Viêm loét đại trực tràng thường xảy ra ở người trẻ, nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng. Nhưng tiền sử gia đình và di truyền dường như là một yếu tố nguy cơ của bệnh. Không có cách phòng ngừa bệnh viêm loét đại trực tràng hoàn toàn nhưng một lối sống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và giảm nhẹ các triệu chứng
Viêm loét đại tràng có di truyền không?
1. Viêm loét đại trực tràng là bệnh gì?
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là tình trạng viêm và loét mạn tính ở niêm mạc và dưới niêm mạc đại trực tràng, kèm theo rối loạn chức năng đại tràng. Bệnh tái phát nhiều lần, đặc trưng bởi các đợt diễn tiến giảm và tái phát.
Cần phân biệt viêm loét đại trực tràng chảy máu với một số bệnh đại tràng khác như: hội chứng ruột kích thích (IBS), lao ruột, bệnh Crohn, ung thư đại tràng, viêm đại tràng cấp do vi khuẩn.
Bệnh viêm loét đại tràng gây đau đớn và bất tiện cho cuộc sống của người bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Và nguy cơ tử vong thường đến từ các biến chứng này.
Các biến chứng có thể xảy ra do viêm loét đại trực tràng chảy máu là:
- Chảy máu nặng, thiếu máu.
- Thủng đại tràng.
- Mất nước nặng.
- Sốc do nhiễm độc.
- Viêm da, khớp, mắt, niêm mạc miệng.
- Huyết khối động tĩnh mạch.
- Phình đại tràng nhiễm độc.
- Ung thư biểu mô đại tràng.
-Bệnh gan (hiếm gặp).
Các biến chứng này sẽ nghiêm trọng hơn nếu tình trạng viêm loét đại trực tràng không được điều trị đúng cách.
2. Bệnh viêm loét đại trực tràng có di truyền không?
Nguyên nhân chính xác của bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu vẫn chưa rõ. Nhưng các yếu tố di truyền, miễn dịch và môi trường được xem là nguyên nhân.
Trong đó các nghiên cứu phát hiện ra rằng hơn 1 trong 4 người bị viêm loét đại tràng có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Và khoảng 20% bệnh nhân có người trong gia đình bị bệnh viêm ruột mạn tính. Nguy cơ cao hơn ở những người có quan hệ gần như cha, mẹ, anh chị em ruột.
Trong một nghiên cứu ở Nhật, các tác giả nhận thấy những người có gen HLA-DRB1*1502 (DR2) có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người có gen DR4. Ngoài ra, viêm loét đại tràng còn liên quan đến gen tham gia biệt hóa tế bào T helper loại 1 và 17 như IL10, IL7R, IL23R.
Ngoài ra, tỷ lệ mắc viêm loét đại trực tràng cao hơn hoặc thấp hơn rất nhiều ở một số nhóm dân tộc nhất định. Điều này cũng phần nào khẳng định được sự ảnh hưởng của yếu tố di truyền đối với bệnh viêm loét đại trực tràng.
3. Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khác của bệnh viêm loét đại tràng
a. Yếu tố miễn dịch
Tình trạng tự miễn (hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh) được cho là có liên quan đến bệnh viêm loét đại tràng.
Thông thường, hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng bằng cách giải phóng các tế bào bạch cầu vào máu để tiêu diệt nguyên nhân gây nhiễm trùng. Trong bệnh viêm loét đại tràng, các tế bào bạch cầu lại tấn công niêm mạc đại tràng dẫn đến tình trạng viêm và loét.
Có hai tự kháng thể liên quan thường gặp là pANCA (perinuclear antineutrophil cytoplasmic antibodies) và ASCA (anti – Sacharomyces cerevisiae antibodies). pANCA dương tính ở 40% bệnh nhân Crohn và 80% bệnh nhân viêm loét đại trực tràng.
b. Yếu tố môi trường
Môi trường là một yếu tố có thể làm khởi phát bệnh viêm loét đại trực tràng. Những người di cư đến các nước phát triển có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Một nghiên cứu ở cộng đồng người Do Thái cho thấy tỷ lệ người Do Thái mắc bệnh viêm loét đại trực tràng ở từng nước là khác nhau.
Ngoài ra, các yếu tố khác có thể ảnh hưởng tới tần suất và những đợt tiến triển bệnh là: chế độ ăn, thuốc lá, thuốc men. Những phụ nữ dùng thuốc tránh thai có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2.5 lần so với những phụ nữ không dùng thuốc tránh thai.
c. Yếu tố nhiễm khuẩn
Nhiễm khuẩn có thể liên quan đến sự khởi phát hay đợt tái phát của bệnh. Bệnh tái phát thường liên quan đến nhiễm trùng đường ruột, gồm Clostridium difficile, E. Coli và Salmonella, Shigella, Campylobacter.
d. Yếu tố tuổi tác
Viêm loét đại tràng có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Bệnh thường khởi phát ở người trẻ dưới 30 tuổi, nhưng ít khi xảy ra ở trẻ nhỏ. Một số người có thể bị ở tuổi trên 60.
e. Yếu tố tâm sinh lý
Căng thẳng về thể lực và stress tinh thần không gây ra bệnh, nhưng là những yếu tố góp phần làm bùng phát các triệu chứng.
4. Triệu chứng của bệnh viêm loét đại tràng
Nội soi đại tràng chẩn đoán bệnh viêm loét đại trực tràng
Các triệu chứng của viêm loét đại tràng khởi phát, nhẹ dần rồi biến mất, sau đó tái phát lại. Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng phụ thuộc vào độ nặng của bệnh và vị trí tổn thương.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm loét đại tràng là:
- Tiêu chảy kèm theo máu, nhầy mủ.
- Tiêu chảy mạn tính khó điều trị.
- Đau bụng dữ dội, đau quặn bụng.
- Đau hố chậu trái.
- Mắc đi tiêu nhưng không đi được.
- Sụt cân.
- Mệt mỏi.
- Sốt.
Khi có các triệu chứng của viêm loét đại tràng, bạn nên đi khám để được chẩn đoán xem liệu mình đang bị viêm loét đại tràng hay một bệnh đường ruột nào khác không.
Mặc dù điều trị nội khoa không thể chữa khỏi hoàn toàn viêm loét đại trực tràng nhưng việc điều trị có thể giúp giảm triệu chứng và kiểm soát bệnh, làm bệnh ít bùng phát hơn. Đối với những người bị viêm loét đại trực tràng nặng thì phẫu thuật là một lựa chọn giúp điều trị các triệu chứng.
5. Cách phòng ngừa bệnh viêm loét đại trực tràng
Nguyên nhân gây bệnh viêm loét đại trực tràng chưa được hiểu rõ, chính vì vậy không có biện pháp nào để loại bỏ hoàn toàn nguy cơ mắc bệnh. Nhưng một chế độ ăn uống tốt cho hệ tiêu hóa kết hợp với uống đủ nước, thường xuyên vận động, giảm căng thẳng, không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Ngoài ra, bạn nên khám sức định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị sớm, hạn chế các biến chứng của bệnh. Trong đó, nội soi đại tràng là phương pháp hiệu quả nhất để tầm soát các bệnh lý đại trực tràng, bao gồm viêm loét đại trực tràng và ung thư đại trực tràng.