NỘI SOI DẠ DÀY LÀ GÌ?

Nội soi dạ dày là thủ thuật sử dụng một ống mềm có gắn máy quay đưa qua đường miệng để kiểm tra thực quản, dạ dày và tá tràng. Nội soi dạ dày rất phổ biến, an toàn và là phương pháp hiệu quả để chẩn đoán nhiều bệnh lý đường tiêu hóa trên như viêm, loét, polyp, nhiễm khuẩn, hẹp, chảy máu hay ung thư.

 
Nội soi dạ dày kiểm tra thực quản dạ dày tá tràng

1. Nội soi dạ dày là gì?

Nội soi dạ dày (gastroscopy) là thủ thuật được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán và điều các bệnh lý đường tiêu hóa trên bao gồm thực quản, dạ dày và tá tràng. 

Nội soi dạ dày sử dụng một ống dài, nhỏ, linh hoạt có gắn máy quay và đèn ở đầu ống, đưa vào từ đường miệng để tìm kiếm các tổn thương như viêm, loét, chảy máu, polyp, nhiễm khuẩn, hẹp hay ung thư ở thực quản, dạ dày, tá tràng.

2. Tại sao phải nội soi dạ dày? Ai cần nội soi dạ dày?

Nội soi dạ dày đóng vai trò quan trọng và cần thiết để kiểm tra nguyên nhân gây ra các triệu chứng tiêu hóa, điều trị một số bệnh và tầm soát ung thư.

a. Nội soi dạ dày để chẩn đoán bệnh đường tiêu hóa trên

Nội soi dạ dày được chỉ định để tìm kiếm nguyên nhân gây ra các triệu chứng như:

- Khó nuốt, đau khi nuốt

- Khó tiêu, đầy bụng thường xuyên 

- Thường xuyên ợ hơi

- Đau bụng 

- Buồn nôn, nôn mửa

- Nôn ra máu

- Phân có màu đen

Nội soi dạ dày là xét nghiệm tốt nhất để tìm ra nguyên nhân chảy máu đường tiêu hóa trên (GI).

b. Nội soi dạ dày để điều trị bệnh đường tiêu hóa trên

Nội soi dạ dày cũng được sử dụng để điều trị một số tình trạng như:

- Cắt polyp dạ dày, polyp thực quản

- Cầm máu khi chảy máu trong dạ dày hoặc chảy máu trong thực quản

- Lấy dị vật

- Nong thực quản bị hẹp, gây đau, khó nuốt

- Hỗ trợ đặt ống dẫn thức ăn vào dạ dày

 
Cắt polyp trong nội soi dạ dày

c. Nội soi dạ dày để tầm soát ung thư đường tiêu hóa trên

Nội soi dạ dày được sử dụng để tầm soát một số loại ung thư là:

- Ung thư dạ dày

- Ung thư thục quản

- Ung thư tá tràng (ít gặp hơn)

Trong đó ung thư dạ dày là loại ung thư rất phổ biến tại Việt Nam ở cả nam và nữ. Ung thư dạ dày giai đoạn đầu không có triệu chứng hoặc triệu chứng giống các bệnh lý tiêu hóa thông thường làm người bệnh chủ quan. Vì vậy mà việc tầm soát ung thư dạ dày định kỳ mỗi 1-2 năm được khuyến nghị cho những đối tượng có nguy cơ là:

- Người có tiền sử gia đình từ 40 tuổi trở lên.

- Người bị viêm loét dạ dày, viêm loét tá tràng, viêm teo dạ dày, dị sản ruột.

- Người bị trào ngược dạ dày thực quản lâu năm

- Người nhiễm khuẩn HP.

- Người đã từng phẫu thuật cắt dạ dày.

- Người có polyp dạ dày.

- Người có thói quen ăn uống thiếu rau xanh, trái cây; ăn nhiều muối, thực phẩm ngâm chua, hun khói.

- Người sử dụng nhiều rượu bia và thuốc lá.

- Tất cả đối tượng còn lại từ 45-50 tuổi trở lên.

Trong quá trình nội soi, nếu phát hiện bất thường, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết lấy một mẫu mô nhỏ từ dạ dày hoặc thực quản để làm xét nghiệm. Sinh thiết giúp kiểm tra xem đó có phải là ung thư hay không.

 
Nội soi dạ dày tầm soát ung thư dạ dày

3. Nội soi dạ dày có đau không?

Hầu hết mọi người sẽ không thấy đau khi nội soi dạ dày, nhưng sẽ cảm thấy khó chịu và buồn nôn trong quá trình nội soi. Sau khi nội soi, một số người có thể bị đau rát cổ họng. 

Một số ít người có thể cảm thấy đau và bị sợ nội soi dạ dày vì những trải nghiệm khó chịu trước đó. Để giải quyết tình trạng này, hiện nay đã có phương pháp nội soi không đau. 

Với nội soi không đau, bạn sẽ được gây mê trong suốt quá trình nội soi, nhờ đó sẽ thoải mái hơn và quá trình nội soi cũng diễn ra thuận lợi hơn.

Nếu bạn không thích trải qua quá trình nội soi thì bạn có thể đề nghị được nội soi không đau.

4. Nội soi dạ dày có an toàn không, có rủi ro nào không?

Một số người sẽ cảm thấy khó chịu hoặc đau rát cổ họng, nhưng nhìn chung nội soi dạ dày rất an toàn, gần như không có bất kỳ rủi ro nào.

Một số rủi ro có thể xảy ra là:

- Phản ứng với thuốc gây mê: Hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn có tiền sử phản ứng với thuốc gây mê trước đó.

