CHỤP CỘNG HƯỞNG TỪ (MRI) SỌ NÃO LÀ GÌ, AI CẦN CHỤP, QUY TRÌNH?

Chụp cộng hưởng từ (MRI) não là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để phát hiện các bệnh lý ở não. Chụp MRI sọ não rất an toàn, không xâm lấn và không sử dụng bức xạ. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về kỹ thuật chụp MRI não.

 
Chụp cộng hưởng từ não (MRI não)

1. Chụp cộng hưởng từ não là gì?

Chụp cộng hưởng từ não hay chụp MRI não là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không đau, không xâm lấn, cung cấp hình ảnh 3D về các cấu trúc bên trong đầu. MRI sử dụng một nam châm lớn, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra những hình ảnh chi tiết này. 

So với các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh khác như chụp CT Scan hay chụp X-quang thì chụp MRI cung cấp hình ảnh có chất lượng cao, sắc nét và chi tiết hơn. Đặc biệt MRI có độ nhạy tốt hơn khi phân biệt giữa mô bệnh và mô bình thường. 

MRI còn được sử dụng để kiểm tra hầu hết mọi bộ phận của cơ thể như: não và tủy sống, xương khớp, ngực, tim, mạch máu, cơ quan nội tạng.

2. Chụp cộng hưởng từ có thuốc tương phản từ là gì?

Thuốc tương phản từ thường dùng là gadolinium – một kim loại đất hiếm. Khi chất tương phản có trong cơ thể, nó làm thay đổi tính chất từ tính của các phân tử nước gần đó, giúp cải thiện độ nhạy và độ đặc hiệu của hình ảnh chẩn đoán.

Chất tương phản từ giúp tăng khả năng hiển thị khối u, viêm nhiễm, mạch máu, hiệu quả để chẩn đoán bệnh đa xơ cứng, đột quỵ, sa sút trí tuệ và các tình trạng nhiễm trùng não.

Chất tương phản từ an toàn. Một số người có thể gặp tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng, nhưng phản ứng nghiêm trọng là rất hiếm gặp. Tuy nhiên, gadolinium có thể gây hại cho những người bị bệnh thân hoặc chạy thận nhân tạo. 

Chất tương phản từ thường được truyền qua đường tĩnh mạch ở bàn tay hoặc cánh tay (đường truyền IV).

 
Thuốc tương phản giúp hình ảnh MRI não rõ ràng hơn

3. Vai trò của chụp cộng hưởng từ não?

MRI có vai trò quan trọng trong chẩn đoán, theo dõi và điều trị các bệnh lý liên quan đến cấu trúc trong đầu, bao gồm:

- Não

- Các mạch máu não

- Hộp sọ và xương mặt

- Cấu trúc tai trong

- Mắt, dây thần kinh thị giác

- Các dây thần kinh khác

- Các cấu trúc phần mềm quanh hộp sọ

Ngoài ra, MRI còn được sử dụng trong các kỳ kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát sức khỏe hoặc tầm soát nguy cơ đột quỵ.

Ở phụ nữ, MRI có thể được thực hiện thường xuyên để tầm soát ung thư vú hoặc theo dõi điều trị ung thư vú. Mặc dù chụp nhũ ảnh (chụp X-quang tuyến vú) cũng là một xét nghiệm chính xác và có chi phí rẻ hơn để tầm soát ung thư vú, nhưng về tính an toàn để có thể chụp thường xuyên thì MRI có ưu điểm hơn.

4. Khi nào cần chụp cộng hưởng từ não?

Bác sĩ có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ vì nhiều lý do khác nhau, bao gồm chẩn đoán các tình trạng thần kinh mới hoặc theo dõi các tình trạng hiện có.

Một số tình trạng mà MRI não có thể giúp chẩn đoán và theo dõi bao gồm:

- Cục máu đông trong não

- Chứng phình động mạch não

- Xuất huyết não

- Viêm não

- Tổn thương não liên quan đến chứng động kinh

- Khối u não (ung thư hoặc u lành tính)

- Bệnh thần kinh mạn tính, ví dụ như bệnh đa xơ cứng

- Chứng sa sút trí tuệ

- Não úng thủy

- Viêm tủy xương

- Rối loạn nội tiết, ví dụ: bệnh to cực, hội chứng Cushing

- Đột quỵ

- Các vấn đề về cấu trúc, ví dụ: dị tật Chiari và dị tật phát triển vỏ não.

