Ho kéo dài là tình trạng ho trên 3 tuần không dứt, thường do các nguyên nhân bệnh đường hô hấp trên, hen suyễn và trào ngược axit gây ra. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách điều trị tình trạng ho kéo dài.
Ho kéo dài rất thường gặp ở cả trẻ em và người lớn
1. Ho kéo dài là gì?
Ho kéo dài là tình trạng ho lâu ngày không khỏi, kéo dài trên 3 tuần. Đây là biểu hiện rất thường gặp, có thể xảy ra do nhiều loại nguyên nhân khác nhau. Ho kéo dài từ 3-8 tuần được gọi là ho bán cấp. Ho kéo dài trên 8 tuần được gọi là ho mạn tính.
2. Nguyên nhân gây ho kéo dài không dứt
Dưới đây là các nguyên nhân thường gặp gây ho kéo dài:
- Bệnh lý đường hô hấp trên. Ví dụ: viễm mũi vận mạch, viêm xoang dị ứng, polyp mũi. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây ho kéo dài.
- Hen suyễn (hen phế quản). Ho do tình trạng này thường xuất hiện vào đêm, khi giao mùa hoặc tiếp xúc dị nguyên, thường kèm theo khó thở. Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây ho kéo dài.
- Trào ngược dạ dày - thực quản. Bệnh lý này gây ho kéo dài, ho nhiều hơn khi nằm hay khi đói, kèm theo cảm giác đau thượng vị, nóng rát vùng xương ức, ợ hơi, ợ chua. Đây cũng là một nguyên nhân thường gặp gây ho kéo dài.
- Bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Ví dụ: cảm lạnh, cảm cúm, covid-19, viêm phế quản, viêm họng, viêm amidan… Một số trường hợp dù đã điều trị nhưng có thể còn ho kéo dài.
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ACE). Đây là loại thuốc kê đơn để điều trị bệnh tăng huyết áp, bệnh động mạch vành, suy tim, đái tháo đường hay bệnh thận. Khoảng 15% các trường hợp dùng thuốc này sẽ bị ho kéo dài.
Trào ngược dạ dày – thực quản gây ho kéo dài
Các nguyên nhân khác gây ho kéo dài là:
- Lao phổi
- Lao nội mạc phế quản
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Giãn phế quản
- Viêm tiểu phế quản
- Ung thư phổi
- Viêm phổi tăng bạch cầu ái toan
Các nguyên nhân hiếm gặp hơn gây ho kéo dài là:
- Dị dạng động tĩnh mạch phổi
- Nhuyễn sụn khí, phế quản
- Phì đại amidan
- Tăng cảm thanh quản
- Trào ngược thanh quản
- Xơ phổi vô căn
Hút thuốc là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ho kéo dài. Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cũng dẫn đến ho và tổn thương phổi.
3. Khi nào ho kéo dài nên đi khám bác sĩ?
Ho kéo dài không chỉ gây khó chịu mà còn làm gián đoạn giấc ngủ, khiến cơ thể mệt mỏi. Trường hợp nghiêm trọng hơn, ho kéo dài có thể gây nôn mửa, chóng mặt, đau đầu, tiểu không tự chủ và thậm chí là gãy xương sườn.
Nếu tình trạng ho kéo dài diễn ra trên 3 tuần thì nên đi khám để tìm ra nguyên nhân và điều trị. Nhất là khi ho đờm, ho ra máu, ho ngày càng nặng hơn, ho về đêm, ho ảnh hưởng đến giấc ngủ và hoạt động hàng ngày.
Đi khám nếu cơn ho kéo dài trên 3 tuần không dứt
4. Cách chẩn đoán và điều trị tình trạng ho kéo dài
Một số trường hợp, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán và hướng dẫn điều trị ngay sau khi khai thác tiền sử, triệu chứng và khám lâm sàng.
Các trường hợp phức tạp hơn, có thể cần đến các xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm máu, đờm
- Chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Thăm dò chức năng hô hấp
- Nội soi phế quản
- Nội soi tai mũi họng
Sau khi đã xác định được nguyên nhân gây ho kéo dài, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị tùy vào từng trường hợp:
- Ho kéo dài do viêm mũi dị ứng, viêm xoang dị ứng: Xịt rửa mũi và dùng thuốc steroid xịt mũi, kháng histamin.
- Ho kéo dài do polyp mũi: Phẫu thuật cắt polyp.
- Ho do hen phế quản: Dùng thuốc giãn phế quản và corticoid hạng hít, đồng thời tránh tiếp xúc các yếu tố dị nguyên.
- Ho kéo dài do trào ngược dạ dày - thực quản: Dùng thuốc kháng acid; đồng thời tránh các loại thức ăn dầu mỡ, chua cay, rượu bia và thuốc lá; khi ngủ kê cao đầu.
- Ho do dùng thuốc ức chế men chuyển angiotensin: Thay bằng nhóm thuốc khác. Thông thường, cơn ho có thể biến mất sau khi dừng thuốc angiotensin 1-6 tuần.
- Ho do viêm đường hô hấp nhiễm khuẩn: Dùng kháng sinh phù hợp.
- Ho do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: Điều trị bệnh, đồng thời bỏ hút thuốc, tránh tiếp xúc khói, bụi.
Điều trị ho kéo dài bằng cách điều trị nguyên nhân gây ho
Thuốc giảm ho tác động lên trung ương hoặc tác dụng tại chỗ sẽ giúp giảm triệu chứng ho nhanh chóng, nhưng cần được sử dụng tùy vào từng trường hợp cụ thể. Đối với bệnh nhân ho do nhiễm trùng đường hô hấp dưới, không nên dùng thuốc giảm ho vì cần phải ho để thải đờm ra ngoài.
Nhìn chung, triệu chứng ho kéo dài sẽ giảm và biến mất khi xác định và điều trị được nguyên nhân gây ra ho.
5. Biện pháp khắc phục cơn ho kéo dài tại nhà
Cùng với việc điều trị nguyên nhân gây ho theo hướng dẫn của bác sĩ, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau để giảm ho:
- Uống nước để làm loãng đờm. Nên uống nước ấm, nước lọc, trà hoặc nước trái cây.
- Ngậm kẹo ho để giảm ho khan và làm dịu cổ họng.
- Uống mật ong sẽ giúp làm dịu cơn ho. Nhưng không cho trẻ dưới 1 tuổi uống mật ong vì mật ong có thể chứa vi khuẩn gây ngộ độc cho trẻ.
- Làm ẩm không khí bằng máy tạo độ ẩm hay máy phun sương.
- Không hút thuốc và tránh khói thuốc lá thụ động.