- Chảy máu, rách, thủng: Thường xảy ra do người bệnh cựa quậy, phản ứng quá mạnh khiến ống nội soi cọ vào thành thực quản, dạ dày gây thương tổn. Nếu bạn cảm thấy khó chịu, hãy đề nghị nội soi không đau.

- Chảy nhiều máu tại vị trí sinh thiết hoặc cắt polyp cũng rất hiếm gặp.

Hãy yên tâm là trong quá trình nội soi nếu xảy ra bất kỳ vấn đề gì, bác sĩ sẽ có biện pháp xử trí ngay lập tức.

 
Nội soi dạ dày an toàn, gần như không có rủi ro

5. Cần chuẩn bị gì trước khi nội soi dạ dày

Bạn không cần uống thuốc xổ để nội soi dạ dày.

Trước khi nội soi, bạn cần nhịn ăn ít nhất 6 tiếng. Nếu còn thức ăn trong dạ dày, kết quả nội soi có thể bỏ sót tổn thương. Trong quá trình này, bạn chỉ nên uống nước lọc, không uống các loại nước khác như trà, cà phê, nước có màu. Nên ngưng uống nước trước khi tiến hành nội soi 2 giờ.

Trước đó, hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai, có tiền sử phản ứng thuốc gây mê hay đang sử dụng thuốc chống đông máu. Ngoài ra, nếu bạn có bệnh tim mạch hoặc đã cấy ghép máy tạo nhịp tim nhân tạo thì cũng cần thông báo cho bác sĩ.

Nếu bạn đeo răng giả hoặc răng đang bị lung lay, hãy báo cho nhân viên y tế.

Hãy mặc trang phục thoải mái và rộng rãi để quá trình nội soi diễn ra thuận lợi hơn.

6. Quy trình nội soi dạ dày diễn ra như thế nào?

Quá trình nội soi dạ dày thường diễn ra trong 10-15 phút. Một số trường hợp có thể lâu hơn. Quy trình nội soi dạ dày diễn ra như sau:

- Xịt thuốc gây tê cục bộ vào miệng.

- Nằm lên giường khám, nghiêng qua một bên.

- Cắn chặt ống ngậm miệng giữa hai hàm răng.

- Ống nội soi được đưa vào từ miệng qua cổ họng xuống thực quản, dạ dày và cuối cùng là tá tràng. Bác sĩ theo dõi hình ảnh qua màn hình.

- Có thể cần bơm không khí để làm phồng dạ dày.

- Tiến hành các thủ thuật nếu cần như cắt polyp, cầm máu, lấy dị vật, sinh thiết.

- Sau khi quan sát, phát hiện và ghi nhận lại hình ảnh, vị trí tổn thương, rút ống nội soi ra, quá trình nội soi kết thúc.

Trong nội soi không đau, bạn sẽ được gây mê bằng cách tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch cánh tay trước khi bắt đầu nội soi. Sau khi nội soi xong, bạn sẽ được đưa đến phòng nghỉ ngơi.

 
Nội soi dạ dày gây mê là phương pháp nội soi không đau

7. Lưu ý sau khi nội soi dạ dày 

Nếu nội soi gây mê, bạn cần có người nhà đi cùng để đưa về nhà vì thuốc gây mê có thể khiến bạn buồn ngủ và khó tập trung cả ngày hôm đó. Bạn cần ở lại theo dõi ít nhất 30 phút trước khi ra về.

Sau khi nội soi, bạn có thể hoạt động như bình thường nhưng không nên ăn ngay sau đó. Nhất là nếu có sinh thiết hay cắt polyp, bạn không nên ăn thức ăn cay, uống rượu bia, cà phê hay hút thuốc lá sau đó.

Bạn có thể bị đầy bụng, bụng khó chịu và đau rát cổ họng sau khi nội soi. Điều này là bình thường và sẽ hết sau vài giờ.

Nhưng nếu bạn bị đau bụng hoặc đau ngực dữ dội, sốt, nôn mửa, khó thở hay gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào thì hãy quay lại tái khám.

8. Có phương pháp chẩn đoán nào tốt hơn nội soi dạ dày không?

Ngoài nội soi dạ dày thì có các phương pháp khác để chẩn đoán bệnh lý đường tiêu hóa như xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-Quang có cản quang, CT, MRI… Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, không có phương pháp nào có thể hoàn toàn thay thế được phương pháp nào. Tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có chỉ định thích hợp. Bạn có thể chỉ cần nội soi dạ dày hoặc có thể cần kết hợp cùng với các phương pháp cận lâm sàng khác.

Có thể nói nội soi dạ dày là thủ thuật phổ biến, chi phí không quá cao và rất hiệu quả để chẩn đoán hay điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa. Là cách hiệu quả để tầm soát bệnh lý và ung thư thực quản, ung thư dạ dày, ung thư tá tràng. Đây cũng là phương pháp đơn giản, an toàn và nhanh chóng để điều trị nhiều bệnh lý đường tiêu hóa trên.

9. Nội soi dạ dày tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 

Nội soi là một trong những thế mạnh của Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và thiết bị nội soi hiện đại giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán, không bỏ sót tổn thương, điều trị tốt các bệnh lý thực quản, dạ dày, tá tràng.

Trước đó, bạn sẽ được bác sĩ thăm khám để chỉ định nội soi. Bạn có thể lựa chọn nội soi thường hoặc nội soi không đau.

Liên hệ TỔNG ĐÀI 1900 6923 để nhận tư vấn nội soi dạ dày.