Chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được sử dụng để tầm soát, chẩn đoán, đánh giá các bệnh lý tuyến vú. MRI vú đang trở thành một công cụ ngày càng hữu ích để tầm soát và chẩn đoán ung thư vú ở những phụ nữ có nguy cơ cao. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chụp cộng hưởng từ vú.
Chẩn đoán hình ảnh tuyến vú bằng MRI
1. Chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú là gì?
Chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú là phương pháp sử dụng nam châm và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh cắt ngang chi tiết bên trong vú.
MRI không sử dụng tia X vì vậy sẽ không tiếp xúc với bức xạ trong quá trình chụp. Khi chụp MRI vú, có thể tiêm thuốc tương phản từ vào đường truyền tĩnh mạch trước khi chụp để làm cho khu vực bất thường trong vú rõ ràng hơn.
2. Vai trò của chụp cộng hưởng từ (MRI) trong chẩn đoán hình ảnh vú
Cho đến nay, MRI vú là phương pháp chẩn đoán hình ảnh đã được ứng dụng rất tốt để chẩn đoán và hướng dẫn điều trị ung thư vú.
Trong bệnh lý tuyến vú, MRI có các vai trò:
- Bổ sung chẩn đoán cho nhũ ảnh (X-quang vú) trong trường hợp có tổn thương vú nhưng không thấy trên siêu âm.
- Chẩn đoán trong trường hợp khám lâm sàng (sờ thấy) khối u nhưng không xác định được, nhũ ảnh và siêu âm vú âm tính.
- Thay thế nhũ ảnh trong trường hợp mô tuyến vú bị ẩn lấp (vú đặc, vú tạo hình hay bơm silicon).
- Tìm kiếm khối u nguyên phát tại vú khi phát hiện hạch nách di căn không rõ nguồn gốc qua khám lâm sàng, siêu âm hay nhũ ảnh.
- Tầm soát ung thư vú ở những đối tượng có nguy cơ cao, nhất là phụ nữ trẻ có nhu mô vú dày.
- Đánh giá tốt giai đoạn ung thư vú nhờ tính chính xác cao khi đo kích thước khối u, mức độ lan rộng khối u, mức độ xâm lấn, tình trạng thâm nhiễm… để đưa ra quyết định lựa chọn phẫu thuật.
- Tìm kiếm trong trường hợp có hơn 1 khối u, u ở cả hai vú, u đa ổ hay đa vùng để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
- Phát hiện còn sót ung thư vú sau điều trị.
- Chẩn đoán ung thư vú tái phát.
- Đánh giá bệnh lý núm vú.
- Đánh giá các trường hợp nghi rò hoặc vỡ túi ngực.
Chụp cộng hưởng từ tuyến vú để chẩn đoán ung thư vú
3. Khuyến cáo tầm soát ung thư vú bằng MRI
Mục đích của tầm soát ung thư vú là phát hiện ung thư khi khối u còn nhỏ và chưa di căn hạch, giúp giảm tỷ lệ tử vong. Các khuyến cáo sử dụng MRI để tầm soát ung thư tuyến vú có một số khác biệt ở các quốc gia.
Chụp nhũ ảnh là phương pháp tầm soát ung thư vú được sử dụng rất phổ biến, nhưng phương pháp này có thể bỏ sót 10-30% tất cả các trường hợp ung thư vú vì nhiều nguyên nhân. Siêu âm tuyến vú là phương pháp bổ sung cho nhũ ảnh trong chẩn đoán bệnh vú. Tuy nhiên, siêu âm cũng có một số hạn chế nhất định.
Nhu mô vú dày ở phụ nữ trẻ là một trở ngại cho việc tầm soát ung thư bằng chụp nhũ ảnh. Trong khi, chụp cộng hưởng từ tuyến vú có thể phát hiện được những tổn thương ung thư bị bỏ sót qua chụp nhũ ảnh nhờ khả năng tạo hình 3 chiều và không bị ảnh hưởng bởi nhu mô vú dày hay mỏng.
Tuy nhiên, vì chi phí cao và tính đặc hiệu thấp ở phụ nữ có ít nguy cơ, nên MRI vú là phương pháp tầm soát ung thư vú được khuyến cáo cho phụ nữ có nguy cơ cao.
4. Đối tượng nào cần tầm soát ung thư vú bằng MRI?
