BƯỚU GIÁP NHÂN: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ

Trường hợp mô tuyến giáp phát triển bất thường hình thành nên một hoặc nhiều nốt, gọi là bướu giáp nhân. Một trong các nhân tuyến giáp này có thể phát triển thành tổ chức tế bào ung thư, tuy nhiên tỷ lệ này tương đối thấp. Và tỷ lệ ác tính ở những người có bướu giáp đơn nhân thường cao hơn những người có bướu giáp đa nhân.

 
Bướu giáp nhân là sự phát triển bất thường của tế bào tuyến giáp

1. Bướu giáp nhân là gì?

Nhân tuyến giáp hay còn gọi là bướu giáp nhân là sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến giáp, hình thành nên một hoặc nhiều nốt.

Tuyến giáp là một phần của hệ thống các tuyến nội tiết, được tạo nên từ các tuyến tiết ra nhiều loại hormone khác nhau và hòa lẫn vào máu. Tuyến giáp có hình con bướm nằm ở phía trước cổ, ngay dưới sụn giáp. Tuyến giáp bao gồm thùy trái và thùy phải liên kết với nhau qua eo giáp, có chức năng sản xuất hormone tuyến giáp. Hormone tuyến giáp có chức năng kiểm soát quá trình trao đổi chất của cơ thể, chức năng tiêu hóa, tim mạch…

2. Nguyên nhân hình thành bướu giáp nhân 

Nhân tuyến giáp là sự phát triển quá mức của các tế bào tuyến giáp, có thể có một nhân gọi là bướu giáp đơn nhân hoặc nhiều nhân gọi là bướu giáp đa nhân. Khoảng 5% trong bướu giáp nhân có thể chuyển thành ung thư. 

Tỷ lệ bướu giáp nhân có thể gặp thường xuyên hơn ở những người có tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp hoặc những người thiếu iod nên không đủ lượng iod cần thiết để tạo ra hormone tuyến giáp.

3. Có những loại bướu giáp nhân nào?

Có nhiều loại nhân tuyến giáp là:

- Nhân keo: Đây là sự phát triển quá mức của các mô tuyến giáp bình thường, nhưng tăng trưởng này là lành tính (không phải ung thư), chúng có thể phát triển lớn hơn, nhưng không phát triển xâm lấn ra ngoài bao tuyến giáp.

- U nang tuyến giáp: Đây là tổ chức nang, trong đó có chứa dịch hoặc dịch lẫn tổ chức đặc của tuyến giáp.

- Các nốt viêm: Những nốt này phát triển là kết quả của viêm mạn tính lâu dài, có thể gây đau hoặc không.

- Bướu cổ đa nhân: Đôi khi tuyến giáp phát triển tạo thành nhiều nốt, tuy nhiên những trường hợp này phần lớn là lành tính.

- Cường giáp: Tuyến giáp phát triển bất thường dẫn đến sản xuất hormone nhiều hơn bình thường mà không quan tâm đến các cơ chế kiểm soát bình thường của cơ thể. Tình trạng này gây ra bệnh lý gọi là cường giáp. Bệnh cường giáp có thể ảnh hưởng đến tim làm tim đập nhanh, hoặc ngừng tim đột ngột, cao huyết áp, loãng xương,… và các vấn đề về sức khỏe khác.

- Ung thư tuyến giáp: Gặp khoảng 5% tỷ lệ bướu giáp nhân.

4. Làm thế nào người bệnh biết bị mắc bướu giáp nhân?

Hầu hết các nốt tuyến giáp không có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, nếu bạn có một vài nốt, hoặc nốt lớn, bạn có thể nhìn thấy chúng. Mặc dù hiếm gặp, tuy nhiên vẫn có thể sờ thấy nhân tuyến giáp khi khám tuyến giáp.

 
Đôi khi có thể sờ thấy nhân tuyến giáp khi tự khám 

Các triệu chứng của bướu giáp nhân là: 

- Khó nuốt hoặc khó thở

- Khàn giọng hoặc thay đổi giọng nói

- Đau cổ

- Tuyến giáp lớn

Các nốt quá sản tuyến giáp có thể dẫn đến sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp, còn được gọi là cường giáp gây nên các triệu chứng sau:

- Khó chịu/ hồi hộp

- Yếu cơ/ run cơ

- Mất kinh nguyệt hoặc số lượng ít

- Giảm cân

- Khó ngủ

- Tuyến giáp lớn

- Giảm hoặc mất thị lực

- Ăn nhiều hoặc giảm cảm giác thèm ăn

- Khó thở

- Da ngứa

- Tóc mỏng thưa

- Da đỏ hồng vùng mặt, cổ ngực

- Đánh trống ngực (nhịp tim nhanh, không đều)

Các nhân tuyến giáp cũng có thể làm cho nồng độ hormone giảm sút gây suy giáp, triệu chứng điển hình của suy giáp là:

- Cảm giác mệt mỏi

- Kinh nguyệt kéo dài

- Hay quên

- Tăng cân

- Da khô, thô, tóc mỏng – dễ rụng tóc

- Giọng khàn

- Không chịu được lạnh

- Táo bón

- Phù

5. Các yếu tố nguy cơ của bướu giáp nhân

Bất kỳ ai cũng có thể bị bướu giáp nhân, nhưng một số đối tượng sẽ có nguy cơ cao hơn những người khác, bao gồm:

- Tiền sử gia đình: Có anh chị em hoặc cha mẹ đã từng bị nhân tuyến giáp hoặc các ung thư tuyến nội tiết khác làm tăng cơ hội phát triển các nốt.

