BAO LÂU NÊN TẦM SOÁT NGUY CƠ ĐỘT QUỴ

 

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật và tử vong. Quá trình phục hồi sau cơn đột quỵ cần rất nhiều thời gian và không thể đoán trước được. Việc tầm soát nguy cơ đột quỵ là cần thiết để lập ra một kế hoạch nhằm kiểm soát và phòng tránh các cơn đột quỵ có thể xảy ra. Vậy khi nào và bao lâu bạn nên tầm soát nguy cơ đột quỵ?

 
Tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ rất cần thiết

1. Tại sao tầm soát nguy cơ đột quỵ lại quan trọng

Đột quỵ là một tình trạng cấp cứu khẩn cấp, xảy ra khi máu mang oxy không thể đến não do cục máu đông, mảng xơ vữa làm nghẽn mạch máu hoặc mạch máu bị vỡ. Tế bào não bị thiếu oxy và bắt đầu chết đi, có thể gây ra rối loạn chức năng thần kinh về kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức, vận động và giác quan. Nếu không được cấp cứu kịp thời, đột quỵ có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm tàn tật vĩnh viễn và tử vong. 

Đột quỵ được phân thành hai loại chính là đột quỵ thiếu máu và đột quỵ xuất huyết.

Đột quỵ thiếu máu cục bộ là tình trạng giảm lưu lượng máu cung cấp cho một phần não, dẫn đến rối loạn chức năng phần mô não do mạch máu đó nuôi dưỡng. Có bốn nguyên nhân có thể dẫn đến đột quỵ thiếu máu cục bộ là:

- Huyết khối (là tình trạng tắc nghẽn mạch máu do cục máu đông hình thành tại mạch máu đó): xảy ra do xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, hút thuốc lá, đái tháo đường.

- Thuyên tắc mạch (là tình trạng tắc nghẽn do huyết khối từ nơi khác trong cơ thể đến): xảy ra do bệnh lý từ tim, viêm nhiễm, ung thư.

- Giảm tưới máu toàn thân (ví dụ như tình trạng sốc giảm thể tích máu).

- Huyết khối xoang tĩnh mạch não: xảy ra do dị dạng mạch máu hoặc thuốc ngừa thai.

Ngoài ra, cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) tương tự như cơn đột quỵ thiếu máu, xảy ra và hồi phục trong vòng 24 giờ.

Đột quỵ xuất huyết là tình trạng mạch máu não bị vỡ hoặc cấu trúc mạch máu bất thường. Có hai loại đột quỵ xuất huyết chính là xuất huyết não (do tăng huyết áp, thoái hóa dạng bột hoặc rối loạn đông máu) và xuất huyết khoang dưới nhện (do tăng huyết áp hoặc dị dạng mạch máu não).

Theo số liệu từ Bộ Y tế, mỗi năm nước ta có hơn 200.000 ca đột quỵ mới, 30-50% trong số đó tử vong. Vì vậy, việc tầm soát định kỳ là rất quan trọng để bạn hiểu về các yếu tố nguy cơ của đột quỵ và có biện pháp kiểm soát trước khi chúng gây ra một cơn đột quỵ thật sự.

2. Khi nào bạn nên đi tầm soát nguy cơ đột quỵ?

Bạn nên đi tầm soát nguy cơ đột quỵ định kỳ nếu bạn có các yếu tố nguy cơ dưới đây:

a. Bạn bị cao huyết áp

Huyết áp là lực tác động của máu lên thành mạch máu. Huyết áp cao còn gọi là tăng huyết áp, là tình trạng máu chảy qua các mạch máu với áp suất cao hơn bình thường.

Huyết áp bình thường dưới 130/85 mmHg. Chẩn đoán tăng huyết áp khi trị số trung bình qua ít nhất hai lần đo ≥ 140/90 mmHg.

Bệnh tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Huyết áp cao không có triệu chứng và khi có triệu chứng là đã có biến chứng. Nhiều người không hề phát hiện ra nó cho đến khi đo huyết áp tại các cơ sở khám chữa bệnh. 

Khi bạn bị cao huyết áp, áp lực máu lên thành động mạch tăng cao trong thời gian dài có thể gây tổn thương tim, làm hỏng thành mạch dẫn đến đột quỵ.

b. Bạn có cholesterol cao

Không chỉ huyết áp cao, mà cholesterol cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ.

Chỉ số cholesterol toàn phần trung bình trong cơ thể là 4-5 mmol/l. Nếu chỉ số cao hơn mức này, tức là bạn bị cholesterol cao hay còn gọi là mỡ máu.

Cholesterol là một thành phần quan trọng của màng tế bào, có mặt ở tất cả các mô trong cơ thể, đóng vai trò trong nhiều quá trình sinh hóa. Tuy nhiên, khi cholesterol tồn tại với mật độ cao, nó có thể gây ra sự tích tụ mảng bám trong mạch máu dẫn đến xơ vữa và gây hẹp mạch máu, đặc biệt là mạch máu não.

c. Bạn hút thuốc lá và uống nhiều rượu bia 

Thuốc lá được biết đến là nguyên nhân gây ra 90% trường hợp ung thư phổi. Nhưng thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ. Khói thuốc lá có chứa hàng trăm các hóa chất độc hại cho cơ thể. Trong đó carbon monoxide có thể gây hại cho hệ tim mạch và làm tăng huyết áp, góp phần gây ra sự tích tụ mảng bám trong động mạch. 

Rượu bia là yếu tố gây ra nhiều bệnh lý, có liên quan đến sự tích tụ của mảng bám gây hẹp động mạch, làm giảm lưu lượng máu lên não. 

