KHI NÀO CẦN KHÁM CHUYÊN KHOA TIM MẠCH

Bác sĩ tim mạch chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch và các yếu tố nguy cơ đi kèm. Nếu bạn có các yếu tố nguy cơ tim mạch, có triệu chứng bệnh tim mạch hoặc đã được chẩn đoán bệnh tim mạch, bạn nên khám chuyên khoa tim mạch để khám, điều trị và dự phòng nguy cơ.

1. Khi nào cần khám chuyên khoa tim mạch

Bác sĩ chuyên khoa tim mạch sẽ giúp chẩn đoán và điều trị những bệnh lý tim mạch và các yếu tố nguy cơ đi kèm như bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, các rối loạn chuyển hóa (béo phì, béo bụng)… trước khi chúng gây ra biến chứng. 

Dưới đây là những lý do mà bạn cần khám bác sĩ tim mạch:


Cần hết sức quan tâm đến sức khỏe tim mạch

a. Bạn đã được chẩn đoán các bệnh lý tim mạch hoặc nguy cơ tim mạch

Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh tim trước đây, bạn cần đi khám tim mạch thường xuyên và định kỳ. Điều này giúp bác sĩ theo dõi sức khỏe tim mạch của bạn để kịp thời tư vấn, can thiệp hoặc thay đổi phương pháp điều trị nếu cần thiết, từ đó giúp ngăn ngừa các biến chứng theo thời gian. Ví dụ một số bệnh tim mạch và yếu tố nguy cơ cần theo dõi như:

- Rối loạn nhịp tim

- Rung nhĩ

- Suy tim

- Bệnh động mạch vành

- Bệnh van tim

- Cơn đau thắt ngực

- Tăng huyết áp

- Rối loạn mỡ máu (rối loạn lipid máu)

- Đái tháo đường (tiểu đường) và rối loạn dung nạp đường

Sau lần chẩn đoán đầu tiên, bạn nên theo lời dặn của bác sĩ để tái khám. Không nên vì chủ quan mà kéo dài hoặc không đi tái khám. 

b. Bạn bị các triệu chứng có thể liên quan đến bệnh tim

Bạn nên khi khám tim mạch nếu có bất kỳ triệu chứng nào có thể do bệnh tim gây ra. Các triệu chứng bao gồm:

- Khó thở (khó thở khi tập thể dục, làm việc nặng; nằm không thở được phải ngồi dậy; khó thở về đêm bị thức giấc, phải nằm đầu cao khi ngủ; khó thở có thể kèm theo ho)

- Khó chịu hoặc đau thắt ngực (cảm giác đè nặng, bóp nghẹt hoặc khó chịu, xiết chặt hoặc tức ở vùng tim; cơn đau thường xảy ra khi gắng sức hoặc về đêm, có thể kèm theo toát mồ hôi);

- Hồi hộp, đánh trống ngực (cảm giác được tiếng đập của tim);

- Sưng phù chân (đặc biệt thấy rõ ở mắt cá chân);

- Thường chóng mặt vào buổi sáng, choáng váng hoặc bị ngất;

- Da, niêm mạc tím (bắt đầu ở môi, móng tay, móng chân; khi nặng hơn có thể tím da toàn thân sau khi tập thể dục hay làm việc nặng);

c. Bạn có hành vi lối sống có thể gây ra bệnh lý tim mạch

Một số hành vi lối sống có thể gây ra bệnh lý tim mạch như:

- Thừa cân, béo phì

- Hút thuốc lá, thuốc lào

- Lối sống tĩnh tại, ít vận động

- Chế độ ăn nhiều: muối, chất béo bão hòa, phủ tạng động vật,…

2. Nên đi khám chuyên khoa tim mạch ở độ tuổi nào?

 
Đi khám tim mạch nếu có triệu chứng liên quan đến bệnh tim

Khám tim mạch là cách tốt nhất để phát hiện các yếu tố nguy cơ có thể phát triển thành bệnh tim mạch, và cũng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng do bệnh tim gây ra như đột quỵ và tử vong.

Độ tuổi thích hợp để đi khám tim mạch ở mỗi người không giống nhau. Nó phụ thuộc vào chẩn đoán bệnh tim, yếu tố nguy cơ tim mạch hoặc tiền sử gia đình của mỗi người.

Bệnh tim có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều loại bệnh tim phổ biến hơn khi lớn tuổi. Vì vậy, nam giới trên 45 tuổi và phụ nữ sau mãn kinh nên đi khám tim mạch định kỳ để kịp thời phát hiện nguy cơ.

Những người có người thân trong gia đình (đặc biệt là bố mẹ) bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường sớm nên khám tim mạch ở độ tuổi 30 trở đi để dự phòng nguy cơ.

Ngoài ra, những người có lối sống không lành mạnh, một số người trẻ có triệu chứng sụt kí nhanh và hay nhức đầu cũng nên đi khám tim mạch để kiểm tra chẩn đoán.

3. Các xét nghiệm khi khám tim mạch

Tùy vào tình trạng thực tế của mỗi người qua khám lâm sàng mà bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định cận lâm sàng khác nhau. Một số xét nghiệm và cận lâm sàng có thể được thực hiện khi khám tim mạch như:

- Xét nghiệm máu kiểm tra mức cholesterol toàn phần, HDL-C, LDL-C, lượng đường trong máu, kiểm tra chức năng thận và một số yếu tố khác.

- Điện tâm đồ theo dõi hoạt động tim.

- Siêu âm tim đánh giá chức năng co bóp của tim và loại trừ có bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ.

- Holter 24h/Holter điện tâm đồ để tìm rối loạn nhịp có thể gây ra đột tử.

- Siêu âm động mạch cảnh

- Siêu âm động mạch tĩnh mạch ngoại biên

-Siêu âm bụng

- Chụp X-quang ngực đánh giá bóng tim

- Chụp cắt lớp vi tính (CT) đánh giá tình trạng động mạch vành và tim

- Chụp cộng hưởng từ (MRI) cung cấp hình ảnh chi tiết về tim và mạch máu

- ECG gắng sức để phát hiện bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ im lặng.

4. Lưu ý khi khám tim mạch

- Cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác, bao gồm các triệu chứng, tình trạng bệnh đang mắc phải và thuốc đang sử dụng.

- Đem theo kết quả, phim chụp hoặc đơn thuốc đang dùng của lần khám tim mạch trước (nếu có).

- Nên nhịn ăn tối thiểu 8-10 giờ trước khi khám vì có thể bạn cần xét nghiệm máu.

- Nếu đang điều trị đái tháo đường, không nên sử dụng insulin vào buổi sáng trước khi đến khám.

- Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia, thức uống chứa cafein, thuốc lá vào buổi tối trước khi đi khám.

- Mặc trang phục thoải mái thuận tiện cho việc thăm khám.

Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 với trang thiết bị y tế hiện đại hỗ trợ chẩn đoán chính xác cùng đội ngũ chuyên gia là các Bác sĩ Tim mạch đầu ngành, có chuyên môn cao sẽ giúp bệnh nhân yên tâm hơn khi khám và điều trị bệnh tim mạch. >>> ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI ĐÂY