1. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là gì?
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) là một dạng ngưng thở trong một khoảng thời gian trong khi ngủ, xảy ra khi đường thở bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn. Thông thường, không khí lưu thông từ miệng và mũi vào phổi diễn ra liên tục. Khi bị ngưng thở khi ngủ, luồng không khí liên tiếp bị dừng trong suốt đêm. Ngưng thở có thể xảy ra hàng trăm lần mỗi đêm, 1-2 lần mỗi phút.
Ở những bệnh nhân bị OSA nặng thường đi kèm với sự thay đổi nhịp tim rộng, độ bão hòa oxy giảm mạnh, điện não đồ (EEG) ngắn cùng với chứng rối loạn nhịp tim. Chu kỳ này dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn và làm giảm thời lượng của giấc ngủ sâu.
Tỷ lệ mắc bệnh OSA ở những người từ 30-60 tuổi là 9-24% đối với đàn ông và 4-9% đối với phụ nữ. Mặc dù chứng ngưng thở khi ngủ rất phổ biến nhưng ít khi được chẩn đoán trước khi nó gây ra bệnh và tử vong.
Hầu hết các bệnh nhân OSA có biểu hiện tắc nghẽn đường hô hấp trên liên quan đến vòm họng hoặc hầu họng. Các yếu tố như amidan mở rộng, thể tích của lưỡi, mô mềm hoặc thành họng bên, chiều dài của vòm miệng mềm, vị trí bất thường của hàm trên và hàm dưới, có thể góp phần làm giảm diện tích đường thở trên và/hoặc tăng áp lực xung quanh đường thở.
Ở trẻ em, OSA cũng rất phổ biến nhưng ít khi được quan tâm, thường bị nhầm lẫn là trẻ kém thông minh hoặc tăng động. Phần lớn các trường hợp trẻ em qua 6 tuổi mới được chẩn đoán.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là một dạng ngưng thở rất phổ biến
2. Biến chứng của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là một chứng rối loạn giấc ngủ, đang ngày càng phổ biến nhưng chưa được quan tâm. Tại Mỹ, hơn 50% bệnh nhân ngưng thở khi ngủ chưa được chẩn đoán.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống và công việc, tình trạng này có thể dẫn đến tai nạn xe cộ hoặc tai nạn khác do buồn ngủ quá mức vào ban ngày. Tổng hợp nhiều nghiên cứu, những bệnh nhân bị OSA có nguy cơ bị va chạm xe cơ giới cao gấp 2,5 lần so với người khỏe mạnh.
Theo một nghiên cứu của Trường Y Yale, chứng ngưng thở khi ngủ làm tăng 30% nguy cơ bị đau tim hoặc tử vong trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 năm; trong 6 năm, nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường cao gấp 2,5 lần.
Buồn ngủ quá mức do ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến tai nạn
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn gây ra tình trạng thiếu oxy. Khi điều này xảy ra dẫn đến một số tình trạng như:
- Tăng huyết áp
- Nhịp tim nhanh
- Lượng máu nhiều hơn
- Viêm và căng thẳng
Những tác động này có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng thêm một số bệnh lý về tim, hô hấp và chuyển hóa, bao gồm:
- Huyết áp cao
- Đột quỵ
- Suy tim xung huyết
- Nhồi máu cơ tim
- Rối loạn nhịp tim
- Hội chứng chuyển hóa
- Hen suyễn
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
- Tiểu đường (đái tháo đường)
3. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn thường xảy ra ở người lớn tuổi và những người thừa cân béo phì.
Yếu tố gây ra OSA có thể liên quan đến cấu trúc hoặc phi cấu trúc, bao gồm cả yếu tố di truyền.