Thuốc lá và rượu bia đều làm tăng khả năng hình thành các mảng xơ vữa trên mạch máu. 

d. Bạn bị bệnh tiểu đường

 

Tiểu đường là yếu tố nguy cơ của đột quỵ

Nếu bạn bị bệnh tiểu đường, bạn có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2-4 lần so với người khỏe mạnh.

Tiểu đường (còn gọi là đái tháo đường) là một rối loạn chuyển hóa glucose. Glucose trong máu ngày càng tăng sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

e. Bạn có các bệnh lý tiềm ẩn khác

Một số vấn đề sau đây cũng có thể dẫn đến đột quỵ là:

- Béo phì

- Bệnh động mạch ngoại biên (PAD)

- Hẹp động mạch cảnh

- Dị dạng mạch máu não: Phình động mạch hoặc dị dạng động tĩnh mạch  

- Rung nhĩ (AF)

- Bệnh tim, mạch vành, bệnh van tim và dị tật tim bẩm sinh 

- Bệnh hồng cầu hình liềm (SCD)

- Ngưng thở khi ngủ

- Tiền căn gia đình có người bị đột quỵ 

- Có tiền sử bị một cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA) hoặc đột quỵ

- Vấn đề tâm lý (stress, trầm cảm)

Nếu bạn không bị một trong những vấn đề trên, bạn cũng nên tầm soát đột quỵ để xác định các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ nhằm hạn chế những biến cố về mặt sức khỏe.  

3. Bao lâu bạn nên đi tầm soát nguy cơ đột quỵ?

Tầm soát đột quỵ chính là tầm soát các nguy cơ, các yếu tố dễ dẫn đến đột quỵ đã liệt kê ở trên.

Thông thường bạn sẽ được đo huyết áp; xét nghiệm máu kiểm tra công thức máu, đường huyết, mỡ máu và các dấu ấn bệnh lý; điện tim kiểm tra rung nhĩ và chức năng tim; siêu âm tim và động mạch cảnh để kiểm tra các mảng bám, tình trạng hẹp hoặc tắc nghẽn; chụp cộng hưởng từ (MRI) não và mạch máu não để kiểm tra các tổn thương nhu mô não và tình trạng mạch máu não như hẹp mạch máu não, bệnh lý mạch máu não như dị dạng mạch máu não hoặc túi phình mạch máu não. 

Nếu bạn có yếu tố nguy cơ, hãy đến cơ sở y tế đề tầm soát càng sớm càng tốt. Đặc biệt là nếu bạn từng bị các cơn thiếu máu não thoáng qua trước đó. 

Sau lần kiểm tra đầu tiên, nếu bị đột quỵ, bạn sẽ cần khám bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để được điều trị nhằm hạn chế đột quỵ tái phát. Tùy theo mức độ hẹp của động mạch não mà có các chỉ định điều trị khác nhau. Tầm soát các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ nên thực hiện mỗi năm một lần và có thể sớm hơn tùy theo từng trường hợp cụ thể. 

4. Bạn có thể phòng ngừa đột quỵ bằng cách nào?

 

Bạn cần kiểm tra huyết áp thường xuyên để phòng ngừa đột quỵ

Tầm soát chỉ là một phương pháp để kiểm tra tình trạng nguy cơ của bạn, giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời các cơn đột quỵ có thể xảy ra. Quan trọng nhất vẫn sau khi tầm soát xong, bạn cần thay đổi lối sống để giảm khả năng bị đột quỵ:

- Có chế độ ăn cân bằng: Hạn chế muối, đường và rượu bia. Tránh xa thực phẩm có chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc và chất béo lành mạnh từ các nguồn như: dầu oliu, cá béo, hạt óc chó, hạt chia… 

- Bỏ thuốc lá và cả thuốc lá điện tử: Bên cạnh việc bỏ thuốc lá, bạn nên tránh xa các nguồn khiến bạn hút thuốc lá thụ động. Nếu bạn cảm thấy quá khó trong việc bỏ thuốc, hãy liên hệ đến cơ sở y tế để nhận được trợ giúp.

- Tăng cường hoạt động thể chất: Tập thể dục ít nhất 3 đến 4 buổi/tuần với cường độ trung bình đến mạnh, kéo dài khoảng 40 phút. Tập thể dục cường độ trung bình thường được định nghĩa là đủ để đổ mồ hôi hoặc làm tăng nhịp tim một cách đáng kể (ví dụ: đi bộ nhanh, sử dụng xe đạp tập thể dục). Tập thể dục cường độ mạnh bao gồm các hoạt động như chạy bộ, bơi lội, nhảy abreobic…

- Giảm cân: Nếu bạn bị thừa cân béo phì, hãy giảm cân bằng cách tập thể dục thường xuyên và điều chỉnh lại chế độ ăn uống thích hợp. 

- Khám sức khỏe tổng quát định kỳ: Đây là cách để bạn có thể kiểm tra tình trạng sức khỏe tổng thể cũng như theo dõi các chỉ số huyết áp, cholesterol, đường huyết, men gan, chức năng thận, thành phần các tế bào máu và acid uric…

- Điều trị các bệnh lý: Một số bệnh lý như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành… cần phải theo dõi và điều trị kéo dài. Bạn cần uống thuốc, có chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp theo hướng dẫn từ bác sĩ. Kiểm soát các yếu tố này đồng nghĩa với việc bạn đang kiểm soát nguy cơ đột quỵ.

BS CKI Lâm Thuỳ Nga - Chuyên khoa Nội Thần Kinh