Xét nghiệm cholesterol toàn phần là một trong những xét nghiệm lipid máu giúp đánh giá chế độ dinh dưỡng, chẩn đoán nguy cơ xơ vữa động mạch và một số bệnh lý khác. Xét nghiệm cholesterol toàn phần được sử dụng rất phổ biến trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lý tim mạch.
1. Xét nghiệm cholesterol toàn phần là gì?
Xét nghiệm cholesterol toàn phần là xét nghiệm máu xác định tổng lượng cholesterol trong cơ thể.
Cholesterol là một trong 03 loại lipid chính trong hệ tuần hoàn (hai loại khác là triglycerid và phospholipid), không tan trong nước.
Cholesterol có vai trò:
- Tham gia vào quá trình tổng hợp màng tế bào.
- Tham gia vào quá trình tổng hợp vitamin D.
- Là tiền chất của quá trình tổng hợp hormone sinh dục, glucocorticoid và corticoid chuyển hóa muối nước (mineralocorticoid) ở các tuyến thượng thận.
Cholesterol rất quan trọng đối với cơ thể, nhưng cholesterol cao là yếu tố gây lắng đọng trong nội mô mạch với nguy cơ gây mảng xơ vữa động mạch.
Lipid cần gắn với các protein gọi là apoprotein để di chuyển trong máu, tạo thành các nhóm lipoprotein là Chylomicron, VLDL, LDL và HDL. Trong đó LDL rất giàu cholesterol, có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol đến các mô, đây chính là loại cholesterol có liên quan đến quá trình gây xơ vữa động mạch.
Cholesterol cao không có dấu hiệu hay triệu chứng. Cách duy nhất để nhận biết tình trạng này là xét nghiệm cholesterol trong máu bao gồm: định lượng cholesterol toàn phần, định lượng HDL cholesterol và định lượng LDL cholesterol.
Xét nghiệm cholesterol toàn phần phát hiện rối loạn lipid máu
2. Mục đích của xét nghiệm cholesterol toàn phần
Xét nghiệm cholesterol toàn phần, cùng với HDL-C, LDL-C và triglycerid tạo thành bảng tầm soát tình trạng rối loạn lipid máu trong kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ.
Tất cả những người trưởng thành đều được khuyến cáo nên kiểm tra cholesterol định kỳ. Đặc biệt là những người có bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, béo phì hay tiền sử gia đình bị tăng lipid máu.
Xét nghiệm cholesterol toàn phần được sử dụng để chẩn đoán, phân loại và theo dõi bệnh nhân tăng lipid máu. Đồng thời, đánh giá nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch, từ đó đưa ra phương pháp điều trị và theo dõi hiệu quả điều trị.
Ở bệnh nhân bị bệnh gan hoặc nghi ngờ bệnh gan, xét nghiệm cholesterol toàn phần giúp đánh giá chức năng gan và mức độ nặng của bệnh lý gan.
Xét nghiệm cholesterol toàn phần cũng giúp ích điều chỉnh hội chứng giảm hấp thu và hỗ trợ cho chẩn đoán các tình trạng rối loạn chức năng tuyến giáp.
3. Cách thực hiện xét nghiệm cholesterol toàn phần
Xét nghiệm cholesterol toàn phần được thực hiện bằng cách lấy mẫu máu từ tĩnh mạch khuỷu tay hoặc bàn tay, sau đó phân tích tại phòng thí nghiệm theo phương pháp enzym so màu.
Đây là một xét nghiệm an toàn, nhanh chóng và hiệu quả. Thường cần nhịn ăn 8-12 tiếng trước khi lấy máu xét nghiệm.
Lưu ý, một số loại thuốc có thể góp phần làm thay đổi kết quả xét nghiệm:
- Thuốc làm tăng nồng độ cholesterol máu: thuốc an thần, thuốc chẹn beta giao cảm, corticosteroid, disulfiram, lanzoprazol, levodopa, lithium, testosteron, thuốc ngừa thai, thuốc lợi tiểu,…
- Thuốc làm giảm nồng độ cholesterol máu: thuốc ức chế men chuyển angiotensin, allopurinol, androgen, thuốc làm giảm cholesterol máu, estrogen, metformin, phenytoin,…
4. Kết quả xét nghiệm cholesterol toàn phần có ý nghĩa gì?
Cholesterol cao là yếu tố nguy cơ tim mạch
Chỉ số cholesterol toàn phần bình thường nhỏ hơn 5,2 mmol/L. Ngoài ra, cholesterol toàn phần sẽ được kiểm tra cùng các chỉ số khác:
- HDL cholesterol: > 0,9 mmol/L
- LDL cholesterol: < 3,4 mmol/L
- Triglycerid: < 1,7 mmol/L
Tăng nồng độ cholesterol có thể do các nguyên nhân thường gặp sau:
- Chế độ ăn giàu cholesterol và axit béo bão hòa.
- Bệnh xơ vữa động mạch.
- Bệnh tim mạch.
- Tăng cholesterol máu.
- Tăng lipoprotein máu có tính chất gia đình (tuýp IIa, IIb, III).
- Tăng triglycerid máu.
- Suy giáp.
- Hội chứng thận hư.
- Tắc mật.
- Xơ gan do mật.
- Béo phì.
- Rối loạn chức năng tụy.
- Tiền sản giật.
- Có thai.
- Bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt.
- Bệnh có nhiều khối u vàng.
Giảm nồng độ cholesterol có thể do các nguyên nhân thường gặp sau:
- Chế độ ăn nghèo cholesterol và axit béo bão hòa nhưng giàu axit béo không bão hòa.
- Suy dinh dưỡng.
- Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
- Hội chứng giảm hấp thu như: cắt đoạn ruột, viêm tụy mạn, bệnh Crohn.
- Cường giáp.
- Bệnh gan nặng, suy gan.
- Không có beta lipoprotein máu mang tính chất di truyền.
- Thiếu hụt alpha lipoprotein máu (bệnh Tangier).
- Thiếu máu mạn, thiếu máu ác tính Biermer.
- Thiếu máu do tan máu.
- Nhiễm trùng nặng và sepsis.
- Điều trị bằng thuốc giảm cholesterol máu.
5. Cần làm gì khi chỉ số cholesterol toàn phần cao?
Chế độ ăn lành mạnh giúp giảm cholesterol cao
Khi cholesterol cao cần điều trị sớm để hạn chế các biến chứng, đặc biệt là biến chứng tim mạch. Ở người chỉ đơn thuần tăng cholesterol máu > 5,2 mmol/L, lựa chọn điều trị đầu tiên và bắt buộc là thay đổi lối sống:
- Giảm thực phẩm cholesterol và chất béo bão hòa, đặc biệt là mỡ, nội tạng, da động vật.
- Giảm đường.
- Hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, thực phẩm chiên.
- Tăng cường thực phẩm nhiều chất xơ, vitamin và chất béo tốt.
- Tăng hoạt động thể lực.
- Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân nếu thừa cân béo phì.
Ngoài ra, tùy vào mức độ tăng cholesterol máu, cũng như nồng độ của LDL-C và HDL-C, có thể cần điều trị bằng thuốc làm giảm cholesterol máu kết hợp với các biện pháp thay đổi lối sống.
Tình trạng tăng cholesterol trong máu có thể xảy ra trong một thời gian dài mà không có triệu chứng. Đó là lý do mà mỗi người nên làm xét nghiệm định lượng cholesterol định kỳ.