PHƯƠNG PHÁP TÁN SỎI TRONG ĐIỀU TRỊ SỎI THẬN

Tán sỏi là một phương pháp điều trị, sử dụng sóng xung kích để phá vỡ sỏi thận hoặc sỏi niệu quản. Sau khi tán sỏi, các mảnh sỏi nhỏ sẽ có thể di chuyển ra khỏi cơ thể theo nước tiểu.

 
Tán sỏi điều trị sỏi thận

1. Tán sỏi là gì?

Tán sỏi (Lithotripsy) là một thủ thuật không xâm lấn thường được sử dụng để điều trị một số loại sỏi thận và sỏi niệu quản.
Sỏi thận xảy ra khi các khoáng chất tích tụ trong thận tạo thành sỏi. Có các loại sỏi thận là: sỏi canxi, sỏi struvite, sỏi axit uric, sỏi cystine. Trong đó sỏi canxi là phổ biến nhất. Sỏi thận có thể lớn hoặc nhỏ, có thể nhẵn hoặc gồ ghề. 

Hầu hết sỏi thận nhỏ, có thể thoát ra ngoài cơ thể một cách tự nhiên khi đi tiểu mà không cần can thiệp. Nhưng những viên sỏi lớn hơn (khoảng 20% các trường hợp) nằm trong thận hoặc mắc kẹt trong đường tiết niệu gây đau dữ dội, chảy máu và nhiễm trùng. Tán sỏi dùng để điều trị sỏi thận lớn để chúng có thể đi qua đường tiết niệu và thoát ra ngoài được.

2. Tán sỏi hoạt động như thế nào?

Tán sỏi sử dụng sóng âm thanh để phá vỡ những viên sỏi thận lớn thành những viên sỏi nhỏ hơn để đi qua được đường tiết niệu. Những sóng âm thanh này còn được gọi là sóng xung kích năng lượng cao. Tán sỏi giúp người bị sỏi trong hệ tiết niệu không cần phải thực hiện phẫu thuật xâm lấn.

Có một số cách để điều trị sỏi thận và sỏi niệu quản như: điều trị bảo tồn (theo dõi), tán sỏi ngoài cơ thể (ESWL), tán sỏi bằng laser (nội soi niệu quản), phẫu thuật lấy sỏi qua da, mổ mở.

Hình thức tán sỏi phổ biến nhất là tán sỏi bằng sóng xung kích ngoài cơ thể (ESWL). ESWL là phương pháp điều trị tiềm năng cho sỏi thận và sỏi niệu quản nhỏ hơn 2cm.

ESWL ra đời từ đầu những năm 1980. Trước đó phương pháp điều trị sỏi thận lớn duy nhất là phẫu thuật mở. ESWL với ưu điểm không xâm lấn đã trở thành thủ thuật an toàn hơn, dễ phục hồi hơn để điều trị sỏi. 

 
Tán sỏi phá vỡ những viên sỏi thận lớn thành sỏi nhỏ

3. Ai có thể điều trị sỏi thận bằng phương pháp tán sỏi

Tán sỏi được sử dụng để loại bỏ sỏi thận gây ra:

- Chảy máu

- Tổn thương thận

- Đau đớn

- Nhiễm trùng đường tiết niệu

Không phải ai bị sỏi thận cũng có thể điều trị bằng phương pháp tán sỏi. Tùy vào kích thước, số lượng, vị trí và thành phần của sỏi mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Đôi khi, phương pháp tán sỏi sẽ được kết hợp với các cách điều trị khác.

Một số đối tượng chống chỉ định với tán sỏi (nhưng không giới hạn) là:

- Phụ nữ đang mang thai.

- Bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu hoặc bị rối loạn chảy máu.

- Bệnh nhân bị nhiễm trùng thận mạn tính.

- Bệnh nhân bị tắc nghẽn hoặc mô sẹo trong niệu quản.

- Bệnh nhân có sỏi bao gồm cystine và một số loại canxi.

Người bị béo phì và có mang máy điều hòa nhịp tim sẽ được cân nhắc tùy từng trường hợp. 

4. Quá trình tán sỏi diễn ra như thế nào?

a. Trước khi tán sỏi

Bạn sẽ cần khám lâm sàng và thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán trước khi thực hiện tán sỏi.

Hãy thông báo cho bác sĩ các loại thuốc đang sử dụng. Ví dụ một số loại thuốc như aspirin, ibuprofen và warfarin có thể ảnh hưởng sự đông máu. Thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai.

b. Trong khi tán sỏi

Bạn sẽ được gây tê để giảm đau hoặc gây mê toàn thân. Gây mê toàn thân giúp bạn thư giãn hoàn toàn và bác sĩ có thể thực hiện thủ thuật thuận lợi hơn. Trong trường hợp này, bạn cần có người nhà đi cùng để chở về nhà sau khi làm thủ thuật. Thuốc gây mê có thể khiến bạn buồn ngủ sau đó, vì vậy không nên lái xe.

Sóng xung kích năng lượng cao, còn được gọi là sóng âm thanh sẽ đi qua cơ thể cho đến khi chạm vào sỏi thận, quá trình này được hướng dẫn bởi tia X hoặc siêu âm. Bác sĩ có thể đặt một ống đỡ động mạch trong niệu quản để giúp các mảnh sỏi vỡ đi qua.

Trung bình, quá trình tán sỏi diễn ra trong khoảng 45 phút đến 1 giờ. 

 
Tán sỏi là phương pháp điều trị sỏi thận không xâm lấn

c. Sau khi tán sỏi

Sau khi tán sỏi, bạn sẽ nằm trong phòng hồi sức khoảng 2 giờ, sau đó có thể ra về mà không cần nằm viện. Một số trường hợp sẽ cần nằm viện trong một hoặc hai ngày để theo dõi.

Sau khi điều trị xong, bạn có thể di chuyển ngay và nhiều người có thể hoạt động bình thường trong một đến hai ngày sau đó.

Sau thủ thuật không cần ăn kiêng gì, nhưng bạn nên uống nhiều nước trong vài tuần sau đó để giúp thận đào thải các mảnh sỏi còn sót lại.

5. Tán sỏi điều trị sỏi thận có rủi ro nào không?

Tán tỏi là một thủ thuật an toàn. Sau khi tán sỏi, hầu hết mọi người sẽ thấy có máu trong nước tiểu trong vài ngày. Điều này là bình thường. Bạn nên đi khám lại nếu gặp các triệu chứng bất thường khác.

Một số rủi ro có thể gặp phải sau khi thực hiện tán sỏi là:

- Chảy máu trong và cần truyền máu

- Bị nhiễm trùng

- Mảnh sỏi gây tắc nghẽn đường tiết niệu

- Các vấn đè về chức năng thận sau thủ thuật

6. Tán sỏi xong có còn bị sỏi thận không?

Nhìn chung, hầu hết mọi người đều có thể loại bỏ sỏi thận hoàn toàn sau khi tán sỏi. Trong một số trường hợp có thể cần điều trị bổ sung nếu tán sỏi không loại bỏ được hết sỏi thận.
Bên cạnh đó, sỏi thận có thể tái phát và bạn sẽ cần tiếp tục điều trị nếu sỏi thận lớn và gây ra triệu chứng.