Dưới đây là khuyến cáo của Hội Ung thư Hòa Kỳ về tầm soát ung thư vú bằng MRI.
Khuyến cáo tầm soát ung thư vú hằng năm bằng MRI vú ở các đối tượng:
- Đột biến gen BRCA 1 hoặc BRCA 2.
- Có người thân trong gia đình (mẹ, chị, em gái ruột) mang đột biến gen BRCA.
- Nguy cơ ung thư vú suốt đời khoảng 20-25% hoặc cao hơn, bao gồm nhóm có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, đã điều trị bệnh Hodgkin.
- Bị chiếu xạ vùng ngực trong độ tuổi từ 10-30.
- Tiền sử bản thân hoặc người thân trong gia đình (mẹ, chị, em gái ruột) bị hội chứng Li-Fraumeni, hội chứng Cowden và Bannayan-Riley-Ruvalcaba.
Phụ nữ có nguy cơ cao nên tầm soát ung thư vú định kỳ
Cân nhắc tầm soát ung thư vú bằng MRI ở các đối tượng:
- Nguy cơ ung thư vú suốt đời khoảng 15-20%, được tính toán bởi mô hình BRCAPRO hoặc các mô hình tính toán dựa phần lớn vào tiền sử gia đình khác.
- Ung thư trong biểu mô thể thùy (LCIS) hoặc tăng sản thùy không điển hình (ALH).
- Tăng sản tuyến không điển hình (ADH).
- Nhu mô vú rất dày hoặc dày không đồng nhất trên nhũ ảnh.
- Người có tiền sử bản thân đã bị ung thư vú, bao gồm cả ung thư trong biểu mô thể ống (DCIS).
Phụ nữ có nguy cơ ung thư vú suốt đời <15% sẽ không khuyến cáo tầm soát ung thư vú bằng MRI vì hầu hết các tổn thương được tìm thấy là lành tính, làm tốn chi phí và tăng nhiều trường hợp sinh thiết không cần thiết.
5. Ưu nhược điểm của chụp cộng hưởng từ tuyến vú
a. Ưu điểm của chụp MRI vú
Một ưu điểm lớn của MRI là không sử dụng tia bức xạ, vì vậy có thể sử dụng ở cả phụ nữ đang mang thai và giúp những người trẻ giảm số lần tiếp xúc bức xạ trong suốt cuộc đời.
Chụp MRI vú có độ nhạy cao hơn so với hai phương pháp nhũ ảnh và siêu âm trong việc phát hiện ung thư vú, và nhạy hơn hẳn khi sử dụng MRI bổ sung cho chụp nhũ ảnh.
Tuy nhiên, cần lưu ý không một phương pháp nào trong siêu âm vú, nhũ ảnh hoặc MRI vú có thể thay thế hoàn toàn cho phương pháp còn lại. Việc lựa chọn và chỉ định phương pháp nào sẽ phụ thuộc vào từng đối tượng và trường hợp cụ thể.
Chụp MRI vú kết hợp siêu âm hoặc nhũ ảnh
b. Nhược điểm của chụp MRI vú
Chụp MRI vú là một thủ thuật an toàn. Nhưng cũng giống như bất kỳ xét nghiệm y học nào khác, nó có một số rủi ro nhất định.
Rủi ro đầu tiên đến từ kết quả dương tính giả. Tức là một khối u đáng ngờ sau khi đánh giá thêm hóa ra là lành tính. Điều này có thể gây lo lắng cho bệnh nhân, và trong một số trường hợp phải thực hiện các thủ thuật không cần thiết như sinh thiết hay can thiệp phẫu thuật.
Rủi ro tiếp theo là do phản ứng với thuốc tương phản từ. Thuốc tương phản từ gadolinium thường được sử dụng trong chụp MRI vú để hình ảnh rõ ràng hơn. Nó an toàn với hầu hết mọi người và không gây ra phản ứng phụ nào đáng kể. Tuy nhiên một số rất ít người có thể bị sốc phản vệ với thuốc. Ngoài ra, bệnh nhân bị suy thận nặng hoặc chạy thận nhân tạo nếu sử dụng thuốc tương phản từ có thể làm bệnh nghiêm trọng hơn.
