LUPUS BAN ĐỎ HỆ THỐNG LÀ BỆNH GÌ?

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn dịch, gây ảnh hưởng rộng đến nhiều cơ quan và bộ phận trong cơ thể. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị và cách sống chung với bệnh lupus ban đỏ hệ thống.

 

Ban đỏ trên mặt là triệu chứng phổ biến của bệnh lupus ban đỏ hệ thống

1. Lupus ban đỏ hệ thống là gì?

Lupus ban đỏ hệ thống (Tiếng Anh: Systemic lupus erythmatosus – SLE) là bệnh tự miễn dịch, trong đó các tế bào và tổ chức bị tổn thương bởi sự lắng đọng các tự kháng thể bệnh lý và phức hợp miễn dịch.

Hiểu một cách đơn giản thì trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống, hệ miễn dịch thay vì thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể thì quay sang tấn công chính các mô của nó, gây viêm lan rộng và tổn thương mô ở các cơ quan bị ảnh hưởng. Lupus ban đỏ hệ thống gây ảnh hưởng rộng đến da, khớp, tim mạch, phổi, thận, hệ tiêu hóa và não.

Hiện nay chưa có cách chữa khỏi bệnh lupus, nhưng việc điều trị có thể giúp kiểm soát và hạn chế mức độ nghiêm trọng của bệnh.

2. Nguyên nhân của bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Nguyên nhân của bệnh lupus ban đỏ hệ thống vẫn chưa rõ ràng, nhưng nó được cho là có liên quan đến yếu tố môi trường, di truyền và nội tiết tố.

Hầu hết các trường hợp bị lupus ban đỏ hệ thống trong gia đình không có thành viên nào khác mắc bệnh. Ở một số người thì có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Một số nghiên cứu cũng cho thấy nếu trong gia đình có người bị lupus thì khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn một chút.

Lupus ban đỏ hệ thống không phải là một bệnh phổ biến, nhưng bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em đều có thể mắc bệnh. Bệnh xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn rõ rệt so với nam giới với tỷ lệ 9:1, và thường gặp ở người từ 15-44 tuổi. 

3. Triệu chứng

Khi bị lupus ban đỏ hệ thống, người bệnh sẽ có một triệu chứng bao gồm:

- Sốt

- Chán ăn

- Mệt mỏi kéo dài

- Giảm cân
- Ban đỏ hình cánh bướm ở mặt

- Ban dạng đĩa trên da

- Loét miệng, mũi họng

- Phù da

- Đau, sưng, nóng, đỏ khớp, có hoặc không kèm theo tràn dịch

- Nhạy cảm với ánh sáng: có thể gây ban đỏ

Các triệu chứng này có thể bùng phát rồi thuyên giảm, xảy ra thường xuyên hoặc đôi khi cách nhau vài năm.

Bệnh còn có biểu hiện tổn thương nội tạng:

- Tim mạch: tăng huyết áp, viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng ngoài tim, viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, suy tim…

- Phổi: viêm màng phổi, tràn dịch màng phổi, viêm phổi kẽ, chảy máu phế nang.

- Thận, tiết niệu: viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận.

- Tiêu hóa: nôn, buồn nôn, ỉa chảy, đau bụng, triệu chứng bán tắc ruột.

- Não và thần kinh: co giật, đau đầu, các vấn đề thị lực, trí nhớ hay rối loạn tâm thần.

- Huyết học: thiếu máu, xuất huyết giảm tiểu cầu.

 
Lupus ban đỏ hệ thống gây viêm khớp

4. Chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống như thế nào?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng toàn thân, thực thể, nội tạng kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng.

Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh tự miễn dịch, vì vậy xét nghiệm kháng thể là rất cần thiết. Có các xét nghiệm kháng thể thường dùng để chẩn đoán lupus ban đỏ hệ thống là xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA), kháng thể kháng chuỗi kép (ds-DNA) và kháng thể kháng Smith (anti-Sm). Trong đó xét nghiệm ANA có độ nhạy cao nhưng ít đặc hiệu hơn so với anti-Sm.

Các xét nghiệm cơ bản để chẩn đoán khi nghi ngờ lupus ban đỏ hệ thống:

- Xét nghiệm máu: công thức máu toàn bộ (CBC), tốc độ máu lắng (VS), men gan, urea, creatinine, điện giải đồ.

- Tổng phân tích nước tiểu.

- Điện tâm đồ.

- Chụp X-quang tim phổi.

- Siêu âm bụng.

Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác nếu nghi ngờ lupus ban đỏ gây ra các tổn thương cơ quan là:

- Siêu âm tim.

- Chụp X-quang hoặc siêu âm khớp bị đau.

