Bệnh Alzheimer (AD) là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, xảy ra chủ yếu ở những người trên 65 tuổi. Ngoài yếu tố di truyền, một số yếu tố khác như tuổi tác, chấn thương đầu, huyết áp cao và bệnh lý tim mạch, ít vận động trí não và thể chất có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Alzheimer gây suy giảm trí nhớ ở người già
1. Bệnh Alzheimer có phải do di truyền không?
Tiền sử gia đình không khẳng định một người có thể phát triển bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, những người có cha mẹ, anh chị em bị Alzheimer sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn một chút. Nguy cơ sẽ tăng lên nhiều nếu gia đình có hơn một người bị Alzheimer. Các nhà nghiên cứu cho rằng di truyền, các yếu tố lối sống, môi trường hoặc sự kết hợp của các yếu tố này với nhau đóng một vai trò nào đó trong việc phát triển căn bệnh này.
Các nhà khoa học phát hiện ra một số kiểu gen nhất định có thể liên quan đến bệnh Alzheimer. Trong đó, gen APOE-e4 (apolipoprotein E - epsilon 4) là gen đầu tiên được phát hiện làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và là gen nguy cơ có tác động lớn nhất. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng có khoảng 40-65% những người bị Alzheimer mang loại gen này.
APOE-e4 có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện triệu chứng Alzheimer ở độ tuổi trẻ hơn. Tuy nhiên không phải ai mang gen APOE-e4 cũng bị Alzheimer, chỉ có một số ít những người mang gen này bị Alzheimer.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học đã tìm được ra 3 gen xác định của bệnh Alzheimer (gen gây ra bệnh chứ không làm tăng nguy cơ phát triển bệnh). Những gen này chỉ gây ra 1% hoặc ít hơn các trường hợp mắc Alzheimer, thường là dạng khởi phát sớm ở tuổi từ 40 đến dưới 60. Ba đột biến trên gen hiếm gặp đó là:
- Gen protein tiền thân amyloid (APP) trên nhiễm sắc thể 21
- Gen presenilin-1 (PS-1) trên nhiễm sắc thể số 14
- Gen presenilin-2 (PS-2) trên nhiễm sắc thể số 1
Những người được xác định mang một trong ba loại gen này ở độ tuổi sớm như 30, 40 hoặc 50 có thể tìm cách để hạn chế nguy cơ bị Alzheimer, đặc biệt là nếu gia đình có tiền sử bị Alzheimer.
2. Các yếu tố nguy cơ khác của Alzheimer là gì?
Hiện nay vẫn chưa thể khẳng định nguyên nhân nào gây ra bệnh Alzheimer. Ngoài yếu tố di truyền, một số yếu tố khác như tuổi tác, bệnh lý và lối sống được xác định có thể làm tăng khả năng mắc căn bệnh này.
a. Tuổi tác
Alzheimer không phải là một biểu hiện bình thường của tuổi già
Alzheimer không phải là một biểu hiện bình thường của quá trình lão hóa. Mặc dù không phải ai già đi cũng bị Alzheimer, nhưng tình trạng này xảy ra chủ yếu ở những người trên 65 tuổi.Theo thống kê của Hiệp hội Alzheimer Hoa Kỳ, tỷ lệ người trên 65 tuổi bị Alzheimer là 11% và tỷ lệ người trên 85 tuổi bị Alzheimer là 33%. Tỷ lệ này ngày càng cao khi tình trạng già hóa dân số đang gia tăng.
b. Chấn thương đầu
Những người từng bị chấn thương sọ não nghiêm trọng, đặc biệt là chấn thương liên quan đến mất ý thức hoặc chấn thương nhiều lần, có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn.
Cần có các biện pháp bảo vệ não như đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hay mũ bảo hộ lao động, dùng các biện pháp “chống rơi” khi tham gia các môn thể thao hoặc làm việc ở trên cao.
c. Suy giảm nhận thức nhẹ
Suy giảm nhận thức nhẹ không phải lúc nào cũng gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của một người; nhưng nó có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, kỹ năng tư duy và đưa ra quyết định, nhận thức thị giác và thính giác.
Hiện nay vẫn chưa hiểu rõ vì sao một số người bị suy giảm nhận thức nhẹ lại tiến triển thành bệnh Alzheimer, nhưng ở những đối tượng này có sự hiện diện của một số protein não như beta amyloid, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
d. Sức khỏe tim mạch và lối sống
Sức khỏe tim mạch có liên quan mật thiết đến sức khỏe não bộ. Đặc biệt là những người lớn tuổi bị tổn thương tim và mạch máu có nguy cơ bị Alzheimer và các loại sa sút trí tuệ khác.
Nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer dường như tăng lên do lối sống và bệnh lý gây tổn thương tim mạch, bao gồm bệnh tim, tiểu đường, đột quỵ, huyết áp cao và rối loạn mỡ máu.
Nhiều nghiên cứu đã xác định hút thuốc, ít vận động, mất ngủ, tăng cân và huyết áp cao là những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer. Những người đang hút thuốc sẽ có nhiều khả năng phát triển bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác so với những người chưa bao giờ hút thuốc hoặc đã bỏ thuốc trước đó. Những đối tượng trong độ tuổi trung niên bị huyết áp cao có nguy cơ bị Alzheimer. Thừa cân làm tăng nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer và nguy cơ tăng hơn nữa nếu chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30.
e. Sự lão hóa
Hoạt động trí não giúp hạn chế nguy cơ bị Alzheimer
Các chiến lược để lão hóa khỏe mạnh có thể giúp giữ não bộ khỏe mạnh và thậm chí có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer và các chứng sa sút trí tuệ khác. Các biện pháp bao gồm có chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động xã hội, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tập thể dục và giữ tinh thần thoải mái.
Ngoài ra, hoạt động trí não rất cần thiết trong cả cuộc đời. Những hoạt động này khiến não bộ thường xuyên thực hiện các chức năng nhận thức, giúp tăng cường trí nhớ và sức khỏe não bộ. Ví dụ như các hoạt động học tập, chơi nhạc cụ, chơi trò chơi, giải câu đó, đọc sách và tương tác xã hội thường xuyên.
Một số yếu tố nguy cơ của bệnh Alzheimer không thể kiểm soát được như di truyền, tiền sử gia đình hay tuổi tác. Nhưng những yếu tố khác như lối sống, bệnh lý tim mạch và thiếu hoạt động trí não có thể phòng ngừa và kiểm soát ngay khi còn trẻ để hạn chế nguy cơ bị Alzheimer khi về già.
----
Tham khảo:
https://www.alz.org/alzheimers-dementia/what-is-alzheimers/causes-and-risk-factors/genetics
https://www.alz.org/alzheimers-dementia/what-is-alzheimers/causes-and-risk-factors