VIÊM DẠ DÀY: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, ĐIỀU TRỊ VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Viêm dạ dày là nguyên nhân gây nóng, đau vùng thượng vị, ợ chua ợ hơi nhiều, nguy hiểm hơn có thể gây xuất huyết dạ dày khi bệnh tiến triển nặng.

1. Thế nào là bệnh viêm dạ dày?

Bệnh viêm niêm mạc dạ dày hay viêm dạ dày là bệnh lý thường gặp liên quan đến sức khỏe hệ tiêu hóa. Bệnh viêm dạ dày xảy ra khi xuất hiện tình trạng tổn thương ở bề mặt niêm mạc dạ dày, do vi khuẩn bào mòn hay do các tác nhân khác.

Sự xâm nhập của các tế bào viêm chính là đặc trưng của bệnh viêm dạ dày, vì thế, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh xét nghiệm mô bệnh học dạ dày hỗ trợ chẩn đoán và kết luận bệnh chính xác.

Niêm mạc dạ dày là lớp mỏng giúp bảo vệ thành dạ dày khỏi sự tấn công của vi khuẩn hay các tác động kích thích từ acid. Theo cơ chế bệnh sinh của bệnh viêm dạ dày thì khi vi khuẩn từ bên ngoài tấn công niêm mạc dạ dày sẽ khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương, nguy cơ cao tiến triển thành bệnh viêm loét dạ dày.

Ngoài ra, khi acid bài tiết bất thường trong cơ thể cũng có thể gây tổn thương ở niêm mạc dạ dày. Đây là hệ lụy nguy hiểm của thói quen ăn uống có chế độ dinh dưỡng không lành mạnh và không điều độ kéo dài.

 
Bệnh viêm dạ dày mạn tính có thể tăng nguy cơ ung thư dạ dày

Bệnh viêm dạ dày có 2 loại là viêm dạ dày mạn tính và viêm dạ dày cấp tính. Chúng thường đi kèm với triệu chứng lâm sàng về hệ tiêu hóa, đường ruột và dạ dày bất thường.

a. Bệnh viêm dạ dày cấp tính

Bệnh viêm dạ dày cấp tính do nhiều nguyên nhân gây nên như lạm dụng rượu, hút thuốc lá … Ngay khi xuất hiện các triệu chứng như đau vùng thượng vị, gây bất tiện khi ăn uống, người bệnh thường có thể nhận biết được căn bệnh viêm dạ dày cấp tính.

Đây là các triệu chứng lâm sàng, điển hình của bệnh viêm dạ dày cấp tính. Chúng có thể tự khỏi trong thời gian ngắn từ 5-7 ngày. Thông thường, người bệnh có thể thay đổi chế độ dinh dưỡng để hỗ trợ dạ dày phục hồi và giảm thiểu tổn thương dạ dày mà không cần điều trị chuyên sâu.

b. Bệnh viêm dạ dày mạn tính

Thông thường, vi khuẩn HP là nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày mạn tính. Bệnh thường không biểu hiện triệu chứng và diễn biến không rõ từ khi nào, chủ yếu được phát hiện khi thực hiện nội soi dạ dày. 

Bệnh viêm dạ dày mạn tính có thể tiến triển thành dị sản ruột, viêm teo hay các tổn thương tiền ung thư dạ dày. Đồng thời, bệnh viêm dạ dày mạn tính cũng tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày ở người bệnh.

2. Nguyên nhân nào gây bệnh viêm dạ dày?

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây bệnh viêm dạ dày như:

- Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) từ bên ngoài vào trong cơ thể, đặc biệt ở đường tiêu hóa. Chúng sản sinh enzyme urease kích thích tăng sinh kháng viêm khiến niêm mạc dạ dày bị ảnh hưởng.

- Lạm dụng bia rượu thường xuyên.

- Ăn uống kém khoa học, không đúng giờ giấc, ăn quá no hay quá nhanh lúc bụng đói kích thích dạ dày một cách đột ngột, ăn nhiều thức ăn chua cay nóng, nhiều dầu mỡ hay không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 
Ăn uống kém khoa học có thể gây bệnh viêm dạ dày

- Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh hay thuốc hạ sốt, giảm đau khiến người bệnh dễ bị trào ngược dạ dày hay viêm dạ dày cấp tính. 

- Thường xuyên căng thẳng trong thời gian dài có thể đi kèm thói quen ăn uống không khoa học dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe của hệ thần kinh, tác động đến dạ dày.

