tình dục, đặc biệt nếu đối tượng bị hại là người thân, nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của người quan sát.

4. Cách hạn chế nguy cơ rối loạn stress sau sang chấn (PTSD)

 
Bạn cần đến gặp bác sĩ nếu bị PTSD

Sau khi trải qua sự kiện sang chấn, cảm xúc sợ hãi, lo lắng, căng thẳng, giận dữ hoặc tội lỗi ập đến có thể khiến bạn rất khó chịu. Việc ngăn ngừa những phản ứng ban đầu này có thể giúp bạn hạn chế nguy cơ phát triển thành chứng rối loạn stress sau sang chấn. Bạn có thể kiểm soát và điều hòa lại cảm xúc bằng một số cách sau:

- Tự nhủ rằng mình đã làm rất tốt trong việc đối mặt với sự việc đó. Hãy nhớ rằng những cảm xúc của bạn sẽ không biến mất ngay mà cần có thời gian.

- Có thể bạn chỉ muốn im lặng, nhưng khi bạn nói ra cảm xúc của mình, kể về những gì bạn đã trải qua với một người biết lắng nghe và không phán xét cũng có thể giúp bạn thấy thoải mái hơn.

- Tăng cường các hoạt động yêu thích có thể giúp bạn ít hồi tưởng hơn về sự việc. 

- Tập thể dục và chơi thể thao thường xuyên, đặc biệt là các môn yoga và thiền rất hiệu quả trong việc giảm căng thẳng.

- Tuyệt đối không sử dụng rượu và chất kích thích khác để vượt qua sự kiện bạn đang gặp phải. Chúng chắc chắn sẽ làm tình trạng tồi tệ hơn.

- Hãy cố gắng ăn uống điều độ và đi ngủ đúng giờ. Bạn có thể áp dụng một số phương pháp hương thơm, thư giãn để có giấc ngủ ngon hơn.

PTSD có thể gây đau khổ về mặt tinh thần và cản trợ hoạt động hàng ngày của bạn. Bên cạnh đó, PTSD cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn sử dụng chất kích thích, rối loạn ăn uống, thậm chí có suy nghĩ và hành động tự sát.

Vì vậy, khi những cảm xúc vượt quá kiểm soát, kéo dài trên một tháng, bạn nên đến gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh. Lúc này, những phương pháp như liệu pháp nhận thức, liệu pháp hành vi nhận thức, mắt chuyển động hoặc sử dụng thuốc men, sẽ là cần thiết hơn cả để điều trị chứng rối loạn stress sau sang chấn của bạn.