VIÊM NỘI TÂM MẠC NHIỄM KHUẨN LÀ BỆNH GÌ?

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là một bệnh hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, nếu không điều trị sớm thường dẫn đến tử vong. Những người có bệnh tim mạch và suy giảm hệ miễn dịch có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh nguy hiểm này.

 
Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là bệnh nguy hiểm

1. Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là gì?

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn (IE) là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập vào máu và di chuyển đến niêm mạc tim, van tim hoặc mạch máu. Nhiễm trùng gây suy van tim, có thể dẫn đến suy tim sung huyết và áp xe cơ tim.

Có hai tình trạng viêm nội tâm mạc là:

- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cấp tính: Phát triển đột ngột và có thể đe dọa tính mạng trong vài ngày.

- Viêm nội tâm mạc bán cấp hoặc mãn tính: Phát triển chậm trong vài tuần đến vài tháng.

2. Nguyên nhân viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn?

Tác nhân gây viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn phổ biến nhất là vi khuẩn. Một số vi khuẩn thường gặp là: liên cầu khuẩn, tụ cầu vàng, vi khuẩn gram âm, Staphylococcus, Enterococcus, Haemophilus, Actinobacillus, Cardiobecterium, Eikenella, Kingella, Legionella, Chlamydia psittaci, Coxiella, Brucella, Bartonella…

Nấm, thường gặp là nấm Candida và Aspergillus cũng có thể gây ra tình trạng này. Viêm nội tâm mạc do nấm chỉ chiếm 1% các trường hợp nhưng dễ gây tử vong ở những người bị suy giảm miễn dịch. 

Vi khuẩn xâm nhập vào máu có thể do nhiều nguyên nhân như:

- Vệ sinh răng miệng kém

- Đánh răng gây tổn thương niêm mạc miệng hoặc nướu

- Thủ thuật nha khoa

- Thiết bị y tế tim mạch cấy ghép

- Nhiễm trùng da mạn tính

- Bỏng

- Bệnh truyền nhiễm

- Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch

- …

 
Vi khuẩn là nguyên nhân của viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

3. Ai có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn là một bệnh lý rất hiếm. Hầu hết ở người khỏe mạnh, hệ miễn dịch có thể tiêu diệt được vi khuẩn trong máu trước khi chúng có thể di chuyển đến tim và gây hại.

Những người có bệnh tim mạch sẽ có nguy cơ bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn:

a. Nguy cơ cao của viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

- Van tim nhân tạo

- Tiền sử từng bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

- Tim bẩm sinh có tím

- Hở van động mạch chủ

- Hẹp van động mạch chủ

- Hở van hai lá

- Hẹp hai lá kèm hở hai lá

- Còn ống động mạch

- Hẹp eo động mạch chủ

- Rối loạn huyết động sau phẫu thuật tim

b. Nguy cơ vừa của bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

- Sa van hai lá có gây hở van hai lá

- Hẹp hai lá đơn thuần

- Bệnh lý van ba lá

- Hẹp động mạch phổi

- Bệnh cơ tim phì đại lệch tâm

- Bệnh thoái hóa van ở người già

- Ít rối loạn huyết động sau phẫu thuật tim

c.  Nguy cơ thấp mắc bệnh viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

- Sa van hai lá không gây hở hai lá

- Hở ba lá không kèm theo bất thừng van

- Thông liên nhĩ lỗ thứ hai đơn thuần

- Mảng xơ vữa động mạch

- Bệnh động mạch vành

- Cấy máy tạo nhịp

- Sau phẫu thuật tim không có rối loạn huyết động

 
Van tim nhân tạo là nguy cơ cao của viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc ở một người là:

- Lớn tuổi

- Mắc bệnh gây suy yếu hệ miễn dịch

- Chăm sóc sức khỏe răng miệng kém

- Gắn đường truyền tĩnh mạch trong thời gian dài

- Tiêm chích ma túy, sử dụng kim tiêm không sạch

4. Triệu chứng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn?

Triệu chứng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, nặng hoặc nhẹ. Các triệu chứng có thể gặp bao gồm:

- Sốt kéo dài, rét run

- Vã mồ hôi

- Mệt mỏi, suy nhược

- Đau cơ, khớp và lưng

- Đau đầu

- Yếu cơ

- Ngủ lịm, mê sảng

- Đau ngực

- Khó thở

- Đốm xuất huyết dưới da, mắt, cơ

- Chảy máu dưới móng tay

- Tổn thương Janeway: Đốm da đỏ, không đau ở lòng bàn tay và lòng bàn chân

- Nốt Osler: Các hạch mềm đỏ, đau ở đầu ngón tay và ngón chân

- Sưng bàn chân, cẳng chân, bụng

5. Tại sao viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn nguy hiểm?

Van tim điều hướng dòng chảy của máu nhưng van tim không được cung cấp máu trực tiếp. Do đó, khi xảy ra nhiễm trùng, hệ thống đáp ứng miễn dịch của cơ thể - mà cụ thể là các tế bào bạch cầu trong máu không thể tiếp cận trực tiếp các van tim này. 

Nếu vi khuẩn phát triển trên các van tim thì cả hệ miễn dịch của cơ thể lẫn các loại thuốc điều trị thông qua dòng máu đều rất khó chống lại nhiễm trùng.

Nếu không điều trị, vi khuẩn nhân lên có thể phá hủy các van tim và dẫn đến suy tim. Vi khuẩn cũng có thể hình thành các cục máu đông nhỏ di chuyển trong máu và làm tắc nghẽn các động mạch nhỏ, lây nhiễm trùng các cơ quan, bao gồm não, phổi, thận, lá lách. Gây ra các tình trạng:

- Tai biến mạch máu não (đột quỵ)

- Phình vi mạch não

- Xuất huyết nội sọ

- Áp xe não

- Suy thận

- Thiếu máu hoặc tắc mạch chi

 
Vi khuẩn phát triển trên van tim

6. Cách chẩn đoán viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm nội tâm mạc bằng cách:

- Hỏi tiền sử bệnh và triệu chứng, bao gồm các tình trạng sức khỏe hoặc thủ thuật y tế làm tăng nguy cơ bị viêm nội tâm mạc.

- Kiểm tra thể chất.

- Các xét nghiệm máu kiểm tra dấu hiệu viêm, vi khuẩn hoặc nấm trong máu.

- Chụp X-quang ngực.

- Siêu âm tim

7. Cách điều trị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Điều trị viêm nội tâm mạc bao gồm dùng thuốc và phẫu thuật. 

Điều trị ban đầu thường là truyền thuốc kháng sinh qua tĩnh mạch. Sau khi có kháng sinh đồ sẽ uống kháng sinh trong thời gian 2-6 tuần (tùy vào phác đồ điều trị kháng sinh).

Các trường hợp viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn do nấm thì dùng thuốc kháng nấm, và thường phải kết hợp điều trị nội ngoại khoa.

Phẫu thuật được chỉ định nhằm mục đích sửa chữa hoặc thay thế các van tim bị tổn thương. Phẫu thuật cũng có thể được thực hiện để loại bỏ các mô bị sùi hoặc hoại tử mà không thể điều trị nội khoa được.

Phẫu thuật trong các trường hợp:

- Suy tim do van tim bị tổn thương

- Van nhân tạo không ổn định

- Không khống chế được tình trạng nhiễm khuẩn

- Tắc mạch tái phát

- Tổn thương tim nghiêm trọng

8. Cách phòng ngừa viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn

Những bệnh nhân có nguy cơ cao bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cần được phòng ngừa bằng kháng sinh khi thực hiện các thủ thuật y tế. Cụ thể, các thủ thuật có nguy cơ viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn cao và vừa là:

- Các thủ thuật nha khoa có thể gây chảy máu.

- Cắt amidan hoặc nạo VA.

- Soi thanh quản bằng ống soi cứng.

- Phẫu thuật liên quan đến niêm mạc ruột.

- Thủ thuật gây xơ trong giãn tĩnh mạch thực quản.

- Phẫu thuật đường mật.

- Nội soi đường mật.

- Soi bàng quang.

- Nong niệu đạo.

- Phẫu thuật tiền liệt tuyến.

- Các thủ thuật về da và ổ nhiễm trùng.