- Chụp CT Scanner, MRI bụng, ngực, não.

Lupus ban đỏ hệ thống cần được chẩn đoán phân biệt với các tình trạng tự miễn dịch khác như: viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì hệ thống, viêm da cơ, viêm đa cơ.

Đôi khi người bệnh ở giai đoạn sớm có rất ít triệu chứng, chưa thể khẳng định chẩn đoán thì bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm định kỳ để theo dõi.

5. Cách điều trị bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Bệnh lupus ban đỏ hệ thống có thể nhẹ hoặc nặng đến mức đe dọa tính mạng. Người bị lupus ban đỏ hệ thống cần được điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa, chăm sóc phòng ngừa cũng như có lối sống phù hợp.

Hiện nay chưa có cách nào để điều trị dứt điểm bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Việc điều trị nhằm kiểm soát các đợt cấp, giảm triệu chứng và duy trì chức năng các cơ quan.
Các loại thuốc thường dùng để điều trị lupus ban đỏ hệ thống bao gồm thuốc kháng viêm NSAID, thuốc kháng sốt rét tổng hợp, corticoid và thuốc ức chế miễn dịch. Các thuốc này có một số tác dụng phụ không mong muốn cũng như sẽ chống chỉ định với một số đối tượng, do đó người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.

Đối với các biến chứng nội tạng như hội chứng thận hư, suy thận, suy tim, tràn dịch màng tim… thì tùy vào mức độ và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị cụ thể.

6. Biến chứng của Lupus ban đỏ hệ thống 

Lupus ban đỏ hệ thống không được điều trị, điều trị kém hiệu quả hoặc không tuân thủ điều trị có thể làm cho bệnh tiến triển nặng hơn, gây ra nhiều biến chứng và thậm chí là tử vong.

Lupus ban đỏ hệ thống có thể hạn chế hoạt động thể chất, tinh thần và xã hội của một người. Triệu chứng mệt mỏi do lupus gây ra có ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và chất lượng cuộc sống. 

Viêm thận lupus là một biến chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống, có thể dẫn đến suy thận, cần lọc máu hoặc ghép thận.

Ngoài ra, lupus ban đỏ hệ thống còn gây ra tổn thương ở các bộ phận, cơ quan khác nhau trong cơ thể:

- Hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch, động mạch chân, phổi, não.

- Đột quỵ.

- Phá hủy tế bào hồng cầu, thiếu máu mạn tính.

- Viêm màng ngoài tim, tràn dịch màng ngoài tim.

- Viêm cơ tim.

- Viêm nội tâm mạc.

- Tổn thương phổi, tràn dịch màng phổi.

- Tắc nghẽn ruột, viêm ruột.

- Tiểu cầu máu thấp (ảnh hưởng khả năng cầm máu).

Cả bệnh lupus ban đỏ hệ thống và thuốc điều trị lupus đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi, do đó cần trao đổi với bác sĩ khi có dự định mang thai.

 
Người bị lupus ban đỏ hệ thống nên hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

7. Sống chung với bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lupus ban đỏ hệ thống là tuân theo kế hoạch điều trị và có lối sống thích hợp:

- Nhận biết các dấu hiệu bùng phát đợt cấp .

- Tái khám thường xuyên.

- Hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và một số ánh sáng nhân tạo.

- Ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ.

- Hạn chế căng thẳng.

- Học cách đối mặt với bệnh để hạn chế lo lắng.

Ngay cả khi đã tuân thủ điều trị, lupus ban đỏ hệ thống vẫn có thể bùng phát do một số yếu tố như: thiếu ngủ, làm việc quá sức, tiếp xúc nhiều với ánh sáng, vết thương nhiễm trùng, một số loại thuốc.

Về chế độ ăn uống, việc có cần thay đổi chế độ ăn uống không sẽ phụ thuộc vào tình trạng cá nhân. Ví dụ lupus dẫn đến tăng lipid máu thì cần hạn chế ăn thịt mỡ, trà sữa, đường và chất béo bão hòa khác; nếu thuốc điều trị gây tăng cân thì cần có chế độ ăn ít calo hơn; nếu việc tránh ánh nắng dẫn đến thiếu vitamin D thì cần bổ sung vitamin D.

Một số bệnh nhiễm trùng có thể kích hoạt lupus ban đỏ hệ thống, và đồng thời, lupus cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh này, do đó bác sĩ khuyên nên tiêm phòng vaccine. Tuy nhiên, một số loại vaccine trong nhóm vaccine sống có thể không an toàn. Một số vaccine an toàn cho người bị lupus là: cúm, viêm phổi, HPV, uốn ván, bạch hầu, ho gà (Tdap). Hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng.