Nội soi tai mũi họng là kỹ thuật hiện đại giúp phát hiện sớm và chính xác các bệnh lý tai mũi họng. Nội soi tai mũi họng rất an toàn, được sử dụng rộng rãi cho nhiều đối tượng. Bài viết dưới đây cung cấp các thông tin tại sao cần nội soi tai mũi họng, quy trình và một số điều cần lưu ý khi nội soi.
Nội soi tai mũi họng chẩn đoán bệnh lý vùng tai mũi họng
1. Nội soi tai mũi họng là gì?
Nội soi tai mũi họng là phương pháp xâm lấn tối thiểu để kiểm tra và chẩn đoán bệnh lý tai mũi họng. Nội soi qua đường mũi họng hoặc tai cho phép quan sát trực tiếp và rõ ràng các tổn thương sâu bên trong xoang mũi, họng, tai mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
Nội soi tai mũi họng sử dụng một ống soi đường kính nhỏ có gắn máy quay video và đèn. Hình ảnh thu được sẽ hiển thị trên màn hình, cho phép bác sĩ chụp và ghi hình lại làm tư liệu để tiện theo dõi bệnh về sau.
2. Tại sao cần nội soi tai mũi họng?
Tai mũi họng là những cấu trúc có nhiều ngóc ngách nằm sâu ở vùng đầu mặt cổ, chỉ sử dụng các biện pháp quan sát thông thường (như soi đèn Clar) sẽ khó quan sát được, dễ bỏ qua các tổn thương, bệnh lý.
Nội soi tai mũi họng là công cụ đắc lực để kiểm tra, phát hiện, chẩn đoán sớm và chính xác các bệnh lý tai mũi họng:
- Các bệnh lý mũi như: gai vách ngăn mũi, vẹo vách ngăn, cấu tạo hốc mũi bất thường, u hốc mũi, viêm mũi xoang…
- Các bệnh lý tai như: viêm tai giữa, viêm tai ngoài, thủng màng nhĩ, rối loạn vận động vòi nhĩ gây ù tai, khối u trong tai…
- Các bệnh họng, thanh quản như: viêm thanh quản, polyp thanh quản, hạt dây thanh, liệt dây thanh âm, ung thư thanh quản, ung thư vòm họng…
Các bệnh lý tai mũi họng nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm với hậu quả nặng nề. Ví dụ như ung thư vòm họng rất nguy hiểm, có khả năng di căn xa với 70-80% trường hợp di căn đến gan, phổi. Nội soi tai mũi họng là cách đơn giản và hiệu quả để chẩn đoán ung thư vòm họng.
Ngoài ra, nội soi tai mũi họng còn giúp phát hiện và hỗ trợ quá trình lấy các dị vật trong mũi, tai. Đây cũng là phương pháp hướng dẫn quan trọng để thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật tai mũi họng.
3. Khi nào cần nội soi tai mũi họng?
Nội soi tai mũi họng khi có triệu chứng khó chịu ở mũi
Nội soi tai mũi họng được sử dụng rất phổ biến cho phần lớn các bệnh lý tai mũi họng, nhất là khi bệnh nhân có các triệu chứng khó chịu ở tai, mũi, họng:
- Các triệu chứng ở tai: ngứa tai, đau tai, ù tai, nghe kém, điếc đột ngột, chảy mủ tai, cấu trúc tai bất thường…
- Các triệu chứng ở mũi: tắc nghẹt mũi, chảy dịch mũi, chảy máu mũi, giảm khứu giác, cấu trúc mũi bất thường, viêm xoang…
- Các triệu chứng ở họng: đau họng, ho kéo dài, khàn tiếng, khó nuốt, nổi hạch …
Ngoài ra, nội soi còn được sử dụng để:
- Đánh giá đáp ứng điều trị nội khoa.
- Đánh giá khả năng tái phát bệnh lý sau phẫu thuật.
- Đánh giá tình trạng rò dịch não tủy (CSF).
- Kiểm tra và lấy dị vật mũi, tai.
- Thực hiện các thủ thuật như làm sạch bệnh tích, hút sạch chất nhầy, máu đọng.
- Bấm sinh thiết tổn thương hoặc khối u bất thường.
- Thực hiện phẫu thuật nội soi.
4. Quy trình nội soi tai mũi họng diễn ra như thế nào?
Trước khi nội soi tai mũi họng, bác sĩ sẽ sử dụng các công cụ y tế thông thường để đánh giá sơ bộ tình trạng của bệnh nhân. Quy trình nội soi tai mũi họng như sau:
a. Nội soi tai:
- Người bệnh ngồi thẳng.
- Đưa ống nội soi theo tư thế thẳng theo trục ống tai ngoài.
- Quan sát, ghi lại hình ảnh và kết thúc quá trình nội soi.
b. Nội soi mũi:
- Người bệnh ngồi hơi ngả đầu về sau một góc 15o.
- Đặt vào mũi bệnh nhân một mẫu bông gòn có tẩm thuốc co mạch và thuốc tê, sau 5 phút lấy bông gòn ra và tiến hành nội soi.
- Đưa ống nội soi vào mũi từ trước ra sau, hướng lên ngách sàng bướm và cuối cùng là vào phần sau khe mũi giữa.
- Quan sát, ghi lại hình ảnh và kết thúc quá trình nội soi.
c. Nội soi họng – thanh quản:
- Người bệnh ngồi thẳng.
- Đưa ống nội soi vào họng, lần lượt quan sát bề mặt lưỡi, lưỡi gà, eo họng, hai amidan, đáy lưỡi thanh nhiệt, xoang lê hai bên, thanh môn, sụn phễu và dây thanh quản.
- Ghi lại hình ảnh và kết thúc quá trình nội soi.
Trong quá trình nội soi, người bệnh cần phối hợp và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau khi nội soi xong, người bệnh có thể hoạt động ngay.
5. Nội soi tai mũi họng có đau không? Cần lưu ý gì khi nội soi tai mũi họng?
Nội soi tai mũi họng không đau, không khó chịu
Kỹ thuật nội soi tai mũi họng ngày càng phát triển, ống soi hiện đại có kích thước rất nhỏ so với hốc mũi, vì vậy hoàn toàn không gây đau.
Bên cạnh đó, để quá trình nội soi dễ dàng hơn, bác sĩ có thể sử dụng thêm thuốc co mạch làm cho hốc mũi nở rộng ra và thuốc tê làm niêm mạc mũi mất cảm giác. Nhờ vào đó người bệnh sẽ không bị khó chịu hay đau.
Nội soi tai mũi họng rất an toàn, tuy nhiên cần lưu ý, nếu bệnh nhân cựa quậy, không hợp tác thì việc nội soi có thể gây khó chịu, thậm chí là xây xước, chảy máu hoặc thủng màng nhĩ. Vì vậy, trong quá trình nội soi người bệnh cần phối hợp và tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trẻ nhỏ là đối tượng cần đặc biệt lưu ý. Người nhà của trẻ phải có sự phối hợp cùng bác sĩ để giải thích rõ ràng và trấn an trẻ, để trẻ chuẩn bị tâm lý và hợp tác hơn trong quá trình thực hiện nội soi.
Nội soi tai mũi họng là phương pháp không đau, không chảy máu để chẩn đoán bệnh lý tai mũi họng rất hiệu quả và chính xác. Chỉ định nội soi sẽ tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Nhưng nhìn chung, đây là kỹ thuật rất an toàn để có thể thực hiện thường xuyên nhằm tầm soát các bệnh lý tai mũi họng.