- Chấn thương sọ não (TBI)

 
Chụp cộng hưởng từ não tầm soát đột quỵ

Bác sĩ có thể yêu cầu chụp MRI nếu bạn có các triệu chứng:

- Đau đầu kinh niên

- Co giật

- Thường xuyên chóng mặt và chóng mặt nghiêm trọng

- Mất thính lực không rõ nguyên nhân

- Các vấn đề về thị lực không rõ nguyên nhân

- Mất cân bằng nội tiết liên quan đến vùng dưới đồi hoặc tuyến yên

- Những thay đổi đáng kể trong suy nghĩ và hành vi

5. Quy trình chụp MRI não

Quy trình chụp cộng hưởng từ não diễn ra như sau:

a. Trước khi chụp MRI não

Bạn cần thay áo choàng của phòng khám, tháo tất cả các dụng cụ, thiết bị và trang sức trên người trước khi vào phòng chụp MRI. Bao gồm nhưng không giới hạn:

- Bút, dao, kính mắt

- Đồ trang sức, đồng hồ

- Thẻ tín dụng

- Máy trợ thính

- Ghim, kẹp tóc

- Khóa kéo kim loại

- Xỏ khuyên trên cơ thể

Thông báo cho bác sĩ nếu bạn có:

- Van tim nhân tạo

- Máy khử rung tim hoặc máy tạo nhịp tim

- Thiết bị điện tử đặt trong cơ thể: máy trợ thính, máy bơm thuốc…

- Các kẹp, vật kim loại nội sọ

- Vật kim loại trong hốc mắt

- Khớp nhân tạo 

- Nẹp xương, đinh nội tủy

- Răng giả 

- Stent mạch máu, coils (vòng xoắn kim loại)

- Mảnh kim khí trong người (mảnh kim loại, mảnh bom, đạn)

- Bệnh thận hoặc đang chạy thận nhân tạo

MRI là một cỗ máy nam châm mạnh, việc đem vật kim loại vào phòng MRI có thể gây nguy hiểm. Từ trường mạnh có thể ảnh hưởng đến hoạt động của máy tạo nhịp tim hoặc các thiết bị cấy ghép khác. 

Nếu bạn đang có vấn đề về thận, chạy thận nhân tạo thì khả năng cao bạn sẽ không thể sử dụng thuốc tương phản từ. Vì thuốc tương phản chủ yếu cần được loại bỏ khỏi cơ thể qua thận.

Ngoài ra, cần thông báo cho bác sĩ nếu bạn có tiền sử phản ứng với thuốc tương phản từ và có hội chứng sợ không gian hẹp.

 
Máy chụp MRI tạo ra từ trường mạnh

b. Trong khi chụp MRI não

Nếu chụp MRI não có dùng thuốc tương phản từ, nhân viên y tế sẽ tiêm thuốc vào tĩnh mạch bàn tay hoặc cánh tay trước khi bắt đầu chụp MRI.

Bạn sẽ nằm trên bàn chụp, trượt vào đường hầm máy MRI. Chụp MRI, kể cả MRI não không gây bất kỳ đau đớn nào. Nhưng máy chụp MRI là một không gian hẹp có thể khiến những người có chứng sợ không gian hẹp bị hoảng sợ và lo lắng. Máy MRI phát ra tiếng ồn khá lớn vì vậy cần sử dụng bịt tai.

Bạn cần nằm yên trong quá trình chụp MRI não, vì nếu cựa quậy, di chuyển sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Máy MRI khá nhạy với các cử động.

Kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh sẽ theo dõi bạn từ phía ngoài phòng. Quá trình chụp MRI có thể kéo dài 30-60 phút hoặc lâu hơn tùy trường hợp cụ thể. 

c. Sau khi chụp MRI não

Sau khi chụp MRI, bạn có thể hoạt động ngay lập tức mà không cần nghỉ ngơi hay cần thời gian phục hồi.