Các yếu tố cấu trúc khiến xẹp hầu họng khi ngủ, dẫn đến OSA bao gồm:
- Retrognathia (hàm dưới ngắn hơn hàm trên)
- Micrognathia (hàm dưới nhỏ)
- Phì đại amidan (VA, amidan khẩu cái)
- Hội chứng Pierre Robin (hàm dưới nhỏ và lưỡi lệch về phía sau)
- Hội chứng Down
- Hội chứng Marfan
- Hội chứng Prader-Willi (ăn liên tục và thường có vấn đề về kiểm soát trọng lượng)
- Lưỡi quá to
Các yếu tố cấu trúc gây tắc nghẽn mũi khiến bệnh nhân OSA bị xẹp họng trong khi ngủ bao gồm polyp, lệch vách ngăn, khối u, chấn thương và đường thở hẹp.
Các yếu tố cấu trúc gây tắc nghẽn cổ họng bao gồm bệnh phì đại lưỡi; vòm họng và lưỡi gà kéo dài, đặt ở phía sau; amidan và phì đại tuyến mỡ (đặc biệt ở trẻ em), khối u.
Các yếu tố nguy cơ không phải do cấu trúc có thể dẫn đến OSA là:
- Béo phì: Người có chu vi vòng cổ từ 43 cm trở lên ở nam giới và từ 37 cm trở lên ở nữ giới, có nguy cơ bị OSA cao hơn.
- Giới tính nam: Tỷ lệ nam giới bị OSA so với nữ giới là 2-3:1. Người ta giải thích vì cơ chế phân bố chất béo ở nam giới bao gồm cả vùng cổ, khiến nam giới dễ mắc OSA.
- Tuổi tác: Tỷ lệ mắc OSA tăng dần theo độ tuổi.
- Trạng thái tiền mãn kinh: Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ bị OSA cao gấp 3 lần so với phụ nữ tiền mãn kinh.
- Sử dụng rượu
- Sử dụng thuốc an thần hoặc chất kích thích
- Hút thuốc
- Thói quen ngáy khi ngủ vào ban ngày
Yếu tố gia đình có thể đóng một vai trò nhất định ở chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Những người có người thân bị OSA cũng có nguy cơ bị OSA. Mặc dù yếu tố này chưa được khẳng định hoàn toàn.
4. Các dấu hiệu và triệu chứng của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
Ngáy là triệu chứng phổ biến nhất của ngưng thở khi ngủ
Những người bị ngưng thở khi ngủ thường không phát hiện ra bệnh của mình, thậm chí còn cho rằng mình ngủ rất ngon, vì họ có thể ngủ mọi lúc mọi nơi và rất dễ đi vào giấc ngủ. Tuy nhiên, việc họ dễ ngủ là vì cơ thể luôn trong tình trạng thiếu ngủ.
Các triệu chứng của OSA thường bắt đầu ngấm ngầm, không có triệu chứng trong vài năm cho đến khi được phát hiện ra.
Một số triệu chứng vào ban đêm có thể gặp phải là:
- Ngáy, thường ngáy lớn
- Chứng ngưng thở, làm gián đoạn tiếng ngáy và kết thúc bằng tiếng khịt mũi
- Cảm giác thở hổn hển và nghẹt thở khiến bệnh nhân không ngủ được
- Tiểu đêm nhiều lần
- Mất ngủ, ngủ không yên
Các triệu chứng ban ngày có thể gặp phải bao gồm:
- Thức dậy mệt mỏi, cảm giác như không ngủ đủ
- Đau đầu khi thức dậy, khô họng hoặc đau họng
- Buồn ngủ quá mức vào ban ngày (EDS): thường bắt đầu trong các hoạt động yên tĩnh (đọc sách, xem tivi); khi mức độ trầm trọng hơn, người bệnh bắt đầu cảm thấy buồn ngủ trong các hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo (đi học, làm việc, lái xe)
- Suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung
- Thay đổi tính cách và tâm trạng, bao gồm cả trầm cảm và lo lắng
- Rối loạn chức năng tình dục, bao gồm bất lực và giảm ham muốn tình dục
- Trào ngược dạ dày thực quản
- Tăng huyết áp
- Tăng động (ở trẻ em)
- Hiệu suất công việc và học tập kém
Buồn ngủ quá mức vào ban ngày là một trong những triệu chứng phổ biến và khó điều trị ở bệnh nhân OSA. Nó làm giảm chất lượng cuộc sống, làm suy giảm hoạt động ban ngày và gây ra suy giảm nhận thức.
5. Chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
Chứng ngưng thở khi ngủ là một chẩn đoán rất quan trọng vì nó có mối liên hệ chặt chẽ với các tình trạng bệnh lý bao gồm: tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường, trầm cảm; và nguy cơ tai nạn do buồn ngủ quá mức.
Để chẩn đoán ngưng thở khi ngủ dựa vào các triệu chứng (ngáy to, buồn ngủ ban ngày, nhưng thở có người chứng kiến…) và cần phải đo đa kí giấc ngủ qua đêm để xác định chắc chắn.
Các bệnh lý và các yếu tố thể chất (đầu, cổ) có liên quan đến ngưng thở khi ngủ gồm:
- Tình trạng béo phì: chỉ số khối cơ thể trên 30kg/m2
- Chu vi cổ to: nam >43 cm, nữ > 37 cm
- Điểm Mallampati cao: khoảng cách từ gốc lưỡi đến vòm miệng (hạng III hoặc IV)
- Amidan mở rộng
- Retrognathia hoặc micrognathia
- Vòm miệng cao, cong
- Tăng áp động mạch phổi
- Suy tim sung huyết
- Đột quỵ
- Hội chứng chuyển hóa
- Bệnh tiểu đường tuýp 2
Đo đa ký giấc ngủ là một phương pháp hiệu quả và chính xác để xác định ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Đo đa ký giấc ngủ được thực hiện trong suốt một đêm khi bệnh nhân ngủ lại ở bệnh viện hoặc phòng khám. Trong khi ngủ, hệ thống sẽ đo lường hoạt động của các cơ quan khác nhau liên quan đến giấc ngủ. Nó có thể bao gồm:
- Đo sóng não (EEG)
- Đo chuyển động của mắt (EOM)
- Đo hoạt động của cơ (EMG)
- Đo nhịp tim (EKG hoặc ECG)
- Theo dõi nhịp thở, bao gồm luồng không khí ở mũi và miệng
- Đo lường sự thay đổi nồng độ oxy trong máu, độ bão hòa oxy
- Phân tích khí máu động mạch (ABG)
Nội soi ống mềm khi ngủ là phương pháp khảo sát để xác định chính xác vùng tắc nghẽn và mức độ tắc nghẽn, từ đó đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nhất cho người bệnh.
6. Cách điều trị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn
Thở áp lực dương liên tục (CPAP)
Việc điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Mục tiêu là đảm bảo luồng không khí không bị cản trở trong khi ngủ. Những người bị ngưng thở nhẹ có thể có nhiều phương pháp điều trị kèm theo giảm cân và thay đổi lối sống. Trong khi đó, những người bị ngưng thở từ trung bình đến nặng cần được điều trị bằng phương pháp thở áp lực dương liên tục (CPAP).
a. Giảm cân
Giảm cân giúp giảm các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ.
b. Thay đổi lối sống
- Thay đổi tư thế ngủ (nằm thẳng hoặc nghiêng tùy theo mỗi người, một số người khi nằm ngửa sẽ ngủ ngon hơn, nhưng số khác, ngủ nghiêng sẽ giúp hô hấp hoạt động bình thường)
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Tập thiền hoặc yoga
- Không hút thuốc
- Không uống rượu và các thuốc an thần khác
- Cố gắng ngủ đủ giấc
c. Sử dụng dụng cụ
Các dụng cụ răng miệng có thể giúp giảm chứng ngưng thở khi ngủ bằng cách định vị lại hàm hoặc lưỡi để giữ cho đường thở mở trong khi ngủ.
Thở áp lực dương liên tục (CPAP)
Thở áp lực dương liên tục (CPAP) là một phương pháp điều trị hiệu quả cao cho chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Người bệnh đeo thiết bị CPAP giúp các đường thở mở ra trong khi ngủ.
d. Phẫu thuật
Can thiệp phẫu thuật sẽ tùy thuộc vào tình trạng tắc nghẽn của mỗi người, ví dụ: phẫu thuật amidan và u tuyến (ở trẻ em), tái tạo vòm họng hoặc mở khí quản…