Điện não đồ là một xét nghiệm đo hoạt động điện của não. Đây là một kỹ thuật thăm dò chức năng không đau giúp chẩn đoán các tình trạng liên quan đến não. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin về điện não đồ mà bạn muốn biết.
Điện não đồ là một xét nghiệm đo hoạt động điện của não
1. Điện não đồ là gì?
Các tế bào não người luôn hoạt động và phát ra các điện tích ngay cả khi ngủ. Điện não đồ (Electroencephalogram, EEG) là xét nghiệm đo hoạt động điện trong não bằng cách sử dụng các điện cực gắn vào da đầu. Hoạt động này được ghi lại dưới dạng nhịp sóng trên màn hình máy tính.
Có hai loại điện não đồ thường được sử dụng nhất là điện não đồ thường quy và điện não đồ khi ngủ. Trong đó điện não đồ thường quy được tiến hành khi bạn đang tỉnh táo, kéo dài khoảng 20-40 phút. Còn điện não đồ giấc ngủ được tiến hành trong khi bạn ngủ một giấc ngủ ngắn.
2. Tại sao cần đo điện não đồ?
Điện não đồ được sử dụng để đánh giá hoạt động của não, nhờ đó hỗ trợ chẩn đoán các tình trạng liên quan đến não. Chẳng hạn như ở chứng động kinh – một tình trạng gây ra các cơn co giật lặp đi lặp lại, hoạt động co giật sẽ xuất hiện dưới dạng các sóng tăng vọt trên điện não đồ. Hoặc tình trạng sóng điện não chậm bất thường có thể gặp ở những bệnh nhân bị tổn thương não.
Ngoài ra, điện não đồ được sử dụng để kiểm tra các tình trạng:
- Rối loạn giấc ngủ
- Khối u não
- Chấn thương sọ não
- Sa sút trí tuệ
- Viêm não
- Xuất huyết não
- Đột quỵ
Điện não đồ còn được ứng dụng để đánh giá mức độ gây mê thích hợp cho bệnh nhân trước phẫu thuật và theo dõi trong quá trình phẫu thuật.
3. Quy trình đo điện não đồ
a. Lưu ý trước khi đo điện não
- Gội đầu vào đêm trước hoặc ngày kiểm tra. Lưu ý không sử dụng dầu xả, kem ủ tóc, hoặc xịt gel tạo kiểu tóc.
- Không sử dụng đồ uống chứa caffeine trước khi đo (caffein đôi khi có thể làm thay đổi kết quả điện não đồ nhưng không thực sự gây ảnh hưởng đến việc giải thích xét nghiệm).
- Tránh nhịn ăn quá lâu. Hạ đường huyết có thể gây ảnh hưởng đến kết quả.
- Thông báo cho bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng.
- Nếu đo điện não trong khi ngủ thì bệnh nhân sẽ được yêu cầu ngủ ít hơn vào đêm trước khi thực hiện kỹ thuật này.
b. Quy trình đo điện não đồ
- Bệnh nhân ngồi hoặc nằm ở tư thế thích hợp, thư giãn.
- Kỹ thuật viên đánh dấu các vị trí gắn điện cực trên đầu. Cần làm sạch da đầu nếu cần thiết.
- Gắn điện cực vào da đầu bằng keo dán đặc biệt hoặc sử dụng một chiếc mũ đã gắn các điện cực. Các điện cực được kết nối bằng dây với một thiết bị khuếch đại sóng não và ghi lại trên máy tính.
- Bệnh nhân nhắm mắt và thư giãn. Đồng thời phối hợp với bác sĩ khi có yêu cầu như mở mắt, nhắm mắt, thực hiện một vài phép tính đơn giản, đọc một đoạn văn, nhìn vào một bức tranh, hít thở sâu hoặc nhìn ánh sáng nhấp nháy.
- Quá trình ghi điện não đồ diễn ra trong 20-40 phút. Đo điện não khi ngủ có thể kéo dài hơn.
Sau khi đo điện não đồ xong, kỹ thuật viên tháo các điện cực, bệnh nhân có thể hoạt động bình thường ngay sau đó.
4. Đo điện não đồ có nguy hiểm không?
Điện não đồ là xét nghiệm an toàn, không đau, không xâm lấn. Các điện cực không truyền điện vào cơ thể mà chỉ có nhiệm vụ ghi lại sóng não, vì vậy bệnh nhân hoàn toàn không có nguy cơ bị điện giật.
Một số người có thể bị ngứa hoặc đỏ ở nơi gắn điện cực, nhưng tình trạng này sẽ biến mất sau đó vài giờ. Trong một số trường hợp hiếm hoi, người bị động kinh có thể bị co giật trong khi đo điện não, vấn đề này sẽ được bác sĩ giám sát chặt chẽ.
5. Kết quả đo điện não có ý nghĩa gì?
Bác sĩ sẽ đọc và chẩn đoán các bất thường được hiển thị qua điện não đồ. Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến kết quả điện não đồ bất thường như:
- Nghiện rượu.
- Rối loạn sử dụng chất kích thích.
- Xuất huyết não.
- Phù não.
- U não.
- Chấn thương đầu.
- Đau nửa đầu.
- Rối loạn co giật (ví dụ như: động kinh).
- Rối loạn giấc ngủ (ví dụ như: ngưng thở khi ngủ, chứng ngủ rũ).
- Tái biến mạch máu não (đột quỵ).
Điện não đồ là một phần trong các chỉ định cận lâm sàng để đánh giá và chẩn đoán bệnh lý. Kết quả điện não đồ sẽ được giải thích cùng triệu chứng và các xét nghiệm cận lâm sàng khác. Từ đó, bác sĩ sẽ có kết luận và đưa ra hướng điều trị chính xác cho bệnh nhân.