- Viêm dạ dày tự miễn (rối loạn tự miễn dạ dày) xảy ra khi cơ thể bị rối loạn miễn dịch kháng lại enzyme H+K+ATPase, gây viêm teo niêm mạc dạ dày ở vùng thân vị.

3. Triệu chứng của bệnh viêm dạ dày

Cơn đau vùng thượng vị là triệu chứng điển hình nhất của bệnh viêm dạ dày. Một số dấu hiệu có thể nhận biết bệnh viêm dạ dày như:

- Đau vùng thượng vị (ở vùng bụng trên rốn dưới xương sườn), có thể đau nhiều sau khi ăn hay khi đói.

- Cảm giác chướng bụng sau khi ăn nên không thể ăn được nhiều như bình thường.

- Ợ chua, ợ hơi, ợ nóng.

- Chán ăn, buồn nôn và nôn.

Các triệu chứng trên khá tương đồng với triệu chứng của các bệnh lý tiêu hóa khác như loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản hay thậm chí nguy hiểm hơn là bệnh ung thư dạ dày. 

Vì thế, người bệnh nên thăm khám cùng bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được chẩn đoán bệnh chuyên sâu, giúp người bệnh được điều trị kịp thời và hiệu quả với tình trạng bệnh lý. Từ đó giúp chữa lành tổn thương và phục hồi chức năng dạ dày.

4. Điều trị bệnh viêm dạ dày như thế nào?

Điều trị bệnh viêm dạ dày chủ yếu cho bệnh viêm dạ dày cấp bằng cách sử dụng thuốc đường uống để điều trị nội khoa. Tùy theo các triệu chứng lâm sàng của bệnh viêm dạ dày, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc phù hợp với người bệnh.

 
Có thể sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh viêm dạ dày do vi khuẩn HP

Dưới đây là một số loại thuốc thông dụng để điều trị bệnh viêm dạ dày như:

- Thuốc kháng sinh để điều trị cho người bệnh bị viêm dạ dày do vi khuẩn HP.

- Thuốc trung hòa acid để giảm sự tiếp xúc của acid vào niêm mạc dạ dày và thành dạ dày, hạn chế tình trạng viêm dạ dày, làm dịu các triệu chứng khó chịu. 

- Thuốc ức chế bơm proton giúp kiểm soát và giảm tiết acid do dạ dày tạo ra.

- Thuốc diệt khuẩn HP ở các trường hợp viêm dạ dày mạn tính nguyên nhân do HP gây nên.

Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị bệnh viêm dạ dày, chỉ sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và nên thăm khám chuyên sâu để biết được chính xác tình trạng bệnh.

5. Các biện pháp phòng ngừa bệnh viêm dạ dày

Dưới đây là một số biện pháp có thể giúp phòng ngừa căn bệnh viêm dạ dày hiệu quả như:

- Hạn chế và không lạm dụng rượu bia.

- Hạn chế uống cà phê, trà, các chất kích thích và không hút thuốc lá.

- Không được tự ý sử dụng thuốc. Chỉ nên sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.

- Hạn chế ăn thức ăn quá cay nóng.

- Chú ý vấn đề vệ sinh trong ăn uống.  

- Kiểm soát căng thẳng, thư giãn, ngủ đủ giấc.

- Rèn luyện sức khỏe thường xuyên nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

- Thường xuyên kiểm tra và thăm khám sức khỏe định kỳ cùng bác sĩ để tầm soát sớm các yếu tố nguy cơ gây bệnh, hạn chế biến chứng nguy hiểm.

Khi gặp tình trạng bệnh viêm dạ dày nghi ngờ do vi khuẩn HP gây ra, người bệnh có thể chủ động thăm khám bệnh cùng bác sĩ, tiến hành nội soi dạ dày.

Đơn vị Nội soi Tiêu hóa tại Phòng Khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 được trang bị 2 hệ thống nội soi, 3 ống soi dạ dày, 2 ống soi đại – trực tràng của hãng Olympus giúp phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư.

Đồng thời thực hiện hầu hết các kỹ thuật nội soi chẩn đoán bao gồm:

- Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng

- Nội soi đại – trực tràng

- Nội soi an thần

Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 với trang bị y tế hiện đại, cơ sở vật chất khang trang cùng đội ngũ bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp chẩn đoán và thăm khám chuyên sâu cho người bệnh, đặc biệt với thế mạnh nội soi dạ dày an toàn, hiệu quả.

Liên hệ tổng đài 1900 6923 để được hỗ trợ đặt lịch thăm khám nhanh chóng.