NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ UNG THƯ CỔ TỬ CUNG


Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến ở phụ nữ từ 30-45 tuổi. Ung thư cổ tử cung tiến triển âm thầm, khi có triệu chứng xuất huyết âm đạo hoặc dịch âm đạo bất thường là bệnh đã nặng, tỷ lệ tử vong cao. Nếu được phát hiện sớm có thể điều trị khỏi, tỷ lệ sống cao. Để phòng tránh được căn bệnh này, chúng ta cần hiểu rõ về nó và có phương pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả. 

Ung thư cổ tử cung phổ biến ở phụ nữ từ 30-45 tuổi

1. Tổng quan về ung thư cổ tử cung

Cổ tử cung là phần nằm giữa âm đạo và tử cung, nhìn thấy được khi đặt mỏ vịt khám. 

Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào phát triển bất thường trên cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung có thể di căn sang các bộ phận khác của cơ thể, thường là phổi, gan, bàng quang, âm đạo và trực tràng.

Có ba loại ung thư cổ tử cung chính là:

- Ung thư biểu mô tế bào vảy: bắt đầu từ các tế bào mỏng, phẳng, lót bên ngoài cổ tử cung, chiếm 80-85% các trường hợp ung thư cổ tử cung.

- Ung thư biểu mô tuyến: bắt đầu từ các tế bào tuyến hình trụ nằm trong ống cổ tử cung.

- Ung thư biểu mô hỗn hợp: có đặc điểm của cả hai loại ở trên.

Tỷ lệ tử vong vì ung thư cổ tử cung đang giảm theo từng năm nhờ phụ nữ đã nâng cao ý thức tiêm ngừa vắc xin HPV và việc phổ biến rộng rãi các xét nghiệm sàng lọc ung thư. Cụ thể là tầm soát bằng xét nghiệm Pap smear, test HPV hoặc soi cổ tử cung.

2. Các yếu tố nguy cơ gây ung thư cổ tử cung

a. Vi rút HPV ((Human papilloma virus)

Nhiễm HPV là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung

HPV là một loại vi rút gây u nhú ở người lây truyền qua đường tình dục. Chỉ một số ít người nhiễm HPV bị ung thư, nhưng gần như 100% các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm loại vi rút này. 

Có khoảng 100 chủng HPV khác nhau. Trong đó có hai chủng gây ung thư cổ tử cung phổ biến nhất là HPV-16 và HPV-18. Các chủng này xâm nhập vào các mô trong cổ tử cung và theo thời gian khiến các tế bào cổ tử cung thay đổi phát triển thành ung thư.

b. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs)

HPV có nhiều khả năng tiến triển thành ung thư cổ tử cung hơn nếu bạn mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) khác như HIV, chlamydia, giang mai, bệnh lậu hoặc herpes simplex.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, những phụ nữ hiện đang hoặc đã từng mắc bệnh chlamydia, một bệnh do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra có nhiều khả năng bị ung thư cổ tử cung.

c. Thói quen lối sống

Một số yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung liên quan đến thói quen lối sống. 

Nếu bạn hút thuốc, bạn có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao gấp đôi. Hút thuốc làm giảm khả năng của hệ thống miễn dịch để chống lại các bệnh nhiễm trùng như HPV. Ngoài ra, hút thuốc còn đưa các hóa chất có thể gây ung thư vào cơ thể bạn. Các chất gây ung thư có thể gây tổn thương DNA trong các tế bào của cổ tử cung. 

Bên cạnh đó, phụ nữ bị béo phì hoặc có chế độ ăn ít trái cây và rau quả có nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung cao hơn.

d. Những yếu tố nguy cơ khác

- Quan hệ tình dục sớm;

- Quan hệ với nhiều người;

- Mang thai khi chưa đủ 17 tuổi;

- Sinh đẻ nhiều lần (trên 3 lần);

3. Các giai đoạn của ung thư cổ tử cung

Các giai đoạn của ung thư cổ tử cung phản ánh mức độ lan rộng của ung thư

Các giai đoạn phản ánh mức độ lan rộng của ung thư và dự đoán nó sẽ lây lan bao xa. Tùy vào giai đoạn ung thư mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị thích hợp cho bạn.

Ung thư cổ tử cung có bốn giai đoạn sau:

- Giai đoạn 1: Khối u tại cổ tử cung, có thể đã lan hoặc chưa lan đến các hạch bạch huyết.

- Giai đoạn 2: Ung thư lan ra ngoài cổ tử cung và tử cung, lan đến hạch bạch huyết.

- Giai đoạn 3: Ung thư lan đến phần dưới của âm đạo hoặc đến khung chậu. Nó có thể ảnh hưởng đến thận làm tắc niệu quản, ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. 

- Giai đoạn 4: Ung thư có thể đã lan ra ngoài khung chậu đến niêm mạc bàng quang, trực tràng và các cơ quan xa hơn như phổi, gan hoặc xương.

Tiên lượng sống của ung thư cổ tử cung là gần 100% khi được phát hiện và điều trị ở giai đoạn tiền ung thư hoặc ung thư sớm. Ở các giai đoạn khác, tiên lượng sống sẽ càng thấp khi ung thư phát hiện càng muộn:

- Ở giai đoạn 1, tỷ lệ sống sau 5 năm từ 80% đến 93%

- Ở giai đoạn 2, tỷ lệ sống sau 5 năm từ 58% đến 63%

- Ở giai đoạn 3, tỷ lệ sống 5 năm là 32% đến 35%

- Ở giai đoạn 4, chỉ có 16% hoặc ít hơn số phụ nữ bị ung thư cổ tử cung sống sau 5 năm.

4. Triệu chứng của ung thư cổ tử cung

 
Ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu

Ung thư cổ tử cung hiếm khi có các triệu chứng trong giai đoạn đầu. Các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi các tế bào ung thư phát triển đến giai đoạn muộn. Đôi khi chúng bị nhầm lẫn với các triệu chứng thông thường như kinh nguyệt hay nhiễm trùng đường tiết niệu.

Các triệu chứng ung thư cổ tử cung điển hình là:

- Chảy máu bất thường sau khi giao hợp, giữa các kỳ kinh nguyệt hoặc sau khi mãn kinh;

- Tiết dịch âm đạo có màu hoặc mùi khác với bình thường, đôi khi có vệt máu;

- Đau ở lưng, xương chậu hoặc đau khi giao hợp;

- Đi tiểu thường xuyên hơn, khó hoặc đau khi đi tiểu hoặc đại tiện;

- Sưng một hoặc cả hai chân;

- Mệt mỏi, giảm cân.

5. Cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Điều đáng mừng là ung thư cổ tử cung phát triển chậm và chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh, làm giảm nguy cơ bằng những cách sau:

 
Tiêm vắc xin HPV để phòng ngừa ung thư cổ tử cung

- Tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV, đặc biệt là nữ thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 09-26 tuổi.

- Không hút thuốc lá, uống rượu bia, giữ cân nặng hợp lý, ăn nhiều rau quả và trái cây.

-Quan hệ tình dục an toàn để tránh lây nhiễm các bệnh đường tình dục.

- Sàng lọc ung thư cổ tử cung là cách đơn giản và hiệu quả nhất để phát hiện tế bào tiền ung thư và ung thư qua các xét nghiệm (pap smear, test HPV).

Phụ nữ từ 21 tuổi trở lên nên tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ

Lịch khám tầm soát ung thư cổ tử cung được khuyến nghị cho phụ nữ ở các độ tuổi:

- Không sàng lọc khi chưa quan hệ tình dục.

- Phụ nữ tuổi từ 21 đến 29: Làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung 3 năm một lần.

- Phụ nữ tuổi từ 30 đến 65: Làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung ít nhất 3 năm một lần, xét nghiệm HPV (hrHPV) nguy cơ cao mỗi 5 năm.

- Phụ nữ trên 65 tuổi: Làm xét nghiệm nếu trước đó không làm xét nghiệm sàng lọc thường xuyên.

Bạn cần tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên hơn nếu: 

- Thuộc đối tượng có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung.

- Có kết quả xét nghiệm phụ khoa trước đó bất thường.

- Đã được chẩn đoán mắc tiền ung thư cổ tử cung hoặc HPV.

- Trước đây từng bị ung thư cổ tử cung.

Trên thực tế, ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Nhưng hầu hết mọi phụ nữ đều bỏ qua việc xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ. Vậy nên, ngay từ bây giờ bạn hãy lên lịch khám sức khỏe và tầm soát ung thư cổ tử cung để luôn được bảo vệ khỏi căn bệnh ác tính này.