ĐO THÍNH LỰC ĐƠN ÂM ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG NGHE

Đo thính lực đơn âm là bài kiểm tra thính lực không đau, không xâm lấn để đo khả năng nghe với các âm thanh có cao độ và tần số khác nhau. Mục đích chính của đo thính lực đơn âm là để xác định loại và mức độ suy giảm thính lực.

 
Đo thính lực đơn âm trong một phòng cách âm

1. Đo thính lực đơn âm là gì?

Đo thính lực đơn âm là một trong những kỹ thuật kiểm tra thính giác cơ bản nhất, giúp xác định ngưỡng nghe của một người tại các tần số khác nhau trong một không gian yên tĩnh. Ngưỡng nghe là âm thanh nhỏ nhất mà một người có thể được trong ít nhất 50% thời gian.

Đo thính lực đơn âm (pure-tone audiometry testing) đã được sử dụng từ những năm 1920 để phân loại mức độ và loại mất thính lực. Trong quá trình đo thính lực đơn âm, người được kiểm tra đeo tai nghe và nghe một loạt các âm thanh với cường độ khác nhau phát ra trên một dải tần số để xác định sự suy giảm thính lực. 

Kết quả đo thính lực đơn âm thể hiện bằng biểu đồ, còn được gọi là thính lực đồ đơn âm (PTA: pure-tone audiogram). Các dạng thính lực đồ có thể giúp bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán tình trạng mất thính lực của bệnh nhân. Thính lực đồ cũng có thể được sử dụng để hướng dẫn cho các can thiệp chẩn đoán và phục hồi chức năng tiếp theo.

Đo thính lực đơn âm là kỹ thuật khách quan, hữu ích nhất để xác định khiếm khuyết thính giác bằng cách kiểm tra cách mà âm thanh truyền qua hệ thống thính giác thông qua dẫn truyền khí hoặc dẫn truyền xương. Dẫn truyền khí là sự truyền âm thanh từ tai ngoài qua tai giữa vào tai trong. Dẫn truyền xương là sự truyền âm thanh từ tai trong đến hệ thống thần kinh trung ương.

2. Mục đích của đo thính lực đơn âm

Đo thính lực đơn âm nhằm mục đích:

- Đánh giá ngưỡng nghe để chẩn đoán tình trạng mất thính lực và mức độ suy giảm thính lực.

- Phân biệt nghe kém dẫn truyền, nghe kém tiếp nhận và nghe kém hỗn hợp.

- Hướng dẫn phẫu thuật hoặc can thiệp để cải thiện hoặc bảo tồn chức năng nghe.

- Đánh giá hiệu quả của máy trợ thính hoặc phẫu thuật có cải thiện được thính lực hay không.

3. Ai cần đo thính lực đơn âm

 
Đo thính lực đơn âm kiểm tra khả năng nghe

Đo thính lực đơn âm có thể được đưa vào bài kiểm tra sức khỏe định kỳ để kiểm tra khả năng nghe. Đặc biệt là các đối tượng làm việc, sinh sống trong môi trường ồn ào.
Đo thính lực đơn âm được chỉ định khi bệnh nhân có dấu hiệu suy giảm thính lực. Nó cũng có thể được chỉ định khi có các triệu chứng tai khác như:

- Ù tai.

- Chóng mặt.

- Tiếp xúc với tiếng ồn lớn.

- Tiếp xúc với chất độc tai (ototoxicity).

Đo thính lực đơn âm thường không sử dụng cho trẻ quá nhỏ vì không hợp tác trong quá trình kiểm tra hoặc bệnh nhân có một số bệnh lý không thể thực hiện kỹ thuật này.

4. Quy trình đo thính lực đơn âm

Đo thính lực đơn âm được thực hiện trong một phòng cách âm yên tĩnh. Trước khi đo thính lực đơn âm, bệnh nhân không cần chuẩn bị gì. 

Quá trình đo thính lực đơn âm sẽ diễn ra như sau:

- Bệnh nhân ngồi trong một phòng cách âm, đeo thiết bị, ngồi yên và không được nói chuyện.

- Âm thanh nghe qua đường khí sẽ được phát qua tai nghe. Âm thanh nghe qua đường xương sẽ được phát qua thiết bị gắn sát xương nằm phía sau vành tai.