Bạn cần chờ một khoảng thời gian ngắn để nhận kết quả chụp MRI của mình.

6. Câu hỏi thường gặp về chụp cộng hưởng từ não

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về chụp MRI não:

a. Chụp MRI có rủi ro nào không?

MRI không sử dụng bức xạ và hầu như không gây rủi ro cho bệnh nhân khi tuân thủ các nguyên tắc an toàn. Các tác dụng phụ do từ trường và sóng vô tuyến chưa từng được báo cáo. 

Phản ứng với thuốc tương phản từ cũng hiếm khi xảy ra. Quan trọng là cần báo cho bác sĩ nếu bạn có tiền sử phản ứng hoặc bạn có các vấn đề về thận đang chạy thận nhân tạo. Nếu bạn có phản ứng dị ứng, bác sĩ sẽ có mặt để hỗ trợ ngay lập tức.

b. Trẻ em có thể chụp cộng hưởng từ não không?

Trẻ em có thể chụp MRI não nhằm phát hiện các tình trạng như: chảy máu, phù nề, sự phát triển bất thường của não, khối u não, tình trạng viêm, nhiễm trùng não, tổn thương do chấn thương hoặc các vấn đề về mạch máu não.

MRI không xâm lấn, không đau và cũng không sử dụng tia bức xạ, vì vậy đây là một xét nghiệm an toàn cho trẻ em. 

Đối với các trẻ còn quá nhỏ thì việc chụp có thể khó khăn hơn do trẻ không hợp tác. Cha mẹ cần trò chuyện, giải thích rõ cho trẻ để trẻ có thể bình tĩnh nằm yên trong suốt quá trình chụp kéo dài. 

c. Phụ nữ mang thai có thể chụp MRI não không?

MRI không sử dụng bức xạ, và vì vậy nó an toàn cho thai kỳ. Kể từ khi MRI được đưa vào sử dụng từ những năm 1980 đến nay vẫn chưa có báo cáo nào về ảnh hưởng xấu của MRI đối với phụ nữ mang thai hoặc thai kỳ.

Tuy nhiên, phụ nữ chỉ nên chụp MRI sau 3 tháng đầu thai kỳ trừ khi lợi ích của việc chụp MRI vượt xa các rủi ro tiềm ẩn. Và việc chụp hay không sẽ phụ thuộc vào lý do tại sao bạn cần phải chụp. 

Ngoài ra, phụ nữ mang thai và đang cho con bú không nên tiêm thuốc tương phản trừ khi thực sự cần thiết.

 
Chụp MRI an toàn và không gây đau

d. Chụp MRI não có đắt không?

So sánh với các phương pháp khác như siêu âm, chụp X-quang hay CT Scan thì MRI có chi phí cao hơn. Trên thực tế, không có một phương pháp chẩn đoán hình ảnh nào có thể áp dụng cho tất cả các tình trạng bệnh lý và bệnh nhân. 

Trong các trường hợp cụ thể, các phương pháp khác không thể nào thay thế được cho MRI và vì vậy chụp MRI là cần thiết cho chẩn đoán và điều trị.

Ngoài ra, vì tính an toàn của MRI, nó sẽ được ưu tiên hơn trong các trường hợp cần chụp liên tục để hạn chế tối đa các ảnh hưởng của bức xạ như trong CT hay chụp X-quang.

e. Cảm giác khi chụp MRI như thế nào?

Bạn có thể thấy sợ hãi và lo lắng nếu bạn có hội chứng sợ không gian hẹp. 

Bạn sẽ nghe thấy tiếng ồn ù ù khá lớn, đó là lý do bạn cần thiết bị bịt tai. 

Bạn có thể thấy khó chịu khi phải nằm bất động trong thời gian dài.

Nhưng nhìn chung, quá trình chụp MRI diễn ra khá nhẹ nhàng, không khó chịu gì cả.

f. Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 có chụp MRI não không?

Phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1 là một trong những cơ sở y tế có chụp MRI não. Phòng khám sử dụng máy MRI Tesla 1.8 giúp chẩn đoán hiệu quả các tình trạng bệnh lý não – sọ não.