U xơ tử cung là loại u lành tính thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. U xơ tử cung lớn gây đau, rối loạn kinh nguyệt, thiếu máu và thậm chí là vô sinh, cần được điều trị sớm. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn các thông tin cần biết về u xơ tử cung.
U xơ tử cung là loại u thường gặp nhất ở tử cung
1.U xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung (Fibroids) là khối u lành tính ở tử cung, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản từ 35-50 tuổi. U xơ có nguồn gốc từ cơ trơn nên còn được gọi là u cơ tử cung. U xơ có thể phát triển ở các vị trí khác nhau trong tử cung là:
- Dưới thanh mạc
- Dưới niêm mạc
- Trong thành cơ tử cung
- Ở cổ tử cung
Phụ nữ bị u xơ tử cung có thể có một hoặc nhiều khối u. U xơ có thể nhỏ đến mức không thể thấy bằng mắt thường hoặc lớn bằng quả bưởi hoặc lớn hơn.
U xơ tử cung rất phổ biến, tỷ lệ mắc phải có thể nhiều hơn so với thực tế vì nhiều trường hợp khối u có đường kính nhỏ không phát hiện được trên lâm sàng. Các khối u nhỏ có ít triệu chứng, không nguy hiểm, nhưng khi khối u lớn hơn có thể gây rối loạn kinh nguyệt, đau do chèn ép, ảnh hưởng đến quá trình mang thai và thậm chí gây vô sinh.
2.Triệu chứng của u xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung nhỏ thường không có triệu chứng. Do đó u xơ tử cung thường được phát hiện khi đi khám phụ khoa vì lý do y tế khác như chậm có thai, vô sinh, khám thai, tầm soát ung thư phụ khoa.
Các triệu chứng của u xơ tử cung là:
- Chảy máu dưới dạng máu loãng lẫn máu cục. Đây là triệu chứng chính gặp ở hơn 60% trường hợp. U xơ gây chảy máu từ tử cung dưới dạng cường kinh, kéo dài 7-10 ngày và có khi lâu hơn. Dần dần rối loạn kinh nguyệt, rong kinh kéo dài và ra nhiều máu.
- Tình trạng thiếu máu toàn thân, xanh xao, gầy sút (do ra máu kéo dài).
- Khối u chèn ép vào tạng hoặc viêm khung chậu có thể gây đau. Đau ở vùng hạ vị hoặc hố chậu. Đau kiểu tức, nặng bụng dưới. Đau khi đứng và giảm khi nằm.
- Ra khí hư do viêm âm đạo, viêm niêm mạc tử cung hay viêm ống dẫn trứng. Có khi ra khí hư loãng – ít gặp hơn.
- Khối u phát triển có thể xuất hiện triệu chứng: rối loạn tiểu tiện, sờ thấy một khối u to lên ở hố chậu.
Các triệu chứng của u xơ tử cung ở mỗi người có thể khác nhau tùy thuộc vào kích thước, vị trí và sự tiến triển của khối u.
U xơ tử cung chèn ép gây đau vùng bụng dưới
3. Nguyên nhân của u xơ tử cung là gì?
Nguyên nhân chính xác gây u xơ tử cung vẫn chưa được biết, nhưng nhiều giả thuyết cho rằng u xơ tử cung là do ảnh hưởng của hormone và/hoặc di truyền.
Theo một số nghiên cứu, hormone estrogen và progesterone có ảnh hưởng đến sự phát triển của u xơ. U xơ phát triển khi nồng độ các hormone này cao, đặc biệt là khi mang thai. Và u xơ có xu hướng nhỏ lại hoặc không phát triển trong thời kỳ mãn kinh hoặc khi dùng thuốc kháng hormone.
Ở phụ nữ bị u xơ tử cung, người ta nhận thấy nội tiết tố tăng trưởng tăng cao, do đó nội tiết tăng trưởng cũng có thể đóng một vai trò nào đó trong sự xuất hiện của u xơ tử cung.
Tuy nhiên, nguyên nhân gây u xơ tử cung vẫn cần được nghiên cứu thêm.
4. Ai có nguy cơ bị u xơ tử cung?
Phụ nữ có nguy cơ bị ung thư tử cung cao hơn nếu:
- Trong độ tuổi 30-40.
- Tiền sử gia đình bị u xơ tử cung. Nếu mẹ bị u xơ tử cung thì nguy cơ con gái bị u xơ cao gấp 3 lần.
- Phụ nữ béo phì có nguy cơ cao gấp 2-3 lần.
- Có kinh sớm.
- Không mang thai.
