CHĂM SÓC SỨC KHỎE SAU CƠN ĐỘT QUỴ

Đột quỵ xảy ra khi cục máu đông, mảng xơ vữa hoặc mạch máu bị vỡ cắt đứt nguồn cung cấp máu cho não. Sau cơn đột quỵ, đa số người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng và cần có một quá trình lâu dài để phục hồi. Kế hoạch chăm sóc sức khỏe sau đột quỵ bao gồm trị liệu, rèn luyện và có lối sống lành mạnh.

 
Kế hoạch phục hồi cần được thực hiện ngay sau cơn đột quỵ

1. Khi nào thì bắt đầu chăm sóc sức khỏe sau cơn đột quỵ?

Theo Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mới, 30-50% trong số đó tử vong. Phần lớn những người sống sót sau đột quỵ có di chứng về thần kinh và vận động.

Đột quỵ có thể gây ra sự suy giảm đáng kể về kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức, vận động và giác quan. Do đó, nếu không được cấp cứu kịp thời, nó có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí là tàn tật vĩnh viễn. 

Chăm sóc sức khỏe sau đột quỵ là một quá trình lâu dài đòi hỏi sự kiên trì và tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhiều trường hợp, người đột quỵ cần nhiều năm để có thể phục hồi. Quá trình này sẽ bắt đầu ngay sau khi bác sĩ ổn định được tình trạng đột quỵ, bao gồm giảm áp lực mạch máu, phục hồi các kỹ năng và làm giảm các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ.

Việc chăm sóc sức khỏe sau đột quỵ càng sớm sẽ càng tốt để tăng cơ hội phục hồi chức năng cho phần não và cơ thể bị ảnh hưởng. Chế độ chăm sóc của mỗi người là không giống nhau, nó sẽ tùy vào tình trạng sức khỏe của bạn.

2. Phục hồi gì sau cơn đột quỵ?

Việc phục hồi sau cơn đột quỵ cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên môn và nhà vật lý trị liệu. Trong một vài trường hợp, bạn có thể được chỉ định để điều trị nội khoa và phẫu thuật. Mục tiêu của phục hồi chức năng là cải thiện hoặc phục hồi các kỹ năng nói, nhận thức, vận động hoặc cảm giác để bạn có thể trở lại cuộc sống tự lập nhanh nhất có thể. 

a. Kỹ năng nói

Người bị đột quỵ có thể gặp vấn đề về ngôn ngữ như chứng mất ngôn ngữ nếu các cơ kiểm soát lời nói bị tổn thương. Đó có thể là tình trạng không nói được, gặp khó khăn khi tìm đúng từ hoặc không nói được câu hoàn chỉnh. 

b. Kỹ năng nhận thức

Đột quỵ có thể làm suy giảm khả năng suy nghĩ và nhận thức, gây ra các vấn đề về trí nhớ. Nó cũng có thể gây ra sự mất an toàn, do người bệnh thay đổi về hành vi và không có khả năng hiểu được hậu quả tiềm ẩn từ hành động của mình.

c. Kỹ năng vận động

Đột quỵ có thể làm suy yếu các cơ ở một bên cơ thể và làm giảm chuyển động của khớp, từ đó gây ảnh hưởng đến việc đi lại và thực hiện các hoạt động thể chất khác. Đột quỵ cũng có thể gây ra các cơn đau co thắt cơ. Bạn cần học kỹ thuật kéo giãn, tập đi lại từ đầu hoặc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ.

d. Kỹ năng cảm nhận

Sau cơn đột quỵ, cơ thể có thể không còn khả năng cảm nhận một số cảm giác như nóng, lạnh hoặc đau. Một số chức năng của tai, mắt và mũi có thể bị ảnh hưởng

g. Trầm cảm

Bị trầm cảm sau cơn đột quỵ không phải là hiếm. Nếu bản thân bạn hoặc người thân có cảm giác buồn bã, chán nản hoặc tuyệt vọng kéo dài quá 2 tuần, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh để được chẩn đoán và điều trị trầm cảm.

