1.Xét nghiệm AFP là gì?
Xét nghiệm AFP, tên đầy đủ là Alpha-fetoprotein, là một loại globulin protein hình thành ở túi noãn hoàng và gan trong quá trình phát triển của thai nhi. Nồng độ AFP thường cao khi em bé vừa chào đời, nhưng sẽ giảm dần đến rất thấp. Ở người lớn khỏe mạnh, nồng độ AFP cũng rất thấp.
Do đó, ở nam giới trưởng thành và phụ nữ không mang thai, AFP trong máu tăng là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe, bao gồm ung thư gan nguyên phát.
Xét nghiệm alpha-fetoprotein trong tầm soát ung thư
2. Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u AFP để làm gì?
Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u AFP được sử dụng để:
- Theo dõi sức khỏe, tầm soát và phát hiện sớm ung thư ở những người bị xơ gan hoặc viêm gan.
- Hỗ trợ chẩn đoán hoặc loại trừ chẩn đoán ung thư gan, ung thư buồng trứng hoặc ung thư tinh hoàn.
- Theo dõi và đánh giá hiệu quả điều trị ung thư.
- Phát hiện ung thư tái phát sau khi điều trị.
Chỉ riêng xét nghiệm AFP là không đủ để chẩn đoán xác định ung thư. Vì vậy, nó thường được thực hiện cùng với các xét nghiệm huyết học và chẩn đoán hình ảnh khác.
Xét nghiệm AFP còn được sử dụng để đánh giá mức độ hoặc sự tiến triển của khối u, từ đó giúp tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.
3. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm định lượng AFP
Nồng độ Alpha-fetoprotein ở nam giới và nữ giới có thể khác nhau tùy theo độ tuổi và chủng tộc, nhưng chủ yếu nằm trong khoảng từ 0 ng/ml đến 40 ng/ml.
Nồng độ AFP trong máu rất cao là dấu hiệu cảnh báo ung thư gan nguyên phát (ung thư biểu mô tế bào gan). Ở những bệnh nhân xơ gan, mức độ AFP lớn hơn 200ng/ml gợi ý ung thư biểu mô tế bào gan.
Ngoài ra, nồng độ AFP tăng ở nam giới và phụ nữ không mang thai còn là dấu hiệu của một số vấn đề như:
- Di căn ung thư gan
- Ung thư tinh hoàn
- Ung thư buồng trứng
- Xơ gan
- Viêm gan
- Ataxia telangiectasia (chứng thất điều – giãn mạch)
- Một số ung thư: đại tràng, dạ dày, phổi, vú, thận…
Ở người đang điều trị ung thư, mức AFP thường tăng lên khi ung thư tiến triển và giảm xuống khi việc điều trị có hiệu quả.
4. Cách thực hiện xét nghiệm định lượng AFP?
Xác định nồng độ AFP bằng xét nghiệm huyết học. Đây là một xét nghiệm an toàn và không cần chuẩn bị gì. Trong quá trình lấy máu có thể bị đau, chảy một ít máu, bầm tím tại chỗ tiêm, nhưng các triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất. Các biến chứng nặng như chảy nhiều máu, nhiễm trùng, ngất xỉu là rất hiếm gặp.
5. Khi nào nên làm xét nghiệm định lượng AFP?
AFP là chất chỉ điểm ung thư gan
Xét nghiệm chất chỉ điểm khối u AFP được chỉ định khi quá trình khám sức khỏe lâm sàng hoặc các xét nghiệm khác cho thấy một người có khả năng bị ung thư gan, ung thư tinh hoàn hoặc ung thư buồng trứng. Nó cũng được sử dụng trong và sau quá trình điều trị một trong những loại ung thư này.
Xét nghiệm này cũng được dùng để tầm soát ung thư gan định kỳ ở những đối tượng có yếu tố nguy cơ ung thư gan như: suy gan, xơ gan, viêm gan B mạn tính, viêm gan C mạn tính, viêm gan do rượu, cao tuổi, sử dụng nhiều rượu bia,…
6. Xét nghiệm AFP ở phụ nữ mang thai
Xét nghiệm AFP ở phụ nữ mang thai được sử dụng để kiểm tra thai nhi có đang phát triển bình thường không.
Kết quả xét nghiệm AFP ở phụ nữ mang thai sẽ có giá trị tham chiếu riêng tùy theo tuổi thai. Khi phụ nữ mang thai, nồng độ AFP có thể tăng nhẹ do AFP đi qua nhau thai và vào máu của người mẹ. Nhưng nồng độ AFP quá nhiều hoặc quá ít trong máu của người mẹ có thể là dấu hiệu của dị tật bẩm sinh và rối loạn di truyền, chẳng hạn như khuyết tật ống thần kinh hoặc hội chứng Down.
Tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1, việc khám, xét nghiệm AFP cũng như xét nghiệm các dấu ấn ung thư khác được thực hiện đơn giản bằng láy máu tĩnh mạch ngoại biên, giúp ích lớn trong chẩn đoán và điều trị cho nhiều bệnh nhân ung thư.
Tư vấn chuyên môn: BS CKI Trần Hữu Lợi