1. Xét nghiệm định lượng canxi là gì?
Canxi (calcium) là một thành phần quan trọng trong cơ thể, 98% lưu trữ ở xương và răng. Khoảng 1% canxi lưu hành trong máu, ở 2 dạng chính là:
- Dạng bất hoạt: gắn vào các protein mà chủ yếu là albumin, chiếm 50% lượng canxi lưu hành trong máu.
- Dạng có hoạt tính: không gắn với protein, còn được gọi là canxi ion hóa, chiếm gần một nửa lượng canxi trong máu.
Ion canxi trong máu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các hoạt động co cơ, chức năng tim, dẫn truyền các xung thần kinh và quá trình lưu thông máu của cơ thể diễn ra bình thường. Ngoài ra, canxi trong máu còn giúp các giải phóng các hormone tham gia vào nhiều chức năng cơ thể.
Xét nghiệm định lượng canxi là xét nghiệm xác định nồng độ canxi toàn phần trong huyết thanh. Lượng canxi tăng hoặc giảm phản ánh một số bệnh lý về xương, nội tiết, bệnh thận và nhiều tình trạng khác.
Xét nghiệm máu định lượng canxi toàn phần
2. Mục đích của xét nghiệm định lượng canxi?
Canxi được hấp thu qua đường tiêu hóa và bài xuất qua đường phân và nước tiểu. Nồng độ canxi trong máu có thể phản ánh được nhiều yếu tố như:
- Khẩu phần canxi
- Khả năng hấp thu canxi qua đường tiêu hóa
- Nồng độ protein máu
- Nồng độ 1-25-OH Vitamin D
- Nồng độ hormone cận giáp
- Nồng độ calcitonin
- pH máu
- Nồng độ phospho
- Khả năng thải trừ canxi của thận
Nhìn chung, xét nghiệm định lượng canxi nhằm mục đích:
- Xác định nồng độ canxi toàn phần trong huyết thành.
- Cung cấp thông tin liên quan với chức năng tuyến cận giáp.
- Cung cấp thông tin chuyển hóa canxi trong cơ thể.
- Đánh giá các bệnh lý ác tính (tế bào ung thư giải phóng canxi và làm tăng cao nồng độ canxi máu).
3. Khi nào cần xét nghiệm định lượng canxi?
Đau xương là biểu hiện của tăng canxi máu
Xét nghiệm định lượng canxi được chỉ định khi bệnh nhân có các triệu chứng mà bác sĩ nghi ngờ là hạ canxi hoặc tăng canxi máu.
Biểu hiện của mức canxi máu cao:
- Đau nhức xương
- Giảm trương cơ lực
- Táo bón
- Buồn nôn, ói mửa
- Đau bụng
- Tiểu nhiều, khát nhiều
- Sỏi thận
Biểu hiện của mức canxi máu thấp:
- Cảm giác tê, kiến bò ở bàn tay, chân, quanh miệng
- Loạn nhịp tim
- Chuột rút, giật cơ
- Co giật
- Dấu Chvostek (co giật không chủ ý của các cơ mặt)
- Dấu Trousseau (co cổ tay đột ngột)
Thực tế, các tình trạng tăng canxi hoặc hạ canxi máu (do nhiều nguyên nhân gây nên) có thể không gây ra triệu chứng nào, hoặc triệu chứng mơ hồ dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác. Lúc này, chỉ có xét nghiệm định lượng canxi mới giúp phát hiện ra được.
Xét nghiệm định lượng canxi máu là một xét nghiệm quan trọng trong việc điều chỉnh các tình trạng co cứng cơ, dị cảm, chuột rút, hôn mê không rõ nguồn gốc, nôn không giải thích được.
Đây cũng là xét nghiệm hữu ích để theo dõi bệnh lý suy thận, tình trạng giảm hấp thu, viêm tụy cấp, u di căn xương.
Ngoài ra, xét nghiệm cũng được dùng để theo dõi bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc lợi tiểu, calcitonin hay digitalis.
4. Cách thực hiện xét nghiệm định lượng canxi
Xét nghiệm định lượng canxi được thực hiện như các xét nghiệm máu thông thường khác. Nhân viên y tế sử dụng một kim tiêm đâm vào tĩnh mạch nếp gấp khuỷu tay hoặc bàn tay của bệnh nhân để lấy máu. Mẫu máu được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích.
Thường thì xét nghiệm canxi không yêu cầu nhịn ăn. Nhưng đôi khi bác sĩ có thể yêu cầu nhịn ăn trước khi lấy máu xét nghiệm.
5. Kết quả xét nghiệm định lượng canxi có ý nghĩa gì?
Người có nồng độ canxi máu thấp cần bổ sung canxi từ thực phẩm
Giá trị canxi trong máu bình thường là 8,5-10,5 mg/dL hoặc 2,1-2,6 mmol/L. Giá trị này có thể khác nhau tùy vào phương pháp thử nghiệm của từng phòng xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm cao hơn giá trị tham chiếu cho thấy bị tăng nồng độ canxi máu. Tăng canxi máu có thể gặp trong các tình trạng như:
- Di căn xương
- Đa u tủy xương
- Cường cận giáp tiên phát
- Ngộ độc vitamin D
- Bệnh Paget
- Nằm bất động lâu ngày
- Bệnh sarcoidoisis
- Giảm phospho máu
- Mất nước nặng do dùng thuốc lợi tiểu quá liều
- Lạm dụng thuốc trung hòa axit dịch vị
- Nhiễm toan hô hấp
- Bệnh leukemia
- Cường cận giáp cấp ba hay khối u tuyến cận giáp
- Hội chứng Cushing
- To đầu chi
- Bệnh Addison
- Nhiễm độc giáp
- Bệnh Hodgkin
- Hội chứng Williams
Kết quả xét nghiệm thấp hơn giá trị tham chiếu cho thấy bị giảm nồng độ canxi máu. Giảm canxi máu có thể gặp trong các tình trạng sau:
- Giảm protein máu, nhất là giảm albumin
- Hội chứng giảm hấp thu
- Suy dinh dưỡng nặng
- Bệnh thận mạn
- Suy thận
- Chứng thiếu vitamin D
- Thiểu năng cận giáp tiên phát
- Viêm tụy cấp
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy
- Truyền máu ồ ạt
- Giảm magie máu
- Kiềm chuyển hóa
- Còi xương và chứng nhuyễn xương
- Do một số loại thuốc như: calcitonin, diphosphonat, mithramycin, EDTA, thuốc lợi tiểu, truyền dịch muối
Bởi vì khoảng 50% canxi trong máu gắn với albumin protein, nên sự biến đổi nồng độ albumin huyết thanh sẽ có ảnh hưởng tới nồng độ canxi máu toàn phần. Do đó, kết quả định lượng canxi máu cần được lưu ý cùng nồng độ albumin huyết thanh.
Lưu ý, giảm canxi máu không liên quan đến loãng xương. Trên thực tế, khi nồng độ canxi trong máu giảm, cơ thể sẽ chuyển lượng canxi dự trữ từ xương vào máu để đảm bảo các hoạt động diễn ra bình thường. Vì vậy có thể nói giảm canxi máu là nguy cơ của loãng xương.
Người có nồng độ canxi máu thấp cần có kế hoạch bổ sung canxi bằng cách sử dụng thực phẩm chứa nhiều canxi.
---
Tham khảo: Sách “Các xét nghiệm thường quy áp dụng trong thực hành lâm sàng”