Bệnh mạch máu chi dưới là một vấn đề thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, làm tăng tỷ lệ cắt cụt chi và tử vong do các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Do đó, phát hiện và điều trị bệnh mạch máu chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường là rất cần thiết.
Bệnh mạch máu chi dưới gây nguy hiểm cho bệnh nhân đái tháo đường
1. Bệnh mạch máu chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường
Bệnh mạch máu chi dưới (PAD - peripheral artery disease) là bệnh gây ra do sự tích tụ mãng xơ vữa trong các lớp mạch máu làm hẹp lòng động mạch chân, dẫn đến tình trạng thiếu máu nuôi chân.
Bệnh mạch máu chi dưới rất phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường (đái tháo đường) và thường có tiên lượng xấu hơn so với bệnh nhân không đái tháo đường.
Bệnh mạch máu chi dưới thường bị bỏ sót ở các bệnh nhân đái tháo đường do sự âm thầm tiến triển của bệnh trong giai đoạn đầu cũng như kết hợp với tình trạng bệnh thần kinh đái tháo đường.
Bên cạnh đái tháo đường, tuổi cao, hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng mỡ máu và bệnh mạch máu ở các vị trí khác như mạch vành, mạch cảnh,… cũng là yếu tố nguy cơ của PAD.
2. Mối liên hệ bệnh mạch máu chi dưới và đái tháo đường
Theo thông kê, bệnh mạch máu chi dưới ảnh hưởng hơn 8,5 triệu người ở Hoa Kỳ, gần 1/3 trong số đó là các bệnh nhân đái tháo đường.
Bệnh mạch máu chi dưới và đái tháo đường là 2 bệnh có liên quan chặt chẽ với nhau.
Đái tháo đường làm tăng gấp 2 đến 4 lần nguy cơ mắc PAD, cũng là yếu tố đẩy nhanh tình trạng thiếu máu chân trầm trọng khi 50% bệnh nhân PAD với đái tháo đường đi đến giai đoạn hoại tử chân trong vòng 5 năm.
Ngược lại, bệnh mạch máu chi dưới là nguyên nhân chính gây ra sự tàn tật về lâu dài cho bệnh nhân đái tháo đường. Mỗi năm ở mỹ có gần 100.000 ca cắt cụt chân, trong đó 50% là các bệnh nhân PAD có đái tháo đường.
Bệnh nhân đái tháo đường thường bị tổn thương các động mạch vùng dưới gối và thường gây vôi hoá nặng các động mạch, làm khó khăn hơn cho việc tái thông mạch máu so với các tổn thương ở bệnh nhân không đái tháo đường.
Bệnh PAD và đái tháo đường có liên quan chặt chẽ với nhau
3. Hậu quả của bệnh mạch máu chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường
Việc cắt cụt liên quan đến bệnh mạch máu chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường đặt ra một gánh nặng to lớn về kinh tế, tinh thần cũng như chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Đối với bệnh nhân đã phải cắt cụt do biến chứng của đái tháo đường đi kèm PAD hoặc không, hơn 55% trường hợp trở nên tàn tật vĩnh viễn, không tự đi lại được.
Trong số các bệnh nhân đã mổ cắt cụt do thiếu máu trầm trọng ở chân, tỷ lệ tử vong sau 1 năm là 40,4% trong khi nếu không cắt cụt, tỷ lệ tử vong lên tới 55-65% trong vòng 5 năm, phần lớn do các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
PAD làm tăng nguy cơ cắt cụt chi ở bệnh nhân đái tháo đường
4. Chẩn đoán bệnh mạch máu chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường?
Các triệu chứng điển hình của PAD thường là đau chân khi đi lại, giảm khi nghỉ ngơi. Ở giai đoạn thiếu máu chân trầm trọng, bệnh nhân sẽ đau chân cả khi nghỉ ngơi, loét, hoại tử khô hoặc nhiễm trùng bàn chân.
Các bệnh nhân đái tháo đường mắc PAD thường biểu hiện các triệu chứng không đặc hiệu do thường đi kèm bệnh lý thần kinh đái tháo đường hoặc đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn với các vết loét, hoại tử hoặc nhiễm trùng, làm gia tăng nguy cơ cắt cụt chân.
Do đó, đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc chẩn đoán sớm PAD là quan trọng để tránh tiến triển thành thiếu máu chân trầm trọng, loét chân hoặc thậm chí mổ cắt cụt chân.
Việc chẩn đoán cũng như tầm soát PAD ở bệnh nhân đái tháo đường được thực hiện bằng cách đo chỉ số huyết áp động mạch cánh tay và huyết áp động mạch cổ chân (ABI - Ankel Brachial Index). ABI ≤ 0,9 đặc hiệu cho tổn thương mạch máu chi dưới và được dùng để chẩn đoán PAD.
Đối với các bệnh nhân đái tháo đường chưa có triệu chứng thiếu máu chân, hiệp hội tim mạch hoa kỳ khuyến cáo nên tầm soát PAD bằng ABI đối với các bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên hoặc dưới 50 tuổi nếu có kèm theo 1 trong các yếu tố nguy cơ sau: hút thuốc lá, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, bệnh mạch máu ở các vị trí khác như mạch vành, mạch cảnh…
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh học khác như siêu âm doppler, CT scan dựng hình mạch máu chi dưới hoặc chụp mạch máu số hoá xoá nền giúp xác nhận chẩn đoán cũng như đánh giá giải phẫu học của tổn thương, từ đó đề ra phương pháp điều trị phù hợp.
PAD gây loét, hoại tử bàn chân do thiếu máu
5. Điều trị bệnh mạch máu chi dưới ở bệnh nhân đái tháo đường?
Giống như các bệnh nhân không đái tháo đường, việc điều trị bệnh mạch máu chi dưới thường bắt đầu với việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ nhằm ngăn ngừa bệnh tiến triển:
- Ngưng hút thuốc lá.
- Điều trị, kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu.
- Duy trì, kiểm soát tốt đường huyết.
- Điều trị các bệnh mạch máu ở các vị trí khác đi kèm nếu có như mạch vành, mạch cảnh…
Nếu bệnh nhân đến ở giai đoạn sớm như đau chân khi đi lại, việc điều trị tái thông mạch máu bằng can thiệp nội mạch nong bóng, đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu sẽ được đặt ra khi có chỉ định, với tỷ lệ thành công cao và ít biến chứng cắt cụt chi.
Khi bệnh đã đến giai đoạn muộn, nhất là khi đã có vết loét, vấn đề điều trị hết sức khó khăn, kéo dài với tiên lượng cắt cụt chân cao.
Việc điều trị đòi hỏi phối hợp nhiều chuyên khoa (nội tiết, dinh dưỡng, mạch máu…) với việc chăm sóc bàn chân kĩ lưỡng, cắt lọc mô hoại tử nếu cần, kháng sinh kiểm soát nhiễm khuẩn…
Đặc biệt, vấn đề tái tưới máu chân bằng can thiệp nội mạch hoặc phẫu thuật cầu nối cần được đặt ra càng sớm càng tốt nhằm giảm tỉ lệ cắt cụt chân.