Một nhược điểm nữa của chụp MRI vú là chi phí. So với chụp nhũ ảnh và siêu âm, MRI có chi phí đắt hơn, yêu cầu thiết bị phức tạp hơn và do đó không phải cơ sở y tế nào cũng được trang bị máy MRI.
6. Quy trình chụp cộng hưởng từ tuyến vú
Về nguyên tắc khi chụp MRI vú sẽ không cần nhịn ăn. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc tương phản từ thì bác sĩ thường yêu cầu nhịn ăn để khảo sát hình ảnh rõ ràng hơn.
Máy chụp cộng hưởng từ tuyến vú
a. Trước khi chụp MRI vú
Bạn cần cung cấp cho bác sĩ các thông tin sau:
- Có tiền sử dị ứng với bất kỳ chất nào.
- Đang bị bệnh thận.
- Đang mang thai.
- Đang cho con bú.
- Có mảnh kim khí trong người.
- Có thiết bị y tế cấy ghép trong người như máy tạo nhịp tim, máy khử rung tim, khớp nhân tạo, nẹp vít xương…
- Bị hội chứng sợ không gian kín.
Trước khi bước vào phòng MRI, bạn cần:
- Thay trang phục áo choàng của phòng khám.
- Tháo tất cả mọi thứ trên người: kính mắt, đồ trang sức, kẹp tóc, đồng hồ, điện thoại, máy trợ thính, tóc giả…
b. Trong khi chụp MRI vú
Nếu có sử dụng thuốc tương phản từ, thuốc này sẽ được tiêm qua đường truyền tĩnh mạch IV cánh tay trước khi chụp.
Trong quá trình chụp MRI vú, bạn sẽ nằm úp trên bàn quét, ngực để vào chỗ lõm trên bàn. Bàn quét sẽ trượt vào lỗ mở của máy MRI. Bạn sẽ không cảm thấy gì trong quá trình này, nhưng bạn sẽ nghe thấy tiếng ồn khá lớn. Để giảm tiếng ồn, nhân viên y tế sẽ cung cấp tai nghe hoặc nút bịt tai.
Trong suốt quá trình chụp MRI vú, bạn cần nằm yên nhất có thể. Kỹ thuật viên sẽ quan sát và hướng dẫn bạn từ phòng ngoài.
c. Sau khi chụp MRI vú
Sau khi chụp MRI vú xong, bạn có thể hoạt động ngay sau đó. Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ hay phản ứng với thuốc tương phản từ như ngứa, sưng tấy, phát ban hay khó thở thì phải thông báo ngay cho nhân viên y tế.
Kết quả MRI vú sẽ được đọc bởi bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn kết quả cho bạn.
Kết quả chụp MRI vú được tư vấn bởi bác sĩ
7. Câu hỏi thường gặp về chụp cộng hưởng từ (MRI) tuyến vú
a. Chống chỉ định của MRI vú là gì?
MRI chống chỉ định tuyệt đối với các đối tượng:
- Có thiết bị điện tử trong người: máy điều hòa nhịp tim, máy khử rung tim, cấy ghép ốc tai, thiết bị bơm thuốc tự động…
- Kẹp phẫu thuật kim loại nội sọ, hốc mắt, mạch máu dưới 6 tháng.
MRI chống chỉ định tương đối với các đối tượng:
- Kẹp phẫu thuật kim loại trên 6 tháng
- Có hội chứng sợ không gian kín, sợ bóng tối
- Ngực quá lớn
- Suy thận
b. Thời điểm tốt nhất để chụp MRI vú
Thời điểm lý tưởng nhất để chụp MRI vú là từ ngày 7 đến ngày 14 của chu kỳ kinh nguyệt. Không nên chụp vào 07 ngày trước khi hành kinh.
c. Chi phí chụp MRI vú có đắt không?
So với chụp nhũ ảnh hay siêu âm thì MRI vú có chi phí đắt hơn.
d. Chụp MRI vú có đau không?
Chụp MRI vú không đau. Tuy nhiên do phải nằm sấp trong thời gian dài 20-30 phút, có thể bạn sẽ cảm thấy không thoải mái.
e. Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 có chụp MRI tuyến vú không?
Bạn có thể chụp MRI vú tại Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1. Khoa Chẩn đoán hình ảnh được trang bị máy MRI 1.5 Tesla cho ra hình ảnh có độ phân giải cao, hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong chẩn đoán, đánh giá các tổn thương và ung thư vú.