- Tuổi: Nguy cơ mắc bướu giáp nhân tăng lên khi tuổi càng cao.

- Giới tính: Tỷ lệ mắc bướu giáp nhân ở nữ giới cao hơn nam giới.

- Phơi nhiễm phóng xạ: Tiền sử mặc hoặc phơi nhiễm các chất phóng xạ làm tăng nguy cơ mắc bướu giáp nhân: chụp CT, X-quang, phóng xạ…

6. Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp

Bướu giáp nhân có khả năng phát triển thành ung thư cao hơn trong các trường hợp:

- Tiền sử gia đình bị ung thư tuyến giáp.

- Bướu giáp đơn nhân.

- Các nhân tuyến giáp cứng chắc, xâm lấn các cấu trúc lân cận.

- Nam giới mắc bướu giáp nhân thì tỷ lệ ung thư giáp cao hơn ở nữ giới.

- Tuổi dưới 20 hoặc trên 70.

- Tiếp xúc với các chất phóng xạ.

 
Siêu âm chẩn đoán bướu giáp nhân

7. Cách chấn đoán bướu giáp nhân?

Có thể phát hiện các nhân tuyến giáp trong khi khám tuyến giáp hoặc vô tình sờ thấy. Tuy nhiên bác sĩ cần cho bạn làm các xét nghiệm sau: 

- Xét nghiệm đánh giá nồng độ hormone tuyến giáp. Nồng độ hormone có thể thay đổi hoặc không khi bị bướu giáp nhân. Tuy nhiên khi nồng độ hormone thay đổi cũng không khẳng định được bạn có đang bị ung thư tuyến giáp hay không. Do đó bạn cần làm thêm các xét nghiệm khác.

- Siêu âm tuyến giáp. Phương pháp này đánh giá được kích thước các nhân, số lượng nhân, vị trí các nhân tuyến giáp. Ngoài ra nó giúp đánh giá bản chất, mật độ của nhân tuyến giáp là đặc hay lỏng. Siêu âm còn giúp định vị tuyến giáp để thực hiện sinh thiết tuyến giáp kiểm tra.

- Sinh thiết tuyến giáp bằng kim (FNA). Bác sĩ sẽ lấy kim nhỏ chọc vào tuyến giáp dưới hướng dẫn của siêu âm để lấy ra một tổ chức tế bào, sau đó các mẫu này sẽ được soi dưới kính hiển vi. Xét nghiệm này có thể cho biết chính xác bản chất của nhân tuyến giáp là lành tính hay ác tính. Tuy nhiên một số trường hợp không có kết quả hoặc nghi ngờ thì có thể cần phải làm lại lần 2.

- Chụp tuyến giáp bằng iod phóng xạ: Bệnh nhân được cho uống một lượng nhỏ iod phóng xạ, sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra xem lượng iod phóng xạ có được hấp thụ vào mô tuyến giáp hay không. Điều này giúp xác định các mô tuyến giáp có hoạt động bình thường hay không.

8. Điều trị bướu giáp nhân như thế nào?

Việc điều trị bướu giáp nhân sẽ phụ thuộc vào tình trạng của tuyến giáp.

Có thể không điều trị mà theo dõi khám định kỳ trong trường hợp nhân tuyến giáp không lớn, nồng độ hormone không thay đổi, không phải ung thư tuyến giáp.

Điều trị bằng iod phóng xạ: Các bác sĩ sử dụng iod phóng xạ để điều trị các nhân tuyến giáp và cường giáp. Iod phóng xạ được hấp thu vào tuyến giáp và làm cho các nhân tuyến giáp nhỏ lại. Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên sử dụng phương pháp này.

Phẫu thuật: Loại bỏ các nhân tuyến giáp bằng phẫu thuật là cách điều trị tốt nhất, đặc biệt là trong ung thư tuyến giáp hoặc tuyến giáp lớn gây chèn ép làm khó thở - khó nuốt. Trong một số trường hợp bác sĩ khám lâm sàng nghi ngờ ung thư giáp nhưng các xét nghiệm không cho kết quả chính xác, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để làm xét nghiệm mô bệnh học cho kết quả chẩn đoán chính xác hơn.