XÉT NGHIỆM CA19-9 TRONG UNG THƯ TUYẾN TUỴ

 

1. CA 19-9 (Carbohydrate Antigen 19-9) trong ung thư tuyến tuỵ là gì?

CA 19-9 là một kháng nguyên carbohydrate, được tạo ra bởi tế bào ung thư hoặc tế bào bình thường để phản ứng lại ung thư. Kể từ năm 1983 sau khi tìm được phương pháp đo mức CA 19-9, nó đã nhanh chóng trở thành chất chỉ điểm khối u được nghiên cứu và sử dụng nhiều nhất cho ung thư biểu mô tuyến tụy.

Ung thư tụy là khối u ác tính xuất phát từ tế bào biểu mô tuyến tụy. Tại Việt Nam, hơn 80% trường hợp ung thư tụy khi được chẩn đoán đã ở giai đoạn không đủ điều kiện để phẫu thuật hoặc đã di căn. Tỷ lệ sống thêm sau 5 năm của ung thư tụy là rất thấp chỉ đạt khoảng 4%.

Từ đó có thể thấy xét nghiệm CA 19-9 với độ nhạy khả quan (79–81% ở bệnh nhân có triệu chứng) có vai trò rất quan trọng trong chẩn đoán ung thư tuyến tụy, cải thiện tiên lượng sống. 

Đôi khi, mức độ cao CA 19-9 trong máu có thể liên quan đến các loại ung thư khác hoặc một số tình trạng không phải ung thư như viêm gan, xơ gan, viêm tụy và bệnh đường mật.


CA 19-9 là chất chỉ điểm ung thư tuyến tụy

2. Vai trò của xét nghiệm chất chỉ điểm khối u CA 19-9?

Trong ung thư tuyến tụy, xét nghiệm CA 19-9 được thực hiện để:

- Sử dụng như một chất chỉ điểm hỗ trợ chẩn đoán ung thư.

- Theo dõi giai đoạn và tiến triển khối u.

- Đưa ra tiên lượng, nhất là trước và sau khi phẫu thuật.

- Kiểm tra đáp ứng điều trị.

- Kiểm tra ung thư tái phát.

Trong 57 nghiên cứu liên quan đến 3.285 trường hợp ung thư biểu mô tuyến tụy, độ nhạy của CA 19-9 là 78,2% và trong 37 nghiên cứu liên quan đến 1.882 trường hợp mắc bệnh tụy lành tính, độ đặc hiệu của CA 19-9 là 82,8%.

Ngoài ra, xét nghiệm này còn được sử dụng cùng các xét nghiệm khác để giúp xác nhận hoặc loại trừ ung thư.

3. Cách kiểm tra nồng độ CA 19-9?

Kỹ thuật viên sẽ lấy mẫu máu từ tĩnh mạch cánh tay hoặc bàn tay bằng một cây kim nhỏ. Mẫu máu được thu thập vào ống nghiệm. Trong quá trình kim đâm vào tay, bạn có thể thấy nhói nhẹ. Sau khi lấy máu xong, vị trí lấy máu có thể chảy một ít máu hoặc bầm tím nhẹ. 

Cũng như bất kỳ xét nghiệm máu nào khác, xét nghiệm CA 19-9 rất an toàn, các biến chứng chảy nhiều máu, nhiễm trùng, ngất xỉu là rất hiếm gặp.

4. Khi nào nên xét nghiệm CA 19-9?

 
Xét nghiệm CA 19-9 khi nghi ngờ bị ung thư tuyến tụy

Xét nghiệm CA 19-9 được thực hiện khi bệnh nhân có một số triệu chứng nghi ngờ ung thư tụy như:

- Vàng da 

- Đau vùng thượng vị

- Chán ăn, sụt cân

- Đau lưng do khối u di căn vào sau phúc mạc

- Viêm tụy cấp do tắc nghẽn ống tụy

- Đổ mồ hôi đêm

- Mệt mỏi, suy kiệt

- Cổ trướng

Xét nghiệm máu CA 19-9 cũng được sử dụng cho người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tụy hoặc các loại ung thư khác có liên quan đến mức CA 19-9 cao.

5. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm CA 19-9

Kết quả xét nghiệm CA 19-9 là chất chỉ điểm khối u hữu hiệu để tầm soát và chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến tụy. 

Bởi vì CA 19-9 không đặc hiệu cho riêng ung thư tụy, nên kết quả xét nghiệm cần được giải thích cùng hỏi bệnh, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu khác. Trong đó, CEA là một chất chỉ điểm khối u được sử dụng phổ biến chỉ sau CA 19-9 trong chẩn đoán và quản lý bệnh nhân ung thư tuyến tụy.

Xét nghiệm CA 19-9 có ý nghĩa trong việc phân biệt ung thư và các bệnh tuyến tụy khác. Giá trị trung bình của CA 19-9 cao hơn nhiều so với ngưỡng 37U/ml đối với khối u ác tính, trong khi hầu hết các tình trạng lành tính có giá trị trung bình CA 19-9 dưới 37U/ml. Mức cao nhất của CA 19-9 thường thấy nhất trong ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối. 

Với người đang điều trị ung thư tụy, mức độ CA 19-9 tương quan với sự tiến triển hoặc thuyên giảm của bệnh sau khi điều trị, từ đó dự đoán đáp ứng điều trị. Nồng độ CA 19-9 huyết thanh không trở lại bình thường hoặc tăng sau phẫu thuật có liên quan đến tiên lượng xấu và gợi ý khối u còn sót lại hoặc di căn. 

Ngoài ra, CA 19-9 có thể tăng trong một loại ung thư như:

- Ung thư đại trực tràng

- Ung thư dạ dày

- Ung thư gan

- Ung thư ống mật

- Ung thư phổi

- Ung thư vú

- Ung thư tử cung

- Ung thư buồng trứng

CA 19-9 tăng trong một số bệnh lý khác:

- Bệnh gan như viêm gan, xơ gan

- Viêm túi mật 

- Sỏi mật

- Viêm tụ

- Bệnh xơ nang

- Rối loạn phổi, thận hoặc đường tiêu hóa.

Ung thư tụy có tiên lượng xấu chủ yếu là do bệnh biểu hiện ở giai đoạn muộn, do đó việc phát hiện sớm ung thư tụy là rất quan trọng để có thể điều trị sớm, nâng cao thời gian sống.

Tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 việc khám, xét nghiệm CA 19-9 cũng như xét nghiệm các dấu ấn ung thư khác được thực hiện đơn giản bằng láy máu tĩnh mạch ngoại biên, giúp ích lớn trong chẩn đoán và điều trị cho nhiều bênh nhân ung thư tuyến tụy nói riêng và các bệnh ung thư khác.

Tư vấn chuyên môn: BS CKI Trần Hữu Lợi