5. U xơ tử cung có nguy hiểm không? Biến chứng của u xơ tử cung là gì?
U xơ tử cung là u lành tính, nó không làm tăng nguy cơ phát triển ung thư tử cung ở phụ nữ. Khối u nhỏ không gây ra triệu chứng gì đáng kể, thường tiến triển chậm. Sau một hai lần có thai hoặc sau khi mãn kinh khối u có thể ngừng phát triển.
Nếu u xơ tử cung tiến triển, gây ra nhiều triệu chứng thì có thể dẫn đến biến chứng:
- Chảy máu kéo dài gây thiếu máu.
- Chèn ép vào niệu quản gây ra hậu quả ứ đọng bể thận. Biến cố nhẹ gây đái rắt, bí tiểu.
- Chèn ép trực tràng gây táo bón kéo dài.
- Chèn ép tĩnh mạch gây phù chi dưới.
- Xoắn khối u.
- Nhiễm khuẩn xảy ra ở ngay khối u, niêm mạc tử cung và ống dẫn trứng.
- Thoái hóa, hoại tử vô khuẩn.
U xơ tử cung ảnh hưởng đến quá trình mang thai và sinh con
6. Bị u xơ tử cung có khả năng mang thai không?
Tùy vào tình trạng u xơ tử cung mà nó có thể khiến phụ nữ chậm có thai hoặc vô sinh. Nhưng đa phần phụ nữ bị u xơ tử cung vẫn có thể mang thai. Tỷ lệ vô sinh do u xơ tử cung là ít gặp.
7. U xơ tử cung có ảnh hưởng đến thai kỳ không?
Hầu hết phụ nữ bị u xơ tử cung đều có thai kỳ bình thường. Nhưng u xơ tử cung thường phát triển khi mang thai, có thể khiến phụ nữ gặp các biến chứng khi mang thai và sinh nở như:
- Sẩy thai
- Đẻ non
- Ngôi thai bất thường
- Rau tiền đạo, rau bong non
- Thoái hóa khối u gây đau bụng
- Khi sinh con, u xơ tử cung có thể dẫn đến rối loạn cơn co, trở thành khối u tiền đạo, kéo dài quá trình chuyển dạ.
Do đó, trước khi mang thai phụ nữ nên đi khám sức khỏe tiền sản để kịp thời phát hiện u xơ tử cung có thể gây ảnh hưởng đến việc có thai và thai kỳ.
8. Cách chẩn đoán u xơ tử cung
Chẩn đoán u xơ tử cung dựa vào thông tin khai thác triệu chứng, khám lâm sàng và cận lâm sàng. Các cận lâm sàng thường được chỉ định là:
- Siêu âm
- Soi buồng tử cung
- Xét nghiệm tế bào học
Các xét nghiệm khác chỉ định theo từng trường hợp cụ thể.
Siêu âm chẩn đoán u xơ tử cung
9. Điều trị u xơ tử cung như thế nào?
Với các khối u xơ tử cung nhỏ, không ảnh hưởng đến kinh nguyệt hay gây ra các rối loạn khác thì thường chỉ cần theo dõi, khám định kỳ sau 6-12 tháng.
Với các u xơ tử cung nhỏ gây chảy máu, cần điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) để hạn chế sự phát triển của khối u và điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, hạn chế rong kinh, rong huyết.
Phẫu thuật thường được chỉ định trong các trường hợp:
- U xơ gây biến chứng rong kinh, rong huyết mà điều trị nội khoa không hiệu quả.
- U xơ tồn tại cùng với các tình trạng khác như: u nang buồng trứng, loạn sản cổ tử cung, sa sinh dục…
- U xơ to, chèn ép vùng xung quanh.
- U xơ làm biến dạng buồng tử cung.
- U xơ dưới niêm mạc gây chảy máu và nhiễm khuẩn.
Phẫu thuật điều trị xơ tử cung có thể tiến thành mổ nội soi hoặc mổ mở. Phẫu thuật bao gồm bóc tách nhân sơ bảo tồn chức năng của tử cung, cắt tử cung bán phần hay cắt tử cung hoàn toàn. Việc chọn phương pháp như thế nào sẽ được áp dụng cho từng đối tượng cụ thể theo tuổi tác, tình trạng bệnh lý, số lần có thai và mong muốn có thai.
10. U xơ tử cung có thể phòng ngừa được không?
Nguyên nhân gây u xơ tử cung chưa rõ ràng vì vậy vẫn chưa có phương pháp để ngăn ngừa u xơ tử cung. Nhưng các khuyến nghị dưới đây được xem xét:
- Phụ nữ ăn nhiều thịt đỏ, thịt chế biến sẵn dường như có nguy cơ cao hơn. Và ăn đủ chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, bổ sung thêm sản phẩm từ sữa có thể làm giảm nguy cơ phát triển u xơ tử cung.
- Tập thể dục giúp ngăn ngừa béo phì – một yếu tố nguy cơ phát triển khối u.