- Tai nghe được kết nối với một máy truyền âm thanh phát ra một âm thanh thuần có tần số duy nhất đến tai.

- Nếu bệnh nhân nghe thấy âm thanh thì nhấn nút hoặc giơ tay ra hiệu. Ví dụ: Nếu nghe thấy âm thanh bằng tai trái thì giơ tay trái; nếu nghe thấy âm thanh bằng tai phải thì giơ tay phải.

- Để kiểm tra khả năng nghe của từng tai, sử dụng kỹ thuật làm ù bên tai không được kiểm tra để tránh truyền tín hiệu đến tai còn lại. 

- Ngưỡng thính lực đơn âm ghi nhận lại âm lượng thấp nhất mà bệnh nhân có thể nghe được, ít nhất là 50%, được đo bằng dB HL (decibels hearing level).

5. Kết quả đo thính lực đơn âm có ý nghĩa gì?

 
Mô tả thính lực đồ

Kết quả đo thính lực đơn âm được biểu thị bằng tần số và cường độ trên thính lực đồ. Trong đó tần số được sắp xếp theo trục hoành với trị số ngưỡng từ tần số 125 đến 8000 Hz, cường độ âm thanh được sắp xếp theo trục tung với trị số từ 0dB đến 120 dB. Thính lực suy giảm khi ngưỡng nghe dẫn truyền đường khí hoặc ngưỡng nghe dẫn truyền đường xương cao hơn 25dB.

Mức độ mất thính lực của một người được đánh giá như sau:

- 0-25 dB HL: Bình thường

- 26-40 dB HL: Nghe kém nhẹ 

- 41-55 dB HL: Nghe kém trung bình

- 56-70 dB HL: Nghe kém trung bình – nặng

- 71-90 dB HL: Nghe kém nặng

- 90 dB trở lên: Điếc

Có ba dạng mất thính lực là nghe kém tiếp nhận (sensorineural hearing loss – SNHL), nghe kém dẫn truyền (conductive hearing loss – CHL) và nghe kém hỗn hợp (mixed hearing loss – MHL).

Khi ngưỡng nghe dẫn truyền đường khí giảm hơn bình thường ít nhất 10dB, ngưỡng nghe dẫn truyền qua xương bình thường thì phân loại nghe kém dẫn truyền. Nghe kém dẫn truyền xảy ra sau tổn thương tai ngoài và tai giữa mà không có tổn thương tai trong. Một số nguyên nhân như: viêm tai giữa, thủng màng nhĩ, dị vật trong tai.

Khi cả ngưỡng nghe đường khí và xương đều giảm, chênh nhau không quá 10 dB thì phân loại nghe kém tiếp nhận. Nghe kém tiếp nhận có xu hướng là loại mất thính lực vĩnh viễn, xảy ra do tổn thương tai trong và thần kinh. Một số nguyên nhân như bệnh lý thần kinh tai trong, bệnh lý thần kinh tiền đình, được thấy trong chứng vẹo cổ, tiếp xúc với tiếng ồn, nhiễm trùng, bệnh Meniere hoặc u dây thần kinh số 8 (chwannoma tiền đình).

Cuối cùng, khi cả ngưỡng nghe đường khí và xương đều giảm, chênh nhau hơn 10 dB thì phân loại nghe kém hỗn hợp. Dựa vào tần số để xác định nghe kém hỗn hợp thiên về dẫn truyền hay thiên về tiếp nhận. Nghe kém hỗn hợp là kết quả của nhiều bệnh lý khác nhau, ví dụ như xốp xơ tai. 

Thính lực đồ đơn âm không phải là phương pháp kiểm tra toàn diện về thính giác, vì vậy bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm khác để chẩn đoán tình trạng gây ra suy giảm thính lực cụ thể. Các xét nghiệm bổ sung có thể bao gồm: soi tai, đo nhĩ lượng, đo âm ốc tai, đo thính lực giọng nói, đo điện kích gợi thính giác thân não, đo màng não…

Từ kết quả thính lực đồ cùng bệnh cảnh lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra can thiệp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân để cải thiện chất lượng cuộc sống và khả năng làm việc.