NGUY CƠ UNG THƯ THỰC QUẢN TỪ BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN

1. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là gì?

Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh lý tiêu hóa khá phổ biến, có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí là ung thư thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản cần được điều trị bằng cách thay đổi lối sống, uống thuốc và phẫu thuật nếu cần thiết.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (gastroesophageal reflux disease - GERD) là tình trạng trào ngược axit xảy ra thường xuyên. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản khá phổ biến, xảy ra ở 10-20% người lớn. Bệnh cũng có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ em.

Trào ngược axit là cảm giác nóng rát mà bạn có thể cảm thấy ở ngực hoặc cổ họng sau khi ăn một số loại thực phẩm. Đây là hiện tượng xảy ra do cơ thắt thực quản dưới hoạt động kém hiệu quả khiến các thành phần của dịch dạ dày, bao gồm axit dạ dày (HCI) trào ngược vào phần dưới thực quản. Trong khi dạ dày có một lớp niêm mạc bảo vệ khỏi axit thì thực quản lại không có chức năng này. Điều này có nghĩa là axit có thể gây ra tổn thương cho các mô trong thực quản.


Bệnh trào ngược dạ dày thực quản gây cảm giác nóng rát ở ngực

2. Nguy cơ ung thư thực quản từ bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tuyến – một trong hai loại ung thư thực quản chính. 

Trào ngược dạ dày thực quản mạn tính có thể dẫn đến tình trạng Barrett thực quản. Đây là tình trạng các tế bào phần dưới của thực quản bị ảnh hưởng, được thay thế bằng các tế bào bất thường. Các tế bào này không phải ung thư, nhưng chúng có thể phát triển thành tế bào tiền ung thư. 

Những người bị cả trào ngược dạ dày thực quản và Barrett thực quản sẽ có nhiều khả năng bị ung thư thực quản hơn những người chỉ bị trào ngược dạ dày thực quản.

Mặc dù rủi ro từ trào ngược dạ dày thực quản tiến triển thành ung thư là nhỏ, nhưng việc kiểm soát và điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản là rất cần thiết để hạn chế nguy cơ ung thư, cũng như tránh một số biến chứng có thể xảy ra sau đây: 

- Viêm thực quản: gây đau khi nuốt, có thể có xuất huyết

- Loét thực quản: gây chảy máu, đau, nuốt khó, vết loét chậm lành, dễ bị tái phát, thường gây hẹp sau khi hồi phục

- Hẹp thực quản: gây khó nuốt, bệnh tiến triển dần dần

- Các vấn đề về hô hấp

- Mòn men răng, bệnh nướu răng và các vấn đề răng miệng khác

3. Ai có nguy cơ bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản thường gặp hơn những đối tượng dưới đây:

- Thường xuyên ăn quá no

- Hút thuốc lá, thuốc lào

- Uống rượu bia

- Sử dụng nhiều thực phẩm kích thích dạ dày như: gia vị, dầu mỡ, cà phê, nước ngọt, socola…

- Thừa cân béo phì

- Thoát vị hoành (thoát vị gián đoạn)

- Mang thai

- Hen suyễn

- Đái tháo đường

- Cơ địa dạ dày chậm tiêu hóa 

- Rối loạn mô liên kết (xơ cứng bì, hội chứng Zollinger-Ellison)

- Dùng các loại thuốc như thuốc kháng histamine, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc giảm đau, thuốc an thần và thuốc chống trầm cảm.

4. Triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản

 
Ợ chua là triệu chứng phổ biến của trào ngược dạ dày thực quản

- Ợ nóng (cảm giác nóng rát thượng vị)

- Cảm giác chua hoặc đắng miệng

- Ợ ngược thức ăn hoặc chất lỏng từ dạ dày lên cổ họng

- Tức ngực, đau ngực

- Nuốt nghẹn (khó nuốt)

- Đau họng

- Khan tiếng

- Buồn nôn hoặc nôn

- Hơi thở hôi

- Ho khan dai dẳng

Trào ngược dạ dày thực quản có thể gặp ở trẻ em và sơ sinh. Trẻ sơ sinh thường có các biểu hiện nôn, chán ăn và đôi khi bị sặc. Tình trạng này kéo dài có thể kèm theo ho, khàn giọng.

Có một vài triệu chứng không thể khẳng định bạn đã bị trào ngược dạ dày thực quản, nó có thể là biểu hiện của một số bệnh lý khác. Do đó, hãy đến cơ sở y tế để kiểm tra, không nên tự điều trị tại nhà.

5. Điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Thỉnh thoảng bị ợ nóng, bạn có thể cải thiện bằng cách thay đổi thói quen ăn uống hay sử dụng thuốc không kê đơn. Nhưng đối với trường hợp trào ngược dạ dày thực quản thì bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm soát và làm giảm triệu chứng. Việc điều trị bao gồm uống thuốc hoặc có thể phẫu thuật nếu cần.

Tất nhiên, việc thay đổi lối sống vẫn rất quan trọng, bao gồm:

- Giảm cân nếu bị thừa cân/béo phì

- Bỏ thuốc lá, thuốc lào

- Bỏ rượu bia

- Tránh thực phẩm gây kích thích: sô cô la, bạc hà, cà phê, thức uống có ga, thức ăn mặn và nhiều dầu mỡ, thực phẩm giàu chất béo, thức ăn cay, cà chua, hành tây sống, nước ép trái cây họ cam quýt…

- Ăn đủ protein và chất xơ

- Ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa

- Tránh ăn quá no, đặc biệt là buổi tối

- Chia nhỏ bữa ăn trong ngày

- Ăn chậm nhai kỹ

-Chỉ nên nằm xuống sau khi ăn ít nhất 2-3 tiếng

- Nâng cao đầu giường khoảng 10-15 cm

- Tránh mặc quần áo bó sát hoặc nịt bụng

- Hạn chế căng thẳng, lo lắng

Một chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý không chỉ giúp kiểm soát và cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày thực quản mà còn giúp bệnh nhanh khỏi, tránh tái phát nhiều lần. 

BS CKI NGUYỄN VĂN THÔNG