3. Chăm sóc sức khỏe sau đột quỵ như thế nào?

 
Chăm sóc sức khỏe sau đột quỵ bằng chế độ ăn uống lành mạnh

a. Chế độ ăn uống

Ngoài việc điều trị để kiểm soát một số bệnh lý nền như cholesterol cao, huyết áp cao, đái tháo đường…, bác sĩ có thể sẽ cho bạn vài lời khuyên để có một lối sống lành mạnh. Trong đó, chế độ ăn uống đóng một vai trò rất quan trọng.

Tăng cường bổ sung thực phẩm chứa axit folic, vitamin B6, B12, C, D, E, axit béo omega-3, magie… có thể giúp cải thiện khả năng phục hồi và giảm thiểu nguy cơ đột quỵ. Đặc biệt là các loại trái cây, rau củ có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe thể chất, tăng sự hài lòng và giảm mức độ căng thẳng. Ví dụ: việt quất, mâm xôi, dâu tây, tỏi…

Đối với thực phẩm chức năng, trước khi bổ sung bất kì loại nào, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ để đảm bảo rằng chúng không gây ra tác dụng phụ khi kết hợp với những loại thuốc mà bạn đang sử dụng.

b. Hoạt động thể chất

Một số hoạt động thể chất là rất cần thiết để tăng cường sức mạnh và sự phối hợp của cơ, giảm căng cơ và tăng phạm vi chuyển động…
Yoga là một lực chọn tốt để phục hồi sau đột quỵ, đặc biệt là đối với những người có vấn đề về thăng bằng hoặc sợ ngã. Yoga giúp thúc đẩy các chuyển động cơ thể, cải thiện hơi thở và tinh thần.

Ngoài ra, thái cực quyền – một bộ môn của Trung Quốc, bao gồm các động tác chậm rãi, uyển chuyển giúp cải thiện sự cân bằng cơ thể và giúp giảm lo lắng, căng thẳng.

c. Kiểm soát cân nặng 

Duy trì cân nặng hợp lý, giảm tỷ lệ mỡ trong cơ thể là một cách để kiểm soát nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. Theo Viện Tim, Phổi và Máu Hoa Kỳ (NHLBI) thì phụ nữ có vòng eo lớn hơn 88 cm và đàn ông có vòng eo lớn hơn 100 cm có nguy cơ cao bị bệnh tim và tiểu đường loại 2. Nếu bạn bị thừa cân béo phì thì việc giảm cân có thể giúp bạn:

- Cải thiện chỉ số huyết áp;

- Giảm cholesterol;

- Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2;

- Giảm nguy cơ rối loạn lipid máu.

d. Kiểm soát căng thẳng

Mức độ căng thẳng cao có mối quan hệ với nguy cơ đột quỵ. Vì vậy, việc thực hiện các kỹ thuật thư giãn có thể hạn chế một cơn đột quỵ tiếp theo. Một số cách để giảm căng thẳng là:

- Mát xa;

- Liệu pháp hương thơm;

- Có một vài sở thích nhẹ nhàng như đọc sách, trồng cây hay nuôi thú cưng;

- Suy nghĩ tích cực;

- Ngồi thiền;

- Nghỉ ngơi và làm việc hợp lý.

4. Khả năng phục hồi sau cơn đột quỵ là bao nhiêu? 

Mức độ phục hồi đột quỵ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm:

- Mức độ nghiêm trọng mà đột quỵ gây ra;

- Thời gian bắt đầu hồi phục;

- Sự kiên trì và nỗ lực của bản thân;

- Tuổi tác;

- Các bệnh lý nền khác;

- Độ thích nghi với phương pháp phục hồi chức năng.

Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thì sự hỗ trợ, khuyến khích từ gia đình cũng rất quan trọng để cải thiện tâm trạng và bệnh tình của người bệnh sau cơn đột quỵ. Nếu bạn vừa trải qua một cơn đột quỵ, việc kiểm soát những yếu tố nguy cơ là rất cần thiết để tránh một cơn đột quỵ tiếp theo có thể xảy ra. Bao gồm:

- Không sử dụng rượu, ma túy hoặc caffein;

- Không hút thuốc;

- Tăng cường tập thể dục;

- Ăn uống cân bằng và dinh dưỡng;

- Duy trì cân nặng;

- Kiểm soát lượng đường trong máu;

- Kiểm soát mức cholesterol;

- Kiểm soát huyết áp;

- Kiểm soát các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu…