TỔNG QUAN VỀ BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH (COPD)

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thường được gọi là COPD (Chronic Obstructive Pulmonary Disease) là tình trạng giới hạn đường thở hoặc phế nang thường do phơi nhiễm với các hạt hoặc khí độc, kèm theo sự phát triển bất thường của phổi và bệnh đồng mắc làm tăng tàn phế và tử vong. 

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong. Theo ước tính, mỗi năm thế giới có khoảng 3 triệu người tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (BPTNMT). Hầu hết những người bị BPTNMT từ 40 tuổi trở lên. Hút thuốc lá, thuốc lào là yếu tố nguy cơ chủ yếu gây ra BPTNMT. Ngoài ra, di truyền và ô nhiễm môi trường cũng được xem là nguyên nhân của BPTNMT.

Ở giai đoạn sớm, người bị BPTNMT thường cảm thấy khó thở khi hoạt động gắng sức. Ở giai đoạn tiến triển, người bị BPTNMT cảm thấy khó thở cả khi nghỉ ngơi và khó thở liên tục.


Hai tình trạng COPD

Bệnh nhân BPTNMT có thể bị viêm phế quản mạn tính hoặc khí phế thũng hoặc có cả hai tình trạng này. 

Viêm phế quản mạn tính là tình trạng viêm và sưng đường thở (ống thở) làm cản trở không khí thoát ra khỏi phổi. Hen là cũng là 1 tình trạng gây hẹp đường thở, đặc trưng bởi ho kinh niên, khò khè và tắc nghẽn luồng không khí nhưng đây là một bệnh lý khác với BPTNMT.

Phổi của người trưởng thành được tạo thành từ khoảng hơn 300 triệu phế nang, dạng túi khí nhỏ, sắp xếp như chùm nho ở đầu các ống dẫn khí. Phế nang đóng vai trò quan trong trong quá trình hoạt động trao đổi khí của phổi. Khi hít vào, phế nang mở rộng chứa một lượng lớn không khí. Khi thở ra, phế nang co lại kích thước ban đầu, đẩy không khí ra ngoài. Khi khí phế thũng, sự hủy hoại nhu mô phổi dẫn tới vách phế nang bị tổn thương và giảm đàn hồi, làm tăng xu hướng xẹp đường thở.

Khí phế thũng từ từ phá hủy các túi khí trong phổi làm cản trở luồng không khí ra ngoài. Trong khi đó, viêm phế quản mạn gây viêm và thu hẹp các ống phế quản, tạo điều kiện cho chất nhầy tích tụ.

Sự kết hợp của phế nang không co giãn và hẹp đường thở, phá hủy phế nang, giới hạn luồng không khí và bẫy khí (không có khả năng thở ra hoàn toàn). Khi hoạt động gắng sức mà không khí bị mắc kẹt thường xuyên trong phổi sẽ dẫn đến khó thở.

BPTNMT là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Với việc điều trị và có lối sống lành mạnh, hầu hết những người bị BPTNMT có thể kiểm soát tốt các triệu chứng và đảm bảo chất lượng cuộc sống, cũng như giảm nguy cơ mắc các rối loạn liên quan.

2. Triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

 
Khó thở là triệu chứng thường gặp của COPD

Các triệu chứng của BPTNMT thường không xuất hiện cho đến khi có tổn thương phổi đáng kể. Lúc đầu, các triệu chứng nhẹ hơn bắt đầu bằng ho từng cơn ngắt quãng và khó thở khi gắng sức. Khi tiến triển, các triệu chứng diễn ra thường xuyên với mức độ ho liên tục, ho hàng ngày và khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.

Các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bao gồm:

- Khó thở, phải gắng sức để thở, cảm giác thiếu không khí, hụt hơi, nặng ngực, cơn khó thở tăng lên khi hoạt động gắng sức (leo cầu thang, tập thể dục, mang vác vật nặng…) 

- Thở khò khè;

- Ho mạn tính;

- Tăng tiết đờm, nhất là buổi sáng;

- Thường xuyên nhiễm trùng đường hô hấp;

- Mệt mỏi;

- Giảm cân không giải thích được (thường xảy ra ở giai đoạn muộn);

- Sưng ở mắt cá chân, bàn chân hoặc cẳng chân (thường xảy ra ở giai đoạn muộn).

Một số người bị BPTNMT cấp tính có các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với bình thường và kéo dài ít nhất vài ngày. Một số triệu chứng dưới đây cần được theo dõi và điều trị sớm:

- Khó thở hoặc ho nặng hơn bình thường;

- Cơn khó thở ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày;

- Ho đờm mủ;

- Sốt trên 38 độ C;

- Chóng mặt hoặc choáng váng.

3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

 
Khói thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây ra COPD

Khói thuốc lá được biết đến là nguyên nhân chủ yếu gây ra BPTNMT (bao gồm cả hút thuốc chủ động và thụ động). Ở phần lớn những người bị tổn thương phổi dẫn đến BPTNMT đều đang hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc trong một thời gian dài. Thời gian hút thuốc càng lâu, số lượng hút càng nhiều thì nguy cơ bị BPTNMT cũng càng cao.

Ngoài thuốc lá thì khói thuốc lào, xì gà, cần sa, thuốc lá điện tử… cũng có thể gây ra BPTNMT.

Một số yếu tố nguy cơ sau có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm BPTNMT:

- Hen suyễn và viêm phế quãn co thắt có thể phát triển thành BPTNMT, đặc biệt là nếu kết hợp với hút thuốc lá thì nguy cơ diễn tiến thành BPTNMT càng cao.

- Môi trường làm việc tiếp xúc với bụi vô cơ và hữu cơ, khói, hơi, khí độc ở nơi làm việc có thể gây hại cho phổi và làm tăng nguy cơ mắc BPTNMT. Một số chất được cho là có liên quan đến BPTNMT như: 

- Bụi và khói cadmium (ứng dụng trong công nghiệp khai thác, luyện kim, làm pin…)

- Hạt và bụi bột

- Bụi silica (ứng dụng trong sản xuất thủy tinh, xi măng…)

- Khói hàn

- Isocyanates (ứng dụng trong xây dựng, phụ gia…)

- Bụi than

- Tiếp xúc với bụi, khói do đốt cháy nhiên liệu sinh khối (biomass) hoặc than để nấu nướng hoặc sưởi ấm có nguy cơ mắc BPTNMT cao hơn.

- Di truyền được cho là nguyên nhân của một số trường hợp BPTNMT. Có khoảng 1% những người bị BPTNMT có liên quan đến rối loạn di truyền gây ra thiếu alpha-1-antitrypsin – một loại protein được tạo ra trong gan và tiết vào máu để giúp bảo vệ phổi. Ngoài ra các yếu tố di truyền khác có thể làm tăng nguy cơ mắc BPTNMT ở một số người hút thuốc lá.

4. Các giai đoạn của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

 
Xác định giá trị FEV1 bằng phế dung kế

Có nhiều hệ thống phân loại khác nhau, tuy nhiên phân loại GOLD được sử dụng để xác định mức độ nghiêm trọng của BPTNMT và giúp xác định kế hoạch điều trị. Dưới đây là bảng Mức độ tắc nghẽn đường thở theo GOLD 2018:

Giai đoạn GOLD và Giá trị FEV1 sau test hồi phục phế quản:

- Giai đoạn 1: FEV1 ≥ 80% trị số lý thuyết

- Giai đoạn 2: 50% ≤ FEV1 < 80% trị số lý thuyết

- Giai đoạn 3: 30% ≤ FEV1< 50% trị số lý thuyết

- Giai đoạn 4: FEV1 < 30% trị số lý thuyết
Trong đó FEV1 là thể tích thở ra gắng sức trong giây đầu tiên. Mức độ nghiêm trọng tăng lên khi FEV1 giảm.

Ngoài ra, BPTNMT còn có thể được phân loại dựa vào triệu chứng khó thở và số lần trở nặng trong 1 năm.

5. Chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

BPTNMT được chẩn đoán dựa trên các yếu tố tiền sử, triệu chứng, kết quả khám lâm sàng và cận lâm sàng. Những người có các triệu chứng bao gồm khó thở, ho, thở khò khè, có hoặc không tiết chất nhầy dai dẳng và thường xuyên mệt mỏi cần đến bệnh viện khám để được chẩn đoán.

Các xét nghiệm chẩn đoán có thể bao gồm một vài hoặc tất cả các xét nghiệm dưới đây:

- Chụp X-quang phổi

- Chụp CT scan ngực

- Điện tâm đồ

- Siêu âm tim

- Đo độ bão hòa oxy qua da (SpO2) 

- Đo khí máu động mạch

- Đo hô hấp ký

- Đo thể tích khí cặn, dung tích phổi

- Đo khuếch tán khí (DLCO)

- Đo phế thân ký

Trong đó, hô hấp ký là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ BPTNMT. Các xét nghiệm giúp xác định BPTNMT và phân biệt với một số bệnh tương tự như hen suyễn, giãn phế quản, lao hoặc suy tim.

6. Điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

BPTNMT được gọi là mạn tính vì nó tiến triển dần dần và kéo dài, không thể chữa khỏi. Nhưng có nhiều phương pháp để điều trị phục hồi và giảm nhẹ các tác động của BPTNMT. Tùy vào tình trạng của mỗi người mà có phương pháp điều trị BPTNMT phù hợp.

Thuốc giãn phế quản được coi là nền tảng trong điều trị BPTNMT, dùng đường phun hít hoặc khí dung. Trong trường hợp bệnh nhân BPTNMT có suy hô hấp cần thở oxy dài hạn tại nhà hoặc thở máy.

Bệnh nhân cần tái khám định kỳ để theo dõi chức năng hô hấp, đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện các bệnh đồng mắc để điều trị kịp thời. 

Một số bệnh đồng mắc (bệnh khác xảy ra cùng lúc) với BPTNMT cần hết sức lưu ý là:

- Bệnh tim mạch: tăng huyết áp, suy tim, bệnh tim thiếu máu, loạn nhịp tim (thường gặp là rung nhĩ), bệnh mạch máu ngoại biên;

- Bệnh hô hấp: ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ, giãn phế quản, ung thư phổi, lao phổi;

- Bệnh tiêu hóa: trào ngược dạ dày – thực quản;

- Bệnh nội tiết: hội chứng chuyển hóa và tiểu đường;

- Loãng xương;

- Rối loạn tâm lý: lo âu, trầm cảm.

Các biện pháp khác bao gồm: 

- Ngừng tiếp xúc với yếu tố nguy cơ: khói thuốc lá, thuốc lào, xì gà, cần sa, thuốc lá điện tử; khói bụi, khói bếp rơm, củi, than, khí độc…

- Cai nghiện thuốc lá, thuốc lào bằng chiến lược tư vấn và sử dụng thuốc hỗ trợ cai nghiện.

- Tiêm vắc xin phòng nhiễm trùng đường hô hấp: vắc xin cúm, vắc xin ngừa phế cầu.

7. Sống chung với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

 
Bệnh COPD cần được quản lý suốt đời

Vì phổi bị suy yếu nên người bị BPTNMT cần tránh bất cứ yếu tố nào có thể làm tổn thương phổi hoặc gây bùng phát bệnh. Một số biện pháp để quản lý BPTNMT bao gồm:

- Tránh khói thuốc lá, khói hóa chất, ô nhiễm không khí và bụi.

- Tập thể dục mỗi ngày để cơ thể khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên cần lưu ý về ngưỡng tập luyện an toàn và phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.

- Giữ cân nặng hợp lý. Việc thừa cân có thể khiến tim và phổi phải làm việc nhiều hơn. 

- Có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng rất quan trọng để duy trì sức khỏe tổng thể. Nên bổ sung rau, trái cây, các loại hạt và protein. Tránh thực phẩm chế biến cao chứa nhiều calo và muối.

- Uống nhiều nước mỗi ngày sẽ giúp đờm loãng và dễ ho ra ngoài hơn.

- Vệ sinh mũi họng thường xuyên.

- Giữ ấm cổ ngực trong mùa lạnh.

- Phát hiện và điều trị sớm các bệnh nhiễm trùng tai mũi họng, răng hàm mặt.

- Tích cực điều trị và kiểm soát các bệnh lý đồng mắc cùng với BPTNMT, đặc biệt là bệnh tim và tiểu đường.

- Giữ nhà cửa sạch sẽ và gọn gàng để hạn chế ô nhiễm không khí trong nhà, cũng như hạn chế việc phải gắng sức khi dọn dẹp.

- Luôn chuẩn bị cho những đợt cấp tính bao gồm thông tin liên lạc khẩn cấp và thông tin về các loại thuốc đang dùng.

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh hô hấp thường gặp, tiến triển sau nhiều năm. BPTNMT có thể gây tử vong, thường do suy hô hấp cấp, viêm phổi, ung thư phổi, bệnh tim, hoặc tắc mạch phổi. Người bị BPTNMT cần bỏ thuốc lá và tránh xa các yếu tố nguy cơ gây ra các đợt cấp. Đây là tình trạng cần theo dõi định kỳ để đảm bảo chức năng hô hấp, cũng như phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý đồng mắc.

 

Tham khảo: 
Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COPD của Bộ y tế (2018)