ĐO PHẢN XẠ CƠ BÀN ĐẠP KIỂM TRA THÍNH LỰC

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Võ Trần Thành Nhân - Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1

Đo phản xạ cơ bàn đạp là phương pháp thăm dò chức năng nghe khách quan, đánh giá hoạt động của cơ bàn đạp ở tai giữa với âm thanh lớn. Đây là phương pháp đánh giá thính học cơ bản, rất nhạy trong trường hợp tổn thương tai giữa. 

 
Cấu trúc tai người với xương bàn đạp

1. Đo phản xạ cơ bàn đạp là gì?

Cơ bàn đạp (stapedius) bám vào chỏm của xương bàn đạp ở tai giữa. Cơ chế phản xạ cơ bàn đạp (hay còn gọi là phản xạ cơ tai giữa) là cách hạn chế ảnh hưởng của những âm thanh lớn đến tai. 

Khi có một âm thanh lớn vào tai, theo phản xạ sinh lý, cơ bàn đạp sẽ co lại làm xương bàn đạp đậy vào cửa sổ bầu dục nhằm giảm bớt biên độ tiếng ồn, từ đó bảo vệ tai. Đo phản xạ cơ bàn đạp kiểm tra phản xạ này. Khi có tổn thương, phản xạ của cơ bàn đạp sẽ kém đi. 

Đo phản xạ cơ bàn đạp còn có vai trò quan trọng giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý thần kinh thính giác.

2. Khi nào cần đo phản xạ cơ bàn đạp

Bệnh ở tai giữa gây ra điếc dẫn truyền. Nhiều loại điếc có thể điều trị được. Vì vậy mà việc phát hiện nghe kém sớm là rất quan trọng để phục hồi chức năng nghe cho người bệnh.

Đo phản xạ cơ bàn đạp là một bài kiểm tra không xâm lấn, có thể sử dụng để tầm soát chức năng nghe định kỳ ở người lớn tuổi, người tiếp xúc với tiếng ồn kéo dài, người bị suy yếu hệ miễn dịch hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh nghe kém.

Đo phản xạ cơ bàn đạp là một trong những bài kiểm tra xác định nghe kém ở trẻ sau khi sinh. Đặc biệt là những trẻ có nguy cơ:

- Có mẹ bị mắc bệnh lý trong và ngay sau sinh như sốt phát ban, rubella – những tình trạng có liên quan đến vấn đề nghe kém của trẻ khi sinh ra. 

- Trẻ sinh non, ngạt tím khi đẻ, phải thở máy.

- Tiền sử gia đình bị khiếm thính.

- Nghe kém liên quan đến một số hội chứng: Alport, Branchio-Oto-Renal, Charge, Crouzon, Down, Glodenhar…

- Có dị tật khác kèm theo (đặc biệt là mắt và tim mạch).

- Thường xuyên bị viêm tai hoặc viêm tai tái phát.

- Nhiễm bệnh truyền nhiễm có thể gây mất thính lực: viêm màng nao, bệnh sởi, nhiễm cytomegalovirus.

Đo phản xạ cơ bàn đạp được chỉ định ở những đối tượng có triệu chứng:

- Cảm giác nặng tức trong tai

- Nghe kém ở một bên hoặc hai bên tai

- Cảm giác đau ở một hoặc cả hai bên tai

Đo phản xạ cơ bàn đạp thường được thực hiện cùng đo nhĩ lượng để đánh giá chức năng nghe, từ đó giúp chẩn đoán vị trí tổn thương ở bệnh nhân nghe kém.

3. Kết quả đo phản xạ cơ bàn đạp có ý nghĩa gì?

 
Thăm dò chức năng thính lực

Kết quả đo phản xạ cơ bàn đạp giúp: phát hiện một số trường hợp giả vờ điếc, tìm hồi thính, tìm thoái hóa ngưỡng phản xạ, có giá trị chẩn đoán tổn thương sau ốc tai, xác định vị trí tổn thương dây thần kinh số 7…

Trong trường hợp chức năng nghe bình thường, phản xạ cơ bàn đạp ở dải cường độ âm 70-100 dB HL (trung bình là 85dB HL). Còn phản xạ cơ bàn đạp có nghĩa là sức nghe bình thường hoặc chỉ bị nghe kém nhẹ. 

Nghe kém ở mức trung bình trở lên hoặc mất chức năng nghe thì khoảng cách giữa ngưỡng phản xạ và ngưỡng nghe thu hẹp lại, không có phản xạ cơ bàn đạp.

Lưu ý là trẻ em không có phản xạ cơ bàn đạp không có nghĩa là trẻ bị điếc, bởi vì không phải trẻ em nào cũng có phản xạ này. Nhưng có phản xạ có thể kết luận chức năng nghe không xấu hơn mức phản xạ phát ra. 

Đo phản xạ cơ bàn đạp không đánh giá được mức độ mất thính lực. Để thăm dò chức năng thính giác cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm các phương pháp chủ quan và khách quan. Chỉ có như vậy mới có thể có kết quả chẩn đoán chính xác nhất nhằm phát hiện sớm mức độ nghe kém, vị trí tổn thương để kịp thời điều trị và phục hồi chức năng nghe hiệu quả.